Sống tốt để nhớ ơn Thầy Cô !
Buổi diễu hành long trọng do thầy Nguyễn Văn Thành (hiệu trưởng trường THPT Ten Lơ Man) dẫn đầu làm lễ tri ân các bậc thầy xây dựng nền giáo dục đầu tiên của Việt Nam.
Chương trình được bắt đầu bằng nghi lễ dâng hương, dâng hoa tri ân các bậc thầy đã khai sáng nền giáo dục đầu tiên của Việt Nam như vạn thế sư biểu Chu Văn An, Sùng Đức tiên sinh Võ Trường Toản, thầy Nguyễn Đình Chiểu…do thầy cô và các em học sinh trường tham gia với trang phục áo dài xưa rất trang nghiêm.
Diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang (chủ nhiệm CLB Nghiên cứu và Vinh danh Văn Hóa Nam Bộ)-học trò của cố GS.TS Trần Văn Khê đã chia sẻ về ý nghĩa “tôn sư trọng đạo”, ý nghĩa của câu “nhất tự vi sư-bán tự vi sư”, kể lại câu chuyện người học trò Nguyễn Bỉnh Khiêm dựng chòi giữ mộ cho thầy Lương Đắc Bằng suốt 3 năm lo hương khói rồi mới đi thi. Xúc động nữa là câu chuyện những người học trò như Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Thông, Phan Thanh Giản, Phạm Hữu Chánh…đã di mộ ân sư Võ Trường Toản-người thầy đầu tiên đã đào tạo Gia Định Tam Gia (Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tịnh, Lê Quang Định) về Ba Tri (Bến Tre) khi thấy mộ thầy còn nằm trong đất giặc quản lý vì thực dân Pháp đã chiếm 3 tỉnh miền Đông hồi năm 1862.
Ts. Nhạc sỹ Hải Phượng và diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang chia sẻ về tinh thần "tôn sư trọng đạo".
“Kiến thức thì bao la, đời người thì có hạn nên trong đời chúng ta cần phải có sự dẫn dắt, định hướng dạy dỗ thì ta mới có phương pháp chuẩn để hiểu biết nếu không chúng ta chỉ hiểu biết trên cơ sở bản năng loài người mà thôi. Thế nên mới có câu “không thầy đố mày làm nên”. Thật ra, có nhiều việc không có thầy cô vẫn có thể làm được nhưng đó là bản năng, dễ bị rủi ro, sai lầm và hậu quả nghiêm trọng. Nói như vậy để ta thấy được rằng, “tôn sư trọng đạo” là một giá trị cần phải gìn giữ, học trò biết kính trọng thầy cô ra sức học hành- thầy cô biết giữ vị trí thiêng liêng và làm hết trách nhiệm của mình thì nền giáo dục nước nhà cũng tựa như viên ngọc được trau tria ánh sáng.”- diễn giả Hồ Nhựt Quang nhấn mạnh.
Tại chương trình, TS.Nhạc sỹ Hải Phượng đã xúc động chia sẻ về hai người thầy đặc biệt với chị, đó là người mẹ cũng là người thầy –nhà giáo ưu tú Phạm Thúy Hoan và cố GS.TS Trần Văn Khê. Mẹ là người thầy đầu tiên tập nói tập cười, tập ăn tập uống, dạy yêu âm nhạc…, còn cố GSTS Trần Văn Khê đã dạy cho chị tình yêu âm nhạc và tự hào về âm nhạc dân tộc cũng như văn hóa Việt Nam.
Bà Phan Thị Phương Trang- phó hiệu trưởng trường THPT Ten Lơ Man bày tỏ: “Rất cảm ơn chương trình đặc biệt này để cho nhà giáo tri ân bậc thầy của nhà giáo. Đối với các em học sinh, cô muốn nhắn nhủ hãy lấy kết quả học tập của các em làm món quà tri ân thầy cô, hãy cảm ơn thầy cô và ngôi trường của mình bây giờ và cả sau này vào đời bằng cách sống thật tốt, giữ danh dự của trường mình. Đồng thời, ngoài việc cảm ơn những thầy cô dạy mình học suốt mười mấy năm qua thì còn phải biết ơn người thầy đầu tiên đã dạy các em tiếng gọi “ba ba, mẹ mẹ”, dạy các em ăn muỗng cơm, muỗng cháo đầu tiên, đó là đấng sanh thành ra các em. Mang trong lòng sự biết ơn thì các em sẽ sống không bị lệch chuẩn và tạo động lực phát triển tích cực trong cuộc đời của mình.”
Tiết mục biểu diễn văn nghệ do các em học sinh trường biểu diễn.
Lưu Vĩ Ân-học sinh lớp 12A9 được tham gia vào lớp diễn cải lương “Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga” (tác giả: Hồ Nhựt Quang) đã tâm sự rằng: Dù được tham gia một vai nhỏ nhưng con cảm thấy thú vị và đặc biệt yêu thích nghệ thuật cải lương. Thông qua tác phẩm này, con cảm nhận được lời dạy của thầy Đồ Chiểu về “trai thời trung hiếu làm đầu, gái thời tiết hạnh làm câu trau mình” thật sâu sắc. Nhờ có buổi sinh hoạt chuyên đề này, con hiểu hơn về công ơn của thầy cô và mẹ cha lớn lao vô cùng, con thành thật biết ơn và mong muốn có nhiều chương trình hay nữa.”
Ngoài ra, các em học sinh còn được thưởng ngoạn triển lãm nhiều vật dụng và hình ảnh giáo dục thời xưa như máng cát để tập viết chữ, bút nghiêng và tài liệu học của trước TK 20.
Đức Đào