Từ đại dịch nhiều nước hợp lực phản ứng trước Trung Quốc

Thứ năm - 14/05/2020 23:00
Đại dịch COVID-19 đã tạo ra những động lực quan trọng để các quốc gia khu vực và thế giới hợp lực phản ứng trước một Trung Quốc đang mưu đồ độc chiếm Biển Đông.

Vài tuần qua, tình hình Biển Đông trở nên căng thẳng khi lực lượng quân sự Mỹ và Trung Quốc (TQ) liên tục chạm mặt. Không còn nghi ngờ gì nữa, đại dịch COVID-19, được cho là xuất phát từ TQ và vẫn đang khiến nhiều quốc gia đau đầu, không thể phá vỡ mưu đồ độc chiếm Biển Đông mà TQ ấp ủ lâu nay. Vô số bước leo thang trên thực địa, cùng với việc đệ trình những công hàm với luận điệu sai trái lên Liên Hợp Quốc (LHQ) về Biển Đông giữa mùa dịch cho thấy mưu đồ của tq ngày càng hiện rõ.

Động lực chống lại Trung Quốc

Trong bối cảnh đó, các nước trong khu vực và thế giới đang có những động lực lớn để chống lại “sự trỗi dậy” đầy bất an của TQ, nhất là ở Biển Đông. Thứ nhất, đại dịch đang khiến các đối tác lớn nhất của TQ, bao gồm Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), chịu tổn thương nặng nề. Hơn bao giờ hết, phương Tây bắt đầu thấm thía tình cảnh an ninh quốc gia bị đe dọa khi nền sản xuất phụ thuộc sâu vào TQ. Nhiều thập niên trước, các tập đoàn lớn nhất của Mỹ, EU lẫn các nước châu Á tiến vào TQ với một lập trường duy lý: Tận dụng ưu thế so sánh, đặt các nhà máy sản xuất sầm uất nhất tại TQ để giảm chi phí, gia tăng lợi nhuận.

Đại dịch xuất hiện, các nước rơi vào tình thế khó khăn. “Khủng hoảng khẩu trang” xuất hiện, các nước bị khan hiếm nhiều mặt hàng, trang thiết bị y tế khẩn cấp. TQ đã hành xử thế nào? Hầu hết các gói tài trợ bị xem xét không đạt chất lượng; nhiều gói hàng xuất khẩu bị trả lại hoặc đình chỉ sử dụng; xuất hiện hiện tượng TQ đầu cơ, bán giá cao; thậm chí có quốc gia châu Âu phải mua lại chính các mặt hàng mà bản thân họ từng xuất sang TQ hỗ trợ Bắc Kinh giai đoạn đầu chống dịch.

Thứ hai, TQ đang đẩy xa hệ thống quân sự của họ đến gần hơn biên giới các nước khác. Giới quan sát bày tỏ lo ngại về tất cả công trình TQ đang xây dựng trên biển và ven biển, dù mang tên công trình nghiên cứu khoa học hay trạm khí tượng thủy văn, nhưng ẩn chứa khả năng là những tiền đồn quân sự. Trong khi thị trường TQ vẫn dè dặt trong việc mở cửa toàn diện, đảm bảo cuộc chơi công bằng thì nước này vẫn lo ngại nền kinh tế ven biển và trên biển của họ dễ bị tổn thương trước đối thủ.

Tình thế “tiến thoái lưỡng nan Malacca”, ám chỉ sự phụ thuộc của nền kinh tế lẫn địa chính trị của TQ đối với eo biển Malacca do Mỹ kiểm soát, dường như đang thúc đẩy nước này mở rộng các tuyến đường biển. Tuy nhiên, thay vì thúc đẩy các giá trị tự do hàng hải theo luật pháp quốc tế, TQ gia tăng sức mạnh quân sự, lấn chiếm phi pháp các vùng biển, điển hình là Biển Đông.

TQ đã tạo ra các tuyến đường biển nhằm vận chuyển năng lượng và giao thương, trong đó phải kể đến Trung Đông - Myanmar - TQ, Trung Đông - Pakistan - TQ cùng các tuyến đường khác ở Đông Nam Á. Bắc Kinh mở rộng phạm vi kiểm soát hàng hải ra Ấn Độ Dương bằng cách xây dựng hệ thống cảng biển đầy tranh cãi. Các chuyên gia dự báo đằng sau các dự án hàng hải của TQ là những toan tính chiến lược nhằm kiểm soát địa chính trị, cạnh tranh vị thế siêu cường với Mỹ.

Quan trọng hơn, trong khi Mỹ dường như xây dựng hình ảnh siêu cường bằng việc thúc đẩy các thể chế tự do, đa phương dựa trên các nguyên tắc tập thể thì TQ lại thích lập ra một cuộc chơi do họ làm chủ và sử dụng luật của riêng họ. Từ việc diễn giải lệch lạc luật pháp quốc tế (điển hình là Công ước LHQ về Luật Biển - UNCLOS năm 1982) đến cách hành xử bất tuân phán quyết của Tòa Trọng tài 2016, quân sự hóa trên biển, bắt nạt láng giềng,... cũng đủ cho thấy mưu đồ của Bắc Kinh.

Từ đại dịch nhiều nước hợp lực phản ứng trước Trung Quốc - ảnh 1
Hải quân Mỹ cần phối hợp các nước khu vực đảm bảo tự do hàng hải trước thách thức từ Trung Quốc. Trong ảnh: Hải quân Mỹ bên tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Wayne E.Meyer (DDG-108). Ảnh: AFP

Chống bá quyền Trung Quốc thế nào?

TQ giỏi nhất là việc lợi dụng khó khăn của nước khác để can thiệp, tạo ảnh hưởng hoặc xâm chiếm biển. Các sự kiện TQ dùng vũ lực chiếm Hoàng Sa và một số thực thể ở Trường Sa là những minh chứng sống và đã được chứng minh trái với cam kết của nước này tại LHQ. Đại dịch COVID-19 đã làm rõ ràng hơn mưu đồ của Bắc Kinh về Biển Đông. Điều đó khiến các quốc gia, không chỉ có yêu sách ở Biển Đông, mà các đối tác lớn nhất của TQ như Mỹ, EU, Úc, Ấn Độ phải tìm cách hành động.

Hiện nay mỗi quốc gia tranh chấp trên Biển Đông đều có những chính sách riêng, phụ thuộc vào quyết tâm và mục tiêu của từng nước trong mối quan hệ với TQ. Các phương án thường xuyên nhất vẫn là ngoại giao, trong đó chủ yếu gây áp lực với Bắc Kinh bằng “khẩu chiến”. Mỗi phản ứng cứng rắn với Bắc Kinh đều có thể trả giá bằng thương mại.

Ba mũi tên có thể tấn công vào tham vọng bá quyền của TQ ở Biển Đông bao gồm: (i) Kinh tế: Giảm phụ thuộc thị trường TQ, trừng phạt kinh tế khi Bắc Kinh phạm pháp; (ii) Pháp lý: Từng nước hoặc các nhóm nước cùng xem xét khả năng kiện TQ ra Tòa quốc tế; đàm phán hiệu quả Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC); (iii) Ngoại giao: Lên án mạnh mẽ cách hành xử phi pháp của TQ trên mọi diễn đàn an ninh - chính trị quốc tế để nâng cao nhận thức công luận về “mối đe dọa” TQ tại Biển Đông và khu vực Thái Bình Dương. 

Tuy nhiên, cuộc chiến thương mại Mỹ-TQ và tiếp diễn sau đó là đại dịch đã tạo ra hai sự thay đổi lớn: (i) Kinh tế TQ bắt đầu suy yếu và uy tín của TQ cũng suy giảm trầm trọng; (ii) Các quốc gia rút đầu tư về nước hoặc chuyển sang thị trường ngoài TQ. Truyền thông quốc tế gần đây ghi nhận hàng loạt sự thoái lui vô thời hạn của doanh nghiệp nước ngoài vì tâm lý bất an khi gắn bó với một TQ đầy bất ổn - cả tình hình nội địa lẫn sự quay lưng của các nước trước TQ trên chính trường.

Vì vậy, việc lập ra các nhóm quốc gia “không TQ” thời điểm này sẽ có giá trị chiến lược trong dài hạn: Thoát khỏi sự ảnh hưởng của thị trường TQ. Mỹ, EU hoàn toàn có thể thay thế TQ bằng thị trường các nước châu Á khác; các quốc gia Biển Đông cũng có thể tìm cách thay thế thị trường giá rẻ TQ bằng các thị trường cấp cao hơn ở phương Tây. Tất nhiên, quyết tâm chính trị cùng các khoản đầu tư ban đầu là rất cần thiết.

Tháng 4-2020, chính phủ Nhật thông báo gói 2,2 tỉ USD để khuyến khích các nhà sản xuất Nhật Bản di dời dây chuyền sản xuất khỏi TQ, trở về nước hoặc chuyển sang Đông Nam Á. Các quan chức Mỹ cũng cho biết Washington đang thúc đẩy quá trình rút toàn bộ chuỗi cung ứng và chuỗi sản xuất của nước này khỏi TQ. Có ý kiến cho rằng quá trình giảm thiểu lệ thuộc thị trường TQ kéo dài hàng chục năm mới cho thấy hiệu quả rõ rệt nhưng giá trị nhận được sẽ là một hệ thống cung ứng ổn định và thịnh vượng dài hạn. Bị đánh vào đòn kinh tế, TQ càng lâm vào khó khăn.

Vấn đề quan trọng hơn, xuất phát điểm của một “hệ thống kinh tế phi TQ” phải đến từ Mỹ lẫn các nước Biển Đông. Việc tạo điều kiện cho Mỹ và phương Tây tham gia vào chuỗi cung ứng khu vực nói chung và các chương trình đảm bảo tự do giao thương hàng hải nói riêng từ ASEAN là rất cần thiết.

Trái lại, phải vô cùng thận trọng trong việc làm ăn với TQ, đặc biệt liên quan đến Biển Đông. TQ đã triển khai những thỏa thuận mà nước này gọi là “khai thác chung” với Philippines. Ngay cả khi các điều khoản hợp đồng không ảnh hưởng chủ quyền các nước thì TQ vẫn không từ bỏ mưu đồ dẫn dắt các quốc gia vào con đường “gác tranh chấp, cùng khai thác” mà hệ lụy lâu dài là vấn đề chủ quyền. Ngoài ra, “ngoại giao mua chuộc” của TQ rất dễ gây chia rẽ, phục vụ ý đồ “chia để trị” của nước này.

Đối đầu Mỹ-Trung Quốc gia tăng

Tháng qua, TQ tổ chức tập trận gần quần đảo Trường Sa của Việt Nam; tăng cường quân đội tại bãi cạn Scarborough của Philippines; duy trì hoạt động của tàu Địa chất hải dương 8 trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Malaysia; khiêu khích hải quân Indonesia. Thậm chí, lãnh thổ Đài Loan lên tiếng lo ngại TQ sẽ thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông. TQ vẫn duy trì một đội quân “ba lớp”, bao gồm (i) Các đội tàu cá, tàu ngụy trang tàu cá (dân quân biển), tàu nghiên cứu khoa học; (ii) Cảnh sát biển và (iii) Hải quân, không quân.

Trong khi đó, Mỹ cũng gia tăng hoạt động khi Lầu Năm Góc cử các đội tàu chiến đến khu vực thể hiện sự ủng hộ Malaysia, đồng minh Philippines và các đối tác khác. Mỹ cũng triển khai máy bay ném bom tiến hành tập trận, phối hợp với các lực lượng thường trực hiện diện tại Biển Đông để đảm bảo cam kết “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở” trong bối cảnh TQ gia tăng hành vi bắt nạt, đe dọa. 

Tác giả bài viết: ĐỖ THIỆN

Nguồn tin: plo.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Sinh nhật hội viên tháng 01

Chúc mừng sinh nhật

Chúc mừng sinh nhật

  • NGUYỄN VĂN NAM

    Hội viên : NGUYỄN VĂN NAM

    CÔNG TY TNHH XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI ĐẦU TƯ & QC VINAEVENT

Hội viên mới

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây