Vay tiền lãi suất thấp: Người dân, doanh nghiệp đang chờ

Chủ nhật - 05/04/2020 20:09
Khác với trước đây, đợt giảm lãi suất khủng lần này nhắm tới các khoản vay cũ của người dân và doanh nghiệp.

Hàng loạt ngân hàng vừa công bố tung các gói tín dụng ưu đãigiảm lãi suất cho vay đối với cá nhân và doanh nghiệp (DN). Thậm chí có ngân hàng giảm tới 4,5%/năm lãi suất cho vay. Đây là mức giảm sâu nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Giảm lãi suất cho vay cả cũ lẫn mới

Điểm đáng chú ý nhất là đợt giảm lãi suất này nhắm tới các khoản vay cũ, đã được các ngân hàng giải ngân cho người dân và DN chứ không chỉ dừng lại ở các khoản vay mới như trước đây. Đơn cử, VietinBank tung ra gói tín dụng lên đến 60.000 tỉ đồng với lãi suất cho vay giảm 2%/năm. Trước đó, ngân hàng này đã giảm lãi suất 0,5%-1,5%/năm cho gần 3.000 khách hàng với số tiền giải ngân khoảng 60.000 tỉ đồng.

“Bên cạnh việc cơ cấu nợ, miễn giảm lãi suất thì việc giảm phí 20%-50% cũng được chúng tôi thực hiện với khách hàng. Cá biệt có một số loại phí, đặc biệt là các phí về tài trợ thương mại giảm tới 100% so với trước đây để hỗ trợ cho các DN” - ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch HĐQT VietinBank, cho biết.

Ông lớn Ngân hàng BIDV cũng tung các gói tín dụng hỗ trợ DN bị ảnh hưởng bởi dịch có nhu cầu vay mới với lãi suất giảm 2%. Đáng chú ý, HDBank giảm mạnh 2%-4,5% lãi suất cho vay với mọi khách hàng kể từ ngày 31-3. Trong đó, riêng đối tượng khách hàng cá nhân và DN siêu nhỏ có mức lãi suất giảm tối đa lên đến 4,5%.

Không đứng ngoài cuộc, Kienlongbank cũng vừa chính thức giảm 3%/năm lãi suất đối với cả khách hàng cá nhân và DN. Tương tự, SHB tung gói tín dụng 25.000 tỉ đồng, lãi suất giảm ít nhất 2%/năm cho cả khoản vay cũ lẫn mới.

Vay tiền lãi suất thấp: Người dân, doanh nghiệp đang chờ - ảnh 1
Hàng loạt ngân hàng tung ra những gói tín dụng khủng với lãi suất cực thấp. Ảnh: Thùy Linh

Muốn đồng cam cộng khổ cùng nhà kinh doanh

Tại cuộc họp giữa Ngân hàng Nhà nước với các ngân hàng thương mại diễn ra mới đây, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú đề nghị các nhà băng giảm tối thiểu 2%/năm và có thể giảm sâu hơn nữa (2,5%/năm) để cứu DN bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Bên cạnh đó, cơ cấu lại khoản nợ, hoãn, giãn nợ, giữ nguyên nhóm nợ… cho khách hàng.

Về phía các ngân hàng đều cho rằng giảm lãi suất cho vay để cứu DN, người dân vào lúc này cũng là tự cứu chính mình. Từ quan điểm trên mà Vietcombank, BIDV, VietinBank, AgriBank… đều cam kết giảm sâu lãi suất cho vay tới 2,5%/năm. Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank, khẳng định tiếp tục kéo dài chính sách giảm lãi suất 1%-1,5%/năm đối với dư nợ hiện hữu đến hết ngày 30-9, thay vì hết tháng 4 như công bố trước đây.

“Đối với khoản cho vay mới, chúng tôi sẽ dành gói 30.000 tỉ đồng với lãi suất cho vay giảm 2%-2,5% so với hiện nay. Đặc biệt, lãi suất cho vay đối với các khách hàng sản xuất mặt hàng thiết yếu được giảm tối đa với mức áp dụng chỉ 4,5%-5%/năm” - ông Thành thông tin.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng OCB, bày tỏ giảm lãi suất cho vay, đồng hành cùng DN, người dân trong thời điểm khó khăn này là điều đương nhiên phải làm. Hiện mức lãi suất vay đối với khách hàng DN đã được OCB giảm xuống về quanh ngưỡng 8,5%- 9,5%/năm, thấp hơn khoảng 0,5%-2%/năm so với trước đây.

“Hiện thu nhập từ tín dụng đang đóng góp 30%-40% tổng thu nhập của ngân hàng nên chúng tôi sẵn sàng san sẻ, dịch chuyển nguồn thu để hỗ trợ các khách hàng trong lúc khó khăn” - ông Tùng khẳng định.

Người dân, DN đang chờ

Chị Minh Thu, nhà ở quận 2, TP.HCM, chia sẻ hiện chị đang vay 600 triệu đồng tại một ngân hàng với lãi suất lên tới 13%/năm. Mức lãi suất này cao hơn khoảng 2,5%/năm so với một số ngân hàng khác. Hiện mỗi tháng riêng tiền lãi chị phải trả gần 6 triệu đồng, cộng thêm 2 triệu đồng tiền gốc. Do dịch COVID-19, thu nhập của vợ chồng chị đều bị giảm tới 30%-40% so với trước.

“Rơi vào tình cảnh khó khăn, chồng tôi đã liên lạc với ngân hàng trên để hỏi về chính sách giảm lãi suất cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 thì chỉ nhận được câu trả lời chung chung là hiện ngân hàng này chưa có hướng dẫn cụ thể. Tôi mong ngân hàng nói đi đôi với làm, giảm lãi suất để giúp chúng tôi bớt một phần gánh nặng lãi suất” - chị Thu bày tỏ.

Tương tự, ông MT, chủ sở hữu năm trường mầm non tư thục trên địa bàn TP.HCM, cho hay từ sau tết đến nay cả năm cơ sở đều tạm dừng hoạt động. Mặc dù mọi hoạt động kinh doanh đứng im nhưng mỗi tháng vẫn phải đóng tiền thuê mặt bằng của năm cơ sở hết 250 triệu đồng; bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đóng 100% (đóng thay cho cả người lao động) hết khoảng 150 triệu đồng; khoảng 100 triệu đồng/tháng dành cho việc hỗ trợ đối với các giáo viên, bảo vệ, nhân viên văn phòng, chưa kể lãi vay ngân hàng.

“Trước đây, khi năm cơ sở mầm non hoạt động bình thường thì tôi không có nhu cầu vay vốn. Từ khi rơi vào khó khăn, vợ chồng tôi phải thế chấp căn hộ chung cư để vay 2 tỉ đồng tại một ngân hàng với lãi suất 10,9%/năm (lãi suất cho năm đầu tiên). Dù trường hợp của chúng tôi nằm trong diện được hưởng lãi suất ưu đãi nhưng đến thời điểm hiện tại, tôi vẫn chưa nhận được bất cứ thông báo miễn giảm lãi suất nào từ phía ngân hàng trên” - ông T. tâm sự.

Tại hội nghị của Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA) tổ chức mới đây, nhiều DN cho biết rất khó tiếp cận vốn ngân hàng. Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Nafoods Nguyễn Mạnh Hùng bày tỏ: “Trong bối cảnh này, gần như các DN đều thiếu vốn. Tuy nhiên, con số mấy trăm ngàn tỉ đồng từ gói hỗ trợ của Chính phủ, ngân hàng rất khó để xuống được các công ty như chúng tôi. Đơn hàng có, nguyên liệu có, giá nguyên liệu đang rẻ nhưng khi đặt vấn đề thì tất cả ngân hàng đều rất khó tiếp cận”.

Theo ông Hùng, các ngân hàng đều ở tâm lý lo sợ, không dám cho vay vì lo ngại khi hết dịch rồi, nếu DN không trả được nợ, họ sẽ phải gánh trách nhiệm. “Hay như vấn đề giãn nợ, gia hạn nợ…, các ngân hàng đều khuyên rằng đừng đề xuất giãn nợ. Vì nếu giãn nợ thì hồ sơ sẽ bị đánh giá xấu và sau này khi vay vốn lại sẽ gặp khó khăn” - ông Hùng thẳng thắn.

Khẩn cấp hỗ trợ

TS Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính, cho rằng khó khăn lớn nhất đối với người dân và DN hiện nay chính là vấn đề thanh khoản. Do vậy, các biện pháp hỗ trợ như hoãn, giãn nợ; hoãn, giãn thuế và tiền thuê đất, thuê nhà; giảm tiền điện, tiền nước… là vô cùng cần thiết và cấp bách. Thời gian hoãn hoặc giãn nên kéo dài 3-6 tháng tùy thuộc vào thỏa thuận của hai bên.

“Bên cạnh đó, người dân, DN cũng có thể cân nhắc vay mới với lãi suất thấp trong những trường hợp cần thiết. Việc giảm lãi suất thể hiện sự nỗ lực rất lớn của ngành ngân hàng trong bối cảnh bản thân họ cũng đang khó khăn” - TS Lực nói. 

 

 
THÙY LINH

Nguồn tin: plo.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Sinh nhật hội viên tháng 12

Chúc mừng sinh nhật

Chúc mừng sinh nhật

Hội viên mới

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây