Doanh nghiệp cầu cứu Chính phủ vì 'hàng giả bủa vây'

Thứ ba - 26/11/2019 11:03
Có thời điểm nhãn hiệu mỹ phẩm L'Oréal bị làm giả tới 75% trên thị trường, buộc đơn vị này phải gửi đơn kêu cứu lên Chính phủ.
Tại diễn đàn "Thực trạng hàng giả, hàng nhái tại Việt Nam" ngày 26/11, bà Nguyễn Ngọc Tuyết Trinh - Giám đốc Đối ngoại và truyền thông L'Oréal Việt Nam cho biết, năm 2008, một năm sau khi thương hiệu này chính thức vào Việt Nam, thị trường Hà Nội tràn ngập các cửa hàng bán mỹ phẩm với biển hiệu "L’Oreal chính hãng". 

"Có lúc hàng giả chiếm lĩnh thị trường với thị phần lên đến 75%, buộc doanh nghiệp phải gửi công văn kêu cứu tới nhiều cơ quan cấp Chính phủ", bà Trinh thông tin.

Nhờ việc kiểm soát chặt thị trường kể từ năm 2010 đã giúp thị phần mỹ phẩm giả giảm đáng kể. Nhưng hiện tượng hàng giả nhãn hiệu mỹ phẩm này bùng phát trở lại vào năm 2015 trên khắp các trạng mạng, kênh bán hàng online với mác "hàng xách tay". Như với L'Oreal, tại Việt Nam hàng xách tay và hàng giả đến hơn 60%, quảng cáo hàng giả thậm chí xuất hiện công khai trên các trang báo mạng tin cậy.
 
QLTT kiem tra my pham gia 6301 1574768781
Cán bộ quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra một quầy bán mỹ phẩm tại chợ Đồng Xuân. Ảnh: HNM

Thực tế này cũng được ông Nguyễn Tiến Đạt - Phó cục trưởng Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường (Tổng cục Quản lý thị trường) nhìn nhận, thủ đoạn của các đối tượng buôn hàng giả trên mạng ngày càng tinh vi, có sự câu kết từ khâu sản xuất đến khâu phân phối, sử dụng phương tiện công nghệ, kỹ thuật cao để đối phó các cơ quan chức năng.

Dẫn chứng, ông Đạt nêu, để trốn tránh kiểm tra, kiểm soát, các đối tượng vi phạm có sự phân công chặt chẽ, hình thành các đầu mối chuyên cung cấp nguyên vật liệu, linh phụ kiện, đầu mối chuyên sản xuất các loại bao bì, tem, nhãn giả. Thậm chí hàng giả được sản xuất dưới dạng gia công sản phẩm chưa hoàn chỉnh (bán sản phẩm) ở một nơi, sau đó đặt gia công ở một nơi khác để lắp ráp, đóng gói thành phẩm. Tiếp đó, thành phẩm sau khi có đơn đặt hàng mới được gắn nhãn mác giả mạo nhãn hiệu, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa và giao liền cho khách hàng đặt mua, sản xuất đến đâu tiêu thụ đến đó, không cất trữ chờ tiêu thụ...

"Có trường hợp bán hàng tại Việt Nam nhưng cơ sở chính lại ở nước ngoài (server tại nước ngoài); trang web, cơ sở giới thiệu sản phẩm ở một nơi nhưng nơi xuất hàng lại ở chỗ khác. Các đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng giả ngay tại nhà ở, trong thôn xóm để trốn tránh, dễ tẩu tán tang vật khi bị kiểm tra", ông Đạt thông tin.

Trong khi đó chế tài xử phạt lại chưa đủ sức răn đe, mới dừng ở xử phạt hành chính, mà chưa có quy định mức trị giá hàng hoá tối đa để xử lý hình sự.

"Nhiều trường hợp hàng hoá vi phạm trị giá cả tỷ đồng hoặc nhiều hơn, nhưng cơ quan chức năng chỉ có thể xử lý hành chính", Thượng tá Đỗ Đức Tạo - Phó Trưởng phòng 11, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Bộ Công An (C03) nói.

Ông cho rằng, việc chưa có chế tài quy định xử lý hình sự, mà chỉ xử lý hành chính tội buôn hàng giả đã ảnh hưởng xấu tới ý thức tuân thủ pháp luật. Vì thế, ông Tạo đề nghị, cơ quan có thẩm quyền cần ban hành quy định hướng dẫn xử lý hình sự hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp theo hướng cơ quan điều tra được ra quyết định khởi tố vụ án khi không có yêu cầu của bị hại.

Nguồn tin: VNE

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Sinh nhật hội viên tháng 11

Chúc mừng sinh nhật

Chúc mừng sinh nhật

Hội viên mới

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây