CLB Doanh Nhân Việt Nam - Vietnam Businessmen Club

https://clbdoanhnhanvietnam.com


TAND Tối cao thông tin về vụ án Hồ Duy Hải

Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Trí Tuệ cho biết: “Giả sử tới đây Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu xem xét lại thì cả Hội đồng Thẩm phán chúng tôi sẽ ngồi lại xem xét một lần nữa...”.

Sáng 12-5, Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Trí Tuệ đã có cuộc trao đổi, cung cấp thông tin chính thức cho các cơ quan báo chí về một số vấn đề liên quan đến phiên giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đối với vụ án Hồ Duy Hải.

Tại buổi cung cấp thông tin, Phó Chánh án Nguyễn Trí Tuệ cho biết: “Vì vụ án được dư luận quan tâm, gây tranh cãi nên giám đốc thẩm mới kéo dài ba ngày, mổ xẻ từng vấn đề như thế. Còn văn bản chính thức của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao sẽ không chi tiết nội dung, mà chỉ một câu ngắn gọn: Không chấp nhận kháng nghị của viện trưởng VKSND Tối cao”.

Đại diện báo Pháp Luật TP.HCM đã nêu hai nhóm vấn đề chính cần được thông tin, giải đáp và ông Nguyễn Trí Tuệ đã trả lời.

Về kháng nghị sau khi Chủ tịch nước bác đơn ân giảm

Pháp Luật TP.HCM: Thưa ông, BLTTHS 2015 tại Chương XXV về thủ tục giám đốc thẩm không có quy định nào là quyết định bác đơn xin ân giảm tử hình của Chủ tịch nước đang có hiệu lực thì không được kháng nghị phá án cả. Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao dựa vào điều luật nào để cho rằng kháng nghị của viện trưởng VKSND Tối cao không đúng quy định pháp luật?

Nếu vậy, giả dụ ở một vụ án nào đó, sau khi thi hành án tử hình mới phát hiện có oan, sai thì sẽ ra sao, khi Điều 379 BLTTHS nêu rõ “việc kháng nghị theo hướng có lợi cho người bị kết án có thể được tiến hành bất cứ lúc nào, cả trong trường hợp người bị kết án đã chết mà cần minh oan cho họ”.

Và nếu coi kháng nghị của VKSND Tối cao là không đúng quy định pháp luật thì trong bốn tháng thụ lý kháng nghị ấy, TAND Tối cao đã trao đổi trở lại với người kháng nghị chưa?

+ Ông Nguyễn Trí Tuệ: Quyết định của Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm tử hình là quyết định cuối cùng trong quá trình tố tụng. Sau quyết định của Chủ tịch nước, các cơ quan tiến hành tố tụng không được thực hiện bất cứ hành vi nào khác ngoài việc thi hành án.

Chúng tôi cho rằng trong vụ án này, lẽ ra VKSND Tối cao nên xin ý kiến, kiến nghị Chủ tịch nước dừng quyết định kia thì mới có thể tiến hành các hoạt động tố tụng khác như kháng nghị được.

Sau khi VKSND Tối cao có kháng nghị, TAND Tối cao đã thực hiện các công việc theo quy chế, quy định của Đảng, Nhà nước về phối hợp xử lý án.

TAND Tối cao thông tin về vụ án Hồ Duy Hải - ảnh 1
Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Trí Tuệ thay mặt Hội đồng Thẩm phán công bố phán quyết giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải. Ảnh: TTXVN

“Chẳng cái gì có thể chi phối được cả” 

. Khi còn là viện trưởng VKSND Tối cao, ông Nguyễn Hòa Bình từng quyết định không kháng nghị giám đốc thẩm. Vậy việc đó ảnh hưởng thế nào khi nay ông lại chủ tọa hội đồng giám đốc thẩm để xem xét kháng nghị của VKSND Tối cao mà vốn trước đây ông không đồng tình?

Trong vụ án này, chánh án TAND Tối cao đã chọn hình thức hội đồng toàn thể thẩm phán TAND Tối cao để giám đốc thẩm vụ án; theo đó, luật quy định chánh án phải là chủ tọa. Thế nhưng, BLTTHS còn có quy định nhiều hình thức hội đồng giám đốc thẩm khác mà không nhất thiết chánh án phải có mặt, tại sao tòa không lựa chọn?

+ Giám đốc thẩm là thủ tục tố tụng đặc biệt. Chánh án hay viện trưởng dù trước đó có ký quyết định kháng nghị hay không thì sau đó khi có kháng nghị vẫn có thể ngồi hội đồng giám đốc thẩm. Việc ấy có thể lặp lại chứ không chỉ một lần.

Ví dụ vụ án này, giả sử tới đây Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu xem xét lại thì cả Hội đồng Thẩm phán chúng tôi sẽ ngồi lại xem xét một lần nữa. Lúc ấy làm sao có thể coi là không vô tư…

Tòa lựa chọn hình thức hội đồng toàn thể vì vụ án Hồ Duy Hải có tính chất phức tạp. Còn hình thức hội đồng năm thẩm phán hay ba thẩm phán chỉ áp dụng với các vụ án đơn giản, mà ngay cả như thế, chỉ cần một thẩm phán không đồng ý là lại đưa vụ án ra hội đồng toàn thể.

Tôi khẳng định biểu quyết ở hội đồng giám đốc thẩm là hình thức bình thường của thủ tục giám đốc thẩm. Chúng tôi là thẩm phán do Chủ tịch nước bổ nhiệm và Quốc hội phê chuẩn. Bản thân chánh án chỉ là 1/17 thành viên Hội đồng Thẩm phán. Chẳng cái gì có thể chi phối được cả. Chúng tôi biểu quyết bằng nhận thức của mình, bằng cái tâm của mình và chịu trách nhiệm trước ý kiến của mình.

Bốn lần biểu quyết đều đạt 17/17

Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, ngày 6-5, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao mở phiên giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải để xem xét kháng nghị của viện trưởng VKSND Tối cao. Lần đầu tiên, phiên giám đốc triệu tập hàng loạt điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán ở hai cấp xét xử trước đây, đồng thời mời cả luật sư của bị án tham gia tố tụng.

Bên cạnh việc mổ xẻ từng nội dung kháng nghị, Hội đồng Thẩm phán còn biểu quyết bốn nội dung và thống nhất với tỉ lệ tuyệt đối 17/17 thẩm phán. Bốn nội dung này là:

1. Vụ án đã có những sai sót về tố tụng như đã nêu nhưng những sai sót đó không làm thay đổi bản chất vụ án; 2. Bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm kết án Hồ Duy Hải đúng người, đúng tội, đúng mức án; 3. Quyết định của Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm án tử hình của Hồ Duy Hải đang có hiệu lực, quyết định kháng nghị của VKSND Tối cao không đúng pháp luật; 4. Không chấp nhận kháng nghị của VKSND Tối cao (về việc hủy hai bản án phúc thẩm và sơ thẩm để điều tra lại).

Vụ án Cầu Voi và những dấu mốc qua 12 năm

Vụ án này xảy ra tháng 1-2008, tại Bưu điện Cầu Voi, huyện Thủ Thừa, Long An. Qua truy xét, cơ quan điều tra Công an tỉnh Long An bắt giữ Hồ Duy Hải. Đến tháng 12-2008, vụ án được đưa ra xử sơ thẩm, tuyên án tử hình bị cáo về hai tội giết người, cướp tài sản. Hải có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Đến tháng 4-2009, cấp phúc thẩm xử bác đơn. Liền sau đó, tử tù này làm đơn xin Chủ tịch nước ân giảm.

Theo quy định, trước khi Chủ tịch nước xem xét đơn, chánh án TAND Tối cao, viện trưởng VKSND Tối cao phải tự rà soát vụ án để báo cáo, đề xuất việc giải quyết đơn xin ân giảm của tử tù. Tháng 5 và tháng 10-2011, cả chánh án và viện trưởng tối cao đều ra quyết định không kháng nghị và đề nghị Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm. Tháng 5-2015, Chủ tịch nước ra quyết định bác đơn xin ân giảm hình phạt tử hình của Hải.

TAND Tối cao thông tin về vụ án Hồ Duy Hải - ảnh 2
Mẹ (phải) và em gái Hồ Duy Hải. Ảnh: BTP

“Sau khi Chủ tịch nước bác đơn, Hải mới kêu oan. Trong hồ sơ vụ án lúc này mới có từ kêu oan” - Phó Chánh án Nguyễn Trí Tuệ cho biết tại buổi cung cấp thông tin.

Tháng 12-2014, Văn phòng Chủ tịch nước có văn bản thông báo ý kiến của Chủ tịch nước, tạm dừng thi hành án với Hồ Duy Hải và yêu cầu chánh án TAND Tối cao, VKSND Tối cao xem xét lại vụ án… Đây cũng là thời điểm Ủy ban Thường vụ Quốc hội mở cuộc giám sát về “tình hình oan, sai trong áp dụng pháp luật về hình sự” và vụ án Hồ Duy Hải được đưa vào đánh giá, phân tích.

Trước yêu cầu của Chủ tịch nước và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan tố tụng trung ương đã lập tổ liên ngành nghiên cứu lại vụ án. Đến tháng 2-2018, tổ liên ngành cũng như Ban Nội chính Trung ương đều cho rằng quá trình phá án, các cơ quan tiến hành tố tụng “có một số sai sót về tố tụng nhưng không làm thay đổi bản chất vụ án”.

Tuy nhiên, về phía cơ quan giám sát, cũng tháng 2-2018, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội ra văn bản đề nghị lãnh đạo TAND Tối cao, VKSND Tối cao kháng nghị giám đốc thẩm vụ án. Tháng 11-2019, viện trưởng VKSND Tối cao ra quyết định kháng nghị và đến ngày 6-5, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã mở phiên giám đốc thẩm, sau đó ra phán quyết bác kháng nghị như đã biết.

 

 

Tác giả bài viết: NGHĨA NHÂN

Nguồn tin: plo.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây