CLB Doanh Nhân Việt Nam - Vietnam Businessmen Club

https://clbdoanhnhanvietnam.com


Nga chuẩn bị gì cho các lệnh trừng phạt kinh tế?

Nga đang sở hữu kho dự trữ ngoại hối quốc tế trị giá 630 tỷ USD. Đây có thể là biện pháp giúp chính phủ nước này duy trì hoạt động chi tiêu trước các lệnh trừng phạt.

Theo CNN, kể từ cuộc khủng hoảng ở Crimea và sự kiện rơi máy bay MH17 vào năm 2014, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cố gắng xây dựng một nền kinh tế có khả năng chống chịu các lệnh trừng phạt từ phương Tây.

Sau 8 năm, “nền kinh tế pháo đài” của quốc gia này một lần nữa đối mặt với thử thách.

Kho dự trữ ngoại hối 650 tỷ USD

Sau khi Nga chính thức đưa quân vào Ukraine, Mỹ cùng các nước phương Tây đã ban hành hàng loạt lệnh trừng phạt nhắm vào nền kinh tế lớn thứ 11 thế giới.

Lo sợ về những gì lệnh trừng phạt có thể gây ra, thị trường chứng khoán Nga nhanh chóng tụt dốc trước làn sóng bán tháo hôm 24/2 và chứng kiến đợt sụt giảm lớn nhất lịch sử, khoảng 33%.

Các lệnh trừng phạt cũng tác động nghiêm trọng đến tỷ giá hối đoái của đồng RUB. Giá trị quy đổi đồng nội tệ sang USD đã giảm gần 30% so với phiên đóng cửa vào tuần trước, buộc Ngân hàng Trung ương Nga phải thông báo tăng lãi suất cơ bản lên 20%, mức cao nhất trong vòng 20 năm trở lại đây.

Nền kinh tế Nga trị giá 1.500 tỷ USD. Ảnh: NYT.

Theo số liệu từ Ngân hàng Thế giới, Nga hiện sở hữu nền kinh tế trị giá 1.500 tỷ USD. Song, từ năm 2014, tổng sản phẩm quốc nội của Nga hầu như không tăng trưởng. Giá trị đồng nội tệ sụt giảm còn thu hẹp giá trị của nền kinh tế khoảng 800 tỷ USD.

Cùng thời gian này, Moscow cố gắng giảm sự lệ thuộc vào đồng USD, hạn chế chi tiêu và tăng cường dự trữ ngoại tệ. Để thúc đẩy sản xuất nội địa, Nga hạn chế các mặt hàng tương đương nhập từ nước ngoài. Hiện tại, Moscow sở hữu kho dự trữ quốc tế trị giá 630 tỷ USD, con số khổng lồ so với hầu hết quốc gia khác.

David Lubin, nhà kinh tế học tại Citi và cộng sự của Chatham House, cho rằng điều kiện của “kinh tế pháo đài” là nguồn dự trữ ngoại tệ lớn. Đây là lớp áo giáp giúp chính phủ đó có thể duy trì chi tiêu ngay cả khi lệnh trừng phạt có hiệu lực.

Nga đã theo đuổi hình mẫu này một cách kiên trì
David Lubin, nhà kinh tế học tại Citi và cộng sự của Chatham House


Theo hãng thông tấn TASS, một số ngân hàng Nga ghi nhận nhu cầu rút tiền tăng đột biến kể từ khi Nga xung đột với Ukraine, đặc biệt là ngoại tệ. Để kéo giá đồng RUB, Ngân hàng Trung ương Nga đã phải can thiệp vào thị trường tiền tệ, đồng thời gia tăng nguồn cung tiền mặt cho hệ thống ATM trên khắp đất nước.

Tuy nhiên, chiến lược xây dựng “hậu cần” của ông Putin đang kìm hãm tăng trưởng kinh tế, đầu tư cũng như ưu tiên doanh nghiệp nhà nước hơn tư nhân. Thu nhập trung bình của người Nga thậm chí giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2010. Các khoản đầu tư trực tiếp từ nước ngoài cũng duy trì ở mức tối thiểu.

Bên cạnh đó, việc Nga giảm sự lệ thuộc vào dầu khí cũng vấp phải nhiều khó khăn, khiến đất nước dễ dàng chịu ảnh hưởng từ giá hàng hóa thế giới.

Điểm yếu của kinh tế Nga

Trong tuyên bố hôm 24/2, Tổng thống Mỹ Joe Biden nêu rõ một số ngân hàng lớn tại Nga như Sberbank hay VTB sẽ là mục tiêu của lệnh trừng phạt. Các ngân hàng này sẽ bị cấm xử lý giao dịch thanh toán qua hệ thống tài chính Mỹ. Ngoài ra, các công ty quốc doanh Nga không được phép huy động vốn tại thị trường Mỹ.

Phạm vi của lệnh trừng phạt bao phủ gần 80% tài sản trong hệ thống ngân hàng Nga. Song song, Mỹ cũng tạo rào cản tiếp cận công nghệ cao đối với các công ty quân sự và công nghiệp.

EU, Anh, Nhật Bản, Australia và các quốc gia khác đều có biện pháp trừng phạt riêng. Gần nhất, Mỹ, Canada và Liên minh châu Âu (EU) đã đồng thuận loại bỏ một số ngân hàng Nga khỏi SWIFT, hệ thống nhắn tin liên ngân hàng gồm 11.000 thành viên trên 200 nước và vùng lãnh thổ.

Kinh tế Nga đang đối mặt với gói trừng phạt lớn chưa từng có. Ảnh: AFP.

Khối liên minh phương Tây đồng thời cho biết sẽ ngăn chặn khả năng triển khai kho dự trữ quốc tế để kéo giá đồng RUB của Ngân hàng Trung ương Nga. Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, tuyên bố những biện pháp này sẽ “làm tê liệt tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga”.

“Kho dự trữ ngoại hối trị giá hơn 600 tỷ USD của Nga chỉ phát huy khả năng nếu ông Putin có thể sử dụng chúng. Ví dụ, nếu không thể mua RUB từ các tổ chức tài chính phương Tây, Nga khó thoát khỏi ảnh hưởng từ những biện pháp trừng phạt”, một quan chức cấp cao của Nhà Trắng, cho biết.

Đến nay, phương Tây không tiết lộ ngân hàng nào của Nga sẽ bị loại khỏi SWIFT cũng như cách thức trừng phạt ngân hàng trung ương.

“Tôi không nghĩ chúng ra từng thấy mọi chuyện đi xa như thế này. Gói trừng phạt này thậm chí có quy mô nghiêm trọng hơn so với năm 2014”, Iikka Korhonen, người đứng đầu Viện các nền kinh tế mới nổi của Ngân hàng Phần Lan và là chuyên gia về hệ thống tài chính và ngân hàng của Nga, nhận xét.

Họ có thể xoay sở một thời gian. Nhưng nếu tình hình càng kéo dài, tốc độ tăng trưởng của Nga sẽ tụt lại
Iikka Korhonen, chuyên gia phân tích


Nga vẫn đang chuẩn bị kịch bản chống chịu lệnh trừng phạt. Ngoài ra, việc giá dầu thô liên tục dao động ở mức 100 USD/thùng mang lại nguồn thu khổng lồ của nước này.

Các nước Phương Tây đang tìm cách trừng phạt Nga theo cách ít gây thiệt hại nhất cho chính mình. Tuy nhiên, giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu đang neo cao và có thể tăng thêm nếu nguồn cung xuất khẩu từ Nga bị cắt đứt. Song song, Việc Nga giảm nhập khẩu dầu thô sẽ thúc đẩy giá xăng dầu tăng mạnh.

Việc sử dụng SWIFT như một biện pháp trừng phạt cũng tương tự. Bất kỳ gián đoạn xảy ra đối với sự ổn định của dòng tiền có thể gây ra cú sốc cho các tổ chức tài chính Nga và khách hàng nước ngoài, đặc biệt là những đơn vị mua dầu khí bằng USD.

Nhưng, nếu chỉ ngắm mục tiêu vào một số ngân hàng Nga nhất định, hoạt động giao dịch nhập dầu và khí đốt từ Nga sẽ tiếp tục được duy trì.

Giới phân tích cho rằng phương Tây nên sẵn sàng trả giá đắt về kinh tế trong chiến dịch trừng phạt Nga.

Ngọc Phương Linh

Nguồn tin: zingnews.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây