CLB Doanh Nhân Việt Nam - Vietnam Businessmen Club

https://clbdoanhnhanvietnam.com


Sinh viên du lịch học thêm công nghệ, kinh doanh trực tuyến

Tác động của đại dịch Covid-19 sẽ còn kéo dài nhiều năm, đòi hỏi các cơ sở đào tạo du lịch phải nhanh chóng thích ứng với bối cảnh, tranh thủ sự tiến bộ của khoa học, công nghệ để đẩy nhanh khả năng thích ứng và kiểm soát chất lượng đào tạo.

Vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực du lịch, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao, nhân lực thành thạo nghiệp vụ là một thách thức lớn cho ngành du lịch khi phục hồi. Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hương (Ban Cố vấn Hiệp hội Du lịch Việt Nam), trong 2 năm vừa qua, không ít doanh nghiệp đã phải đóng cửa khiến nhiều lao động trong ngành du lịch đã phải đi tìm việc làm khác. Nhiều người trong số đó đã quen, ổn định với công việc mới với thu nhập bằng hoặc tốt hơn; do vậy khi ngành du lịch phục hồi họ không muốn quay lại nữa. Bên cạnh đó, có thể nhiều người lao động sẽ quay lại ngành du lịch nhưng kỹ năng nghề bị mai một sau thời gian dài không sử dụng.

Thực trạng trên đặt ra những thách thức, trách nhiệm và cả cơ hội cho các cơ sở đào tạo du lịch. Ngày 18/11, Học viện Phụ nữ Việt Nam phối hợp với trường Đại học Khoa học (Đại học Thái Nguyên) tổ chức hội thảo khoa học quốc gia “Đào tạo về du lịch trong bối cảnh đại dịch COVID–19, quốc tế hóa và Cách mạng công nghệ lần thứ tư” nhằm luận giải và tìm giải pháp cho vấn đề này.

Hội thảo “Đào tạo về du lịch trong bối cảnh đại dịch COVID–19, quốc tế hóa và Cách mạng công nghệ lần thứ tư”.

PGS. TS. Trần Quang Tiến - Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam nhận định tác động của đại dịch Covid-19 sẽ còn kéo dài nhiều năm, đòi hỏi các cơ sở đào tạo phải nhanh chóng thích ứng với bối cảnh, tranh thủ sự tiến bộ của khoa học và công nghệ để đẩy nhanh khả năng thích ứng và kiểm soát chất lượng đào tạo.

"Sự chủ động chuyển đổi số của ngành du lịch, nhanh chóng triển khai du lịch an toàn, hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh sẽ tạo động lực, cơ hội cho đào tạo ngành du lịch. Bên cạnh đó, sự chủ động thích ứng và thay đổi của các các cơ sở đào tạo du lịch đóng vai trò quan trọng. Nhà trường cần tiếp tục đồng hành, phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp, doanh nhân trong đào tạo nhân sự ngành du lịch, góp phần đạt các mục tiêu tăng trưởng của ngành" - PGS. TS. Trần Quang Tiến nói.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Thanh Hương cho rằng việc đào tạo cần thay đổi và thích nghi với nhu cầu phát triển du lịch trong điều kiện bình thường mới. Trong đó đẩy mạnh ứng dụng số; nâng cao năng lực khai thác, sử dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội trong việc quảng cáo, bán hàng, quản lý kinh doanh, xây dựng cơ sở dữ liệu về khách hàng, nâng cao hiệu quả kinh tế, năng suất lao động.

Từ kết quả khảo sát chuyên gia và người học về xây dựng chuẩn đầu ra và yêu cầu nhân lực nhà hàng – khách sạn, nghiên cứu gần đây của TS. Đỗ Thị Vân Hương và TS. Chu Thành Huy (Đại học Thái Nguyên) cho thấy nhu cầu về nắm bắt công nghệ, thích ứng với tình hình mới, tăng cường đào tạo liên kết với doanh nghiệp và thích ứng linh hoạt với thời kỳ dịch bệnh Covid-19 ở mức cần thiết (tỷ lệ đánh giá cần thiết trở lên trên 85%); còn yêu cầu về kiến thức, kỹ năng và thái độ nghề ở mức rất cần thiết (trên 80%).

Sinh viên du lịch được tăng cường thời lượng thực hành, thực tế. Nguồn: Khoa Du lịch - Đại học Khoa học (Đại học Thái Nguyên)

Trước yêu cầu nhân lực du lịch cần kỹ năng công nghệ, khoa Du lịch – trường Đại học Khoa học (Đại học Thái Nguyên) đã tăng cường khối kiến thức ứng dụng tin học trong du lịch và du lịch thông minh, bao gồm thương mại điện tử, nền tảng trực tuyến, mạng đặt phòng, công cụ - phương pháp tiếp thị số, ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá và xúc tiến sản phẩm, công nghệ và phần mềm quản lý trong lữ hành, khách sạn, nhà hàng… Chương trình đào tạo cũng tích hợp hệ thống kiến thức về an toàn du lịch, quy trình đón khách đạt chuẩn, tìm hiểu về các loại chứng nhận tiêm chủng, hộ chiếu vaccine…

Bên cạnh đó, sinh viên du lịch được tăng cường thời lượng thực hành, thực tế; đẩy những môn chuyên ngành, nghiệp vụ lên năm học thứ 2 để người học sớm tiếp xúc với chuyên môn nghề và có khả năng thực hành thuần thục, từ đó phát triển và rèn luyện năng lực nghề. Nhà trường cũng tăng cường đào tạo ngoại ngữ cho sinh viên khối ngành khách sạn - nhà hàng; tăng cường mời chuyên gia, doanh nhân giàu kinh nghiệm đến giảng dạy, chia sẻ nghề nghiệp, tư vấn, tạo thêm động lực cho sinh viên.

Trong bối cảnh 80% nhân lực trong ngành du lịch đã thất nghiệp hoặc tạm nghỉ việc và khó dự đoán số lao động sẽ quay trở lại, bà Nguyễn Thị Thanh Hương cho rằng các cơ sở đào tạo về du lịch đang đứng trước cơ hội và trách nhiệm tham gia đáp ứng nhu cầu đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch. Đối với thế hệ sinh viên đang học ngành du lịch thì sau 2-3 năm nữa khi tốt nghiệp các em sẽ đón được giai đoạn tăng trưởng mới của ngành du lịch và có nhiều cơ hội việc làm./.

Hải Nam/VOV.VN

Nguồn tin: vov.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây