CLB Doanh Nhân Việt Nam - Vietnam Businessmen Club

https://clbdoanhnhanvietnam.com


Thủ tướng yêu cầu khẩn trương ứng phó mưa lũ kéo dài ở miền Trung

Thủ tướng gửi lời chia buồn tới người dân chịu ảnh hưởng bởi thiên tai những ngày qua; đồng thời yêu cầu bộ, ngành, địa phương lên phương án ứng phó với mưa lũ kéo dài ở Trung Bộ.

Sáng 23/10, Thủ tướng có công điện gửi Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai cùng các bộ, ngành liên quan và địa phương từ Quảng Bình đến Bình Định, về việc chủ động ứng phó với mưa lũ ở miền Trung những ngày tới.

Công điện nêu rõ những ngày vừa qua, Trung Bộ và Tây Nguyên đã xuất hiện mưa lớn gây lũ, ngập lụt, sạt lở đất cục bộ tại một số địa phương, làm một số người bị chết, mất tích. Thủ tướng chia sẻ với khó khăn, mất mát của người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc đến các gia đình có người bị nạn.

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ngày 23-25/10, mưa lớn diện rộng tiếp diễn ở khu vực từ Quảng Bình đến Phú Yên. Tại Quảng Trị đến Quảng Ngãi, tổng lượng mưa có thể đạt 200-380 mm, có nơi trên 430 mm.

Đến ngày 27/10, áp thấp nhiệt đới hoặc bão tiếp tục ảnh hưởng đến miền Trung. Đây là khu vực vừa trải qua mưa lớn, đất bão hòa nước nên nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông.

Ảnh hưởng của bão số 8, kè biển ở thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An, bị sóng đánh vỡ thành từng mảng ngày 19/10. Ảnh: Phạm Trường.

Để chủ động ứng phó mưa lũ, nhất là lũ quét, sạt lở đất, hạn chế thiệt hại về tính mạng của người dân, Thủ tướng yêu cầu các tỉnh, thành phố liên quan khẩn trương khắc phục hậu quả đợt mưa lũ vừa qua, tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại, nhất là gia đình có người bị thiệt mạng, gia đình chính sách.

Lực lượng chức năng cần tìm kiếm người còn mất tích, cứu chữa người bị thương; cứu trợ khẩn cấp lương thực, nhu yếu phẩm cho những hộ bị mất nhà, không để người dân bị đói, rét.

Các đơn vị được yêu cầu chủ động rà soát phương án, sẵn sàng huy động lực lượng tổ chức sơ tán khẩn cấp các hộ dân tại khu vực không bảo đảm an toàn, nhất là nơi có thể xảy ra ngập sâu, chia cắt, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, khu vực đã xảy ra mưa lớn vừa qua và đã xảy ra sạt lở đất năm 2020.

Thủ tướng lưu ý việc bảo đảm công tác phòng chống dịch Covid-19 tại nơi sơ tán, hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm cho người dân.

Bộ, ngành, địa phương cần cử lực lượng hướng dẫn người dân đi lại an toàn khi có mưa lũ; triển khai lực lượng kiểm soát, hướng dẫn, hỗ trợ giao thông an toàn qua các ngầm tràn, tuyến đường bị ngập sâu; hướng dẫn người dân dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu đề phòng mưa lũ gây ngập úng, chia cắt kéo dài.

Các địa phương cũng được yêu cầu khắc phục nhanh sự cố do đợt mưa lũ vừa qua, triển khai phương án bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập; tổ chức giám sát việc vận hành an toàn các hồ đập trên địa bàn, đặc biệt đối với các hồ đập xung yếu, đã đầy nước.

Lực lượng, phương tiện, vật tư phải được chủ động bố trí tại địa bàn trọng điểm để sẵn sàng triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn và khắc phục kịp thời sự cố và hậu quả mưa lũ, không để bị động bất ngờ.

Theo báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai, tính đến hết ngày 22/10, mưa lũ ở các tỉnh, thành phố từ Quảng Bình đến Bình Thuận đã khiến 2 người chết, 5 nhà hư hỏng, 4 nhà tốc mái. Một số tuyến đường ở Quảng Bình và Thừa Thiên - Huế bị sụt lún, hư hỏng.

Mỹ Hà

Nguồn tin: zingnews.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây