CLB Doanh Nhân Việt Nam - Vietnam Businessmen Club

https://clbdoanhnhanvietnam.com


Hội thảo “Hợp đồng thông minh” – công nghệ nền tảng của cuộc cách mạng công nghiệp

Vào ngày 01/03/2023, Khoa Luật Quốc tế đã tổ chức Hội thảo cấp Khoa với chủ đề “Hợp đồng thông minh - Những vấn đề pháp lý liên quan”. Nhằm nghiên cứu, trao đổi, bình luận một cách có hệ thống, khoa học về Hợp đồng thông minh,

Tham dự Hội thảo, về phía BTC có sự tham gia của PGS.TS. Trần Việt Dũng – Trưởng Khoa Luật Quốc tế Trường Đại học Luật TP.HCM; TS. Phan Hoài Nam - Phó Trưởng Khoa Luật Quốc tế; NCS.ThS. Nguyễn Thị Lan Hương - Phó Trưởng Bộ môn Thương mại quốc tế, ThS. Nguyễn Lê Hoài - Giảng viên phụ trách Bộ môn Luật So sánh. Về phía khách mời có sự hiện diện của Luật sư Huỳnh Thị Kim Thoa - Công ty Luật TNHH Sophia; ThS. Lê Hồ Trung Hiếu - Giảng viên Khoa Luật Trường Đại học Văn Lang; TS. Nguyễn Kim Bích Tuyền - Giảng viên Khoa Luật Trường Đại học Ngân hàng; Bà  Lê Thị Ánh Nguyệt – Giám đốc pháp lý Công ty cổ phần Vietswan; Nhà báo Đỗ Văn Hiếu - Trưởng Văn phòng Đại diện miền Đông Nam Bộ Tạp chí Doanh nghiệp hội nhập cùng các diễn giả là chuyên gia pháp lý, chuyên gia hành nghề thực tiễn, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, học viên cao học và sinh viên có quan tâm.

Toàn cảnh Hội thảo “Hợp đồng thông minh - Những vấn đề pháp lý liên quan” tại phòng họp A905 và trực tuyến thông qua phần mềm Zoom
Toàn cảnh Hội thảo “Hợp đồng thông minh - Những vấn đề pháp lý liên quan” tại phòng họp A905 và trực tuyến thông qua phần mềm Zoom.

Mở đầu Hội thảo, PGS.TS. Trần Việt Dũng – Trưởng Khoa Luật Quốc tế đã khẳng định tầm quan trọng và tính cần thiết của Hợp đồng thông minh trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng. PGS.TS. Trần Việt Dũng kỳ vọng bên cạnh việc các chuyên gia, các nhà nghiên cứu sẽ có những bài tham luận phân tích rõ được những vấn đề pháp lý xoay quanh việc áp dụng Hợp đồng thông minh thì các bài tham luận được trình bày tại Hội thảo sẽ được trình bày ngắn gọn, súc tích để mọi người có thời gian thảo luận, hỏi đáp với các chuyên gia về các vấn đề liên quan.

PGS.TS. Trần Việt Dũng - Trưởng khoa Luật Quốc tế phát biểu khai mạc Hội thảo
PGS.TS. Trần Việt Dũng - Trưởng khoa Luật Quốc tế phát biểu khai mạc Hội thảo.

Hợp đồng thông minh là một trong những công nghệ nền tảng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ngày càng được áp dụng rộng rãi trên thế giới nhằm đưa ra giải pháp để thay thế cho các hoạt động lưu trữ, thực hiện giao dịch truyền thống. Việt Nam cũng là một quốc gia có tiềm năng rất lớn trong công cuộc chuyển đổi số với ưu thế về dân số trẻ, năng động và có khả năng tiếp cận nhanh chóng với công nghệ cao. Vì thế, xu hướng áp dụng hợp đồng thông minh trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội đã và đang được cộng đồng quan tâm.

Hội thảo gồm hai phiên, nội dung xoay quanh hai chủ đề chính (i) Cơ sở hình thành tính pháp lý của Hợp đồng thông minh và (ii) Một số vấn đề pháp lý trong ứng dụng Hợp đồng thông minh.

Phiên thứ nhất, các tham luận được trình bày bao gồm:

- “Khi hợp đồng thông minh được ứng dụng phổ biến tại Việt Nam – Góc nhìn từ nền tảng công nghệ đến khung pháp lý” – ThS. Lê Trần Quốc Công;

- “Hợp đồng thông minh – Góc nhìn từ khung chính sách của pháp luật Việt Nam” – Luật sư Huỳnh Thị Kim Thoa và Luật sư Nguyễn Hữu Lộc;

- “Đặc tính “Mã là luật” và một số vấn đề đáng lưu ý trong bối cảnh hợp đồng thông minh dưới góc nhìn pháp lý” – ThS. Nguyễn Thị Lan Hương và Phạm Bá Phong;

- “Hợp đồng pháp lý thông minh: phương thức giao kết và các vấn đề pháp lý cần lưu ý theo pháp luật Việt Nam” – ThS. Ngô Đình Thiện và ThS. Nguyễn Lê Hoài;

- “Cơ chế giao kết hợp đồng thông minh và những rào cản pháp lý trong pháp luật Việt Nam hiện nay” – ThS. Lê Hồ Trung Hiếu và ThS. Nguyễn Trung Thành.

Kết thúc phiên tham luận đầu tiên, nhiều vấn đề xoay quanh Hợp đồng thông minh được các giảng viên, sinh viên tham dự Hội thảo đặt ra như nền tảng và cơ sở để áp dụng Hợp đồng thông minh tại Việt Nam cũng như việc mã hóa chữ ký trong Hợp đồng thông minh.

 Các tham luận ở phiên thứ hai bao gồm:

- “Smart contract” – Theo pháp luật hợp đồng Việt Nam” – TS. Nguyễn Thị Hoa và ThS. Nguyễn Hoàng Thái Hy;

- “Bàn về khía cạnh xác định pháp luật áp dụng đối với hợp đồng thông minh theo Tư pháp quốc tế một số quốc gia” – ThS. Nguyễn Lê Hoài và ThS. Nguyễn Phan Vân Anh và Lê Thanh Huyền;

- “Trọng tài” trong smart contract và cơ chế công nhận và cho thi hành theo Công ước New York 1958” –  TS. Nguyễn Thị Hoa và ThS. Trần Thị Bảo Nga.

TS. Nguyễn Thị Hoa trình bày tại Hội thảo với tham luận “Trọng tài” trong smart contract và cơ chế công nhận và cho thi hành theo Công ước New York 1958”
TS. Nguyễn Thị Hoa trình bày tại Hội thảo với tham luận “Trọng tài” trong smart contract và cơ chế công nhận và cho thi hành theo Công ước New York 1958”.

Những quan điểm khoa học và thực tiễn từ nhiều góc độ cũng như những vấn đề về mặt pháp lý xoay quanh Hợp đồng thông minh. Đặc biệt là một số các giải pháp thực tiễn bước đầu được các diễn giả đặt ra và bàn luận tại Hội thảo nhằm hỗ trợ và quản lý Hợp đồng thông minh tại Việt Nam. Vấn đề liên quan đến Hợp đồng thông minh được các diễn giả quan tâm và đặt nhiều câu hỏi về thực tiễn áp dụng.

TS. Phan Hoài Nam giải đáp thắc mắc liên quan đến các vấn đề xoay quanh Hợp đồng thông minh
TS. Phan Hoài Nam giải đáp thắc mắc liên quan đến các vấn đề xoay quanh Hợp đồng thông minh.
Các diễn giả, chuyên gia, nghiên cứu sinh tham dự Hội thảo chụp hình lưu niệm
Các diễn giả, chuyên gia, nghiên cứu sinh tham dự Hội thảo chụp hình lưu niệm.

Sau 02 giờ đồng hồ, Hội thảo đã diễn ra thành công tốt đẹp với đa dạng góp ý từ các cá nhân nghiên cứu. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc áp dụng Hợp đồng thông minh tại Việt Nam. Kết thúc Hội thảo, PGS.TS. Trần Việt Dũng phát biểu tổng kết những vấn đề đã được thảo luận và hy vọng những ý kiến chuyên môn từ Hội thảo sẽ hữu ích trong việc áp dụng các quy định của Hợp đồng thông minh vào thực tiễn tại Việt Nam.

Tác giả bài viết: Đỗ Hiếu - Vân Nguyễn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây