CLB Doanh Nhân Việt Nam - Vietnam Businessmen Club

https://clbdoanhnhanvietnam.com


Chậm chân, tập đoàn Nhật, Mỹ… sẽ qua nước khác

- Việt Nam đang nổi lên là điểm đến đầu tư an toàn và hấp dẫn, đặc biệt là Mỹ mời Việt Nam tham gia nhóm “bộ tứ kim cương” nhằm tạo ra chuỗi cung ứng thay thế Trung Quốc.

Tại hội thảo “Hậu COVID-19: Chuẩn bị gì để trở lại đường đua?” do Hội Doanh nhân trẻ TP.HCMThời Báo Kinh Tế Sài Gòn phối hợp với các đơn vị đồng tổ chức ngày 22-5, các chuyên gia nhận định: Hiện nay là thời điểm vàng để Việt Nam đón những đại gia nước ngoài đến đầu tư. Tuy nhiên, quan trọng là Việt Nam phải biết tận dụng cơ hội, đãi vàng để biến các tiềm năng thành sức mạnh cho nền kinh tế và đứng vào chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu.

Nâng được uy tín với nhà đầu tư nước ngoài

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định đại dịch COVID-19 đã làm phơi bày nhiều khiếm khuyết của nền kinh tế toàn cầu. “Khi chuỗi cung ứng Trung Quốc bị đứt gãy thì toàn bộ chuỗi cung toàn cầu bị đứt gãy theo. Nhiều nước nhận ra rằng dưới tác động dịch bệnh, cần tái cấu trúc để tăng lợi ích cho đất nước mình bằng cách hình thành xu hướng dịch chuyển đầu tư sang nhiều nước, trong đó có Việt Nam để tránh phụ thuộc vào một quốc gia. Đó là cơ hội cho Việt Nam phát triển” - bà Lan nói.

Bà Lan cũng cho rằng các hiệp định thương mại mới như EVFTA, EVIPA sẽ thúc đẩy việc gia tăng lợi ích cho Việt Nam. Trước mắt, xuất khẩu từ Việt Nam sang Liên minh châu Âu (EU) có thể bị sụt giảm, không đạt được như kỳ vọng được đặt ra như trước khi có dịch bệnh nhưng sự sụt giảm này chỉ trong ngắn hạn, về lâu dài sẽ tăng.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập VCCI, nhìn nhận dịch bệnh làm gián đoạn chuỗi sản xuất nên các nước nhận thấy bỏ hết trứng vào một giỏ là không ổn định. Các ngành nghề thiết yếu đang phụ thuộc quá nhiều vào nước ngoài sẽ gây ra rủi ro lớn. Vì vậy, các nước trên giới có xu hướng chuyển chuỗi cung về gần với nội địa, thậm chí nhiều chính phủ ban hành chính sách tài trợ để thu hút đầu tư về lại nước mình, hoặc dịch chuyển sản xuất sang địa điểm khác nhằm đa dạng hóa hơn chuỗi cung ứng.

“Việt Nam đang có vị trí tốt trên bản đồ thu hút dòng vốn FDI nên sau dịch bệnh, vai trò đó còn thể hiện mạnh mẽ hơn. Vì trong thời gian dịch chúng ta nâng được uy tín của mình, đặc biệt uy tín về chất lượng hàng hóa, có các ứng xử nhân văn với các đối tác. Chúng ta đang có môi trường kinh doanh khá tốt, đang là đầu mối FDI kết nối với nhiều nền kinh tế” - bà Trang nhấn mạnh.

Chậm chân, tập đoàn Nhật, Mỹ… sẽ qua nước khác - ảnh 1

Nhiều nhà đầu tư nước ngoài cho biết họ rất cần nguồn nhân lực chất lượng cao tại Việt Nam.  Trong ảnh: Công nhân tại Khu công nghệ cao TP.HCM. Ảnh: QH

Nhiều cánh cửa mới đã mở ra cho công ty Việt

Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập VCCI Nguyễn Thị Thu Trang nói việc Hiệp định EVFTA đi vào thực tế sẽ tạo cho Việt Nam nhiều cơ hội. EU là thị trường xuất khẩu lớn, trên 400 triệu dân, khu vực có sức mua lớn thứ hai thế giới. Đặc biệt, các đối thủ cung cấp hàng hóa có tính cạnh tranh với Việt Nam ở EU như Trung Quốc đều chưa có hiệp định với nền kinh tế này.

“Trước mắt, một số mặt hàng như lương thực thực phẩm, vật tư y tế, thiết bị máy tính… có thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam thì nhu cầu trên toàn cầu cũng tăng lên” - bà Trang cho biết thêm.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan gợi ý các công ty Việt có thể tiếp tục phát triển lĩnh vực, sản phẩm như khẩu trang, đồ bảo hộ y tế, găng tay...; dược phẩm cho cả trong nước và xuất khẩu. Bởi nỗi lo lắng về dịch bệnh chỉ có thể chấm dứt khi có vaccine.

“Trong thời gian này, chúng ta cũng có thể phát triển sản phẩm y tế từ bản sắc riêng của Việt Nam. Chẳng hạn, các bài thuốc Nam truyền thống. Các nhà kinh doanh cũng nên quan tâm đến hoạt động xuất khẩu lao động làm việc trong mảng chăm sóc người bệnh hay người già cho các thị trường như Đức, Nhật... Lĩnh vực lương thực thực phẩm cũng tiềm năng vì lo ngại nạn đói có thể xảy ra vì dịch COVID-19 và tình trạng biến đổi khí hậu” - bà Lan khuyến nghị.

Từ quan sát của mình, bà Lan nhận thấy nhiều doanh nghiệp Việt đang chuẩn bị cho đường đua mới. Họ nhận ra nếu phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường đầu vào lẫn đầu ra sẽ có nhiều rủi ro nên đang tìm mọi cách khắc phục.

“Tôi cho rằng với đối tác nước ngoài thì doanh nghiệp Việt nên xem xét đầu tư với ai, chọn ai… trong bối cảnh có nhiều cánh cửa đang mở ra như các hiệp định thương mại. Tôi chờ đợi sự chủ động của doanh nghiệp, đừng chờ Nhà nước đi chào mời vốn đầu tư mà bản thân nên chủ động, thuyết phục họ vào để làm cùng với họ. Như vậy, doanh nghiệp Việt không chỉ cứu mình mà còn nâng mình lên, tạo bước ngoặt cho nền kinh tế” - bà Lan tha thiết.

Ngăn chặn đầu tư núp bóng

Ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ KH&ĐT, cho biết bên cạnh việc chọn lựa lĩnh vực đầu tư đang cần, Việt Nam cũng phải lựa chọn theo đối tác đầu tư.

“Ví dụ, không thể để Trung Quốc đầu tư núp bóng, lấy người Việt để mua đất, mua dự án. Chúng ta biết nhưng giải pháp phòng chống, xử lý còn yếu. Vấn đề là chúng ta cần sớm nhìn ra cái gì có thể gây tác hại trong ngắn hạn và dài hạn để ngăn chặn” - ông Thắng nói. 

Cầm vàng đừng để vàng rơi

Các chuyên gia đều thống nhất cho rằng để tận dụng làn sóng đầu tư mới, Việt Nam cần phải có cách làm khác trước đây. Đó là thể chế minh bạch, tạo thuận lợi cho môi trường đầu tư; chủ động và nhất quán về chính sách thu hút đầu tư. Có như vậy Việt Nam mới tận dụng được cơ hội.

Ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ KH&ĐT, đánh giá đúng là Việt Nam đang có nhiều cơ hội vàng thu hút dòng vốn FDI, trở thành chuỗi cung ứng cho các nước. Đặc biệt, Việt Nam có lợi thế vì tạo ra niềm tin cho nhà đầu tư nước ngoài là điểm đến an toàn sức khỏe. Nhưng có thể biến thành vàng hay không thì còn nhiều việc phải làm.

“Chúng ta đều biết giữa chính sách và đi vào thực hiện còn khoảng cách khá lớn. Điều quan trọng cần làm bây giờ là tổ chức thực hiện cụ thể. Nếu thu hút đầu tư nước ngoài theo kiểu truyền thống sẽ thất bại. Ví dụ, Ấn Độ có ngay chính sách dành đất đai, chuẩn bị cơ sở hạ tầng, nhận diện nhà đầu tư để tiếp cận, công bố kế hoạch giảm thuế... Các nhà đầu tư đang sôi sục dịch chuyển sản xuất, nếu chúng ta vẫn từ từ, thủng thẳng, đủng đỉnh thì sẽ bỏ qua cơ hội hàng trăm năm” - ông Thắng nhấn mạnh.

Theo bà Phạm Chi Lan, cơ hội thu hút làn sóng FDI mới không chỉ dành riêng cho Việt Nam mà dành cho nhiều nước như Indonesia, Ấn Độ, Thái Lan… Hiện các nước khác cũng đang cạnh tranh rất mạnh mẽ để thu hút tập đoàn nước ngoài đến đầu tư. Đơn cử, Indonesia làm việc trực tiếp với 27 công ty Mỹ và chào mời họ vào đầu tư. Có nghĩa là họ làm theo hướng có mục tiêu và ưu tiên rõ ràng. Trong khi Việt Nam lại ưu tiên thu hút đầu tư theo kiểu cái gì cũng là mũi nhọn.

“Đây là nguyên nhân khiến Việt Nam bỏ lỡ nhiều cơ hội chuyển mình. Chúng ta phải nhìn lại đã bỏ lỡ cơ hội mà nguyên nhân thường tại mình là chính. Thế giới đã khác mà ta vẫn đang loay hoay tháo gỡ rào cản, khó khăn. Cần thay đổi để bằng được người ta, để trở thành nơi thực sự hấp dẫn” - bà Lan nhấn mạnh.

AirPods Pro của gã khổng lồ Apple được sản xuất tại Việt Nam

Mới đây, trên thị trường xuất hiện hộp đựng tai nghe AirPods Pro được in dòng chữ Assembled in Vietnam (lắp ráp tại Việt Nam). Trước đó, Việt Nam chỉ là nơi lắp ráp tai nghe AirPods và cáp Lightning, còn mẫu AirPods Pro được sản xuất hoàn toàn tại Trung Quốc.

Chậm chân, tập đoàn Nhật, Mỹ… sẽ qua nước khác - ảnh 2

Hộp đựng AirPods Pro được in dòng chữ Assembled in Vietnam (lắp ráp tại Việt Nam). Ảnh: ALIREZA

Nikkei mới đây cũng cho hay tai nghe AirPods đã được sản xuất hàng loạt tại Việt Nam từ đầu tháng 3 vừa qua. Không riêng gì các thiết bị âm thanh, Apple còn yêu cầu các đối tác sản xuất iPhone mở rộng sản xuất ở Việt Nam và Ấn Độ.

Trong báo cáo mới phát hành, Công ty Chứng khoán SSI cho biết nhiều công ty Mỹ đang tích cực tìm kiếm thị trường Việt Nam làm điểm đến cho chuỗi cung ứng mới. Đáng chú ý, các doanh nghiệp lớn của Mỹ như Pegatron, Amazon, Home Depot… bắt đầu có hoạt động tuyển dụng và tìm kiếm chuỗi cung ứng. Điều đó cho thấy Việt Nam là một trong những điểm đến trong quá trình dịch chuyển, bên cạnh các quốc gia tiềm năng khác trong khu vực như Indonesia, Thái Lan, Ấn Độ hay Malaysia.

Tác giả bài viết: PHƯƠNG MINH

Nguồn tin: plo.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây