Pháp cho vay ưu đãi 1.900 tỷ đồng Dự án Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng

Thứ tư - 10/11/2021 11:57
Dự án Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng được khởi công vào tháng 1/2021, dự kiến phát điện tổ máy 1 vào Quý II/2024; Phát điện tổ máy 2 và hoàn thành toàn bộ công trình trong Quý IV/2024.

Chiều nay, tại Hà Nội, ông Nguyễn Hoàng Anh - Ủy viên BCH TW Đảng, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp và bà Cécile Vigneau, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam đã đại diện chứng kiến Lễ ký kết Thỏa ước tín dụng cho khoản vay ưu đãi không bảo lãnh Chính phủ trị giá 70 triệu Euro (tương đương 1.900 tỷ đồng, chiếm khoảng 20% tổng mức vốn đầu tư) của Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) cho Dự án Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng.

Dự án Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư; Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi để Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) quyết định đầu tư. Dự án bao gồm 2 tổ máy với tổng công suất lắp đặt 480 MW, tổng mức đầu tư 9.220 tỷ đồng. Nguồn vốn thực hiện dự án bao gồm 30% nguồn vốn tự có và 70% vốn vay thương mại, trong đó vay nước ngoài không có bảo lãnh Chính phủ là 70 triệu Euro (tương đương 1.900 tỷ đồng) từ Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) và số còn lại vay từ Ngân hàng thương mại trong nước.

Lễ ký kết thỏa ước tín dụng dự án nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng

Tại lễ ký, ông Herve Conan, Giám đốc AFD tại Việt Nam thông tin, tiếp nối những thành công trong những năm gần đây trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, AFD và EVN quyết định mở rộng hợp tác đối với dự án trọng điểm chuyển đổi năng lượng của Việt Nam, đánh dấu tham vọng của EVN trong việc phát triển năng lượng bền vững và phù hợp với chiến lược "100% Thỏa thuận Paris" của AFD tại Việt Nam.

Ông Herve Conan cho biết: "Có thể nói, với dự án thủy điện Hòa Bình, Việt Nam đã có một dự án rất lớn trên hệ thống Sông Đà và Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tự hào được đóng góp vào dự án mở rộng Nhà máy thủy điện Hòa Bình. Dự án sẽ đóng góp vào sự vận hành ổn định của hệ thống điện của Việt Nam, tăng cường cung cấp điện tái tạo… Việc ký kết này, chứng tỏ sự tin tưởng mà EVN dành cho AFD...".

Ông Nguyễn Hoàng Anh - Ủy viên BCH TW Đảng, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp đánh giá cao sự hỗ trợ, hợp tác của Cơ quan phát triển Pháp đối với các dự án của ngành điện thời gian qua; Đồng thời yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chỉ đạo các đơn vị chức năng thực hiện dự án đảm bảo tiến độ đề ra, tuân thủ các quy định pháp luật về đầu tư xây dựng; khẩn trương hoàn thành các thủ tục tiếp theo để thu xếp vốn, trong đó bao gồm phần vốn đối ứng cho dự án để đảm bảo không thiếu vốn trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Ông Nguyễn Hoàng Anh nhấn mạnh: "Trong quá trình triển khai thi công, EVN chỉ đạo Ban quản lý dự án Điện 1 phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình và các cơ quan chức năng có liên quan giám sát, kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo an toàn tuyệt đối trong thi công, đảm bảo tiến độ, chất lượng, chi phí hiệu quả đầu tư cho dự án. Không gây ảnh hưởng đến công trình nhà máy thủy điện Hòa Bình hiện hữu và các công trình lân cận.

Đặc biệt khẩn trương hoàn thiện, khắc phục, đánh giá hồ sơ xác định nguyên nhân và biện pháp xử lý sự cố sạt trượt do ảnh hưởng của mưa bão trong thời gian vừa qua, và có phương án đảm bảo an toàn cho người và thiết bị tại các khu vực thi công có nguy cơ mất an toàn. Khu vực triển khai dự án khu vực trung tâm thành phố Hòa Bình và khu vực có tiềm năng du lịch của tỉnh, vì vậy, trong quá trình thi công cần luôn đảm bảo công tác an toàn giao thông và bảo vệ môi trường…".

Dự án Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng được khởi công vào tháng 1/2021, dự kiến phát điện tổ máy 1 vào Quý II/2024; Phát điện tổ máy 2 và hoàn thành toàn bộ công trình trong Quý IV/2024. Sau khi hoàn thành, Dự án sẽ mang lại các hiệu quả, như: tăng khả năng huy động công suất cho phụ tải khu vực miền Bắc, đặc biệt là trong các giờ cao điểm; góp phần cải thiện chế độ làm việc của hệ thống điện (tăng nguồn và điện năng phủ đỉnh của biểu đồ phụ tải, tăng tính linh hoạt trong vận hành, tăng hệ số tin cậy, an toàn…), qua đó góp phần giảm chi phí sản xuất của hệ thống.

Nhờ tận dụng tối đa khả năng của dòng chảy thông qua việc hạn chế lượng xả hàng năm sẽ tăng thêm sản lượng phát điện trung bình mỗi năm khoảng 495 triệu kWh, giúp thay thế sản xuất điện từ nguyên liệu hóa thạch, góp phần giảm chi phí nhiên liệu hàng năm, giảm phát thải khí nhà kính. Ngoài ra khi đưa vào vận hành, Dự án còn mang lại hiệu quả giảm bớt cường độ làm việc của các tổ máy hiện hữu, qua đó kéo dài tuổi thọ của thiết bị, tiết kiệm chi phí bảo dưỡng, sửa chữa./.

Nguyên Long/VOV1

Nguồn tin: vov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Sinh nhật hội viên tháng 03

Chúc mừng sinh nhật

Chúc mừng sinh nhật

Hội viên mới

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây