Vụ Hồ Duy Hải: Phải tổng hợp chứng cứ

Thứ năm - 07/05/2020 22:26
Nhiều tình tiết, nhất là về hung khí gây án, được hội đồng giám đốc thẩm hỏi các điều tra viên trực tiếp điều tra vụ án.

Ngày 7-5, phiên giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải bị tuyên tử hình về hai tội giết ngườicướp tài sản xảy ra tại Bưu điện Cầu Voi tiếp tục làm việc để làm rõ các nội dung nêu trong kháng nghị của VKSND Tối cao.

Theo kháng nghị của VKSND Tối cao, mặc dù CQĐT đã kiểm tra thời gian, quãng đường từ nơi ở của Hồ Duy Hải đến bưu điện nhưng chưa giải quyết được triệt để những mâu thuẫn về việc tiêu thụ thời gian vào các hoạt động của bị cáo và thời điểm Hải xuất hiện tại bưu điện.

Hồ Duy Hải có mặt ở hiện trường?

Kháng nghị của VKS dẫn lại kết luận điều tra nêu anh Đinh Vũ Thường đến bưu điện gọi điện thoại về Cà Mau lúc 19 giờ 39 phút 22 giây, có nhìn thấy một thanh niên ngồi trong bưu điện. Nhưng cũng theo kết luận điều tra, lúc 19 giờ 13 phút 39 giây, Hải đang có mặt tại hiệu cầm đồ rồi quay về nhà bà Len…

Do vậy, Hải không thể có mặt tại Bưu điện Cầu Voi trước 19 giờ 39 phút 22 giây như đã kết luận. Kháng nghị cho rằng không có nhân chứng nào khẳng định được Hồ Duy Hải có mặt ở hiện trường vụ án.

Lý giải thêm tại phiên giám đốc thẩm, đại diện VKSND Tối cao cho rằng với hành trình đến các địa điểm trước khi gây án, Hải đi hết khoảng 26 phút nên không thể có mặt ở bưu điện như kết luận điều tra và hai bản án đã xác định.

Hội đồng Thẩm phán hỏi cơ sở nào để VKS đưa ra con số 26 phút, trong khi quãng đường chỉ có 7,5 km, theo tính toán chỉ cần 11 phút? Đại diện VKS trả lời là có nhịp thời gian, áp dụng cách tính có lợi nhất cho bị cáo.

Trình bày, điều tra viên (ĐTV) cho biết khi thực nghiệm điều tra, ĐTV, kiểm sát viên đã đi xe mô tô theo lộ trình Hồ Duy Hải trình bày. Kết quả là quãng đường 7,5 km với tốc độ 40 km/giờ đi hết 15 phút (lý thuyết khoảng 11 phút). Kết hợp với việc giao dịch cầm đồ, đổi xe, dừng xe… thì khoảng 19 giờ 30 Hải có mặt tại Bưu điện Cầu Voi là có căn cứ. ĐTV khẳng định đã tính toán hết sức chi ly, chính xác và có cơ sở khoa học vững chắc.

Ngoài ra, cơ quan điều tra còn căn cứ vào lời khai của nhân chứng Thường, nhân chứng gián tiếp là chị Ngân bán trái cây ở cạnh bưu điện. Cụ thể, anh Thường khai nhìn thấy một nam thanh niên ngồi ghế salon tại bưu điện trò chuyện với Hồng (một trong hai nạn nhân), tóc rẽ ngôi, mặc áo xanh hoặc đen có sọc trắng…

Dù anh Thường không biết đó là ai nhưng lời khai và mô tả của người nhà thì Hải đúng như thanh niên anh Thường đã thấy. Chị Ngân cũng khai hôm đó đã bán cho chị Vân (một trong hai nạn nhân) nhiều loại trái cây. Chị Vân có nói là có khách và khách đưa tiền đi mua… Sau này, Hải cũng khai khớp như vậy.

Đại diện VKSND Tối cao vẫn bảo lưu quan điểm tất cả đều là những chứng cứ gián tiếp, chưa đủ cơ sở khẳng định người thanh niên đó là Hải.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho rằng việc xác định hung thủ không chỉ chứng minh bằng thời gian, mà theo cơ quan điều tra giải trình, còn bằng những chứng cứ khác. “Chúng ta phải tổng hợp chứng cứ thì mới chứng minh được vấn đề này” - Chánh án nói và nhận định tổng hợp những tình tiết rời rạc thì việc xác định thanh niên đó là Hải “rất phù hợp với thực tế khách quan”.

Vụ Hồ Duy Hải: Phải tổng hợp chứng cứ - ảnh 1
Mẹ, em gái và dì của bị án Hồ Duy Hải (từ trái qua) hồi hộp chờ đợi phía ngoài phiên tòa. Ảnh: TP

Điều tra viên lý giải việc mua dao, thớt ở chợ

Vấn đề khác là cơ sở để VKSND Tối cao kháng nghị giám đốc vụ án là con dao và thớt mà cơ quan điều tra cho là vật chứng vụ án. Kết luận điều tra, cáo trạng và bản án hai cấp xét xử đều cho rằng Hải đã sát hại hai cô gái ở Bưu cục Cầu Voi bằng dao và thớt.

luật sư và sau này là đoàn giám sát của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội phát hiện ra hai vật chứng quan trọng này đều do CQĐT yêu cầu nhân chứng trong vụ án mua, rồi đưa vào hồ sơ vụ án. Đây không phải là hai hung khí thực sự được thu giữ từ hiện trường vụ án.

Đại diện Hội đồng Thẩm phán đặt vấn đề vì sao CQĐT không thu giữ được chiếc thớt và con dao nhưng kết luận điều tra lại kết luận đây là công cụ gây án. Đại diện CQĐT cho biết đây là vụ án truy xét, quá trình khám nghiệm không tìm ra con dao. Việc không tìm thấy hung khí này chỉ được lý giải sau khi đã bắt được Hải vì Hải khai gây án xong đã mang dao ra lu nước rửa sạch, rồi nhét sâu vào ngách.

Cũng theo ĐTV, khi CQĐT khám nghiệm hiện trường xong thì rời khỏi hiện trường. Bưu điện cho người dọn dẹp có thu được một con dao nhưng nghĩ không liên quan đến vụ án nên đã đem đốt bỏ.

Đại diện VKSND Tối cao đề nghị lý giải vì sao hồ sơ vụ án thể hiện khi khám nghiệm hiện trường còn phát hiện một con dao vỏ gỗ hoặc nhựa giả gỗ nhưng cũng không được cơ quan điều tra thu giữ. Giải thích về việc này, ĐTV cho biết do thấy con dao không dính máu nên đã bỏ đi, vật này sau đó cũng bị thu dọn và đốt bỏ.

“Đốt dao, phần cán gỗ cháy nhưng lưỡi dao ở đâu lại không thấy?”. Trả lời câu hỏi này, ĐTV nói khả năng do bị người lượm ve chai lấy mất.

Đại diện Hội đồng Thẩm phán sau đó hỏi việc cơ quan điều tra mua dao, thớt ở chợ để coi là công vụ phạm tội thì căn cứ vào quy định nào.

ĐTV giải thích việc mua dao, thớt không phải xác định là công cụ gây án mà mua để nhận dạng. Ngoài ra còn để chứng minh lời khai Hải dùng thớt, dao, ghế tấn công nạn nhân… Cũng theo ĐTV, do Hồ Duy Hải nhiều lần thay đổi lời khai về hình dạng con dao, chiếc thớt nên cơ quan điều tra mới đưa các công cụ để nhận dạng.

Hồ sơ vụ án cho thấy lời khai của Hải về con dao gây án không thống nhất. Các lời khai đầu không nói dùng thớt gây án, sau thì có nhưng lúc nói thớt dày 10 cm, lúc lại 5 cm. Biên bản mô tả hiện trường đề cập tới chiếc thớt có vết máu nhưng lại không thu giữ. Bản ảnh hiện trường có một chiếc ghế inox, không được thu hồi, hai tháng sau CQĐT thu được một ghế inox khác bản ảnh và mã số ghi nhận trong biên bản hiện trường.

Hồ sơ vụ án cũng thể hiện do không tìm thấy con dao hung khí, CQĐT đã cho vẽ một con dao và đưa bản vẽ vào như một tài liệu của vụ án. Chủ tọa Nguyễn Hòa Bình hỏi: “Có việc vẽ dao cho Hồ Duy Hải nhận dạng không? Ai vẽ? Vẽ làm gì?”. ĐTV đáp con dao vật chứng trong hồ sơ là nhờ nhân chứng mua rồi đưa về cho Hải nhận dạng. Còn bản vẽ thì nhân chứng vẽ cũng có, ĐTV vẽ cũng có, bị can vẽ cũng có.

“Hải khai chiếc dao lúc dài, lúc ngắn, cái thớt lúc mỏng, lúc dày. Anh lý giải thế nào?” - Chánh án hỏi tiếp. ĐTV trả lời: “Do diễn biến tâm lý bị can, lúc khai thế này, lúc khai thế khác. Cũng vì vậy mà cơ quan điều tra phải tổ chức nhận dạng”.

Hôm nay, phiên tòa tiếp tục làm việc.

Những sai sót nào về tố tụng?

Trong phiên làm việc chiều, hội đồng giám đốc thẩm tập trung làm rõ các vấn đề liên quan đến kháng nghị của VKSND Tối cao về những sai sót tố tụng. Hội đồng hỏi CQĐT dấu vân tay tại hiện trường là của ai? Tài liệu nào cho biết đối tượng tình nghi là Nguyễn Văn Nghị và Nguyễn My Sol? Trong hồ sơ chỉ có lời khai của Sol với tư cách nhân chứng, không có lời khai của Nghị?

ĐTV cho biết Nghị và Sol có mối quan hệ với chị Hồng, là những đối tượng tình nghi đầu tiên. Sol khai một số tình tiết có giá trị, Nghị thì không. Việc loại hai người này ra khỏi diện tình nghi là do có bằng chứng ngoại phạm (thời điểm vụ án xảy ra, Sol đang ở TP.HCM, Nghị đang ở nhà tại TP Tân An).

Vấn đề vì sao lời khai đầu tiên (không nhận tội) của Hồ Duy Hải không được lưu trong hồ sơ, ĐTV lý giải do lời khai ban đầu chỉ là sàng lọc nên không lưu. Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho rằng việc không đưa lời khai ban đầu (ngày 20-3-2008) của Hải vào hồ sơ là sai, vì Hải không giống những người đã được loại trừ.

Chánh án cũng đề nghị ĐTV giải thích về việc một số biên bản hỏi cung có sửa chữa nhưng không có chữ ký của người khai như kháng nghị đã nêu. ĐTV cho rằng chỉ sửa chữa lỗi chính tả, không ảnh hưởng đến lời khai của bị can.

Hội đồng yêu cầu chiếu những bút lục lên màn hình thì cho thấy đó là những sửa chữa nhỏ. Chủ tọa Nguyễn Hòa Bình nhận xét: Dù là sửa chữa nhỏ nhưng cơ quan điều tra sai vì đây là biên bản tố tụng, sửa phải có chữ ký của người khai. cơ quan điều tra cũng thừa nhận có những thiếu sót trong khi điều tra.

Luật sư được tiếp tục tham gia phiên tòa

Theo Liên đoàn luật sư (LS) Việt Nam, lãnh đạo tand tối cao đã chấp thuận đề nghị của liên đoàn tiếp tục mời luật sư tham gia phiên tòa vào sáng 8-5.

Ngày 7-5, Liên đoàn LS Việt Nam có văn bản kiến nghị gửi chủ tọa và hội đồng giám đốc thẩm xem xét yêu cầu của LS Trần Hồng Phong đề nghị được tham gia đầy đủ phiên tòa. Trước đó liên đoàn nhận được đơn đề nghị hỗ trợ của LS Phong, nên chuyển đơn kèm đề nghị như trên. 

Tác giả bài viết: ĐỨC MINH

Nguồn tin: plo.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Sinh nhật hội viên tháng 12

Chúc mừng sinh nhật

Chúc mừng sinh nhật

Hội viên mới

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây