2 chữ ‘hòa’, ‘đồng’ của Bác

Thứ ba - 19/05/2020 02:29
Bác yêu sự vẹn toàn, Bác không chấp nhận sự chia cắt cho nên tấm lòng của Bác đối với đồng bào miền Nam thật sâu nặng biết bao.

Ra đi tìm đường cứu nước từ Sài Gòn (ngày 5-6-1911), đằng đẵng 30 năm sau, Bác mới đặt chân lên đầu nguồn Pác Bó, tỉnh Cao Bằng. Nhưng rồi từ đó đến cuối đời, dù muốn lắm nhưng Bác không có dịp nào trở lại phương Nam.

Đến thăm tỉnh Quảng Bình năm 1957, ngồi trầm ngâm bên bờ sông Gianh, đăm chiêu nhìn về phương Nam với điếu thuốc lá bập trên môi lúc chiều gió phơn khô rát, Bác nói với người thư ký lâu năm của mình là ông Vũ Kỳ rằng Bác đã đi đến nơi mà về chưa đến chốn!

Có lần Bác thiết tha đề nghị cho Bác đi thăm miền Nam ngay khi chiến tranh còn ác liệt. Bác tập leo núi, vai đeo ba lô có mấy viên gạch rèn luyện để có thể vượt Trường Sơn. Nhưng vẫn không thành. Không thành là vì lý do sức khỏe và có lẽ còn do chiến tranh quá ác liệt.

Bác là con người của hòa hiếu. Bác luôn khơi dậy, nuôi dưỡng và làm lan tỏa cái nghĩa đồng bào. Trong lúc kẻ thù ra sức chia rẽ, Bác viết thư nói rõ rằng năm ngón tay có ngón vắn, ngón dài nhưng vắn hay dài đều ở trong một bàn tay; trong mấy mươi triệu người Việt Nam thì có người thế này hay thế khác nhưng thế này hay thế khác đều là người Việt Nam. Vì thế, Bác mong người Việt Nam cùng chung đất mẹ phải yêu thương nhau. Đó là cái lý của sự hòa.

2 chữ ‘hòa’, ‘đồng’ của Bác - ảnh 1

Chủ tịch Hồ Chí Minh với các anh hùng, dũng sĩ miền Nam ra thăm miền Bắc (ngày 28-2-1969).  Ảnh: Tư liệu

Hòa bình, hòa hiếu, hòa hợp, thống nhất, chung đúc lại là chữ hòa - đó chính là tấm lòng và tư duy nhất quán của Bác. Khi con người đã hòa rồi thì tự nó có xung lực để vượt qua mọi sự khó khăn.

Minh chứng cho điều này thì rất rõ trong đại dịch COVID-19, người dân Việt Nam đã đồng lòng, đồng sức, đồng tâm hòa làm một để chống lại cơn đại dịch một cách thành công trong khi ngân sách, điều kiện y tế còn hạn chế so với nhiều nước khác.

Việt Nam có cái mạnh mà nhiều nước rất muốn có, đó là đoàn kết, là chung một ý chí, là sự đồng cảm, chia sẻ, đồng tâm, đồng cam cộng khổ. Từ lâu rồi, Bác Hồ đã hiện diện trong đời sống tinh thần này của người Việt Nam, tiêu biểu cho sức mạnh của tinh thần quật cường được khơi dậy và lan tỏa từ chữ đồng ở mọi nơi, mọi lúc.

Nó càng bùng phát mạnh lên khi đất nước khó khăn, vì chữ đồng đã trở thành giá trị văn hóa của toàn dân tộc, mà khi đã là giá trị văn hóa thì nó thẩm thấu một cách tự nhiên, truyền vào các thế hệ người Việt Nam.

Còn nhớ sau khi Cách mạng tháng 8-1945 thành công, Bác Hồ đã giải một chữ hòa ngay sau khi lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bằng cách mời cả vua Bảo Đại, người mà mấy hôm trước đọc chiếu thoái vị ở kinh thành Huế để trở thành công dân Vĩnh Thụy, ra Hà Nội tham chính, làm tới chức cố vấn tối cao của Chính phủ. Bác còn trân trọng mời cả những quan lại, trí thức của chế độ cũ tham gia bộ máy nhà nước cách mạng. Đó là sức cuốn hút từ tấm lòng chân thành vì đại nghĩa của Bác. Đó cũng là sự quy tụ vào một véc-tơ thống nhất của sức mạnh hòa hợp lòng người.

 

Tác giả bài viết: GS-TS MẠCH QUANG THẮNG (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh)

Nguồn tin: plo.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Sinh nhật hội viên tháng 11

Chúc mừng sinh nhật

Chúc mừng sinh nhật

Hội viên mới

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây