Vô cùng nguy hiểm nếu không xử lý hình sự

Chủ nhật - 21/06/2020 23:17
Không có trở ngại nào lớn về mặt quy định của pháp luật để các cơ quan tố tụng dây dưa trong việc xử lý hình sự hành vi xâm phạm chỗ ở của người khác

Các vụ chiếm nhà của người khác xảy ra tại quận 6 và tại TP Phan Thiết mà báo chí đã phản ánh đều có đặc điểm chung là: Chủ nhà mua nhà thông qua giao dịch hợp pháp, đã được đăng ký quyền sở hữu hợp pháp; lợi dụng chủ nhà không có mặt, những người chiếm nhà phá khóa cửa nhà, vào ở, chiếm giữ nhà và chủ nhà mất quyền chiếm hữu, sử dụng thực tế nhà của mình.

Thỏa mãn cấu thành tội phạm

Vô cùng nguy hiểm nếu không xử lý hình sự - ảnh 1
 

Hành vi của những người chiếm giữ nhà của người khác với các vụ việc nêu trên đã có đầy đủ các yếu tố cấu thành tội phạm xâm phạm chỗ ở của người khác được quy định tại Điều 158 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Bởi các lẽ như sau:

Khoản 1 Điều 158 BLHS quy định: “Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây xâm phạm chỗ ở của người khác…”.

Tại điểm c khoản 1 điều này quy định hành vi phạm tội cụ thể là: “Chiếm giữ chỗ ở hoặc cản trở trái pháp luật người đang ở hoặc người đang quản lý hợp pháp vào chỗ ở của họ”.

Cạnh đó, khoản 9 Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định về “chỗ ở” như sau: “Chỗ ở là nhà ở, phương tiện hoặc nhà khác mà công dân sử dụng để cư trú. Chỗ ở thuộc quyền sở hữu của công dân hoặc được cơ quan, tổ chức, cá nhân cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ theo quy định của pháp luật”.

Mặt khác, theo quy định tại khoản 1 Điều 12 Luật Cư trú thì “chỗ ở hợp pháp” được khái niệm như sau: “Chỗ ở hợp pháp là nhà ở, phương tiện hoặc nhà khác mà công dân sử dụng để cư trú. Chỗ ở hợp pháp có thể thuộc quyền sở hữu của công dân hoặc được cơ quan, tổ chức, cá nhân cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ theo quy định của pháp luật”.

Như vậy, những căn nhà bị chiếm trong các vụ việc nêu trên rõ ràng là chỗ ở hợp pháp của chủ nhà. Cụ thể, những căn nhà này được sử dụng cho mục đích ở chứ không dùng cho mục đích khác, đã nhận chuyển nhượng hợp pháp, đã xác lập quyền sở hữu hợp pháp.

Những người chiếm nhà có hành vi phá khóa cửa nhà, dọn vào ở, chiếm giữ nhà ngoài ý chí của chủ nhà, không được sự đồng ý của chủ nhà. Hành vi này làm cho chủ nhà mất quyền được cư trú theo ý chí của mình trong căn nhà đó, mất quyền quản lý, kiểm soát nhà. Đây rõ ràng là thỏa mãn quy định đã được mô tả cụ thể tại điểm c và điểm d khoản 1 Điều 158 BLHS, đó là hành vi chiếm giữ chỗ ở của người khác và xâm nhập trái pháp luật chỗ ở của người khác.

Vô cùng nguy hiểm nếu không xử lý hình sự - ảnh 2

Căn nhà của ông Lê Thanh Nghị tại TP Phan Thiết (Bình Thuận). Ảnh: PHƯƠNG NAM

Hiểu sai cơ bản về điều luật

Các hành vi phạm tội kể trên còn có thể xem xét theo điểm đ khoản 2 Điều 158 BLHS (có khung hình phạt 1-5 năm tù), thuộc loại tội phạm nghiêm trọng do cố ý đó là gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Do vậy, sẽ là sai lầm khi cho là những vụ việc trên không đủ yếu tố cấu thành tội xâm phạm chỗ ở của người khác vì chủ nhà chưa vào ở ngày nào.

Khách thể bị xâm hại của tội danh trên là quyền tự do cư trú hợp pháp của người khác và đối tượng bị xâm hại là chỗ ở, cụ thể trong vụ này là nhà ở. Quyền tự do cư trú của người khác thì quyền đó có thể đã được thực hiện, có thể đang được thực hiện hoặc chưa được thực hiện.

Nếu các vụ việc trên không xử lý hình sự thì sẽ tạo tiền lệ vô cùng nguy hiểm, trật tự an toàn xã hội trong thời gian tới liên quan đến việc chiếm nhà sẽ diễn biến phức tạp.

Luật sư NGUYỄN VĂN DŨ

ThS VÕ VĂN TÀIPhó Trưởng khoa Kiểm sát hình sự, Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát TP.HCM:

Đã có dấu hiệu phạm tội

Vô cùng nguy hiểm nếu không xử lý hình sự - ảnh 3
 

Hành vi của những người xâm nhập, chiếm giữ trái phép nhà của người khác đã có dấu hiệu tội xâm phạm chỗ ở của người khác. Lý do: 1. Gia đình của họ hiện không phải là người có quan hệ tranh chấp nhà, đất với chủ sở hữu nhà. 2. Gia đình của họ hiện cũng không có quan hệ tranh chấp với người bán nhà cho người chủ hiện tại. 3. Về mặt pháp lý, quyền quản lý, khai thác, sử dụng, định đoạt căn nhà đó phải thuộc về phía chủ sở hữu nhà.

Ban đầu, CQĐT Công an quận 6 khởi tố vụ án là có cơ sở và đúng đắn. Việc VKSND quận 6 đánh giá hồ sơ và nhận định hành vi của gia đình người chiếm giữ trái phép nhà chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm, để từ đó không phê chuẩn quyết định khởi tố vụ án của cơ quan công an là chưa phù hợp.

Tóm lại, cần phải khởi tố những người đã thực hiện hành vi trái pháp luật về tội xâm phạm chỗ ở của người khác theo điểm c khoản 1 Điều 158 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). 

 

Tác giả bài viết: MINH CHUNG ghi

Nguồn tin: plo.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Sinh nhật hội viên tháng 03

Chúc mừng sinh nhật

Chúc mừng sinh nhật

Hội viên mới

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây