Dệt may xoay xở tìm nguyên liệu sản xuất
Ảnh hưởng của dịch COVID-19 làm đứt gãy các chuỗi cung trên toàn cầu. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp (DN) dệt may và da giày Việt Nam là những ngành mang về hàng chục tỉ USD xuất khẩu mỗi năm có lẽ thấm đòn nhiều nhất vì phụ thuộc vào nguyên liệu Trung Quốc.
Nguy cơ đứt nguồn hàng cận kề
Nhiều DN đối diện việc tạm ngừng sản xuất vì thiếu nguồn cung nguyên vật liệu. Chuyên sản xuất quần áo trẻ em, chị Hoàng Oanh, Giám đốc Công ty May Hoàng Oanh (TP.HCM), mấy ngày nay đứng ngồi không yên vì không có đủ nguyên liệu để sản xuất.
“Nguồn nguyên, phụ liệu cho sản xuất thành phẩm đến từ khá nhiều nước nhưng chủ yếu vẫn là Trung Quốc. Song hiện nay, các nhà máy mà chúng tôi đặt hàng đang trong tình trạng dừng sản xuất. Chưa kể việc hạn chế chuyển hàng qua cửa khẩu biên giới bằng đường bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc khiến công ty phải sản xuất cầm chừng. Nếu tình trạng đứt nguồn cung nguyên liệu tiếp tục kéo dài, có khả năng chúng tôi phải đóng cửa nhà máy, dừng sản xuất hàng” - chị Oanh lo lắng.
Đại diện một công ty sản xuất các sản phẩm da giày xuất khẩu đi thị trường châu Âu cho hay từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên việc sản xuất gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân chính là do công ty không nhập khẩu được nguyên, phụ liệu đầu vào phục vụ sản xuất từ Trung Quốc. Hệ quả là sản xuất bị giảm sút nghiêm trọng, doanh thu giảm tới 40% so với cùng kỳ.
“Nếu dịch bệnh COVID-19 không được khống chế sớm, nguyên liệu không nhập được thì từ quý II-2020, hàng trăm công nhân công ty có thể phải nghỉ việc” - đại diện công ty này chia sẻ.
Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM Lê Hữu Nghĩa thông tin: Trong những chuyến khảo sát tại các DN dệt may và da giày trên địa bàn TP có sử dụng nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc, hiệp hội này thấy gần như tất cả đơn vị này đều thiếu nguồn cung trầm trọng. Nếu mua được nguyên liệu thì giá tăng cao so với trước.
Mục tiêu tăng trưởng cho ngành dệt may và da giày đang bị thách thức dữ dội vì thiếu nguyên liệu. Ảnh: QH
Trong khi đó, đầu ra cho sản phẩm lại yếu do người tiêu dùng có xu hướng thắt chặt chi tiêu để dành tiền phòng dịch. “Với sức tiêu thụ yếu, mà đầu vào tăng giá đã nuốt mất lợi nhuận các DN” - ông Nghĩa kết luận.
Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Thêu đan TP.HCM, cho hay qua rà soát vấn đề nguyên liệu của các DN trong hiệp hội thì cho thấy khoảng 50% các DN chỉ đảm bảo sản xuất đến giữa tháng 3, phần còn lại là hết tháng 3. Một số đơn vị khai thác được nguyên liệu trong nước và từ các nước chưa bị dịch bệnh như Indonesia, Malaysia hay Ấn Độ có thể duy trì được hoạt động nhưng số này rất ít.
“Phần lớn các DN hiện nay đang cố gắng co kéo việc sản xuất bằng cách giãn giờ làm, tận dụng nguồn nguyên, phụ liệu tồn kho trước đó để sản xuất một số mặt hàng bán trong nước. Do dịch bệnh COVID-19 bất ngờ đến nên hiện các DN không còn quan tâm nhiều đến mục tiêu tăng trưởng mà mối bận tâm lớn nhất là làm sao xoay xở có nguyên liệu cho hoạt động sản xuất” - ông Hồng nói.
Tìm lối thoát
Nhận diện đúng rủi ro và tìm giải pháp là bài toán chủ chốt với các DN nếu muốn tồn tại trong thời điểm khó khăn như hiện nay. Trong góc nhìn này, Công ty Sợi Thế Kỷ đã tính toán rất nghiêm túc về vấn đề nguyên, phụ liệu nhằm tránh phụ thuộc vào bất kỳ một thị trường nào mà chỉ cần biến động là gặp rủi ro và ảnh hưởng đến toàn bộ chuỗi sản xuất.
“Từ lâu công ty đã phân tán cơ cấu nguyên, phụ liệu cho sản xuất, đa dạng thị trường và cơ cấu nguyên liệu Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 20%. Do đó, chúng tôi vẫn duy trì được sản xuất. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ hợp tác với các nhà đầu tư Hàn Quốc, Nhật… để hình thành chuỗi cung ứng. Tôi cũng cho rằng ngay cả khi dịch bệnh qua đi, các DN cũng nên tính toán lại việc nguồn cung nguyên liệu để tránh rủi ro” - ông Đặng Triệu Hòa, Tổng giám đốc Sợi Thế Kỷ, nói.
Ông Nguyễn Tuấn Hùng, giám đốc một công ty chuyên giày xuất khẩu ở Đồng Nai, thông tin công ty đang tìm thêm đối tác cung ứng nguyên liệu trong nước cũng như từ Hàn Quốc, Nhật Bản và châu Âu. Mục đích là để đề phòng trường hợp dịch bệnh kéo dài ở Trung Quốc thì cũng không gây ảnh hưởng quá lớn đến sản xuất.
“Các hợp đồng xuất khẩu của công ty sang thị trường châu Âu, Mỹ vẫn đảm bảo thời gian giao hàng. Tuy nhiên, lợi nhuận sẽ giảm vì giá nguyên liệu mua trong nước và các thị trường ngoài Trung Quốc cao hơn” - ông Hùng cho hay.
Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Thêu đan TP.HCM, cho hay hiệp hội đã đề nghị các DN tìm kiếm thêm các nguyên, phụ liệu ngoài thị trường Trung Quốc và nội địa. Từ đó để tránh phụ thuộc và cố gắng tối đa kéo dài hoạt động của mình, tích cực chăm sóc đội ngũ lao động để tình hình phục hồi lại thì có lao động để tiếp tục hoạt động.
“Bên cạnh đó hiện lĩnh vực dệt may có khoảng 90% DN có quy mô nhỏ và vừa. Do vậy chúng tôi đề nghị Nhà nước cần có sự hỗ trợ giảm bớt gánh nặng về chi phí điện, nước, phí vận tải cho các DN; xem xét về chính sách giảm lãi suất, giãn trả nợ, giảm thuế” - ông Hồng đề nghị.
Cố gắng co kéo để duy trì sản xuất Hiệp hội DN khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM (HBA) đánh giá việc thiếu hụt nguyên vật liệu sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Đặc biệt, việc đáp ứng đơn hàng đã lên kế hoạch cho quý I-2020 bị đình trệ và một số lượng lớn người lao động sẽ thiếu việc làm trong tháng 2 và tháng 3. Do đó, HBA kiến nghị đến cơ quan, ban ngành liên quan đảm bảo việc lưu thông hàng hóa phục vụ sản xuất giữa Việt Nam và Trung Quốc được tiếp diễn bình thường, ổn định sản xuất, kinh doanh. Việc vận chuyển này sẽ đảm bảo tuân thủ tuyệt đối các yêu cầu về phòng, chống dịch COVID-19. Cơ hội để tái cấu trúc, tránh phụ thuộc Theo chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến các chuỗi cung ứng bị đứt. Việt Nam lệ thuộc nặng cả đầu ra và đầu vào, trong đó các ngành công nghiệp có đầu vào từ Trung Quốc và Hàn Quốc nhiều, cho nên DN Việt, kể cả nhà đầu tư nước ngoài cũng bị ảnh hưởng. Đây thực sự là giai đoạn khó khăn của cộng đồng DN nhưng ông Thiên cũng cho rằng nó cũng là cơ hội để tái cấu trúc nhằm thoát khỏi sự phụ thuộc vào Trung Quốc. “Các DN có thể bứt lên thay thế sản phẩm của Trung Quốc và mở rộng thị trường dưới sự hỗ trợ của Chính phủ như giảm thuế, giãn nợ... cho DN” - ông Thiên nhấn mạnh. |
Nguồn tin: plo.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Sinh nhật hội viên tháng 01
Chúc mừng sinh nhật
-
Hội viên : NGUYỄN VĂN NAM
CÔNG TY TNHH XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI ĐẦU TƯ & QC VINAEVENT
Hội viên mới
Hội viên : Đặng Thị Như Ý
Công ty TNHH Thương Mại và Dịch Vụ AB&W
Hội viên : Ừng A Cóng
Công ty TNHH Thực Phẫm Sức Khỏe Quang Long
Hội viên : THÁI THỊ NGỌC HƯƠNG
ROYAL APEC (HỘI AN)
Hội viên : LÊ THỊ GIÀU
Công Ty CP Thực Phẩm Bình Tây
Hội viên : NGUYỄN ANH HOÀNG XUÂN VIỆT
ROYAL APEC (SG)
Hội viên : DIỆP NGỌC KIỆT
CTY TNHH Dịch Vụ BSK
Hội viên : NGUYỄN MINH CHÁNH
Công Ty TNHH MTV Nhà Đất Cần Thơ 9999
Hội viên : TRƯƠNG CÔNG VŨ
Công Ty Cổ Phần Công Nghệ Năng Lượng Toàn Cầu
Video hoạt động
Bài viết xem nhiều
- Tập đoàn Bcons Group: Khai trương nhà mẫu Bcons City
- Dàn 'đại bàng' quản lý khối tài sản từ 1- 500 tỷ USD kéo đến tìm...
- Gia Lai: Kết nối Đầu tư, XT-TM Huyện Chư Puh cùng Hiệp hội Trang...
- Xe Khách Petro Bình Phước - Limousine Bình Phước
- CLB Golf Doanh Nhân Bình Dương với Giải Golf hứa hẹn nhiều dấu ấn