COVID-19: Phát hiện đáng chú ý về tỉ lệ tử vong

Thứ sáu - 06/03/2020 20:49
Trong số các nhóm tuổi có nguy cơ tử vong vì lây nhiễm COVID-19, trẻ em dưới 10 tuổi bất ngờ là nhóm an toàn nhất khi khả năng thiệt mạng là bằng không. Càng cao tuổi, dịch bệnh càng nguy hiểm hơn.

Tính đến 19 giờ ngày 6-3, tờ South China Morning Post dẫn nguồn Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (TQ) ghi nhận toàn thế giới có 3.308 người tử vong do dịch COVID-1996.739 ca nhiễm. Như vậy, so với cùng giờ ngày 5-3, số ca tử vong tăng 98 người, số ca nhiễm tăng 3.423 người.

Các cơ quan y tế TQ cũng cho biết đã có 53.953 bệnh nhân được xuất viện sau khi điều trị và cho kết quả âm tính, tăng 1.859 người so với ngày 5-3.

Dịch COVID-19 nay đã có mặt ở 93 quốc gia và vùng lãnh thổ. Khu vực chịu ảnh hưởng nặng nhất vẫn là châu Á với các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Iran và TQ. Tuy nhiên, châu Âu cũng đang nổi lên các điểm nóng đáng báo động ở Pháp, Ý và Đức.

Được biết tỉ lệ tử vong trung bình của virus vẫn được các chuyên gia ước tính ở mức tương đối thấp, từ 1% đến hơn 3%. Dù vậy, trong báo cáo điều tra nhân khẩu về nhóm độ tuổi có nguy cơ tử vong vì COVID-19 được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố mới đây phối hợp cùng một số cơ quan TQ đã có hai phát hiện đáng chú ý: Khả năng tử vong tỉ lệ thuận với độ tuổi và tỉ lệ tử vong ở trẻ em dưới 10 tuổi là bằng không, theo hãng tin AFP.

Tỉ lệ tử vong tăng dần theo độ tuổi

Cụ thể, đối tượng có nguy cơ tử vong cao nhất là người trên 80 tuổi với tỉ lệ tử vong trên ca nhiễm lên đến 21,9%. Tỉ lệ tử vong cũng tăng dần theo nhóm tuổi với 0,2% ở đối tượng 10-39 tuổi; 0,4% của nhóm 40-49 tuổi; 1,3% của nhóm 50-59 tuổi; 3,6% của nhóm 60-69 tuổi và 8% cho nhóm 70-79 tuổi.

Báo cáo về các ca tử vong bên ngoài TQ cũng cho kết quả tương tự. Theo đó, đến 60% nạn nhân tử vong tại Ý đều tầm 80 tuổi và không ai dưới 60 tuổi. Một số người đã mắc sẵn các vấn đề tim mạch và một số bệnh lý nền khác.

Ngoài ra, tỉ lệ tử vong trên ca nhiễm ở những người có tiền sử bệnh án về tim mạch chiếm 10,5%; tiểu đường chiếm 7,3%, bệnh hô hấp mạn tính chiếm 6,3%; huyết áp cao chiếm 6%; ung thư chiếm 5,6%. Những người không có tiền sử bệnh án có tỉ lệ tử vong là 0,9%.

Trong khi đó, tỉ lệ tử vong trên ca nhiễm của nam giới cũng cao hơn tỉ lệ tử vong trên ca nhiễm ở nữ giới với các tỉ lệ theo thứ tự là 2,8% và 1,7%. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu vẫn chưa rõ nguyên do dẫn đến sự chênh lệch này.

COVID-19: Phát hiện đáng chú ý về tỉ lệ tử vong - ảnh 1
Một nhân viên y tế làm việc trong khu cách ly TP Daegu (Hàn Quốc) ngày 4-3. Ảnh: YONHAP

Bí ẩn khả năng chống dịch của trẻ em

Một phát hiện đáng chú ý từ báo cáo của WHO là rất ít trường hợp trẻ em dưới 10 tuổi nhiễm COVID-19 (chiếm chưa tới 1%) và không có ca tử vong nào ở nhóm tuổi này được ghi nhận trên toàn thế giới.

“Từ tất cả những gì chúng ta thấy, có thể nói bệnh dịch chủ yếu ảnh hưởng đến người lớn. Một số báo cáo từ TQ cũng như nhiều nước khác đều đến từ các bệnh viện dành cho người lớn chứ không phải bệnh viện nhi hoặc chúng tôi chưa thấy được các dữ liệu đó” - PGS Richard Martinello thuộc ĐH Yale (Mỹ) cho biết.

Dù chưa có lời giải đáp chính thức từ giới chuyên môn, tờ The Guardian cho biết đang tồn tại hai giả thuyết có thể dùng để giải thích hiện tượng trên: Trẻ em ít khả năng bị phơi nhiễm ngay từ đầu hoặc có điều gì đó khác biệt về cách cơ thể trẻ em phản ứng với virus.

COVID-19: Phát hiện đáng chú ý về tỉ lệ tử vong - ảnh 2
 

COVID-19 hoàn toàn có thể bị đẩy lùi nhưng chỉ khi chính phủ các nước phối hợp toàn diện và nhịp nhàng. Chúng tôi kêu gọi mọi quốc gia hành động với tốc độ, quy mô và quyết tâm cao độ. Điều tồi tệ nhất có thể xảy ra với bất kỳ quốc gia hoặc thậm chí cá nhân nào khi họ chấp nhận bỏ cuộc. Đừng bỏ cuộc và đừng đầu hàng.

Tổng giám đốc WHO TEDROS ADHANOM GHEBREYESUS
trong họp báo ngày 5-3 

GS David Weber thuộc ĐH North Carolina (Mỹ) thiên về cách giải thích đầu tiên, cho rằng việc trẻ em ít bị mắc bệnh có thể bắt nguồn từ cách dịch bệnh bùng phát. Cụ thể, virus được cho là bắt đầu lây lan tại một khu chợ hải sản ở Vũ Hán, nơi bán các động vật sống. Theo ông Weber, không có nhiều trẻ em lui tới khu vực này và do đó nguy cơ nhiễm bệnh được giảm thiểu.

Trên thực tế, sự khác biệt về triệu chứng giữa các nhóm tuổi khác nhau cũng có thể được nhận thấy ở nhiều bệnh về đường hô hấp khác. Cúm mùa Mỹ, căn bệnh khiến hàng triệu người lây nhiễm mỗi năm tại Mỹ, thường gây tử vong cho người lớn nhiều hơn là trẻ nhỏ. Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), hàng ngàn trẻ em nước này phải nhập viện mỗi năm vì cúm nhưng số ca tử vong rất hiếm. Ngược lại, 50%-70% số ca nhập viện do cúm ở Mỹ xảy ra ở nhóm người từ 65 tuổi trở lên. 70%-85% số ca tử vong cũng xảy ra ở nhóm tuổi này, theo đài CNN.

Các dữ liệu của WHO cũng cho thấy một sự trùng hợp đáng chú ý giữa dịch COVID-19 với dịch SARS (Hội chứng hô hấp cấp tính nặng) và MERS (Hội chứng hô hấp Trung Đông) trong quá khứ. Đợt dịch SARS hồi năm 2003 đã khiến 8.098 người nhiễm bệnh và hơn 800 người tử vong trong hơn chín tháng. Tuy nhiên, phần lớn các trường hợp mắc bệnh đều là người lớn tuổi, còn tỉ lệ tử vong đối với độ tuổi dưới 24 chưa đầy 1%. Khi dịch MERS bùng phát ở Saudi Arabia (năm 2012) và Hàn Quốc (năm 2015), hơn 800 người thiệt mạng nhưng hầu hết trẻ em không bộc lộ triệu chứng.

Dù vậy, ngay khi trẻ em chỉ phát triển các triệu chứng nhẹ, GS Marc Lipsitch thuộc ĐH Harvard (Mỹ) cho rằng các chuyên gia khoa học vẫn cần xác định xem liệu nhóm đối tượng này có thể lây nhiễm bệnh cho người khác ở tốc độ cao hay không. Đây là một biến số rất quan trọng cần phải được làm rõ.

“Chúng tôi cần phải xem xét từ các cá nhân mắc bệnh từ mức độ nhẹ tới nặng. Việc thu thập dữ liệu có hệ thống, từ các ca mắc bệnh nhẹ cũng như nghiêm trọng, là điều rất cần thiết để có thể xử lý căn bệnh này” - ông Lipsitch cho hay.

COVID-19 có thể tấn công hệ thần kinh trung ương

Tân Hoa Xã ngày 6-3 dẫn một nghiên cứu mới đây của ĐH Dược thủ đô TQ phát hiện virus COVID-19 có thể làm tổn thương hệ thần kinh trung ương của bệnh nhân.

Theo đó, trường hợp nhiễm bệnh được theo dõi để phục vụ nghiên cứu cho thấy những triệu chứng liên quan tới tình trạng suy giảm nhận thức, viêm não dù phần đầu của bệnh nhân không thể hiện những dấu hiệu bất thường. Sau khi áp dụng phác đồ điều trị viêm não, triệu chứng thần kinh của bệnh nhân thuyên giảm.

Với thông tin này, một khi bệnh nhân COVID-19 có các biểu hiện rối loạn nhận thức, đội ngũ y tế được khuyến cáo nên tính đến khả năng hệ thần kinh bị nhiễm virus và tiến hành xét nghiệm dịch tủy não kịp thời, qua đó giúp giảm tỉ lệ tử vong. 

Nguồn tin: plo.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Sinh nhật hội viên tháng 11

Chúc mừng sinh nhật

Chúc mừng sinh nhật

Hội viên mới

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây