CLB Doanh Nhân Việt Nam - Vietnam Businessmen Club

https://clbdoanhnhanvietnam.com


Giá xăng giảm sốc: Vừa mừng vừa lo

Giá xăng dầu giảm giúp giảm chi phí vận chuyển, tăng tính cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam.

Từ chiều 15-3, giá xăng dầu giảm từ 1.300 đến 2.300 đồng mỗi lít. Hiện giá xăng sinh học E5 giảm về mức 16.056 đồng mỗi lít và xăng A95 giảm về mức 16.812 đồng mỗi lít.

Đây là mức thấp kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây. Đáng chú ý, đây là lần thứ tư liên tiếp giá xăng trong nước giảm với mức giảm tổng cộng với xăng A95 là 4.101 đồng/lít, xăng E5 là 3.789 đồng/lít.

Người dân mừng

Chị Hà Thị Vân, nhà ở Thủ Đức, TP.HCM, chia sẻ gia đình chị có hai xe máy, trong đó một tay ga và một xe số. Trung bình một tuần gia đình chị tốn khoảng 300.000-400.000 tiền xăng xe, tùy vào mức độ di chuyển.

“Với giá xăng A95 giảm từ mức hơn 19.000 đồng/lít xuống còn 16.810 đồng/lít, trung bình mỗi tuần gia đình tôi tiết kiệm được khoảng 50.000-70.000 đồng chi phí xăng xe. Tuy số tiền này không nhiều nhưng rất thiết thực trong tình hình hiện tại, nhất là khi tôi là giáo viên hợp đồng của trường mầm non tư thục” - chị Vân chia sẻ.

Cũng theo chị Vân, giá xăng ảnh hưởng rất lớn tới sinh hoạt, giá cả từ mớ rau, con cá cho tới chi phí đi lại. Do đó, việc giảm giá bán lẻ xăng dầu sẽ giúp người dân bớt đi một phần gánh nặng trong mùa dịch COVID-19. “Không chỉ giá xăng mà giá gas cũng trong xu hướng giảm theo giá dầu thế giới, giúp người dùng được hưởng lợi khi mua gas giá rẻ” - chị Vân nói.

Anh Trịnh Học, nhà ở quận 8, TP.HCM, điều kiển ô tô Hyundai Accent cũng cho hay vì tính chất công việc nên anh phải di chuyển nhiều, nhất là đi các tỉnh, một tuần tốn khoảng 1-1,2 triệu đồng cho tiền xăng xe.

Anh cho hay: “Một tuần tôi thường đổ hai lần, mỗi lần khoảng 600.000 đồng với giá xăng hơn 19.000 đồng/lít. Nay giá xăng giảm còn 16.810 đồng mỗi lít, tính ra tôi tiết kiệm được khoảng 100.000 đồng mỗi lần đổ. Khi giảm bớt được chi phí xăng xe, tôi có thêm tiền để chi tiêu cho những việc khác”.

Nhiều người tiêu dùng khác có chung đánh giá hiện nay đa phần người dân Việt sử dụng phương tiện cá nhân để đi lại. Do đó, giá xăng dầu giảm sẽ giúp cơ cấu lại chi phí giao thông trong tổng chi phí hằng tháng. Từ đó giúp người dân tích lũy được một lượng tiền nhất định phục vụ hoạt động khác như mua sắm thực phẩm, đồ dùng gia đình.

Giá xăng giảm sốc: Vừa mừng vừa lo - ảnh 1
Giá xăng E5 vừa giảm về mức hơn 16.000 đồng mỗi lít, xăng A95 còn 16.812 đồng/lít. Ảnh: TÚ UYÊN

Doanh nghiệp mừng ít, lo nhiều

Các đơn vị vận tải được hưởng lợi khá lớn từ giá xăng dầu giảm, vì mặt hàng này chiếm tỉ trọng cao trong cơ cấu chi phí. Đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 thì giá xăng giảm sẽ hỗ trợ các đơn vị sản xuất, vận tải sớm khôi phục thị trường tiêu thụ.

Bà Đặng Thị Kim Thủy, Giám đốc Công ty Việt Tân Phát, nêu thực tế hiện nay tình hình vận tải gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Lượng khách giảm tới hơn 50%, có tuyến rất ít khách nhưng công ty vẫn phải duy trì, chạy để giữ khách.

“Chi phí xăng dầu chiếm tới khoảng 40% giá cước vận chuyển. Vì vậy, việc giảm giá xăng dầu lúc này là cần thiết để giảm bớt gánh nặng chi phí cho chúng tôi. Có điều rất ít khách nên chúng tôi vẫn gặp khó khăn” - bà Thủy chia sẻ.

Ông Lê Quang Mão, Chủ nhiệm HTX Vận tải Đồng Tâm (Đắk Lắk), than thở hiện lượng khách vận chuyển ở hầu hết đơn vị vận tải đều giảm khoảng 70%- 80%. Một số đơn vị vận tải đang đứng bên bờ vực phá sản. Thậm chí có tuyến đơn vị vận chuyển bằng xe 29 chỗ ngồi, bình thường ít nhất cũng 15-20 khách đi nhưng nay may lắm mới có khoảng 4-5 khách đi. Trừ tiền lương tài xế, phụ xe, rồi chi phí xăng dầu, bến bãi, phí các loại…, đơn vị vận tải phải bù lỗ.

“Chi phí xăng dầu hiện chiếm khoảng 36%-40% giá cước vận tải. Tính ra nhà xe thu được 100 đồng thì mất tới 36-40 đồng cho xăng dầu. Với việc giảm giá xăng dầu, đúng là giúp doanh nghiệp (DN) bớt khó khăn. Song giá xăng dầu vẫn giảm ít, chưa tương ứng với mức giảm của giá thế giới. Mặt khác, nếu tính cả năm thì giá xăng dầu tăng nhiều hơn giảm” - ông Mão tính toán.

Cũng theo ông Mão, giá xăng dầu giảm nhưng DN vẫn phải bù lỗ vì cả khách lẫn hàng hóa không có. Nếu tình hình dịch COVID-19 tiếp tục kéo dài thì rất nhiều đơn vị vận tải đóng cửa. “Điều đơn vị vận tải cần lúc này là Nhà nước miễn giảm thuế suất vận tải, khi nào ổn định lại thì tiếp tục thu thuế” - ông Mão đề xuất.

Tương tự, ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty Thủy sản Thương mại Thuận Phước, cho rằng giá xăng dầu trong nước giảm theo giá xăng dầu thế giới. Song mức giảm hiện nay không nhiều trong bối cảnh dịch COVID-19 khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN gặp vô vàn khó khăn.

“Giá xăng dầu phải giảm nhiều hơn, tương ứng với mức giảm giá của thế giới. Bởi xăng dầu, điện, nước… chiếm chi phí rất lớn đối với các công ty sản xuất. Vì vậy, trước tác động tiêu cực của dịch, Nhà nước cần giảm giá thật sâu để hỗ trợ cộng đồng DN ổn định, phát triển nền kinh tế” - ông Lĩnh nhấn mạnh.

Hàng hóa chưa kịp giảm theo giá xăng

Giá xăng dầu giảm đến 1.300-2.300 đồng/lít sẽ giúp hàng hóa giảm theo bởi cước vận chuyển chiếm tỉ lệ cao trong cơ cấu giá thành sản phẩm. Tuy vậy, đại diện chợ đầu mối Thủ Đức cho biết dù giá xăng dầu giảm mạnh nhưng với các hàng rau củ quả giá cả còn phụ thuộc vào cung cầu thị trường.

“Thông thường thương nhân và nhà xe đã hợp đồng, bạn hàng lâu năm với nhau, tùy tình hình thị trường biến động mà mỗi bên chịu thiệt một chút chia sẻ với nhau. Để làm được điều này cần có thời gian. Do đó, xăng dầu vừa giảm chưa tác động ngay đến giá hàng hóa” - đại diện chợ đầu mối Thủ Đức cho biết.

Một DN chế biến thực phẩm giải thích giá xăng dầu vừa giảm trong khi công ty đã ký hợp đồng với xe vận chuyển cả năm. Chưa kể giá nguyên liệu đầu vào công ty cũng đã mua từ trước tết với giá cao.

“Xăng dầu mới giảm giá nhất thời, chưa biết trong vòng 15 ngày tới thế nào nên muốn giảm giá sản phẩm không thể một sớm một chiều. Bởi vậy, chúng tôi chưa thể tính ngay việc giảm giá sản phẩm được” - vị đại diện công ty trên bày tỏ.

Giá dầu thế giới liên tục lao dốc

Giá xăng dầu thế giới liên tục có những phiên giảm sâu trong thời gian gần đây, mở ra cơ hội cho giá xăng dầu trong nước tiếp tục đà giảm. Tính chung giá dầu thế giới đã giảm trên 50% so với hồi đầu năm.

Giá dầu giảm mạnh khiến nguồn thu từ xuất khẩu dầu thô của Việt Nam giảm. Ngoài ra, giá xăng dầu nhập khẩu giảm dẫn tới giảm số tiền thuế thu được từ mặt hàng này và sẽ ảnh hưởng tới các đơn vị thăm dò, khai thác dầu khí.

Tuy nhiên, giá dầu nhập khẩu giảm giúp giảm chi phí đầu vào đối với sản xuất trong nước, hạ chi phí vận tải…, giúp số đông DN và người dân được hưởng lợi. Đặc biệt, trong bối cảnh giá thịt heo tăng, giá điện tăng, chi phí y tế tăng… gây áp lực lên lạm phát thì giá hàng hóa thiết yếu là xăng dầu giảm sẽ làm giảm áp lực này. 

Nguồn tin: plo.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây