CLB Doanh Nhân Việt Nam - Vietnam Businessmen Club

https://clbdoanhnhanvietnam.com


'Nếu có quy định rõ ràng, vụ việc của Công ty Asanzo không đến mức nghiêm trọng'

Liên quan tới vụ việc Asanzo, tại buổi họp vào sáng ngày 6/1/2020, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia đã có thông tin chính thức liên quan tới vụ việc này.
'Nếu có quy định rõ ràng, vụ việc của Công ty Asanzo không đến mức nghiêm trọng'

Trong buổi họp này, Ban chỉ đạo 389 Quốc gia đã dẫn tham luận của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn tại cuộc họp về vấn đề gian lận xuất xứ vừa được Ban Chỉ đạo tổ chức, trong đó ông Cẩn cho rằng “nếu các ngành thống nhất cao và quy định rõ ràng thì vụ việc của Công ty Asanzo không đến mức nghiêm trọng như vậy”.

Sau khi các cơ quan chức năng công khai toàn bộ các sai phạm của Công ty Cổ Phần Tập Đoàn Asanzo (Gọi tắt là “ Công ty Asanzo”) thì tính đến thời điểm hiện tại,Công ty Asanzo đã khắc phục toàn bộ các sai phạm của mình. Điều này đã thể hiện rất rõ tinh thần Cầu thị và chịu trách nhiệm của Doanh nghiệp. 

Tuy nhiên, dù đã khắc phục toàn bộ các thiệt hại/ sai phạm như theo yêu cầu của Cơ quan chức năng, thì các sai phạm của Công ty Asanzo (nếu có) vẫn cần được nhìn nhận một cách công bằng, khách quan trong tổng thể tình hình kinh tế xã hội, đặc biệt trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh đối với các vấn đề liên quan tới xuất xứ hàng hóa. 

Bởi như ý kiến nêu trên của ông Nguyễn Văn Cẩn thì “nếu các ngành thống nhất cao và quy định rõ ràng” thì đã không có sai phạm nghiêm trọng như vậy. Điều đó có nghĩa là, thực trạng pháp luật của Việt Nam liên quan tới vấn đề xuất xứ hàng hóa chưa thực sự hoàn thiện và đầy đủ.

Liên quan tới Công ty Asanzo, Công ty cho rằng, quy trình sản xuất, kinh doanh phổ biến của Công ty Asanzo là: Mua toàn bộ 100% nguyên vật liệu ở nước ngoài, sau đó tại Việt Nam, Doanh nghiệp lắp đặt dây chuyền lắp ráp ở Việt Nam, theo đó, sản phẩm sẽ được LẮP RÁP tại Việt Nam. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật Việt Nam, quy định về Made in Vietnam lại chưa có rõ ràng. Do vậy, có thể cho rằng, Asanzo tiến hành lắp ráp ở Việt Nam, và gắn mác Made in Vietnam cho các sản phẩm của mình thì không có căn cứ chắc chắn để khẳng định là Asanzo vi phạm quy định.

Mặt khác, quy tắc xuất xứ theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện tồn tại nhiều cách hiểu và quy định khác nhau, có thể hiểu là toàn bộ dây chuyền lắp ráp nhưng có một vấn đề quan trọng là toàn bộ dây chuyền lắp ráp ở Việt Nam thì sẽ được xác nhận là hàng hóa Việt Nam và lắp ráp ở Việt Nam và nếu như vậy thì Asanzo không sai.

Hiện nay pháp luật về xuất xứ hàng hóa (như Nghị định 19/2006/NĐ-CP ngày 20/2/2006 và Nghị định 31/2018/NĐ-CP ngày 08/3/2018) hoặc các Hiệp định mà Việt Nam đã tham gia hoặc ký kết (như FTA Asean – Trung Quốc) chỉ có quy định về xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, xuất xứ hàng hóa nhập khẩu, không có quy định về xuất xứ hàng hóa lắp ráp và lưu thông trong nước như trường hợp của công ty Asanzo. 

Tuy nhiên, pháp luật về xuất xứ hàng hóa tại Điều 3 Nghị định 19/2006/NĐ-CP ngày 20/2/2006 và Nghị định 31/2018/NĐ-CP ngày 08/3/2018 đều có giải thích (định nghĩa) về sản xuất hàng hóa: “Sản xuất” là các phương thức để tạo ra hàng hóa bao gồm trồng trọt, khai thác, thu hoạch, chăn nuôi, chiết xuất, thu lượm, thu nhặt, đánh bắt, đánh bẫy, săn bắn, chế tạo, chế biến, gia công hay LẮP RÁP. Như vậy có thể khẳng định, “ Lắp ráp” cũng là công đoạn của Sản xuất, Lắp ráp là Sản xuất.

Do vậy, đối với trường hợp sản phẩm điện tử của công ty Asanzo được lắp ráp tại Việt Nam từ các linh kiện mua trong nước hoặc nhập khẩu từ nước ngoài, việc ghi trên nhãn hàng hóa “sản xuất tại Việt Nam” hoặc ‘chế tạo bởi Việt Nam” là đúng quy định pháp luật (cụ thể quy định pháp luật về ghi nhãn hàng hóa).

Hiện tại, Công ty Asanzo cũng đã và đang triển khai xây dựng hệ thống các nhà xưởng sản xuất sử dụng công nghệ hiện đại, công nghệ cao để sản xuất bình siêu tốc và bếp hồng ngoại. Điều này là căn cứ để bác bỏ các nghi vấn và dư luận xã hội về việc Asanzo nhập thành phẩm của các sản phẩm này từ nước ngoài rồi về VN gắn mắc Made in Vietnam mà không đóng góp công sức vào bất cứ bước nào trong quá trình sản xuất sản phẩm.

Ngoài ra, có một thực trạng tại Việt Nam là, hiện tượng hàng hóa có sai phạm về xuất xứ hàng hóa đang tồn tại rất phổ biến. Điều này có nhiều nguyên nhân, tuy nhiên, việc quy định của pháp luật chưa rõ ràng, chưa thống nhất là một trong những nguyên nhân và cũng là khó khăn chính để xảy ra sai phạm của doanh nghiệp. Đôi khi doanh nghiệp vi phạm mà không biết là mình vi phạm, chỉ đến khi bị cơ quan chức năng phát hiện và làm rõ, doanh nghiệp mới thực sự hiểu đầy đủ đối với sai phạm của mình.

Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 119/NQ-CP về một số biện pháp cấp bách nhằm tăng cường quản lý nhà nước về phòng chống gian lận xuất xứ, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp. Theo đó, mục tiêu tổng quát của Nghị quyết là nhằm ngăn chặn, không để xảy ra các hành vi gian lận xuất xứ hàng hóa, chuyển tải bất hợp pháp trong hoạt động xuất nhập khẩu; Chủ động phát hiện, xử lý nghiêm các vụ việc nếu có; Thúc đẩy phát triển sản xuất trong nước, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các nhà sản xuất Việt Nam; Duy trì tăng trưởng xuất khẩu theo hướng bền vững; Thu hút hợp tác, đầu tư nước ngoài vào các dự án công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.... Chúng ta hy vọng, khi Nghị quyết 119 được đi vào thực thi thì các mục tiêu mà Nghị quyết đặt ra đều đạt được, và các sai phạm đáng tiếc như của Asanzo sẽ không còn.

Nguồn tin: PLVN

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây