CLB Doanh Nhân Việt Nam - Vietnam Businessmen Club

https://clbdoanhnhanvietnam.com


Nhiều lợi thế phát triển du lịch đường thủy ở TP.HCM

Sông Sài Gòn, biển khu vực huyện Cần Giờ là những lợi thế lớn để TP.HCM phát triển nhiều tuyến du lịch tham quan bằng đường thủy.

Dù bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, TP.HCM vẫn có nhiều chương trình thúc đẩy phát triển du lịch. Trong đó, du lịch đường thủy được nhiều người đánh giá là có tiềm năng phát triển ở TP.

Điển hình, tuyến tàu du lịch dọc sông Sài Gòn (Bạch Đằng - Bình Dương - Củ Chi) đã khai trương từ ngày 10-7 và sẽ chính thức đón khách từ hôm nay (17-7).

Nhiều tuyến du lịch đường thủy hấp dẫn

Đại diện Công ty TNHH Công Nghệ Xanh DP cho biết tuyến tàu du lịch dọc sông Sài Gòn (Bạch Đằng - Bình Dương - Củ Chi) có cự ly 78 km.

Tuyến này khởi đầu từ bến Bạch Đằng (quận 1) đến bến Bình Hòa (Bình Thạnh) - bến Tiamo (Bình Dương) và tiếp tục hành trình đến địa đạo Củ Chi (Bến Đình, Bến Dược).

Ngoài tuyến du lịch mới nói trên, du khách có thể chọn những tuyến du lịch đường sông gần hơn như tuyến buýt đường sông số 1. Tuyến buýt sông này không chỉ làm nhiệm vụ vận tải đường sông mà còn là tuyến du lịch trải nghiệm.

Tuyến buýt sông số 1 có giá “quốc dân” chỉ 15.000 đồng/lượt nên trở thành sự lựa chọn hấp dẫn của nhiều du khách trong và ngoài nước.

Điểm nổi bật của các tuyến du lịch đường sông ở TP.HCM là trong quá trình di chuyển, hành khách có thể nhìn ngắm phong cảnh tuyệt đẹp dọc hai bên sông Sài Gòn.

Tương tự, đối với du lịch đường biển, tuyến phà biển TP.HCM - Vũng Tàu được người dân TP.HCM và các tỉnh miền Tây đặt nhiều kỳ vọng.

Đây là tuyến giao thông không chỉ chia sẻ với giao thông đường bộ mà còn là tour du lịch hấp dẫn với hành khách ưa thích trải nghiệm du lịch đường thủy. Dự kiến tuyến phà biển TP.HCM - Vũng Tàu sẽ có giá dịch vụ là 50.000 đồng/vé.

Nhiều lợi thế phát triển du lịch đường thủy ở TP.HCM - ảnh 1

Du lịch đường sông ở TP.HCM được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển. Ảnh: ĐÀO TRANG

Giao thông thủy vực dậy ngành du lịch

Ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho hay sau khi cầu sắt Bình Lợi được tháo dỡ đã tạo điều kiện cho giao thông thủy phát triển một cách thuận lợi, góp phần nâng cao chất lượng du lịch bằng đường sông ở TP.

Ông Nguyễn Kim Toản, Giám đốc Công ty TNHH Thường Nhật (chủ đầu tư tuyến buýt sông số 1), đánh giá TP.HCM là một trong nhiều TP trên thế giới có thế mạnh về đường sông.

Do đó, việc khai thác du lịch đường sông ở TP sẽ thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước. Nhiều tuyến buýt, phà và tàu cao tốc được đầu tư, kết nối với các vùng lân cận là những dẫn chứng rõ nhất.

Không chỉ vậy, việc cải tạo, nạo vét hệ thống sông ngòi, kênh rạch, bờ kè, bến bãi và xây dựng cảnh quan cũng đã được TP.HCM chú trọng đầu tư.

Theo ông Toản, khi tận dụng tối đa thế mạnh về giao thông thủy, bến cảng sẽ kéo theo nhiều ngành nghề dịch vụ phát triển, du lịch cũng không ngoại lệ.

Do đó, TP cần tiếp tục xây dựng nhiều bến cảng bởi mỗi bến sẽ mở ra một cửa sông, từ đó tăng cường tiếp cận với nhu cầu của hành khách.

Ông Toản cũng cho rằng buýt đường sông nói riêng, giao thông đường thủy nói chung là một loại hình vận tải đặc biệt và không thể so sánh với các loại hình vận tải khác. Mỗi hành khách khi lên tàu, lên phà sẽ đi với một tâm thế khác nhau như du lịch, trải nghiệm hoặc cũng có thể là mục đích giao thông đơn thuần.

Tương tự, ông Trần Song Hải, Tổng giám đốc Công ty TNHH Công Nghệ Xanh DP, đánh giá: Trong thời điểm dịch COVID-19 trên thế giới vẫn phức tạp như hiện nay, không chỉ ngành du lịch mà nhiều ngành nghề khác cũng gặp khó khăn.

Tuy nhiên, việc hoạt động của tuyến tàu cao tốc Bạch Đằng - Bình Dương - Củ Chi sẽ thực sự kéo theo nhiều ngành nghề khác phát triển. Đơn cử như địa đạo Củ Chi bắt đầu đón khách, khách sạn, nhà hàng ở khu vực này cũng bắt đầu hoạt động lại.

Đối với du lịch đường biển, trong mục tiêu phát triển tuyến phà biển TP.HCM - Vũng Tàu, Sở GTVT kỳ vọng tuyến phà biển này sẽ góp phần phát triển kinh tế - xã hội huyện Cần Giờ nói riêng và TP.HCM nói chung. Bởi tuyến phà biển này sẽ tạo điều kiện kết nối giữa Cần Giờ và các tỉnh lân cận.

Theo kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia quy hoạch đô thị: Để mang lại hiệu quả các tuyến giao thông thủy, TP cần tính toán, tổ chức kết nối giữa giao thông thủy và đường bộ.

“Khi chúng có sự đồng nhất thì sẽ không xảy ra tình trạng chết yểu như một số dự án khác. Theo đó, các nhà đầu tư hoặc Nhà nước cần quy hoạch các tuyến giao thông thủy, bộ về một mối để tăng sự thống nhất, tránh phân chia cho nhiều doanh nghiệp phụ trách” - ông Sơn góp ý.

Xây dựng ba sản phẩm du lịch đường thủy

Sở Du lịch TP đã xây dựng kế hoạch phát triển du lịch đường thủy trên địa bàn TP năm 2020. Cụ thể, sở này xây dựng ba sản phẩm du lịch đường thủy mới từ bến Bạch Đằng đi quận 7, quận 9 và Bình Quới.

Theo đó, chương trình du lịch trên tuyến Bạch Đằng - quận 9 sẽ tập trung nâng cấp các bến tàu hiện hữu dọc trên tuyến.

Bên cạnh đó, chương trình còn tập trung đầu tư hệ thống xe điện phục vụ du khách từ các bến tàu đến các điểm như nhà vườn, Bảo tàng áo dài, nhà thờ tổ nghề nghệ thuật…

Chương trình du lịch trên tuyến Bạch Đằng - Bình Quới tập trung nhiều chương trình nghệ thuật phong phú, đặc sắc và các hoạt động vui chơi giải trí trên thuyền. Điển hình là các chương trình biểu diễn ánh sáng, đèn laser từ các tòa nhà cao tầng hiệu ứng xuống mặt nước, biểu diễn nhạc nước trên sông Sài Gòn.

Chương trình du lịch trên tuyến Bạch Đằng - quận 7 sẽ khai thác hết công năng của các bến tàu trong khu đô thị Phú Mỹ Hưng; xây dựng bến Bạch Đằng thành bến trung tâm và Công viên cảng Bạch Đằng.

Sở GTVT TP.HCM cho biết hiện nay TP cũng đang giao cho sở hoàn thành đề án phát triển giao thông thủy trên địa bàn TP. Trong đó, tiêu chí phát triển giao thông thủy nhằm chia sẻ áp lực với giao thông đường bộ là một nội dung cần nghiên cứu trong đề án này. 

 

Tác giả bài viết: THÁI NGUYÊN

Nguồn tin: plo.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây