Một số nơi làm chưa đúng Chỉ thị 16 của Thủ tướng

Thứ năm - 02/04/2020 20:00
Không có chuyện “ngăn sông cấm chợ”, việc cấm triệt để việc đi lại của người dân là không đúng Chỉ thị 16 của Thủ tướng.

Những ngày qua, sau khi có Chỉ thị 16, nhiều địa phương đã hiểu chưa đúng tinh thần chỉ thị này của Thủ tướng Chính phủ. Từ đó có những việc làm sai như rào đườngđổ đất cản trở lưu thông

Quảng Ninh: Không còn đổ đất, đặt bê tông trên đường

Tại TP Hạ Long, từ ngày 1-4, nhiều tuyến đường nhánh của TP Hạ Long kết nối với các địa phương khác đã được lực lượng chức năng đổ đất, đặt ụ bê tông bịt đường không cho người, xe qua lại.

Các tuyến đường này chủ yếu thuộc các xã vùng cao thông sang các địa bàn lân cận. Nhiều tuyến đường nhánh, đường gom dân sinh tại các thôn cũng bị chặn để tập trung kiểm soát, ngăn dân đi dồn về các tuyến đường chính.

Một lãnh đạo TP Hạ Long cho biết các địa bàn, khu dân cư tự chủ trong việc đóng các lối đường nhánh, đường phụ nhằm kiểm soát chặt những lối đi chính vào thôn, bản từ 0 giờ ngày 1-4. Theo vị này, chính quyền sẽ chủ động để có các phương án đảm bảo giao thông khi cần thiết, như đưa người đi cấp cứu. Tại TP Móng Cái, nhiều thôn bản cũng thực hiện việc chặn đường nhánh, đường gom, tập trung nhân lực kiểm soát các con đường chính. Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch UBND TP Móng Cái, cho rằng đây là biện pháp kiểm soát khá tốt, các khu dân cư tự khoanh vùng để tự quản, ai ra ai vào đều kiểm soát được. Người lạ, người ở nơi khác tới được phát hiện, tránh tình trạng người ở nơi khác mang dịch tới.

Đến cuối chiều 2-4, UBND tỉnh Quảng Ninh cho hay đã chỉ đạo các địa phương giải tỏa đất, đá chặn đường, thay vào đó là các chốt kiểm soát dịch bệnh.

Một số nơi làm chưa đúng Chỉ thị 16 của Thủ tướng - ảnh 1
Người dân vào TP Cần Thơ đều được kiểm tra thân nhiệt và khai báo lịch trình theo yêu cầu của Chỉ thị 16 của Thủ tướng. Ảnh: HẢI DƯƠNG

Cà Mau: “Không ngăn sông cấm chợ”

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về thông tin một số xe biển số ngoài tỉnh khi vào đến địa phận tỉnh Cà Mau đã được yêu cầu quay lại, chiều 2-4, ông Nguyễn Đức Thánh, Chánh Văn phòng kiêm người phát ngôn UBND tỉnh Cà Mau, cho biết tỉnh đã nắm tình hình và đích thân Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải đã đi kiểm tra các chốt. “Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu lực lượng công an tại các chốt kiểm soát cửa ngõ giải quyết linh động các trường hợp cụ thể như xe chở hàng hóa, nhu yếu phẩm, xe chở công nhân, xe công vụ, xe cá nhân đi lại thăm gia đình, thân nhân hoặc giải quyết các việc đột xuất…” - ông Nguyễn Đức Thánh cho biết. Theo ông Thánh, chủ tịch tỉnh Cà Mau đã có ý kiến với giám đốc công an tỉnh quán triệt cho lực lượng làm nhiệm vụ tại các chốt kiểm soát trên tinh thần “không ngăn sông cấm chợ”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước đó, tại Công văn số 2100 ngày 31-3-2020 của lãnh đạo tỉnh Cà Mau có đề cập việc hạn chế tối đa các phương tiện vận tải di chuyển từ địa bàn, khu vực này sang địa bàn, khu vực khác. Công văn này cũng nêu: “Các trạm, chốt kiểm soát dịch COVID-19 ở các tuyến đường bộ vào tỉnh không cho những xe vận chuyển khách du lịch, vận chuyển người ngoài tỉnh hoặc từ vùng có dịch vào tỉnh để tham quan, du lịch, thăm thân nhân, đi tránh dịch”.

Bộ trưởng GTVT: Không được cấm xe hàng hóa, xe cá nhân

Trao đổi với báo chí, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định: Không có chuyện “ngăn sông cấm chợ”, việc cấm triệt để việc đi lại của người dân là không đúng trong khi Nhà nước chưa ban bố tình trạng khẩn cấp.

Về các chốt chặn tại cửa ngõ các tỉnh, TP, Bộ trưởng Thể cho biết các chốt này lập ra chỉ để kiểm tra việc dừng vận tải hành khách công cộng, trong đó có taxi. Taxi chở khách từ địa phương này sang địa phương khác thì các chốt chặn yêu cầu xe quay đầu. Đây là biện pháp ngăn chặn dịch bệnh. Những biện pháp này không áp dụng với xe cá nhân và xe chở hàng hóa.

Theo Bộ trưởng Thể, các xe công vụ, xe cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết, xe đưa đón công nhân, chuyên gia của các doanh nghiệp, chuyên chở nguyên vật liệu sản xuất, hàng hóa… thì lưu thông bình thường.

Các bến xe địa phương phải thực hiện nghiêm việc dừng hoạt động của các tuyến vận tải hành khách cố định, liên tỉnh, nội tỉnh, vì đây là những loại hình vận chuyển hành khách công cộng.

Đã có một số địa phương hiểu và thực hiện sai

Trả lời báo chí ngày 2-4, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, người phát ngôn của Chính phủ, cho biết liên quan đến Chỉ thị 16 của Thủ tướng, đã có một số địa phương hiểu và thực hiện sai.

Cụ thể, từ ngày 1-4, đã có một số địa phương rào đường, hạn chế người đi lại từ địa phương này sang địa phương khác, hay tạm dừng các công trình xây dựng, thậm chí một số trung tâm đăng kiểm dừng hẳn hoạt động đến ngày 15-4…

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết việc “ngăn sông cấm chợ” là sai chỉ đạo của Thủ tướng. Về việc đi lại của người dân từ nơi này sang nơi khác, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết Chính phủ không cấm, tuy nhiên khuyến cáo người dân hạn chế ra khỏi nhà. Bộ trưởng đánh giá việc Hà Nội lập các chốt kiểm soát trên các trục đường ra vào cửa ngõ thủ đô để đo thân nhiệt, kiểm tra sức khỏe, điều tra dịch tễ là tốt vì sẽ sàng lọc được những người nghi ngờ nhiễm bệnh để có giải pháp phù hợp.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết Văn phòng Chính phủ đã trao đổi với các địa phương có những việc làm sai lệch trên, đề nghị thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng tại Chỉ thị 16. Văn phòng Chính phủ cũng sẽ có văn bản cụ thể để chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương.

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Chính phủ vẫn đồng ý cho nhà máy, phân xưởng hoạt động nhưng yêu cầu cán bộ văn phòng, cơ quan hành chính nhà nước, doanh nghiệp có thể ứng dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà. Tuy nhiên, nếu để xảy ra một trường hợp lây nhiễm cũng phải đóng cửa ngay lập tức, tránh lây nhiễm chéo và lây lan ra cộng đồng.

Thủ tướng: Cách ly nhằm giữ khoảng cách an toàn người với người

Trước đó, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3, ngày 1-4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định tinh thần của Chỉ thị 16 là nhằm đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19 chứ không phải dừng toàn bộ hoạt động sản xuất.

“Cách ly trong xã hội không phải là hạn chế các công việc có liên quan như là sản xuất, kinh doanh, dịch vụ cần thiết, không phải là dừng các công trình xây dựng. Việc quyết liệt, cách ly xã hội, cách ly người với người thì chúng ta sẽ hạn chế được tổn thất về tính mạng người dân. Điều quan trọng là đảm bảo an toàn, phòng chống dịch cho người lao động” - Thủ tướng nêu rõ.

Giải thích thêm về chỉ thị này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ cách ly xã hội là một tình huống pháp lý không trái pháp luật để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân. Cách ly xã hội mang ý nghĩa là giữ khoảng cách trong xã hội để đối phó với tình huống nguy hiểm, bùng phát dịch bệnh. Đó không phải là ngăn cấm giao thông, không phải “ngăn sông cấm chợ”, chưa phải phong tỏa xã hội. 

Nguồn tin: plo.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Sinh nhật hội viên tháng 12

Chúc mừng sinh nhật

Chúc mừng sinh nhật

Hội viên mới

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây