CLB Doanh Nhân Việt Nam - Vietnam Businessmen Club

https://clbdoanhnhanvietnam.com


Bộ trưởng Bộ Công thương: Nhiều yếu tố thiếu bền vững trong xuất khẩu

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, quy mô xuất khẩu tăng cao nhưng còn xuất nhiều sản phẩm thô, nông sản xuất khẩu tiểu ngạch còn lớn còn lớn dẫn đến ùn tắc cục bộ.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chỉ đạo một số nhiệm vụ chính yếu trong công tác xuất khẩu năm 2022.

Tại hội nghị tổng kết năm 2021, phương hướng nhiệm vụ 2022 của Cục Xuất nhập khẩu, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, hoạt động xuất nhập khẩu năm qua đã đạt được những kết quả tích cực, hoàn thành và vượt chỉ tiêu Chính phủ giao.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 668,5 tỷ USD, tăng 23% so với năm trước; trong đó xuất khẩu đạt 336,3 tỷ USD, tăng 19%. Cán cân thương mại xuất siêu hơn 4 tỷ USD.

Bộ trưởng khẳng định, đây là những kết quả rất ấn tượng, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của cả nước, trong bối cảnh nhiều khó khăn do dịch Covid-19 và Cục Xuất nhập khẩu đã làm tốt công tác tham mưu cho Lãnh đạo Bộ để tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, khơi thông luồng hàng xuất khẩu, nhập khẩu.

Người đứng đầu ngành Công thương đánh giá cao những kết quả tích cực của hoạt động xuất nhập khẩu trong năm 2021.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thẳng thắn nhìn nhận xuất nhập khẩu còn những yếu tố thiếu bền vững. Ông nói "Quy mô xuất khẩu tăng cao, nhưng giá trị gia tăng còn thấp, nhiều ngành hàng còn xuất khẩu sản phẩm thô, sơ chế và phải nhập khẩu thành phẩm đã qua chế biến. Tỷ trọng của khối doanh nghiệp trong nước trong tổng xuất khẩu còn thấp. Xuất khẩu nông sản theo hình thức trao đổi thương mại biên giới còn chiếm tỷ trọng cao, dẫn đến ùn tắc cục bộ".

Bộ trưởng đánh giá, năm 2022 còn nhiều khó khăn, thách thức, chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch ngày càng rõ nét, nhiều nước tập trung phát triển sản xuất, thương mại nội địa, xung đột thương mại vẫn là nguy cơ trên toàn cầu.

Ông đề nghị Cục Xuất nhập khẩu cần nắm chắc diễn biến kinh tế thế giới, cập nhật chính sách xuất nhập khẩu của các quốc gia, cần tham mưu các cơ chế, chính sách xuất nhập khẩu phù hợp với diễn biến tình hình trong và ngoài nước.

Trong tham vấn chính sách, phải phát hiện và đề xuất kịp thời các giải pháp cho các vấn đề nóng, các mặt hàng chiến lược, chú trọng bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp Việt Nam, công tác tham mưu cần chú trọng tính kịp thời, tăng chất lượng tham mưu, đưa ra các giải pháp khả thi, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về xuất nhập khẩu.

Bộ trưởng lưu ý, trong quá trình thực thi chính sách, Cục Xuất nhập khẩu cần phối hợp với các địa phương để tham mưu điều chỉnh chiến lược ngành hàng, lựa chọn các mặt hàng có thế mạnh của địa phương để đưa vào kế hoạch phát triển thương mại và công nghiệp, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu.

Đặc biệt, Việt Nam đã hội nhập sâu rộng, với 15 FTA đã đi vào thực thi, Cục Xuất nhập khẩu phối hợp với các đơn vị của các Bộ, ngành, địa phương Vụ Thị trường ngoài nước, các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài thúc đẩy hoạt động sản xuất theo tín hiệu của thị trường, sản xuất sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn, quy định để xuất khẩu vào các thị trường lớn..

Năm 2022, ngành Công thương đặt mục tiêu xuất khẩu tăng khoảng 6-8%; cán cân thương mại duy trì trạng thái thặng dư.

Hải Yến

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây