CLB Doanh Nhân Việt Nam - Vietnam Businessmen Club

https://clbdoanhnhanvietnam.com


Chưa giải ngân một 'chinh' nào cho người lao động, đúng không?

Mặc dù Bộ LĐ-TB&XH đã trình bày một quy trình về nộp hồ sơ trực tuyến đề nghị hỗ trợ theo gói COVID-19 nhưng mới chỉ là… dự thảo

Cổng dịch vụ công quốc gia hôm nay, 19-5,  được Văn phòng Chính phủ phối hợp với các cơ quan liên quan giới thiệu tới doanh nghiệp, tập trung vào những lợi ích mà doanh nghiệp được hưởng.

Các tham luận tại hội nghị đều nêu ra những tiện ích của cổng dịch vụ công quốc gia (cổng DVCQG). Chẳng hạn bà Vũ Thị Tuyến, đại diện VNPT cho rằng: khi sử dụng cổng DVCQG để đăng ký các chương trình khuyến mãi đã tiết kiệm được từ thời gian, nguồn lực cho đến tài chính.

Bà Tuyến nói rằng: Việc áp dụng Cổng DVCQG đã làm cho nhân viên đỡ phải đi lại, tiết kiệm thời gian, không tốn người lái xe, nhân viên đóng hồ sơ. Với 300 chương trình khuyễn mãi trong năm, VNPT tiết kiệm được 200 triệu và nếu tính trên bình diện cả nước thì có thể tiết kiệm được 1.500 tỉ.

Chưa giải ngân một 'chinh' nào cho người lao động, đúng không? - ảnh 1

Toàn cảnh hội nghị trực tuyến giới thiệu Cổng dịch vụ công quốc gia và những lợi ích cho doanh nghiệp

Đại diện BHXH Việt Nam cũng nói rằng: Mỗi năm họ phải cung cấp khoảng 50 triệu hồ sơ cho DN. BHXH Việt Nam đã dùng Cổng DVQG để triển khai nhiều dịch vụ công như: tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất do ảnh hưởng của dịch COVID-19; đăng ký, điều chỉnh đóng BHXH bắt buộc; giải quyết chế độ ốm đau; thai sản, trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau ốm, đau…

Bà Trần Thị Liễu, Trưởng phòng Kế hoạch - Thống kê, Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ LĐ-TB&XH trình bày về việc sử dụng Cổng DVCQG để “thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến đề nghị hỗ trợ theo gói COVID-19”. Có hai quy trình là “hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương” và “hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc đối với người lao động”.

Chung quy, người lao động hay người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi COVID-19 chỉ cần tạo tài khoản, đăng ký, nộp hồ sơ theo từng bước và… tiền về.

Nghe xong phần trình bày, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói với bà Liễu: “Lý thuyết chúng ta nói thế nhưng bây giờ vẫn chưa giải ngân được một đồng "chinh" nào. Có đúng không?”. Bộ trưởng Dũng đề nghị bà Liễu trình bày xem vấn đề đang nằm ở đâu, tắc ở chỗ nào.

Chưa giải ngân một 'chinh' nào cho người lao động, đúng không? - ảnh 2

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề nghị hai bộ LĐ-TB&XH và Bộ Tài chính mau chóng có mẫu kê khai đơn giản để gói hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng do COVID-19 mau triển khai

Bà Liễu cho hay: Quy trình hướng dẫn này mới là dự thảo, chưa chính thức. Nguyên nhân là vì báo cáo tình hình doanh nghiệp chưa được Bộ Tài chính cho ý kiến. Bộ LĐ-TB&XH đã có công văn đề nghị Bộ Tài chính có ý kiến trước ngày 18-5 nhưng nay là ngày 19-5 thì bộ này vẫn chưa có ý kiến.

Về quy trình thì cũng có những “rắc rối” vì chẳng hạn UBND cấp huyện thì làm theo quy định cũ, còn BHXH đã tích hợp trên Cổng DVCQG nên BHXH so sánh, đối chiếu rất dễ. Về hồ sơ của người lao động và người sử dụng lao động, bà Liễu cho rằng vẫn phải tuân thủ quy trình “di chuyển” về UBND tỉnh, Bộ LĐ-TB&XH không tham gia trực tiếp nên không biết tắc ở đâu.

Bộ trưởng Dũng đề nghị các bộ, cơ quan liên quan đến hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi COVID-19 phải có một mẫu đơn giản, để các cơ quan liên quan như thuế, lao động chỉ cần xác nhận chứ không bắt DN phải gửi hồ sơ quyết toán khi chưa đến hạn.

“Tôi mà là doanh nghiệp tôi cũng không biết phải thế nào. Vừa hết quý I-2020 tôi vừa nộp thuế cho huyện xong rồi lại bắt tôi nộp quyết toán thì tôi có thể nộp được không. Phải làm sao cho thủ tục nhanh hơn, không hướng dẫn thì sao mà nhận được tiền” - Bộ trưởng Dũng đặt vấn đề.

Bà Liễu phản hồi lại cho rằng: Bộ LĐ-TB&XH đã làm mẫu và đang lấy ý kiến Bộ Tài chính. “Bộ LĐ-TB&XH không thể đưa ra một mẫu đăng ký đơn phương được” - bà Liễu phân trần và cho hay sẽ tổng hợp và báo cáo Văn phòng Chính phủ sớm.

Cổng DVCQG khai trương từ tháng 12-2019. Đến nay, đã có trên 142.000 tài khoản đăng ký, trên 37.000 lượt truy cập, trên 7,5 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái, trên 71.000 hồ sơ được thực hiện qua Cổng DVCQG; tiếp nhận hỗ trợ trên 11.000 cuộc gọi; tiếp nhận trên 5.600 phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp; đã tích hợp được 405 dịch vụ công trực tuyến trong đó có 232 dịch vụ công dành cho doanh nghiệp.

Cổng DVCQG được VNPT xây dựng, phát triển và vận hành. Để thuận tiện cho các đơn vị và cá nhân sử dụng các ứng dụng trên Cổng DVCQG, kể từ ngày 15-5, VNPT đã nâng gấp đôi băng thông kết nối Cổng DVCQG các cấp. 

Tác giả bài viết: CHÂN LUẬN

Nguồn tin: plo.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây