CLB Doanh Nhân Việt Nam - Vietnam Businessmen Club

https://clbdoanhnhanvietnam.com


COVID-19: Tín hiệu vui cho doanh nghiệp Việt từ Trung Quốc

Người dân Trung Quốc bắt đầu ra ngoài, sinh hoạt bình thường trở lại nên sức mua đang tăng lên.

Thông tin từ Cục Xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công Thương cho biết tình hình thông thương tại các cửa khẩu đường bộ sang Trung Quốc (TQ) nhìn chung đã có nhiều khởi sắc.

Hiện các ngành sản xuất của TQ đang phục hồi từng phần. Nhờ vậy về cơ bản sẽ đáp ứng được nguồn nguyên liệu cho các doanh nghiệp (DN) ngoài TQ, trong đó có Việt Nam.

Đơn hàng bắt đầu tăng lên

Bộ Công Thương dẫn số liệu từ các địa phương cho hay: Chỉ trong ngày 17-3, tại các tỉnh giáp TQ như Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh, Hà Giang đã xuất khẩu được 1.063 xe container và bảy toa tàu; nhập khẩu 1.021 xe container.

Trong đó, hàng xuất khẩu Việt Nam chủ yếu là các sản phẩm nông sản, rau quả, một số linh kiện điện tử, máy móc... Hàng nhập khẩu chủ yếu là linh kiện điện tử, máy móc, hàng may mặc, phụ tùng ô tô, phân bón, một số hàng nông sản... được nhập về để kinh doanh và gia công sản xuất.

Ông Nguyễn Minh Phương, Giám đốc Công ty TNHH MTP Safari (Long An) chuyên xuất khẩu thanh long sang TQ, cho hay: Hiện nhiều cửa khẩu đã thông quan trở lại nên tình hình đỡ hơn so với hồi tháng 2, lúc dịch COVID-19 mới xảy ra dẫn đến hoạt động thông quan bị siết chặt để hai bên thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

“Tín hiệu lạc quan hơn nữa khi từ cách đây bốn ngày, người dân TQ bắt đầu ra ngoài, sinh hoạt bình thường trở lại. Chính vì vậy sức mua đang tăng lên, hàng hóa cũng lưu thông tốt hơn so với trước đó” - ông Phương cho biết.

Cùng nhận định, ông Phạm Văn Dũng, Phó Giám đốc HTX Nông lâm nghiệp dịch vụ du lịch và thương mại Hà Giang, cũng thông tin so với thời điểm cách đây khoảng 10 ngày thì mấy hôm nay tình hình giao thương bắt đầu khả quan hơn. Tiến độ hàng hóa dần ổn hơn, thị trường thông thoáng hơn vì các hoạt động mậu dịch tại TQ bắt đầu nhộn nhịp trở lại.

“Hồi tháng 2, hoạt động xuất khẩu gần như đứng im vì hàng hóa không xuất được, phải trữ trong kho. Bây giờ đi được khoảng 20%-22% nên cũng khởi sắc đôi chút” - ông Dũng nói.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, đánh giá hiện TQ vẫn là thị trường xuất khẩu nông sản lớn của Việt Nam, chiếm 60%-70%. Những đơn vị xuất khẩu sang TQ bắt đầu nhận được những tín hiệu tích cực khi dịch bệnh tại nước này đang diễn biến chậm lại. Các bến cảng, hải quan, bốc xếp đang bắt đầu nhộn nhịp trở lại. Các đơn hàng vì thế cũng bắt đầu tăng lên.

Tuy nhiên, trong khi tình hình xuất khẩu sang TQ có nhiều khởi sắc thì tại Bình Thuận, do phát hiện các ca dương tính với virus SARS-CoV-2 mới nên hoạt động thu mua thanh long tại đây bị đình trệ. Giá thanh long cũng vì thế mà giảm còn 15.000-16.000 đồng/kg.

COVID-19: Tín hiệu vui cho doanh nghiệp Việt từ Trung Quốc - ảnh 1
Nguồn cung nguyên liệu cho ngành dệt may, da giày đã khả quan hơn khi Trung Quốc khôi phục hoạt động sản xuất. Trong ảnh: Sản xuất mặt hàng thời trang đồ da và may mặc tại Công ty Eurolink.  Ảnh: BCT

Nguồn cung nguyên liệu bớt khan hiếm

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, đánh giá các ngành sản xuất của TQ đang phục hồi từng phần. Tùy theo mức độ khôi phục của từng ngành mà các nhà kinh doanh tại nước này tính toán khả năng cung ứng nguồn nguyên liệu cho các DN ngoài TQ, trong đó có Việt Nam. Nhờ đó về cơ bản đã đảm bảo được nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất, kinh doanh.

Đơn cử như Công ty May 10 cho biết đã khôi phục được nguồn cung nguyên liệu. Hay với các công ty điện tử, ngoại trừ những công ty nhập nguyên vật liệu từ Hàn Quốc gặp khó khăn, còn lại về cơ bản các DN cho biết vẫn đang đảm bảo được nguồn cung sản xuất hiện tại.

“So với hồi tháng 2, tình hình nguồn cung nguyên liệu đầu vào đã khả quan hơn. Thời gian tới, các DN sẽ tập trung sản xuất để bù lại giai đoạn bị gián đoạn vừa qua” - ông Hải chia sẻ.

Theo tìm hiểu, ngoài các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng tức thì sau khi dịch bệnh xảy ra tại TQ như nông sản, du lịch… thì trong hai tháng đầu năm, ngành điện tử vẫn tăng trưởng rất tốt, thậm chí mức tăng trưởng cao hơn nhiều so với hai tháng đầu năm 2019. Lý do là vẫn dự trữ được nguồn linh phụ kiện và cân đối được các hoạt động kinh doanh. Như Tập đoàn Samsung, LG... vẫn đang duy trì được hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Một số ngành tăng trưởng giảm rõ rệt trong hai tháng đầu năm là dệt may, da giày vì phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu TQ thì nay TQ khôi phục hoạt động sản xuất nên tình hình cũng đỡ ảm đạm hơn. Thông tin từ hiệp hội ngành dệt may được biết đã khôi phục được 80% nguồn nguyên phụ liệu cung ứng. Ngành da giày thì khôi phục được khoảng 60%.

Mặc dù thị trường TQ đã có nhiều tín hiệu lạc quan nhưng nhiều chuyên gia cho rằng xét về lâu dài thì các DN cần tìm kiếm các nguồn cung từ các quốc gia khác. Qua đó nhằm tránh trường hợp rủi ro do phụ thuộc vào một thị trường như trong tình hình dịch bệnh hiện nay. Vừa qua, Bộ Công Thương có làm việc với đơn vị liên quan của Ấn Độ về vấn đề này, phía Ấn Độ cho biết sẽ sẵn sàng hỗ trợ và cung ứng nguồn cung. Tuy nhiên, họ chỉ có thể đáp ứng số lượng nhất định nào đó, còn thay thế hoàn toàn thì rất khó.

Nhiều mặt hàng của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ tăng mạnh

Tổng cục Hải quan vừa công bố thống kê sơ bộ tình hình xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam hai tháng đầu năm 2020. Theo đó, kết thúc hai tháng đầu năm nay, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 76,34 tỉ USD, tăng 5,6% (tương ứng tăng 4,07 tỉ USD) so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, tổng trị giá hàng hóa xuất khẩu đạt 39,08 tỉ USD, tăng 8,4% và tổng trị giá nhập khẩu đạt 37,26 tỉ USD, tăng 2,9%. Như vậy, cán cân thương mại hàng hóa của cả nước thặng dư 1,82 tỉ USD.

Đáng chú ý, trị giá xuất khẩu của những nhóm mặt hàng chính như điện thoại và linh kiện, máy tính, gỗ và sản phẩm gỗ… tăng 10%-28% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đặc biệt, tổng trị giá xuất khẩu sang Mỹ trong hai tháng đầu năm đạt 10,26 tỉ USD. Con số này chiếm đến 26,3% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, tăng 25,7%, tương đương tăng thêm gần 2,1 tỉ USD so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngoài thị trường Mỹ, trị giá xuất khẩu sang TQ của một mặt hàng cũng tăng, như điện thoại tăng tới 278% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 1,17 tỉ USD. 

Nguồn tin: plo.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây