Giá điện, bù lỗ và nan đề 'hài hòa lợi ích các bên'

Chủ nhật - 04/12/2022 22:25
Những biến động giá nhiên liệu đầu vào (than đá, dầu hỏa, khí đốt) trên thế giới trong thời gian qua đã làm cho chi phí sản xuất điện và mua điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tăng cao. Khó khăn trong việc cân đối dòng tiền có thể ảnh hưởng đến việc mua điện từ các đơn vị phát điện lẫn khả năng hoạt động liên tục của các nhà máy điện, từ đó, ảnh hưởng đến việc đảm bảo cung cấp điện.

Doanh nghiệp muốn EVN thông báo trước lộ trình tăng giá điện

EVN cố gắng giảm khoản lỗ xuống 31.000 tỉ đồng

Giá điện có bị “nén” quá lâu?

Không phải đến cuối năm 2022, EVN mới đưa ra dự báo lỗ, bởi từ đầu năm, tại một sự kiện của ngành, Phó tổng giám đốc EVN Nguyễn Anh Tài đã thông tin giá than nhập khẩu đã tăng gấp 3 lần so với trước đó (lên hơn 200 đô la Mỹ/tấn), giá khí LNG ở mức 18-20 đô la/triệu BTU tương đương tăng gấp 3 lần, giá sắt thép để xây dựng các dự án truyền tải điện… cũng tăng cao và những biến số này đã gia tăng áp lực rất lớn lên giá điện.

Tập đoàn cho biết, theo diễn biến giá nhiên liệu các tháng đầu năm 2022 và nếu căn cứ kế hoạch vận hành hệ thống điện đã được Bộ Công Thương phê duyệt từ đầu năm thì kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2022 của EVN có thể lỗ lên tới 64.805 tỉ đồng.

Tình thế này buộc EVN phải đặt ra mục tiêu giảm bớt tối đa có thể những khó khăn trong sản xuất kinh doanh năm 2022, trong đó đặc biệt là tiết kiệm và cắt giảm chi phí. Mặc dù vậy, những biện pháp ấy vẫn không thể bù đắp được chi phí mua điện đầu vào tăng quá lớn. Theo tính toán, tổng các khoản EVN đã cố gắng để giảm lỗ nêu trên đạt khoảng 33.445 tỉ đồng.

Điện là một trong lĩnh vực đầu tư đặc thù và cần vốn đầu tư lớn, trong khoảng thời gian rất dài. Ảnh minh họa: TTXVN

Điện là một trong lĩnh vực đầu tư đặc thù và cần vốn đầu tư lớn, trong khoảng thời gian rất dài. Ảnh minh họa: TTXVN

Nếu EVN tiếp tục khó khăn về tài chính như hiện tại, sẽ tác động đáng kể đến hoạt động của doanh nghiệp trong cả năm 2022 và các năm tiếp theo. Cụ thể, EVN có thể sẽ gặp khó khăn trong việc cân đối dòng tiền để thanh toán chi phí mua điện cho các đơn vị phát điện, ảnh hưởng đến khả năng hoạt động liên tục của các nhà máy điện và do đó ảnh hưởng đến việc đảm bảo cung cấp điện.

Các chuyên gia cho rằng, không chỉ EVN khó khăn mà giá điện thấp sẽ khiến nhiều nhà đầu tư không mặn mà, có thể dẫn tới giảm đầu tư, thiếu điện, mất an ninh năng lượng.

Lần tăng giá điện gần nhất là từ tháng 3-2019 theo Quyết định 24/2019 của Thủ tướng. Giá điện bình quân từ thời điểm đó đến nay ở mức 1864,44 đồng/kWh (chưa gồm thuế GTGT).

Theo thông tin Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) cung cấp cho báo chí, giá mua điện thị trường dự kiến tăng khoảng 39% so với giá bán điện bình quân của đơn vị. Ông Phan Tử Lượng, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) cũng cho biết giá bán điện bình quân ước tính trong cả năm của 20 của tổng công ty trực thuộc EVN là 1.786 đồng/kWh, trong khi giá mua điện của đơn vị là 2.500 đồng/kWh.

Chưa kể, dự kiến năm nay còn có những khoản lỗ chênh lệch tỷ giá do tỷ giá biến động mạnh. Nhiều năm trước, chỉ tính riêng khoản lỗ về tỷ giá, EVN luôn phải đề xuất Bộ Tài chính, Chính phủ và Quốc hội phân bổ qua nhiều năm để giải quyết. Từ đầu năm 2022 đến nay, tỷ giá tăng mạnh, kéo theo việc các khoản vay đầu tư của EVN bằng ngoại tệ và chi phí mua điện bằng ngoại tệ tăng cao.

Điều chỉnh giá để khuyến khích đầu tư

Điện là mặt hàng nằm trong danh mục thiết yếu được Nhà nước quản lý giá nên mọi chi phí sản xuất, lỗ lãi đều được kiểm soát và thậm chí chi trả theo cách quản lý này để đảm bảo an ninh năng lượng.

TS. Lê Đăng Doanh cho rằng với các mặt hàng như xăng dầu hay điện, Nhà nước chỉ nên định ở một mức % nhất định, chứ không định chi tiết cụ thể là bao nhiêu tiền. Bởi nếu có biến động bên ngoài thì giá có thể điều chỉnh, hài hòa lợi ích các bên là Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Khủng hoảng năng lượng, lạm phát kéo dài và xung đột Nga-Ukraine chưa có dấu hiệu dừng lại khiến giá điện ở nhiều nơi trên thế giới vẫn tăng cao. Ảnh minh họa: DNCC

Khủng hoảng năng lượng, lạm phát kéo dài và xung đột Nga-Ukraine chưa có dấu hiệu dừng lại khiến giá điện ở nhiều nơi trên thế giới vẫn tăng cao. Ảnh minh họa: DNCC

Riêng về giá điện, ông cho rằng đã giữ ổn định là cần thiết song khi giá nhiên liệu đầu vào cho sản xuất điện tăng cao, EVN có thể phải lỗ hàng chục ngàn tỉ đồng. Như vậy, Nhà nước có thể phải bù lỗ cho doanh nghiệp.

“Trong bối cảnh ngân sách khó khăn như hiện tại thì việc bù lỗ là không khả thi. Do vậy, điều chỉnh giá ở một mức độ chấp nhận được, hài hòa lợi ích là giải pháp phù hợp nhất”, TS. Lê Đăng Doanh nói. Ngoài ra, tăng giá điện còn giúp doanh nghiệp tái đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là đầu tư vào các nguồn năng lượng sạch như gió, mặt trời…

Ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và Tăng trưởng xanh (CEGR), cho rằng Việt Nam đang chịu sức ép khá lớn khi nhắm đến mục tiêu đưa lượng phát thải về 0 vào năm 2050. Muốn đạt được điều đó thì phải có sự đầu tư rất lớn về hạ tầng năng lượng, trong đó có hạ tầng điện, đường dây truyền tải…

Muốn tăng đầu tư thì phải thu hút các nhà đầu tư bằng một mức giá điện hấp dẫn, hợp lý. Thậm chí có nhà đầu tư trông chờ vào cơ chế giá FIT (biểu giá điện hỗ trợ cho điện sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo để bán lên lưới hoặc sử dụng tại chỗ) trong một thời gian nhất định để yên tâm đầu tư.

Theo ông Sơn, điện là một trong lĩnh vực đầu tư đặc thù và cần vốn đầu tư lớn, trong khoảng thời gian rất dài. Có những dự án mà khối tư nhân không mặn mà, thì chính các doanh nghiệp như EVN phải trực tiếp triển khai. Tuy nhiên, việc giữ giá điện thấp quá lâu như vậy lại tạo ra rủi ro rất cao cho EVN trong việc mất uy tín về mặt tài chính. EVN sẽ khó huy động được vốn để triển khai các dự án năng lượng lớn.

Khi doanh nghiệp nhà nước khó triển khai các dự án lớn, còn doanh nghiệp tư nhân không mặn mà do không có nhiều lợi ích để phát triển nguồn thì ngành điện sẽ chịu những khó khăn dồn nén. Điều này có thể dẫn đến tình trạng thiếu điện trong tương lai, dẫn đến nguy cơ mất an ninh năng lượng. “Chính phủ cần cân đối giữa các phương án khác nhau để lựa chọn phương án phù hợp nhất, người tiêu dùng chấp nhận được, nhưng cũng phải giúp cho EVN sống sót được”, ông Sơn nói.

Tại cuộc làm việc với lãnh đạo TPHCM cuối tháng 11 vừa qua, khi đề cập đến giá điện, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đề nghị tính toán lại giá điện đúng với quy luật thị trường khi kiểm soát được lạm phát. Việc tính toán lại giá điện phải theo tinh thần không tạo chuyển đổi đột ngột, để người dân an tâm.

L.Nhi

Nguồn tin: thesaigontimes.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Sinh nhật hội viên tháng 11

Chúc mừng sinh nhật

Chúc mừng sinh nhật

Hội viên mới

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây