Chiến lược điều trị Covid-19 tại TP HCM trong giai đoạn mở cửa như thế nào?

Thứ bảy - 18/09/2021 08:09
Khi có vắc-xin bao phủ, TP HCM sẽ tập trung quản lý các F0 xuất hiện tại cộng đồng, đồng thời tăng cường hệ thống điều trị từ các tầng của bệnh viện để điều trị bảo đảm F0 đang điều trị tại nhà được chăm sóc tốt.

Thông tin về chiến lược điều trị Covid-19 trong giai đoạn mở cửa tại cuộc họp báo định kỳ về công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn TP HCM chiều 18-9, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, cho biết TP từng bước nới lỏng giãn cách xã hội dựa vào tình hình diễn tiến dịch bệnh của TP. Khi an toàn mới mở cửa và khi mở cửa phải đảm bảo an toàn.

Dựa vào tình hình dịch bệnh, đặc biệt là tỷ lệ tiêm vắc-xin trên địa bàn, TP sẽ có chiến lược cụ thể. Theo bác sĩ Châu, hiện TP đã bao phủ 90% mũi 1, đang tiêm mũi 2 và tiến tới lộ trình đạt 100% mũi 2 cho người từ 18 tuổi trở lên.

Buổi họp báo chiều 18-9

Như vậy, khi có vắc-xin bao phủ, TP sẽ tập trung quản lý các F0 xuất hiện tại cộng đồng, đồng thời tăng cường hệ thống điều trị từ các tầng của bệnh viện để bảo đảm F0 đang điều trị tại nhà được chăm sóc tốt, sẽ tự hồi phục.

Trường hợp nào diễn tiến nặng sẽ được nhập viện vào các bệnh viện tầng 2, tầng 3 bảo đảm điều trị, hạn chế tỷ lệ tử vong.

Bên cạnh đó, TP sẽ giám sát liên tục dịch tễ học, triển khai các xét nghiệm để kịp thời phát hiện các đối tượng nguy cơ khi nhiễm bệnh để kịp thời tiếp nhận theo dõi điều trị.

Bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM thông tin tại buổi họp báo

Bác sĩ Châu cho biết UBND TP giao UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức thành lập bệnh viện dã chiến và theo luật ngân sách, việc chi trả kinh phí phòng chống dịch thuộc thẩm quyền của UBND các địa phương.

Thường là một bệnh viện trong địa bàn sẽ phụ trách bệnh viện dã chiến.

Về mặt tài chính, bệnh viện nào chịu trách nhiệm quản lý bệnh viện dã chiến sẽ được UBND các quận huyện giao chịu trách nhiệm sử dụng dự toán ngân sách được giao và các nguồn kinh phí để mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị...để đảm bảo hoạt động cho các bệnh viện dã chiến này.

Thông tin thêm về tỷ lệ tử vong tại TP, bác sĩ Châu cho biết qua biểu đồ số ca tử vong đang có xu hướng giảm. Tuy nhiên, số ca tử vong phản ánh một quá trình điều trị kéo dài từ lúc nhập viện, diễn tiến nặng và hồi sức. Hiện, theo thống kê, TP có khoảng 1.000 bệnh nhân phải thở máy.

"Ngành y tế đang cố gắng cứu chữa cho những trường hợp bệnh nặng, hy vọng thời gian tới số ca bệnh nặng giảm và giảm đáng kể" - bác sĩ Châu nói.

Cũng tại buổi họp báo, thông tin về chiến lược xét nghiệm diện rộng trên địa bàn TP theo công văn 3074, bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC) cho biết TP lấy mẫu theo "vùng đỏ", "vùng cam" 3 lần trong 7 ngày, thực hiện xét nghiệm nhanh hoặc PCR. "Vùng vàng" và "vùng xanh" thực hiện xét nghiệm PCR mẫu gộp. Với hộ nhiều hơn 5 người sẽ lấy 2 đại diện, tần suất 5-7 ngày/lần.

Trường hợp người dân tự lấy mẫu có thể lưu lại dữ liệu và nộp cho cơ quan y tế địa phương để được lưu kết quả.

Bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC) chia sẻ thông tin tại buổi họp báo

Trả lời phóng viên về việc thực hiện lấy mẫu vùng mũi nhiều có ảnh hưởng đến khướu giác hay không và tại sao không áp dụng xét nghiệm qua mồ hôi và nước bọt, bác sĩ Tâm lý giải TP đang sử dụng test RT- PCR và test kháng nguyên, sử dụng mẫu dịch tỵ hầu, dịch mũi, dịch họng.

Theo bác sĩ Tâm, trên thế giới, test bằng dịch tỵ hầu vẫn phổ biến nhất. Còn các kỹ thuật lấy mẫu nước bọt, mồ hôi… hiện còn rất mới, chưa đủ cơ sở cũng như nguồn cung hạn chế.

Bác sĩ Tâm chia sẻ thêm rằng do đợt tiêm chủng lần 4 TP tập trung rất cao để bao phủ mũi 1 và mũi 2 nên việc nhập liệu có nơi bị chậm trễ.

Các đội tiêm sẽ tự nhập liệu, số liệu được gửi lên cổng thông tin quốc gia. Các trường hợp nhập thiếu, nhập sai, Bộ Thông tin và Truyền thông và HCDC cũng có hướng dẫn cách thức sửa chữa, cập nhật.

Cũng tại buổi họp báo, ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP HCM cho biết TP bước vào ngày thứ 3 thực hiện công văn 3072 của UBND TP về các biện pháp phòng chống dịch từ ngày 16 đến 30-9.

Ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP HCM chủ trì buổi họp báo chiều 18-9

Thông tin về tình hình dịch bệnh, theo ông Hải, tính đến 18 giờ ngày 17-9, có 327.331 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại TP HCM được Bộ Y tế công bố, bao gồm 326.854 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 477 trường hợp nhập cảnh.

TP đang điều trị 41.152 bệnh nhân, trong đó có 3.366 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.420 bệnh nhân nặng đang thở máy và 23 bệnh nhân can thiệp ECMO. Trong ngày 17-9, có 2.270 bệnh nhân xuất viện (tổng số xuất viện cộng dồn từ 1-1 đến nay là 166.564), 165 trường hợp tử vong trong ngày (tổng số tử vong cộng dồn từ 1-1 đến nay là 13.099).
Như vậy, 3 ngày vừa qua, số ca tử vong tại TP HCM có xu hướng đi ngang, ngày 15-9 có 160 ca tử vong, ngày 16-9 có 166 ca, ngày 17-9 là 165 ca.
Tổng số mũi vắc-xin đã triển khai tiêm đến ngày 17-9 là 8.667.552, trong đó mũi 1 là 6.713.412, mũi 2 là 1.954.140, số người được tiêm trên 65 tuổi, người có bệnh nền là 1.013.592.


Tin, ảnh: Hải Yến

Nguồn tin: nld.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Sinh nhật hội viên tháng 03

Chúc mừng sinh nhật

Chúc mừng sinh nhật

Hội viên mới

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây