CLB Doanh Nhân Việt Nam - Vietnam Businessmen Club

https://clbdoanhnhanvietnam.com


Chuyên gia Đức: Kinh tế Việt Nam phục hồi rất tích cực và năng động

Theo ông Daniel Müller - chuyên gia kinh tế phụ trách khu vực ASEAN của OAV, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2021 có thể xấp xỉ mức trung bình những năm trước đại dịch COVID-19.
Chuyen gia Duc: Kinh te Viet Nam phuc hoi rat tich cuc va nang dong hinh anh 1Chuyên gia kinh tế Daniel Müller, người phụ trách khu vực ASEAN của Hiệp hội doanh nghiệp Đức tại châu Á-Thái Bình Dương (OAV). (Ảnh TTXVN phát)


Để có thêm những đánh giá về tình hình kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2021 và triển vọng phát triển trong thời gian tới, phóng viên TTXVN tại Đức đã có cuộc phỏng vấn ông Daniel Müller - chuyên gia kinh tế phụ trách khu vực ASEAN của Hiệp hội doanh nghiệp Đức tại châu Á-Thái Bình Dương (OAV) về vấn đề này.

Đánh giá về tình hình kinh tế Việt Nam nửa đầu năm 2021, chuyên gia Daniel Müller cho rằng sau sự suy giảm tăng trưởng năm 2020 xuống còn 2,9% do đại dịch COVID-19 (mức suy giảm tương đối thấp so với kinh tế toàn cầu), cho đến nay có thể thấy nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi rất tích cực và năng động.

Điều này được thể hiện rõ trong quý 1/2021, đặc biệt là hoạt động ngoại thương, lĩnh vực vốn hết sức quan trọng đối với kinh tế Việt Nam.

So với cùng kỳ năm 2020, giá trị hàng hóa xuất khẩu quý 1/2021 đã tăng 22% và giá trị nhập khẩu tăng 26,3%.

Trong 4 tháng đầu năm 2021, kim ngạch thương mại của Việt Nam đạt 206,5 tỷ USD, cao nhất trong vòng 10 năm qua, tăng 29,5% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, theo chuyên gia Daniel Müller, trong quý 2, xu hướng tăng so với cùng kỳ năm trước khó đạt mức tương tự quý 1.

Ông khẳng định: "Điều này trước hết là do làn sóng dịch COVID-19 đang bùng phát trở lại tại Việt Nam mang đến những thách thức lớn cho quá trình phục hồi. Số lượng các trường hợp mắc bệnh mới gia tăng những ngày qua có thể dẫn đến việc mở cửa biên giới trở lại bị trì hoãn, điều này sẽ làm chậm sự phục hồi của ngành du lịch, gây tác động tiêu cực đến quá trình phát triển kinh tế nói chung."

Ở thời điểm hiện tại, chưa rõ làn sóng bùng phát dịch do loại biến thể mới của virus SARS-CoV-2 sẽ gây ra mức độ tác động thế nào tới Việt Nam, nhưng theo chuyên gia Daniel Müller, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2021 có thể xấp xỉ mức trung bình những năm trước đại dịch.

Trong trung hạn, chuyên gia Daniel Müller khẳng định lĩnh vực công nghiệp vẫn tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế Việt Nam.

Ông nói: "Nếu tiếp tục mở rộng chính sách thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài và đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số hóa nền kinh tế, Việt Nam có cơ hội tốt để tham gia nhiều hơn vào các chuỗi cung ứng quốc tế, ví dụ trong các ngành điện tử, máy tính và ôtô."

Theo chuyên gia Daniel Müller, trong các ngành này, Việt Nam nên xây dựng một kế hoạch phát triển chiến lược, trong đó có sự kết nối tốt với các nhà đầu tư nước ngoài tiềm năng.

Để đối phó với những thách thức dài hạn, Chính phủ Việt Nam nên điều chỉnh mối quan hệ giữa nhà nước và các doanh nghiệp phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế hơn nữa.

Thay vì phụ thuộc nhiều vào các tập đoàn kinh tế nhà nước, cơ chế thị trường nên đóng vai trò lớn hơn. Điều này là rất cần thiết, nhất là để đảm bảo cơ chế hợp tác đối tác công tư (PPP) đạt hiệu quả.

Nếu không có hình thức hợp tác này, việc thực hiện nhiều dự án theo kế hoạch như các dự án xây dựng và mở rộng cơ sở hạ tầng sẽ khó có thể thực hiện được.

Về mối quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Đức trong nửa đầu năm 2021, chuyên gia Daniel Müller cho rằng các diễn đàn và các kênh liên lạc giúp làm sâu sắc hơn quan hệ kinh tế Đức-Việt tiếp tục thực hiện tốt vai trò của mình.

Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam (EVFTA) đóng vai trò quan trọng, là cơ hội tốt để thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa các doanh nghiệp hai nước.
Chuyen gia Duc: Kinh te Viet Nam phuc hoi rat tich cuc va nang dong hinh anh 2                                              Sản xuất linh kiện điện tử. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)


Tháng 1/2021, Hiệp hội doanh nghiệp Đức tại châu Á-Thái Bình Dương đã phối hợp với Bộ Kinh tế Đức và Bộ Công thương Việt Nam thành lập Ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế Việt-Đức (JEC).

JEC sẽ thường xuyên tổ chức các cuộc thảo luận, trong đó một nội dung quan trọng là tiến độ thực hiện hiệp định EVFTA.

Về các biện pháp đẩy mạnh thực thi hiệp định EVFTA trong thời gian tới, chuyên gia kinh tế Daniel Müller cho rằng bên cạnh việc tiếp tục thực hiện nhất quán quá trình công nghiệp hóa và cải cách chung, Việt Nam cũng cần đẩy mạnh thực hiện các biện pháp cụ thể, như tăng cường quảng bá thông tin về các lợi ích và điều kiện của EVFTA, nhất là đối với các doanh nghiệp có tiềm năng tham gia EVFTA.

Các hiệp hội thương mại của Việt Nam cũng cần tăng cường thông tin cho doanh nghiệp thành viên của mình với cách thức phù hợp; cần chú ý hơn đến thế mạnh và thách thức của từng địa phương Việt Nam.

Để minh họa các quy định bắt buộc và những lợi ích khi tham gia EVFTA, việc sử dụng một số doanh nghiệp Việt đã thành công làm ví dụ truyền cảm hứng sẽ rất hữu ích, giúp cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, có thêm kinh nghiệm và có thể tự xác định hướng đi cho mình.

Ngoài ra, để khai thác tốt hơn tiềm năng to lớn của EVFTA, cần thúc đẩy và cải thiện mối quan hệ hợp tác giữa các doanh nghiệp trong nước và nhà đầu tư nước ngoài.

Những quan hệ đối tác này có thể giúp chuyển giao nhiều bí quyết công nghệ hơn nữa từ nước ngoài vào Việt Nam, qua đó nâng cao chất lượng sản phẩm của Việt Nam xuất khẩu sang châu Âu và Đức và làm cho các sản phẩm này hấp dẫn hơn, đáp ứng tốt hơn tiêu chuẩn cần thiết của EVFTA.

Về những đánh giá của các nhà đầu tư Đức đối với thị trường Việt Nam, chuyên gia Daniel Müller cho rằng cùng với Ấn Độ, Việt Nam tiếp tục được các doanh nghiệp Đức coi là thị trường tiềm năng thú vị nhất ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Điều này có thể thấy qua nhu cầu đặc biệt cao về thông tin kinh tế của Việt Nam và qua việc các sự kiện liên quan đến Việt Nam do OAV tổ chức nhận được sự quan tâm rất lớn của các doanh nghiệp Đức.

Định hướng của các doanh nghiệp Đức về việc mở rộng hoạt động tại các nước châu Á ngoài Trung Quốc ngày càng tăng. Một trong những quốc gia được lợi từ xu hướng này chính là Việt Nam.

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp Đức đang hoạt động tại Việt Nam đã tăng cường đầu tư mở rộng quy mô sản xuất tại đây. Mục tiêu của các công ty này là tăng mạnh số lượng và cải thiện chất lượng sản phẩm, chẳng hạn như thông qua đầu tư mạnh cho quy trình số hóa.

Đối với nhiều doanh nghiệp, Việt Nam có tiềm năng trở thành một trung tâm sản xuất khu vực, hàng hóa được sản xuất tại đây có thể cung cấp cho toàn bộ thị trường ASEAN và cả khu vực Nam Á. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp khác của Đức đang tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Việt Nam.

Liên quan tới triển vọng của Hiệp định bảo hộ đầu tư EU-Việt Nam (EVIPA), chuyên gia Daniel Müller nhận định phía Đức rất quan tâm đến hiệp định này sau Hiệp định EVFTA có hiệu lực.

Các khoản đầu tư trực tiếp của Đức vào Việt Nam ngày càng tăng, do đó cần có các quy định hiệu quả về bảo hộ đầu tư và giải quyết tranh chấp về đầu tư.

Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau nên việc phê chuẩn EVIPA tại các nước thành viên EU nhiều lần bị trì hoãn. Do đó, hiện chưa thể dự đoán chính xác khi nào EVIPA sẽ được Quốc hội Đức và quốc hội các thành viên EU khác phê chuẩn.

Chuyên gia Daniel Müller cho rằng tình hình nội bộ và những cân nhắc chính trị trong ngắn hạn của các nước EU cũng có thể đóng một vai trò nào đó trong vấn đề này.

Vũ Tùng (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn tin: www.vietnamplus.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây