Giá xăng rẻ: Yếu tố tích cực cho nền kinh tế

Chủ nhật - 12/04/2020 21:32
Dự báo hôm nay (13-4), giá xăng dầu tại Việt Nam tiếp tục đi xuống do giá dầu trên thế giới giảm.

Dịch COVID-19 vẫn chưa được kiểm soát, nhiều quốc gia trên thế giới phải đóng cửa biên giới khiến nhu cầu vận chuyển sản xuất suy giảm. Thiếu bệ đỡ nguồn cầu khiến giá dầu giảm đến hơn 60% so với hồi đầu năm.

Giá dầu sụp đổ đã khiến nhiều doanh nghiệp Việt rơi vào tình cảnh thua lỗ nhưng lại đang đem cơ hội hưởng lợi cho nhiều ngành nghề khác và đặc biệt giúp người dân giảm gánh nặng giữa mùa dịch.

Xăng ế, ông lớn dầu khí lỗ nặng

6 giờ tối, một cây xăng của Petrolimex nằm trên trục chính đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh, TP.HCM) đìu hiu đến lạ. Nhiều nhân viên ngồi chơi trong khi đây là giờ cao điểm, thường hoạt động hết công suất với hàng dài người chờ đến lượt bơm xăng vào xe.

Một nhân viên tại cây xăng này giải thích: Đường xá vắng lặng vì giãn cách xã hội để chống lan truyền dịch bệnh nên xăng cũng ế. “Người dân không ra đường, doanh nghiệp thì đóng cửa, ngừng kinh doanh hàng loạt nên nhu cầu mua xăng giảm sốc là tất yếu, dù giá xăng đã xuống mức thấp nhất trong hơn 10 năm qua” - nhân viên cây xăng này nói.

Hàng loạt cây xăng khác trên địa bàn TP.HCM cũng rơi vào cảnh ế ẩm do nhu cầu quá thấp. Chính vì thế, nhiều công ty kinh doanh xăng dầu lỗ nặng. Trong một báo cáo vừa gửi lên Ủy ban Quản lý vốn nhà nước (CSCM), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho biết quý I-2020 đã lỗ ròng 572 tỉ đồng. Ngoài ra, tập đoàn này ước tính lỗ ròng 1,1 ngàn tỉ đồng nếu đại dịch COVID-19 kéo dài đến quý IV-2020.

Mặc dù được Nhà nước đảm bảo mỗi lít xăng bán ra có lợi nhuận nhưng ban lãnh đạo Petrolimex cho hay: Do dự trữ kho để đảm bảo nhu cầu thiết yếu nên khi giá xăng dầu thế giới giảm quá nhanh với biên độ lớn, với mức giảm 60% đã tác động đến giá vốn tồn kho của Petrolimex. Trong khi đó, các hãng hàng không trong nước và quốc tế sẽ tiếp tục dừng các chuyến bay trong nước và quốc tế; nhu cầu vận tải đường thủy, đường bộ sụt giảm mạnh khiến sản lượng xuất bán xăng dầu thấp, dự trữ tồn kho tăng cao.

Giá xăng rẻ: Yếu tố tích cực cho nền kinh tế - ảnh 1
Trong quý I-2020, giá dầu thế giới giảm hơn 60%, kéo giá xăng dầu tại Việt Nam giảm theo nhưng sức mua rất yếu. Ảnh: TÚ UYÊN

TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, phân tích: Từ đầu năm tính đến hết tháng 3, giá dầu thế giới đã giảm 60%. Về phía cầu, dịch bệnh COVID-19 lan rộng khắp thế giới, đã và đang ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế từng nước, khu vực, cũng như kinh tế thế giới nói chung. Hệ quả là nhu cầu thế giới về hàng hóa, trong đó có xăng dầu sụt giảm mạnh. Cầu suy giảm nhưng cung sản xuất dầu không giảm, do các nước từ chối cắt sản lượng dẫn đến dư thừa dầu.

“Ngoài ra, việc giá dầu giảm còn có nguyên nhân từ đầu năm 2020 đến nay, đồng USD đã tăng giá khoảng 3% so với hầu hết các đồng tiền chủ chốt khác. Đây là yếu tố gây áp lực giảm giá hàng hóa, trong đó có dầu thô do giá dầu được tính theo USD. Các nước thuộc khối OPEC, Nga, Mỹ sử dụng giá dầu là công cụ để trừng phạt kinh tế gián tiếp lẫn nhau” - ông Lực cho biết.

Giảm chi phí sản xuất, vận chuyển...

Nhưng giá xăng dầu giảm không chỉ mang đến tác động tiêu cực mà còn đem lại các hiệu ứng tích cực cho người dân và nền kinh tế. Chuyên gia tài chính Trần Đình Phương nhìn nhận: Đầu tiên, ngành vận tải sẽ hưởng lợi vì cơ cấu chi phí đến từ xăng dầu rất lớn. Các công ty như taxi, vận tải, hàng không… sẽ thấy hiệu ứng giảm tức thì.

“Giá xăng dầu giảm mạnh đã giúp nhiều doanh nghiệp có thể tiết giảm được chi phí sản xuất, đem đến thành phẩm giá rẻ. Từ đó xu hướng tiêu dùng sẽ gia tăng, sản lượng tiêu thụ của các đơn vị kinh doanh tăng lên, một phần nào đó giúp họ vượt qua tình hình khó khăn trong dịch bệnh. Tuy nhiên, các đơn vị trong ngành hàng không do chi phí cố định quá cao, trong khi máy bay nằm đất nhiều thì giá xăng dầu giảm nên chỉ giúp một phần nhỏ về mặt chi phí” - ông Phương phân tích.

Ngoài ra, một số ngành khác cũng được hưởng lợi như sản xuất nhựa, phân bón, luyện kim, khai thác và đánh bắt thủy sản, xây dựng công trình giao thông… do xăng dầu chiếm khoảng 20%-30% chi phí đầu vào. Đặc biệt, theo TS Cấn Văn Lực, nhờ giá xăng dầu giảm, người dân tiết kiệm được chi phí vận chuyển, từ đó tăng tiêu dùng cho nền kinh tế.

“Từ đầu năm 2020 đến nay, giá xăng dầu đã sáu lần được điều chỉnh giảm với mức khoảng 30%-40% đã giúp người dân hạn chế chi phí, từ đó tăng chi tiêu cho các dịch vụ khác, góp phần cải thiện tổng mức bán lẻ hàng hóa và tiêu dùng. Đặc biệt, giá xăng dầu giảm đã làm giảm áp lực lên lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô” - TS Lực phân tích.

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng đánh giá: Do tác động từ cuộc chiến thương mại, giảm giá dầu lửa, nguồn thu ngân sách nhà nước từ dầu thô có thể giảm từ 3.111 tỉ đến 18.600 tỉ đồng, tùy theo mức độ phục hồi của giá dầu thế giới. Tuy nhiên, việc giảm giá xăng dầu (nguyên liệu chính của các doanh nghiệp vận tải, nhiệt điện khí...) đối với một số ngành lại là những thuận lợi để giảm chi phí đầu vào, hạ giá thành sản phẩm, dịch vụ đầu ra, mang lại yếu tố tích cực cho nền kinh tế.

Giá xăng dự báo sẽ tiếp tục giảm hôm nay

Giá dầu thế giới liên tục rớt mạnh. Hầu hết các nhà phân tích trên thế giới đều dự báo giá dầu sẽ giảm mạnh trong năm 2020. Theo dự báo của Ngân hàng Morgan Stanley và Citi Research, giá dầu thế giới trong quý II và quý III-2020 sẽ chỉ khoảng 25-30 USD/thùng. Ngân hàng Barclays (Anh) còn đưa ra kịch bản tệ nhất cho thị trường dầu với tiên lượng giá dầu sẽ rớt thảm hại xuống 10 USD.

Giá xăng thế giới những ngày qua tăng giảm đan xen, song xu hướng chung là giảm. Chính vì vậy, dự báo giá xăng tại Việt Nam trong kỳ điều hành hôm nay (13-4) cũng sẽ giảm khoảng 750-800 đồng/lít.

Tại kỳ điều hành gần đây nhất, giá xăng giảm đến hơn 4.000 đồng/lít. Hiện tại, giá bán lẻ tối đa với xăng sinh học E5 là 11.956 đồng/lít và xăng A95 là 12.560 đồng/lít. Đây là mức thấp nhất hơn 10 năm qua.

Nhu cầu tiêu thụ xăng giảm đến 30%

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho hay tổng nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong cả nước quý I-2020 ước giảm khoảng 30% và dự kiến còn tiếp tục giảm trong thời gian tới. Tại một số thời điểm, tồn kho xăng ở mức trên 90%, vượt xa mức cho phép.

Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) cũng cho hay do tồn kho cao và khoảng cách chênh lệch giữa giá sản phẩm với giá dầu thô thấp khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh tháng 2 lỗ 313 tỉ đồng, lũy kế hai tháng đầu năm 2020 lỗ 228 tỉ đồng. 

 

 

Tác giả bài viết: PHƯƠNG MINH

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Sinh nhật hội viên tháng 12

Chúc mừng sinh nhật

Chúc mừng sinh nhật

Hội viên mới

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây