CLB Doanh Nhân Việt Nam - Vietnam Businessmen Club

https://clbdoanhnhanvietnam.com


Thúc đẩy tự do kinh doanh và nâng cao hiệu quả kinh tế thị trường

Việt Nam đang tiến tới một nền kinh tế thị trường đầy đủ hơn thông qua việc thừa nhận sở hữu tư nhân và tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển.

Sáng 6/12, Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VERP), trực thuộc trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cùng Viện Friedrich Naumann Foundation (FNF) phối hợp tổ chức Hội thảo Thúc đẩy tự do kinh doanh và nâng cao hiệu quả thị trường với sự tham gia trao đổi, thảo luận giữa các chuyên gia kinh tế và các nhà hoạch định chính sách.

Tự do kinh doanh đóng vai trò vô cùng quan trọng nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại các quốc gia

Tự do kinh doanh đóng vai trò vô cùng quan trọng nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại các quốc gia

Thông tin từ hội thảo cho thấy, thể chế kinh tế thị trường mang lại sự thịnh vượng hơn cho nền kinh tế. Thể chế làm cho thị trường phát huy tốt các nguyên tắc, quy luật của thị trường; từ đó, thị trường sẽ thực hiện tốt hơn vai trò của mình trong phân bổ nguồn lực từ nơi thừa sang nơi thiếu, từ nơi sử dụng kém hiệu quả sang nơi sử dụng có hiệu quả cao hơn.

Liên quan về vấn đề này, ông Fred Mcmahon - Chủ trì nghiên cứu về tự do kinh tế tại Viện Fraser (Canada) cho rằng: Tự do kinh doanh đóng vai trò vô cùng quan trọng nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại các quốc gia, trong đó Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Tự do kinh tế gắn liền với xã hội lành mạnh hơn, môi trường trong sạch hơn, GDP bình quân đầu người cao hơn, phát triển con người, dân chủ và xóa đói giảm nghèo.

Thực tế, trong quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Việt Nam đã từng bước hình thành những điều kiện cần thiết để tiến tới một nền kinh tế thị trường đầy đủ hơn thông qua việc thừa nhận sở hữu tư nhân và tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển; cải thiện quyền tự do giao dịch, lao động; tự do tiền tệ; tự do đầu tư; giao đất cho tổ chức, cá nhân sử dụng ổn định, lâu dài và có quyền chuyển nhượng, cho thuê, thừa kế, thế chấp, chuyển đổi, cho hoặc tặng, góp vốn để kinh doanh; nỗ lực hình thành đồng bộ các loại thị trường trong nền kinh tế…

Tuy nhiên, đáng chú ý là, từ năm 2000 đến nay, xếp hạng Tự do kinh tế đối với Việt Nam theo đánh giá của Viện Fraser luôn nằm dưới thứ hạng 100, thể hiện hiệu quả thị trường kém. Cụ thể, năm 2000 Việt Nam đạt 5,58 điểm và thứ hạng 105; năm 2010 đạt 5,9 điểm và thứ hạng 128; năm 2015 Việt Nam đạt 6,04 điểm với thứ hạng 126. Năm 2022 theo xếp hạng Tự do kinh tế 2022, Việt Nam ở vị trí cuối bảng, xếp thứ 113/165 nền kinh tế, với 6,42 điểm (thang điểm 10).

Thúc đẩy tự do kinh doanh giúp Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và bền vững

Thúc đẩy tự do kinh doanh giúp Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và bền vững

Chia sẻ tại hội thảo, bà Hoàng Minh Thảo - Chuyên gia về Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh – Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - CIEM (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng: Mặc dù đã có sự cải thiện nhờ sự quyết liệt của Chính phủ trong những năm gần đây, cụ thể, giai đoạn 2014-2015, Chính phủ đã đưa ra 40 văn vản chỉ đạo về cải thiện môi trường kinh doanh, vì thế các bộ, ngành đã có sự vào cuộc, nhiều điều kiện kinh doanh được cắt giảm.

"Tuy nhiên, từ năm 2020 đến nay, có thể do tác động của dịch bệnh nên tiến trình cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam đang bị chững lại" - bà Hoàng Minh Thảo thông tin.

Thậm chí, theo bà Hoàng Minh Thảo, mức độ can thiệp của Nhà nước vào thị trường có dấu hiệu tăng lên trong những năm gần đây, mức độ này ở Việt Nam chỉ thấp hơn mỗi Lào và Campuchia, còn lại cao hơn tất cả các quốc gia còn lại của ASEAN. Điều này cho thấy, quyền tự do kinh doanh của Việt Nam chưa được đảm bảo.

Từ những phân tích trên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam còn rất nhiều dư địa để thúc đẩy cải thiện tự do kinh doanh và nâng cao hiệu quả thị trường. Đặc biệt, theo ông Fred Mcmahon - Chủ trì nghiên cứu về tự do kinh tế tại Viện Fraser (Canada), việc cải thiện thể chế, thúc đẩy tự do kinh doanh là yêu cầu tất yếu của Việt Nam hiện nay. Điều này càng quan trọng hơn trong bối cảnh Việt Nam có tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 25%/mỗi năm trong suốt nhiều năm qua, đây là một mức tăng trướng khá tốt.

Song ông Fred Mcmahon cho rằng, muốn tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng GDP nhanh hơn, bền vững hơn, không còn cách nào khác là Việt Nam cần phải tập trung cải cách kinh tế, cải cách thị trường. Muốn làm được như vậy, thúc đẩy tự do kinh doanh đóng vai trò quan trọng, từ đó sẽ tác động đến tăng trưởng kinh tế.

Đồng tình với quan điểm này, TS Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng CIEM nhận định: Bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước đang tạo ra những thách thức không nhỏ đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Cụ thể, suy thoái kinh tế toàn cầu diễn ra vào cuối năm 2023 và năm 2024, lạm phát gia tăng tại nhiều quốc gia trên thế giới sẽ khiến suy giảm tiêu dùng, cắt giảm đơn hàng nhập khẩu tại một số quốc gia trên thế giới sẽ tác động đến doanh nghiệp Việt Nam, khiến doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất để phù hợp với bối cảnh mới.

Trong bối cảnh đó, TS Nguyễn Đình Cung cho rằng, thúc đẩy tự do kinh doanh nâng cao độ an toàn kinh doanh, từ đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả thị trường là yêu cầu cấp thiết.

TS Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư): Để thúc đẩy tự do kinh doanh và nâng cao hiệu quả thị trường, điều quan trọng nhất đối với Việt Nam là đề cao tính công khai, minh bạch.

NGUYỄN HÒA

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây