Năm 2020, chưa tính sửa Luật Đất đai

Thứ năm - 16/04/2020 21:47
Chính phủ đề nghị rút khỏi chương trình năm 2020 dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai.

Ngày 16-4, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội (QH) họp phiên toàn thể lần thứ 27 theo hình thức trực tuyến. Ủy ban đã xem xét, cho ý kiến vào tờ trình đề nghị của Chính phủ về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh chương trình và một số đề nghị, kiến nghị xây dựng luật của đại biểu (ĐB) QH.

Chưa làm vì nhiều lý do

Đáng chú ý, liên quan đến chương trình năm 2020, Chính phủ đề nghị điều chỉnh đối với 10 dự án, dự thảo luật. Theo đó, Chính phủ đề nghị rút một dự án, bổ sung tám dự án, dự thảo và thay đổi phạm vi sửa đổi với một dự án. Cụ thể, Chính phủ đề nghị rút khỏi chương trình năm 2020 dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long lý giải: Do nội dung của dự án luật còn một số vấn đề phức tạp, cần có thêm thời gian để nghiên cứu, chuẩn bị và đánh giá kỹ. Những vấn đề phức tạp được ông Long dẫn chứng là: Kinh tế, tài chính đất đai; khung giá đất; tập trung, tích tụ đất nông nghiệp, an ninh lương thực; quản lý đất đai tại các công ty nông, lâm nghiệp; quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh...

Bộ trưởng Long cũng cho biết thường trực Chính phủ đã họp để thảo luận về kế hoạch và định hướng sửa đổi Luật Đất đai. Qua thảo luận, Chính phủ thấy rằng Luật Đất đai là đạo luật quan trọng, phức tạp, nhạy cảm, có tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước.

Việc sửa đổi, bổ sung dự án luật này tại thời điểm diễn ra đại hội đảng các cấp sẽ có tác động lớn đến ổn định chính trị-xã hội. Ngoài ra, không loại trừ khả năng các thế lực thù địch lợi dụng, kích động làm khiếu kiện gia tăng, ảnh hưởng đến ổn định chính trị, trật tự xã hội và đại hội đảng các cấp.

Mặt khác, sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, trung ương sẽ ban hành nghị quyết mới mang tính chiến lược, toàn diện, đầy đủ và có tính chất lâu dài về phát triển kinh tế-xã hội cho giai đoạn mới, trong đó có nội dung về đất đai.

Do vậy, Chính phủ đã giao Bộ TN&MT tiếp tục nghiên cứu, phân tích, đánh giá toàn diện các quy định của Luật Đất đai hiện hành, định hướng sửa đổi, bổ sung toàn diện sau Đại hội Đảng toàn quốc.

Trước mắt, Chính phủ giao Bộ TN&MT đề xuất xây dựng ngay nghị quyết của QH để xử lý, tháo gỡ một số nội dung vướng mắc, nổi cộm gây ách tắc trong thời gian qua.

Năm 2020, chưa tính sửa Luật Đất đai - ảnh 1
Chính phủ đề nghị rút khỏi chương trình xây dựng luật năm 2020 dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai. Ảnh minh họa: HOÀNG GIANG

Ủy ban Kinh tế tán thành

Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của QH Đoàn Thị Thanh Mai cho hay Ủy ban Kinh tế tán thành với đề xuất của Chính phủ. Ủy ban này cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục tổng kết việc thi hành Luật Đất đai kỹ lưỡng hơn, nghiên cứu, rà soát những vấn đề bất cập, vướng mắc để trình QH sửa đổi, bổ sung sau khi có nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Trong khi ĐB Nguyễn Tiến Sinh (ĐBQH tỉnh Hòa Bình) thì đề nghị năm 2020 Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu nội dung này. Theo ông, năm 2020 đã thực hiện xong việc đại hội đảng các cấp 2020, do vậy năm 2021 phải bàn việc sửa luật này. Lý do, đây là luật quan trọng, thể chế hóa nghị quyết của đại hội đảng, là cơ sở pháp lý để phát triển kinh tế-xã hội…

Cũng theo ĐBQH tỉnh Hòa Bình, khiếu nại, tố cáo về đất đai hiện khá phổ biến. Hệ thống pháp luật đang hoàn thiện như Luật Đầu tư công, Luật Đối tác công tư (PPP) sắp tới vẫn vướng mắc ở Luật Đất đai. “Đây là luật cơ bản để sử dụng nguồn lực. Nếu không sửa, e rằng khó thực hiện những luật kia” - ông Sinh nói.

Ngoài ra, theo ông Sinh, vấn đề thất thoát, lãng phí đất đai thể hiện rất rõ trong thực tiễn. Luật có nhiều kẽ hở, hình thành nhiều đại gia từ đất đai, tập trung lợi ích, tiền của, tài nguyên vào một nhóm người, làm cho bần cùng hóa một bộ phận người dân khác. Tình trạng phá rừng cũng liên quan đến đất đai…

“Nếu không sửa thì thực hiện rất khó. Chính phủ cần quyết tâm nghiên cứu, quyết liệt nội dung này” - ông Sinh trình bày.

Chương trình năm 2021 có 8 dự án luật

Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho hay chương trình năm 2021 gồm tám dự án luật, pháp lệnh. Tại kỳ họp thứ 11 QH khóa XIV, Chính phủ chỉ đề nghị đưa hai dự án vào chương trình thông qua tại kỳ họp này gồm Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) và Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi).

Do kỳ họp thứ nhất của QH khóa XV là kỳ họp đầu tiên của nhiệm kỳ mới, thường chỉ kéo dài hai tuần, QH sẽ tập trung thảo luận về công tác tổ chức, nhân sự. Chính phủ không đề xuất đưa các dự án luật, pháp lệnh vào chương trình kỳ họp này.

Tại kỳ họp thứ hai QH khóa XV, Chính phủ đề nghị đưa vào chương trình một dự án luật để thông qua là Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). Cạnh đó, QH sẽ cho ý kiến năm dự án luật gồm: Luật Điện ảnh (sửa đổi); Luật Cảnh sát cơ động; Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. 

 

 

Tác giả bài viết: ĐỨC MINH

Nguồn tin: plo.vn:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Sinh nhật hội viên tháng 01

Chúc mừng sinh nhật

Chúc mừng sinh nhật

  • NGUYỄN VĂN NAM

    Hội viên : NGUYỄN VĂN NAM

    CÔNG TY TNHH XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI ĐẦU TƯ & QC VINAEVENT

Hội viên mới

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây