Giải pháp cho nông nghiệp hữu cơ Tây Nguyên phát triển bền vững

Thứ năm - 19/09/2024 11:34
Một trong những thành công nổi bật trong phát triển nông nghiệp các tỉnh Tây Nguyên trong những năm qua là đã tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp, chủ trang trại, nông hộ, HTX nhiều giải pháp để tiếp cận các thông tin, ứng dụng khoa học công nghệ mới, kết nối thị trường, đầu tư phát triển sản xuất, chế biến nông sản hàng hoá chủ lực truyền thống của điạ phương như: Cà phê, hồ tiêu, sầu riêng, chanh dây và các sản phẩm mới du nhập năng suất cao như mắc ca, cây dược liệu và các loại cây ăn quả khác...Giá xuất khẩu cà phê, hồ tiêu, sâu riêng, hạt điều... có xu hướng tăng sau chu kỳ dài. Một số doanh nghiệp xuất khẩu đã chinh phục thành công những thị trường lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Úc, New Zealand…
Cơ hội sản xuất và xuất khẩu hàng hóa nông sản ở Tây Nguyên đang trên đà tăng mạnh

Với những lợi thế về vị trí địa lý, thổ nhưỡng, khí hậu, Tây Nguyên đã phát triển thành vùng sản xuất nông nghiệp hàng hoá trọng điểm của cả nước. Cà phê trở thành cây công nghiệp chủ lực với gần 610.000ha (chiếm 90% diện tích cà phê cả nước); cao su là vùng trồng lớn thứ hai với hơn 250.000ha (chiếm 26%);  các loại cây trồng khác như hồ tiêu có 90.000 ha (chiếm hơn 60%); điều có 83.000 ha (chiếm 28%); Dù canh tác sau, Sầu riêng Tây Nguyên đã nhanh chóng vươn lên dẫn đầu cả nước với diện tích trên 70.000 ha, tăng liên tục từ 2010 đến nay; Tây Nguyên cũng là khu vực trồng chanh dây lớn nhất cả nước với tổng diện tích gần 10 nghìn ha. Và với khát vọng đưa chanh dây Việt Nam vươn tầm ra thế giới. Gia Lai đã trở thành thủ phủ của chanh dây với gần 5000 ha, đứng đầu cả nước, phát triển được vùng nguyên liệu lớn, thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư các nhà máy chế biến và đã xuất khẩu đến hơn 40 nước trên thế giới, trong đó có các thị trường khó tính như: Nhật Bản, Pháp, Mỹ, Hà Lan, Anh...

Cùng với Sâm Ngọc Linh, được Chính phủ phê duyệt là sản phẩm mang thương hiệu quốc gia, là “ Quốc Bảo” của Việt Nam, “ báu vật” của người Việt thì các loại sâm dây, nấm linh chi đỏ,  hoa hòe… cũng đang phát triển mạnh để hình thành các vùng dược liệu tập trung.

Đến nay tỉnh Gia Lai đã được cấp 227 mã số vùng trồng với diện tích 9.668,2ha cây trồng và 38 mã số cơ sở đóng gói với tổng công suất đóng gói khoảng 1.550 - 1.700 tấn quả tươi/ngày. phục vụ xuất khẩu sang thị trường các nước: Trung Quốc, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Mỹ;  Trong đó, có 58.554 ha cây trồng đã được cấp chứng nhận sản xuất theo các tiêu chuẩn, gồm các sản phẩm cà phê, hồ tiêu, chè, rau, củ, trái cây, lúa…

Đặc biệt, toàn tỉnh đã hình thành các vùng sản xuất có tính chất công nghệ cao, với tổng diện tích hơn 80 ngàn ha, tập trung vào các sản phẩm chính như: cà phê 30 ngàn ha, mía trên 34 ngàn ha, cây ăn quả trên 20 ngàn ha. Có hơn 3 ngàn ha cây trồng ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm, kết hợp phân bón qua tưới.
    
                            
Hội thảo kỹ thuật mới trong tái canh Cà phê áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến (tưới nhỏ giọt Netafim – Israel) của Công ty Khang Thịnh nhằm tiết kiệm chi phí năm 2022

Riêng nhóm hàng nông sản chiếm khoảng 80% trong tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh. Nhiều mặt hàng nông sản đã xuất khẩu sang 40 nước trên thế giới. Ngành NN&PTNT đã tích cực phối hợp kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn nhằm tạo ra các chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm hiệu quả. Theo Đề án phát triển sản xuất rau, hoa và cây ăn quả trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2040,  Gia Lai phấn đấu đến năm 2025 phát triển diện tích cây ăn quả khoảng 55 ngàn ha. Đến nay, toàn tỉnh có 69 doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết với 95 HTX, 72 tổ hợp tác, 23.806 hộ nông dân liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với trên 237.300 ha các loại cây trồng chủ lực như: cà phê, hồ tiêu, cao su, cây ăn quả. Gia Lai cũng đã có 41 sản phẩm OCOP 4 sao và 264 sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh của 30 doanh nghiệp, 40 hợp tác xã và 91 cơ sở sản xuất kinh doanh.

Đắk Lắk đã vươn lên dẫn đầu cả nước về diện tích sầu riêng với khoảng 32.785 ha; Sản lượng sầu riêng năm 2024 của tỉnh dự kiến trên 300.000 tấn. Những năm qua, việc tiêu thụ sầu riêng gặp nhiều thuận lợi, giá bán tương đối cao, hầu hết người trồng sầu riêng ở tỉnh Đắk Lắk có lãi lớn, quy mô sản xuất sầu riêng trên địa bàn tăng nhanh, cho dù vụ sầu riêng năm 2024 trên địa bàn tỉnh gặp nhiều bất lợi, khó khăn như: thời tiết khắc nghiệt và khó lường, tình trạng sâu bệnh hại diễn biến phức tạp, giá cả không ổn định, diện tích được cấp mã số vùng trồng ít, kho bãi, vận chuyển khó khăn.

Mặc dù sầu riêng từ Thái Lan đã chiếm lĩnh thị trường Trung Quốc trong nhiều năm qua. Tuy nhiên hiện nay, Trung Quốc đang mở cửa nhiều hơn cho các sản phẩm từ Việt Nam, Malaysia và Philippines. Lợi thế lớn của sầu riêng Việt Nam là chất lượng tốt, giá cạnh tranh, thời gian vận chuyển từ vùng trồng đến thị trường tiêu thụ ngắn. Chính quyền địa phương tỉnh Quảng Tây đã xây dựng trung tâm dịch vụ logistics nhằm tạo thuận lợi cho quá trình nhập khẩu. Điều này cho thấy nhu cầu của thị trường Trung Quốc với sản phẩm sầu riêng và nông sản Việt Nam nói chung vẫn rất lớn và thuận lợi.

Mỹ là thị trường hàng đầu với nông sản Việt Nam cũng có những yêu cầu rất khắt khe về chất lượng hàng hóa.Việt Nam xuất khẩu nông lâm thủy sản sang Mỹ năm 2022 đạt khoảng 13 tỉ USD, chiếm 24,4% tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam ra toàn thế giới, tuy nhiên chỉ chiếm khoảng 6,7% giá trị nhập khẩu nông lâm thủy sản của Mỹ, do vậy cơ hội để Việt Nam mở rộng thị trường Mỹ còn rất lớn như cà phê, hạt điều, hồ tiêu, rau quả.

Theo Tổng cục Hải quan, Nhật Bản là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của nông, lâm, thủy sản Việt Nam. Theo số liệu tổng hợp của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, trong 8 tháng, xuất khẩu hầu hết các nhóm hàng nông nghiệp đều tăng mạnh. Lần đầu tiên tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 40,08 tỷ US. Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường có giá trị xuất khẩu lớn nhất. Ngoài các thị trường lớn như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, EU, các doanh nghiệp cùng Bộ Nông nghiêp PTNT xúc tiến mở cửa các thị trường mới, tiềm năng như: Các nước Hồi giáo Halal, Trung Đông, châu Phi.
       

 Thủ tướng Phạm Minh Chính tại hội chợ Trung Quốc ngày 17/9/2023 

Khó khăn và giải pháp khăc phục

Bên cạnh tiềm năng, cơ hội đó, khó khăn và thách thức mới cũng đang đặt ra cho các tỉnh Tây Nguyên hiện nay. Năm 2023, Nghị viện châu Âu đã thông qua Quy định Chống phá rừng châu Âu (EUDR). Theo Quy định này, cà phê, cao su khi nhập khẩu vào thị trường châu Âu cần có thông tin định vị (GPS) đến từng vườn bằng các hệ thống giám sát viễn thám sẽ tác động trực tiếp đến chuỗi cung ứng cao su và cà phê, trong đó có các tỉnh Tây Nguyên,  nơi có diện tích cà phê lớn nhất của cả nước. 

Bộ NN&PTNT coi việc tuân thủ Quy định này không chỉ là để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu các mặt hàng chủ lực vào thị trường EU, mà còn là cơ hội để đẩy nhanh việc thực hiện chiến lược phát triển ngành nông nghiệp Việt Nam theo định hướng minh bạch, trách nhiệm, bền vững và tăng trưởng xanh, đảm bảo sinh kế cho nông dân. Hiện nay các Hiệp hội ngành hàng và các Doanh nghiệp cùng các địa phương đang triển khai phổ biến, quán triệt sâu rộng đến các nhà sản xuất thực hiện tốt qui định này. Việc chuyển đổi  nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hữu cơ là một trong nhiệm vụ cấp bách hiện nay để góp phần thục hiện qui định này.

  
Hiệp hội Trang trại và DNNNVN cùng các đia phương khảo sát việc chuyển đổi cây trồng hiệu quả ở huyện Chư Sê tỉnh Gia Lai


Giải pháp quan trọng để triển khai hiệu quả nông nghiệp hữu cơ, có sự lan tỏa nhanh là sớm củng cố kiện toàn, thành lập các Hiệp hội, HTX ngành hàng như cà phê, hồ tiêu, sầu riêng, yến sào, mắc ca, dược liệu... gắn với các tổ chức Nông hội để kết nối sản xuất theo hướng hữu cơ bền vững gắn với thị trường, duy trì các sản phẩm OCOP với diện tích, sản lượng ổn định, ký kết các hợp đồng cung ứng với số lượng lớn; Truyền tải được các thông tin đến các cở sở sản xuất, người sản xuất , chuyển giao công nghệ, phương pháp canh tác, thực hiện tốt các qui định về truy xuất nguồn gốc, đăng ký sở hữu trí tuệ, đăng ký cấp mã vùng trồng, mã định danh… để hàng hóa sản xuất ra và giao thương được thuận lợi, không bị rủi ro, thiệt hại.

Thông qua các Hiêp hội  ngành hàng và Hội Nông dân các cấp để kết nối, tổ chức hợp tác đầu tư, hợp đồng liên kết kinh doanh giữa các Doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phân bón, bảo vệ thực vật, doanh nghiệp thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm với các HTX, chủ trang trại để hổ trợ nông dân sản xuất theo hướng nông nghiệp hữu cơ bền vững, ứng dụng công nghệ trong canh tác. Các Doanh nghiệp đầu tư các nhà máy sơ chế, chế biến để nâng cao chất lượng, giá trị nông sản cũng là giải pháp cấp thiết có tính chất quyết định hiện nay. Công ty  Khuyến cáo người dân tuân thủ qui trình sản xuất, phải giữ uy tín, tạo niềm tin đối với khách hàng. Công ty TNHH cà phê Vĩnh Hiệp ( Gia Lai) đã liên kết thành công mô hình này sau 2 năm triển khai thực hiện gắn với hoạt động của Tổ Khuyến nông cộng đồng theo đề án của Bộ Nông nghiệp PTNT.

Điều khó khăn  hiện nay đặt ra cho các tỉnh Tây Nguyên nói chung và Gia Lai chưa có giải pháp cần có các giải pháp phối hợp hữu hiệu như xây dựng kế hoạch chi tiết để khuyến cáo, thu hút đầu tư, tổ chức, kiểm soát, quản lý sản xuất, chế biến… tạo ra những vùng sản xuất tập trung, qui mô lớn có lợi thế cạnh tranh với các sản phẩm chủ lực để kết nối với hệ thống kênh phân phối trong và ngoài nước.  Công ty Phân bón Nông hóa Xanh thực hiện liên kết hợp tác với nông dân huyện Cư MNga và huyện Krong Pak ( Đăk Lak) hổ trợ hợp tác thành công mô hình sản xuất sầu riêng, cà phê từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm được nông dân, ngành nông nghiệp và địa phương đánh giá cao, cần tham khảo nhân rộng mô hình này.
 
 Doanh nhân Cà phê Nguyễn Hữu Long từ TPHCM lên đầu tư trang trại sx và xây dựng nhà máy chế biến cà phê xuất khẩu tại Gia Lai.

Từ kinh nghiệm năm 2023 Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) đã phát hiện một số lô hàng của Việt Nam bị nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật với 6 vùng trồng và cơ sở đóng gói có thông báo vi phạm lần đầu đề nghị tạm dừng; 3 vùng trồng và cơ sở đóng gói vi phạm nhiều lần đề nghị thu hồi. Việc không kiểm soát hiệu quả các đối tượng kiểm dịch thực vật ngay từ vùng trồng và cơ sở đóng gói dẫn đến tình trạng các lô hàng không đáp ứng được quy định của Trung Quốc và làm mất uy tín hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam, thậm chí có nguy cơ làm mất thị trường xuất khẩu quan trọng này. Nếu tiếp tục vi phạm, thời gian tới Trung Quốc có thể áp dụng các biện pháp tăng cường như cho ngưng nhập khẩu. Khi đó chúng ta yêu cầu đàm phán lại thì mất 3-5 năm nữa. Với 10 loại trái cây chủ lực của Việt Nam đều có mặt ở Trung Quốc, chỉ cần dừng xuất khẩu 1 loại sẽ dẫn tới nhiều bất lợi .

Mới đây, hai lô sầu riêng và ớt của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Nhật cũng bị buộc tiêu hủy trong tháng 10 năm 2023 do tồn dư hóa chất vượt tiêu chuẩn cho phép.
Từ những yêu cầu và xu hướng tiêu dùng thay đổi sau đại dịch Covid-19 cũng như đẩy mạnh mở cửa hội nhập quốc tế hiện nay, không có con đường nào khác là mỗi tổ chức, mỗi nông dân, mỗi doanh nghiệp cần tìm cho mình một sự thay đổi nhận thức về sản xuất theo hướng hữu cơ gắn với thị trường. Đây là con đường để tiến đến việc sản xuất bền vững, tạo thương hiệu và niềm tin với các đối tác trong và ngoài nước góp phần thúc đẩy cho sản xuất nông nghiệp Tây Nguyên phát triển, hội nhập cùng thế giới./.
 

Tác giả bài viết: Th.S Nguyễn Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội Trang trại và DN nông nghiệp Việt Nam

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Sinh nhật hội viên tháng 10

Chúc mừng sinh nhật

Chúc mừng sinh nhật

Hội viên mới

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây