Hải Dương - 'Địa chỉ đỏ' về thu hút FDI khu vực phía Bắc

Chủ nhật - 09/05/2021 04:09
Baoquocte.vn - Trong số những điểm đến mà các nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn để di dời nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam trong năm qua, bên cạnh những cái tên quen thuộc là Hà Nội, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hải Phòng thì Hải Dương cũng đang nổi lên như một “địa chỉ đỏ” thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Hải Dương - 'Địa chỉ đỏ' về thu hút FDI khu vực phía Bắc
Hải Dương hiện có 485 doanh nghiệp FDI với tổng số vốn 9,1 tỷ USD. (Nguồn: VnEconomy)

Dự án sản xuất nhôm định hình của Công ty TNHH LMS Vina (100% vốn Hàn Quốc) trong khu công nghiệp (KCN) Đại An mở rộng là một trong những dự án có quy mô lớn đầu tư vào Hải Dương trong thời gian qua.

Tháng 10/2017, Ban Quản lý các KCN tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư lần đầu cho dự án này. Sau 2 lần tăng vốn đầu tư, đến nay dự án có tổng vốn hơn 1.800 tỷ đồng. Doanh nghiệp đang tạo việc làm ổn định cho gần 700 lao động.

Không chỉ LMS Vina đặt niềm tin, rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến từ Trung Quốc, Hong Kong (Trung Quốc), Nhật Bản, Singapores đã bắt đầu chú ý nhiều hơn đến Hải Dương khi thấy rõ những tiềm năng, lợi thế sẵn có, cũng như sự chủ động tích cực và quyết tâm của các cấp, các ngành trong tỉnh thời gian qua.

Những năm gần đây, trong các tỉnh thuộc khu vực phía Bắc, Hải Dương cũng nổi lên là một những cái tên có nhiều dấu ấn trong phát triển kinh tế-xã hội và trong các chính sách thu hút vốn FDI.

Hấp lực mạnh mẽ

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Dương, những năm gần đây, nguồn vốn từ khu vực FDI vào tỉnh đều tăng. Nếu ở giai đoạn 1987-1990, Hải Dương chỉ mới có 2 dự án FDI, với tổng số vốn 6,9 triệu USD và giai đoạn 1991-1996 là 16 dự án, với lượng vốn đầu tư thu hút đạt 448 triệu USD, thì giai đoạn 2016 – 2020, Hải Dương đã tiếp nhận tới 212 dự án FDI mới, gần 200 lượt dự án FDI tăng vốn để mở rộng sản xuất.

Hải Dương hiện có 485 doanh nghiệp FDI với tổng số vốn 9,1 tỷ USD. Giai đoạn 2016 -2020, tổng giá trị xuất khẩu của Hải Dương đạt 32 tỷ USD, riêng năm 2020 đạt 7,7 tỷ USD, tăng gấp 1,5 lần so với 2019.

Nhìn chung, quy mô vốn đầu tư FDI vào Hải Dương tương đối đồng đều, trung bình 10 triệu USD/dự án. Các dự án FDI tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp (chiếm 81,5% vốn đăng ký). Ngành nghề đầu tư chủ yếu là sản xuất các sản phẩm công nghệ cao, sản phẩm điện và linh kiện điện tử, sản xuất hàng may mặc, nông sản xuất khẩu, cơ khí chế tạo phục vụ sản xuất, lắp ráp ôtô các loại…

Đáng chú ý, vốn đầu tư thực hiện các dự án FDI trong giai đoạn 2016 – 2020 không những tăng so với giai đoạn trước, mà các dự án sau khi được cấp phép hầu hết đều được triển khai nhanh, đưa vào hoạt động.

Đặc biệt, dự án Nhiệt điện BOT Hải Dương là dự án có quy mô lớn được tiếp nhận đầu tư từ giai đoạn trước nhưng sang giai đoạn này mới triển khai tích cực. Đến nay, tiến độ của dự án đã đạt hơn 90%.

Ông Nguyễn Đình Kiêm, Giám đốc Sở Kế hoạch-Đầu tư Hải Dương khẳng định, thu hút FDI của tỉnh tăng 25% ngay từ đầu năm 2021 là do nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng vào nền kinh tế Việt Nam, cũng như môi trường đầu tư ở Hải Dương.

Trong thu hút đầu tư, ngành chức năng Hải Dương luôn tuân thủ quy định của pháp luật; đồng hành, hỗ trợ nhà đầu tư hoàn thiện hồ sơ, thủ tục.

Cùng với đó là sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo tỉnh Hải Dương trong việc vừa thực hiện biện pháp phòng, chống đẩy lùi dịch bệnh Covid-19, vừa triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Lực đẩy từ kênh ngoại giao

Chia sẻ tại Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển 2021 với chủ đề “Kết nối Địa phương – Doanh nghiệp, Nắm bắt cơ hội” được tổ chức mới đây, Bí thư tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng cho biết, bất chấp những tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 cũng như làn sóng bùng dịch thứ ba vừa qua, tỉnh vẫn đạt được những thành tựu lớn trong thu hút FDI.

Góp phần vào thành công thu hút FDI của tỉnh, theo ông Thăng, đến từ việc vận dụng hiệu quả kênh ngoại giao nhân dân. Kể lại câu chuyện về quá trình kết nối tỉnh Hải Dương và tỉnh Kagoshima (Nhật Bản), ông Thăng vẫn ấn tượng đặc biệt với sự hỗ trợ nhiệt tình của Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam dành cho tỉnh.

Ông Thăng kể lại: “Chính Đại sứ đã kết nối hai địa phương với nhau, nhờ đó chúng tôi đã tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến đầu tư quy mô lớn tại Hải Dương. Từ Hội nghị này, rất nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư Nhật Bản đã biết đến Hải Dương”.

Gửi gắm nhiều kỳ vọng vào công tác ngoại giao kinh tế, ngoại giao nhân dân trong việc tạo nhịp cầu kết nối giữa địa phương và các nhà đầu tư nước ngoài, ông Phạm Xuân Thăng cho biết, bên lề Diễn đàn, ông đã có buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn để bày tỏ nguyện vọng của mình.

Ông Thăng nhấn mạnh: “Tôi mong rằng, tất cả các Đại sứ của ta, trước khi lên đường nhận nhiệm vụ ở các nước bạn sẽ có một buổi làm việc riêng với Hải Dương để chúng tôi có thể giới thiệu về tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Tôi nghĩ kênh ngoại giao sẽ là một kênh quảng bá cơ hội đầu tư đến các nước rất hiệu quả”.

Chuyển hướng tiếp cận FDI

Phát biểu tại Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển 2021, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho rằng, thành tựu về thu hút FDI trong hơn 35 năm qua là những bài học quý báu, cho thấy cách tiếp cận linh hoạt, sáng tạo, đồng thời tận dụng tốt các cơ hội và phát huy lợi thế của riêng mình là chìa khóa để Việt Nam tiếp tục vươn lên. Do đó, chính sách thu hút FDI thời gian tới phải đổi mới mạnh mẽ sang tư duy chủ động, thu hút có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí hàng đầu.

Bí thư tỉnh uỷ Hải Dương Phạm Xuân Thăng cũng cho biết, trong tình hình mới, Hải Dương đã xác định cách tiếp cận mới trong thu hút FDI theo hướng tăng tỷ suất đầu tư trên một đơn vị diện tích, tăng hàm lượng khoa học công nghệ vào dòng vốn đầu tư, yếu tố bảo vệ môi trường quan trọng.

"Chúng ta cần tiếp cận phù hợp với vị thế của địa phương, tiếp nhận một cách có điều kiện và tiếp nhận với điều kiện hạ tầng tốt. Nên xây dựng hạ tầng khu công nghiệp sinh thái tạo ra chuỗi giá trị để doanh nghiệp FDI tạo ra giá trị gia tăng nhiều hơn", ông Thăng khẳng định.

Hải Dương - 'Địa chỉ đỏ' về thu hút FDI khu vực phía Bắc
Bí thư tỉnh uỷ Hải Dương Phạm Xuân Thăng chia sẻ tại Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển 2021. (Nguồn: VnEconomy)

Theo ông Thăng, giai đoạn 2020-2025, giai đoạn đột phá, Hải Dương xác định cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh; thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư vào tỉnh, chú trọng hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp công nghệ số khởi nghiệp, sáng tạo theo hướng đưa Hải Dương trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại vào năm 2030 và đưa Thành phố Hải Dương trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Cụ thể, năm 2021, Hải Dương sẽ xây dựng quy định về thu hút các dự án đầu tư trong và ngoài nước. Tiếp tục đẩy mạnh thu hút các dự án đầu tư, các dự án đầu tư theo hình thức công - tư. Giải quyết nhanh các thủ tục về đất đai, xây dựng, môi trường đối với các dự án.

Bí thư Phạm Xuân Thăng cam kết: “Hải Dương luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp, Sự thành công của các doanh nghiệp cũng chính là sự thành công chung của tỉnh. Đồng thời Hải Dương sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho chủ đầu tư hạ tầng các KCN trong thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, xây dựng và hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật; hỗ trợ thu hút nhà đầu tư thứ cấp nhằm sớm lấp đầy các KCN, đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho doanh nghiệp và sự phát triển của tỉnh. Bên cạnh đó, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất về thủ tục đầu tư và hỗ trợ các nhà đầu tư thứ cấp về nguồn nhân lực cũng như tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc”.

Phan Mích

Nguồn tin: baoquocte.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Sinh nhật hội viên tháng 12

Chúc mừng sinh nhật

Chúc mừng sinh nhật

Hội viên mới

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây