Kinh tế tư nhân được nhận diện rõ và đúng đắn

Thứ hai - 19/05/2025 09:26
Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang chuyển mình mạnh mẽ, phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị toàn quốc quán triệt Nghị quyết 68-NQ/TW về kinh tế tư nhân đã tạo ra sự lan tỏa mạnh mẽ, trở thành kim chỉ nam cho định hướng phát triển kinh tế đất nước trong thập kỷ tới. Qua đó, kinh tế tư nhân được khẳng định không chỉ là một bộ phận cấu thành mà chính là động lực quan trọng nhất thúc đẩy tăng trưởng, đổi mới và hội nhập.
Hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 66 và Nghị quyết số 68 của Bộ Chính Trị (Ảnh: Baochinhphu.vn)

Hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 66 và Nghị quyết số 68 của Bộ Chính Trị (ảnh: TTXVN)

Ngày 18/5/2025, Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 66 và Nghị quyết số 68 của Bộ Chính trị được tổ chức tại Hà Nội. Đây là sự kiện chính trị quan trọng nhằm thống nhất nhận thức và hành động trong hệ thống chính trị, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân về hai định hướng chiến lược: phát triển vùng trung du và miền núi phía Bắc (Nghị quyết 66) và thúc đẩy mạnh mẽ kinh tế tư nhân (Nghị quyết 68).

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: “Phát triển mạnh mẽ kinh tế tư nhân là yêu cầu khách quan, là xu thế tất yếu của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Cần nhìn nhận đúng vai trò, vị trí của kinh tế tư nhân như một động lực quan trọng nhất để phát triển nhanh và bền vững đất nước.”
Kinh tế tư nhân – Động lực quan trọng nhất của nền kinh tế Việt Nam 2
 
Tổng Bí Thư Tô Lâm tham dự chỉ đạo Hội nghị (Ảnh: Baochinhphu.vn)


Tổng Bí thư cũng yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng cần chủ động rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, loại bỏ các rào cản, khơi thông nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho kinh tế tư nhân phát triển lành mạnh, hiệu quả, bền vững và hội nhập sâu rộng với quốc tế.


Nghị quyết 68-NQ/TW: Bản lộ trình chiến lược cho doanh nghiệp tư nhân

Nghị quyết số 68-NQ/TW được Bộ Chính trị ban hành ngày 4/5/2025 đã cụ thể hóa tinh thần nói trên với nhiều mục tiêu đầy tham vọng:
  • Đến năm 2030, kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 55–58% GDP, giải quyết khoảng 85% tổng số việc làm xã hội, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 10–12%/năm.
  • Phấn đấu có khoảng 2 triệu doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động, trong đó có ít nhất 20 doanh nghiệp lớn đủ sức tham gia chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.
  • Năng suất lao động của khu vực tư nhân tăng bình quân 8,5–9,5%/năm; trình độ đổi mới sáng tạo, công nghệ, chuyển đổi số thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN và nhóm 5 nước hàng đầu châu Á.
Đây là lần đầu tiên kinh tế tư nhân được xác định ở mức cao nhất: một trong những động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc dân. Quan điểm này là sự phát triển tiếp nối từ Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa XII) năm 2017 – vốn đã khẳng định kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng. 


Hội nhập sâu rộng và nâng cao sức cạnh tranh


Tổng Bí thư Tô Lâm cũng nhấn mạnh sự cần thiết để kinh tế tư nhân có thể hội nhập sâu rộng hơn nữa vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải nâng cao năng lực quản trị, nâng cao chất lượng sản phẩm, tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế và xây dựng thương hiệu mạnh. Việc hội nhập không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn giúp doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận công nghệ mới, mở rộng thị trường xuất khẩu và tăng cường hợp tác quốc tế. Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi và giảm thiểu rào cản thương mại để thúc đẩy quá trình này. 


Kinh tế tư nhân và phát triển bền vững quốc gia


Phát biểu của Tổng Bí thư còn đề cập đến vai trò của kinh tế tư nhân trong việc góp phần phát triển bền vững – không chỉ về mặt kinh tế mà còn về xã hội và môi trường. Doanh nghiệp tư nhân cần được thúc đẩy tham gia nhiều hơn vào các hoạt động phát triển xanh, bảo vệ môi trường và trách nhiệm xã hội. Điều này phù hợp với xu hướng phát triển toàn cầu, góp phần xây dựng một nền kinh tế không chỉ mạnh mẽ về mặt số liệu mà còn là bền vững lâu dài, đóng góp vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước.

Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm không chỉ khẳng định vị trí trung tâm của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế Việt Nam mà còn đặt ra yêu cầu về sự đổi mới, hoàn thiện thể chế, phát triển công nghệ và hội nhập quốc tế sâu rộng. Đây là những tiền đề then chốt để kinh tế tư nhân phát triển toàn diện, trở thành trụ cột vững chắc giúp Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới.
 
Ths. Phạm Giang (T/H)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Sinh nhật hội viên tháng 05

Chúc mừng sinh nhật

Chúc mừng sinh nhật

Hội viên mới

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây