2 cầu Bình khánh, Phước Khánh bị lỗi kỹ thuật

Chủ nhật - 14/06/2020 22:00
Hai cầu Phước Khánh, Bình Khánh thuộc dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành đã có hiện tượng nứt xà mũ ở hơn 100 trụ cầu.

Trong quá trình thi công xây dựng, hai cầu Phước Khánh, Bình Khánh thuộc dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành đã có hiện tượng nứt xà mũ ở hơn 100 trụ cầu. Điều này có khả năng ảnh hưởng đến an toàn và tuổi thọ công trình.

Hàng trăm trụ cầu bị nứt mố

Các tồn tại về kỹ thuật các hạng mục quan trọng của hai cầu Bình Khánh và Phước Khánh đã được nêu trong báo cáo của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước (UB QLVNN) gửi Thủ tướng Chính phủ hồi tháng 3.

Cụ thể, trong báo cáo về khó khăn, vướng mắc của dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành gửi Thủ tướng, UB QLVNN cho biết dự án còn tồn tại về kỹ thuật ở hai cầu dây văng Phước Khánh và Bình Khánh. Hai cầu dây văng này có tĩnh không thông thuyền lớn nhất Việt Nam.

Theo UB QLVNN, việc lựa chọn thông số gió thiết kế và một số hệ số dùng để thiết kế cho hai cầu này chưa phù hợp với tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật về điều kiện tự nhiên ở Việt Nam.

Tư vấn thiết kế sử dụng tải trọng gió trong việc tính toán kết cấu hai cầu dây văng này không phù hợp với yêu cầu tiêu chuẩn. Cụ thể là sử dụng vận tốc gió thiết kế là 40 m/giây so với yêu cầu tối thiểu là 45 m/giây. Điều này tiềm ẩn nguy cơ kết cấu không đảm bảo an toàn chịu lực khi đưa công trình vào khai thác.

Ngoài ra, trong quá trình thi công xây dựng đã xuất hiện hiện tượng nứt xà mũ của hơn 100 trụ cầu. Việc này sẽ ảnh hưởng đến an toàn và tuổi thọ công trình.

Về hạng mục cầu: Hồ sơ thiết kế còn nhiều điểm bất cập trong bản tính kết cấu như quan điểm thiết kế, việc sử dụng hệ số an toàn thấp trong tính toán kết cấu nên đã xảy ra hiện tượng nứt có tính phổ biến xà mũ trụ. Hiện tượng này xảy ra tại gói thầu J2 và tại 16 khối K0 cầu dẫn của gói thầu JI, J3 và A3.

Với cầu Bình Khánh (gói thầu J1), đã tạm dừng thi công các hạng mục thuộc cầu chính từ ngày 22-6-2018 do phải điều chỉnh thiết kế kỹ thuật. Công tác triển khai rà soát, điều chỉnh thiết kế vẫn đang thực hiện do tính chất phức tạp của hạng mục cầu này.

“Đến nay, công tác điều chỉnh thiết kế vẫn chưa hoàn thành” - văn bản của UB QLVNN nêu.

Về cầu Phước Khánh (gói thầu J3) đã tạm dừng thi công các hạng mục thuộc cầu chính từ tháng 7-2018.

2 cầu Bình khánh, Phước Khánh bị lỗi kỹ thuật - ảnh 1

Cầu Phước Khánh thuộc dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành. Ảnh: KIÊN CƯỜNG

Đã báo cáo về sự việc

Cũng theo văn bản của UB QLVNN, Hội đồng nghiệm thu nhà nước (HĐNTNN) đã yêu cầu chủ đầu tư rà soát và điều chỉnh lại hồ sơ thiết kế cho các kết cấu còn lại.

Đối với các công trình cầu sau khi được thi công theo thiết kế điều chỉnh, các kết cấu này đã không bị nứt, đáp ứng khả năng chịu lực.

“Tuy nhiên, đến nay chủ đầu tư vẫn chưa đưa ra giải pháp xử lý tăng cường khả năng chịu lực cho các kết cấu bị nứt” - văn bản của UB QLVNN tiếp tục cho biết.

Đồng thời, tại Văn bản số 20/BC-HĐNTNN ngày 11-2 của HĐNTNN có nêu: “HĐNTNN đã tổ chức nhiều cuộc họp và yêu cầu VEC tổ chức rà soát tổng thể tính toán thiết kế, xem xét các giải pháp khắc phục và làm rõ các điều kiện để được nghiệm thu đưa vào sử dụng sau này”.

Cao tốc Bến Lức - Long Thành vừa được cứu đúng ngày hạn chót để được gia hạn hiệp định vay vốn.

Cụ thể, trong ngày 1 và 2-6 với sự nỗ lực từ các bên, dự án này đã được Ngân hàng Phát triển ADB gia hạn vay vốn vì có sự chỉ đạo kịp thời từ cơ quan chức năng. Bởi nếu không được gia hạn, dự án trọng điểm quốc gia này sẽ “vỡ trận” vì hết vốn để triển khai tiếp. 

Về biện pháp khắc phục, UB QLVNN đề nghị Bộ GTVT khẩn trương rà soát, có ý kiến để phê duyệt điều chỉnh thiết kế các cầu Bình Khánh, Phước Khánh và các hạng mục liên quan theo đúng thẩm quyền, chức năng và nhiệm vụ.

Bộ GTVT cũng được đề nghị khẳng định chắc chắn có phương án điều chỉnh thiết kế khả thi, đảm bảo tính kết nối và đảm bảo việc đầu tư đồng bộ toàn tuyến, không gây thất thoát, lãng phí nguồn lực đầu tư dự án.

Về vấn đề trên, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, đại diện VEC cho biết đơn vị đã báo cáo Bộ GTVT, Thủ tướng và chờ chỉ đạo mới.

Một chuyên gia trong lĩnh vực giao thông cho rằng việc làm cần thiết đầu tiên là xác định nguyên nhân của các tồn tại kỹ thuật nêu trên. Sau đó, rà soát lại các cách tính, kể cả cách tính hệ số an toàn của cầu, của việc sử dụng vận tốc gió thiết kế.

Cũng theo vị này, trụ cầu còn đang xây dựng mà đã xuất hiện vết nứt thì chắc chắn ảnh hưởng đến khả năng chịu lực. Theo đó, phải tính toán lại các thông số, rồi gia cường lại, thử tải lại rồi mới tính tới chuyện làm tiếp.

“Vết nứt giống như ung thư vậy, cần xác định nguyên nhân, gốc rễ xuất hiện vết nứt, nứt từ đâu, từ thân hay từ gốc trụ cầu… Tuy nhiên, các vấn đề kỹ thuật nêu trên đều có thể xử lý được nếu bắt bệnh đúng” - vị chuyên gia cho biết.

Hai cầu tĩnh không lớn nhất Việt Nam

Cầu Phước Khánh bắc qua sông Lòng Tàu, nối huyện Cần Giờ (TP.HCM) với huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai). Cầu có tổng chiều dài 3.186 m, chiều cao trụ cầu 135 m.

Cầu Bình Khánh bắc qua sông Soài Rạp, nối hai huyện Nhà Bè và Cần Giờ (TP.HCM). Cầu được xây dựng từ tháng 8-2015 với chiều dài 2.763,5 m, chiều cao trụ cầu 155 m.

Khi hoàn thành, hai cầu Phước Khánh và Bình Khánh sẽ là hai cầu có tĩnh không thông thuyền cao nhất Việt Nam (55 m). 

 

 

Tác giả bài viết: KIÊN CƯỜNG

Nguồn tin: plo.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Sinh nhật hội viên tháng 12

Chúc mừng sinh nhật

Chúc mừng sinh nhật

Hội viên mới

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây