Công an trong 'cuộc chiến' tại ổ dịch Buddha và quận 8

Thứ ba - 14/04/2020 21:43
Ngoài việc giữ an ninh trên địa bàn, các chiến sĩ công an còn phải vận động người dân tuân thủ việc phòng, chống dịch dù bản thân cũng bị cách ly.

Tối 20-3, Bộ Y tế công bố bốn người dương tính COVID-19, trong đó ca thứ 91 là một phi công, ngụ phường Thảo Điền, quận 2, TP.HCM và người này từng đến quán Buddha, đến trụ sở Công an phường Thảo Điền. Bộ Y tế cũng thông tin ở quận 8 có hai người dương tính với COVID-19.

Cả bộ máy chính quyền vào cuộc thực hiện việc khoanh vùng, cách ly, giữ an ninh… và các cán bộ Công an phường Thảo Điền cũng bị cách ly vì từng tiếp xúc với bệnh nhân.

23 công an cách ly ngay tại phường

Thời điểm nhận tin, Thiếu tá Nguyễn Minh Trí, Trưởng Công an phường Thảo Điền, đang họp giao ban ở đơn vị. Anh vội bỏ nhiều nội dung ít quan trọng trong cuộc họp để trấn an tinh thần mọi người và chỉ đạo dừng hoạt động tiếp công dân, báo cáo nhanh về công an quận.

Toàn bộ cán bộ, chiến sĩ (CB, CS) công an phường lập tức được kiểm tra quá trình tiếp xúc với bệnh nhân này qua hệ thống camera để xác định F1, F2.

“Tôi đã quán triệt toàn bộ CB, CS phải bình tĩnh. Tôi nói với anh em: Nếu bản thân không thực hiện tốt công tác cách ly thì mình sẽ là nguồn lây nhiễm cho cộng đồng, gia đình và đồng nghiệp” - Thiếu tá Trí nói và cho hay toàn bộ 23 CB, CS (cả trưởng và các phó công an phường) sau đó đều cách ly 14 ngày tại trụ sở.

Trong thời gian cách ly, các CB, CS vẫn kết nối với ban quản lý và ban quản trị các chung cư, các khu phố, tổ dân phố để phối hợp quản lý nắm địa bàn, kết hợp thực hiện tốt công tác quản lý cư trú, hỗ trợ tích cực cho Ban chỉ đạo phòng, chống dịch của phường.

“Toàn bộ anh em đều làm việc online và qua điện thoại để hỗ trợ UBND phường, cũng như phối hợp với công an quận duy trì an ninh trật tự trên địa bàn, tiếp công dân… Tuy không thể đi thực tế nhưng anh em đã phối hợp tốt với lực lượng bên ngoài” - Thiếu tá Trí chia sẻ.

Trưởng Công an phường Thảo Điền cho hay trong thời gian các anh “online công việc”, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn luôn được đảm bảo, không xảy ra bất kỳ vụ phạm pháp hình sự nào. Ngay khi kết thúc thời gian cách ly 14 ngày, các công an bắt tay ngay vào công việc thường nhật, phối hợp cùng lực lượng của UBND phường túc trực canh gác 24/24 giờ sáu chốt cách ly trên địa bàn.

Công an trong 'cuộc chiến' tại ổ dịch Buddha và quận 8 - ảnh 1
Công an phường 1, quận 8 túc trực ở hẻm 157 Dương Bá Trạc. Ảnh: NGUYỄN TÂN

Mọi chuyện dễ hơn khi dân đồng lòng

Còn tại quận 8, khi có thông tin về hai trường hợp nghi nhiễm COVID-19, lực lượng chức năng các phường đã ngay lập tức phong tỏa toàn bộ khu vực, lập các chốt kiểm soát cách ly nhằm hạn chế việc ra vào khu vực.

Trung tá Nguyễn Ngọc Ánh, Trưởng Công an phường 2, quận 8, cho biết: Khi bệnh nhân số 64 (ngụ hẻm 47 Nguyễn Thị Tần, phường 2) được xác định dương tính với COVID-19, toàn bộ khu vực tại con hẻm này nhanh chóng bị phong tỏa. 17 hộ dân trong khu vực được công an rà soát, hai chốt cách ly ở con hẻm cũng được CB, CS túc trực 24/24 giờ. Những người từng tiếp xúc với bệnh nhân từ F1 cho đến F2, F3… đều được lên danh sách chính xác đến cả số nhà, số điện thoại cá nhân.

Ngoài ra, những địa điểm mà người này đã từng đến cũng được nhanh chóng rà soát. “Đó là những ngày mà các CB, CS từ công an quận đến phường không ngủ” - ông Ánh nói.

8.000 người của 103 quốc gia, vùng lãnh thổ cư trú trên địa bàn phường Thảo Điền, quận 2 và CB, CS công an đã đi từng ngõ, gõ từng nhà để lập danh sách, hỗ trợ lực lượng y tế lấy mẫu thử của những người này. 

Còn tại con hẻm 157 Dương Bá Trạc (phường 1, quận 8), nơi phát hiện ca nhiễm COVID-19 thứ 100, lực lượng công an, CSGT, bảo vệ dân phố và dân phòng túc trực 24/24 giờ.

Thiếu tá Nguyễn Hồng Minh, Phó Công an phường 1, quận 8, cho biết khu vực có nhiều người đồng bào Chăm sinh sống nên việc vận động để bà con hiểu, chủ động phòng, chống dịch không phải là chuyện dễ. “Khi lực lượng chức năng xuống vận động người dân đi cách ly, một số người hiểu thì đi liền nhưng có một số người nhất quyết không chịu. Phải đến khi công bố ca dương tính thì những người này mới chấp nhận… Khi người dân hiểu, đồng lòng thì mọi chuyện còn lại sẽ dễ dàng hơn” - ông Minh chia sẻ.

Đến ngày 29-3, ông Trà Văn Đoa, người sống ở con hẻm 157 Dương Bá Trạc, thở phào khi bốn trong sáu chốt đã được dỡ phong tỏa. “Từ hôm bị cách ly, chúng tôi được cung cấp đầy đủ từ rau cho đến gạo, cá, khẩu trang…, mỗi hộ còn được cho 200.000 đồng” - ông Đoa nói về những ngày cách ly.

“Các CB, CS làm việc rất vất vả, người dân ai cũng thấy điều đó nên đã chủ động hợp tác, có ý thức hơn và cũng cảm thấy bình an hơn. Có người còn đổ bánh xèo mang tặng cho các CB, CS trực ở chốt cách ly” - ông Đoa kể thêm.

Không cho phép mình được nghỉ ngơi

Còn tại ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM, nơi được dùng cách ly tập trung cho hơn 5.000 người, lực lượng Công an quận Thủ Đức (TP.HCM) đã phối hợp với Công an thị xã Dĩ An (Bình Dương) cử cả trăm CB, CS canh gác nghiêm ngặt.

Theo ghi nhận, các lối vào đi đến cổng ký túc xá ĐH Quốc gia đều có các chốt trực. Mỗi chiều, lúc người bên trong ký túc xá luyện tập thể thao, chuẩn bị bữa tối thì các tổ công tác vẫn không cho phép mình nghỉ. Họ tiếp tục căng mình đảm bảo an ninh trật tự, ngăn chặn, kiểm tra các trường hợp người thân tìm cách vào khu cách ly.

“Chúng tôi thay phiên nhau trực, hỗ trợ và hướng dẫn cũng như động viên mọi người tại đây” - một chiến sĩ nói. 

 

Tác giả bài viết: TỰ SANG - NGUYỄN TÂN

Nguồn tin: plo.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Sinh nhật hội viên tháng 12

Chúc mừng sinh nhật

Chúc mừng sinh nhật

Hội viên mới

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây