Giữa những nghi ngờ, tỷ phú Trần Đình Long vượt dốc ngày đầu năm

Thứ năm - 16/01/2020 22:46
Doanh nghiệp của ông Trần Đình Long chịu áp lực khá nhiều trong 2 năm vừa qua với nhiều thông tin tiêu cực, từ mức độ cạnh tranh gia tăng, quỹ ngoại rút cho tới thuế sản phẩm vào Mỹ...
Giữa những nghi ngờ, tỷ phú Trần Đình Long vượt dốc ngày đầu năm

CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) của đại gia số 1 ngành thép Trần Đình Long ghi nhận giá cổ phiếu diễn biến khá tích cực đầu năm 2020. Cổ phiếu HPG tăng 6 phiên liên tiếp vừa qua và đang ở đinh cao 6 tháng.

HPG diễn biến tích cực trong bối cảnh Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất của tập đoàn này về cơ bản đã hoàn thành và theo dự kiến cuối quý II/2020 khu sản xuất mới sẽ có thép cuộn cán nóng.

Bên cạnh đó, CTCP Tập đoàn Hòa Phát cũng cho biết sản lượng tiêu thụ thép xây dựng năm 2019 tăng khá mạnh với khoảng 2,776 triệu tấng (tăng 16,8% so với cùng kỳ). Số lượng xuất khẩu đạt gần 10%, vào các thị trường chính như Nhật, Hàn, Campuchia, Malaysia, Úc, Mỹ…

Đây là một kết quả khá ấn tượng trong bối cảnh sự nghi ngờ đối với doanh nghiệp của tỷ phú USD một thời Trần Đình Long hiện vẫn rất lớn. Cổ phiếu HPG đã có một chuỗi ngày giảm giá kéo dài trước đó và đại gia ngành thép chứng kiến tài sản bốc hơi vài trăm triệu USD.

Sản lượng thép của Hòa Phát tăng mạnh, đặc biệt ở khu vực phía Nam là nhờ nguồn cung dồi dào và ổn định từ các nhà máy của Hòa Phát ở Dung Quất (Quảng Ngãi) - một dự án trọng điểm của tập đoàn này trong nhiều năm qua.

Với quy mô sản lượng lên tới trên 4 triệu tấn thép xây dựng/năm từ 2020, mục tiêu của Hòa Phát trong năm tới tại khu vực miền Trung và miền Nam là tăng trưởng sản lượng gấp 2,5 lần so với 2019.

Trong năm 2018, HPG đã chịu áp lực từ nhiều phía. Khi đó, nhiều doanh nghiệp ngành thép chịu ảnh hưởng từ thông tin đánh thuế của Mỹ. Theo đó, Bộ Thương mại Mỹ cho biết có sản phẩm thép chống gỉ và thép cán nguội được sản xuất tại Việt Nam bằng thép chất nền có nguồn gốc từ Hàn Quốc và Đài Loan, vốn chịu thuế bán phá giá và thuế chống trợ cấp của Mỹ.

Nhiều người lo ngại về triển vọng của các doanh nghiệp ngành thép, nhất là triển vọng xuất khẩu trong bối cảnh quy mô sản xuất đang được mở rộng.

Trong năm 2019, theo SSI Research, nhu cầu chững lại đáng kể từ giữa năm, xuất khẩu bị ảnh hưởng do sự lan rộng của xu hướng bảo hộ và giá thép giảm do nhu cầu cũng như xu hướng giá toàn cầu giảm, dẫn đến thua lỗ ở một số công ty sản xuất thép xây dựng.

Trong 2019, mặc dù sản lượng xuất khẩu thép xây dựng đạt mức tăng trưởng nhẹ 1,6% trong 9 tháng đầu năm 2019, sản lượng xuất khẩu thép ống và tôn mạ giảm đáng kể 19% so với cùng kỳ năm ngoái do sự lan rộng của xu hướng bảo hộ giữa các quốc gia để áp đặt các biện pháp hạn chế nhập khẩu thép. Thị trường Mỹ và EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai và thứ ba của Việt Nam đã giảm mạnh về sản lượng (-44%), chỉ chiếm 10% tổng sản lượng tiêu thụ trong 9T2019 so với mức 19% trong 9 tháng đầu năm 2018.

Sau khi phục hồi 6-7% trong 4 tháng đầu năm, giá thép xây dựng đã điều chỉnh 10% trong 7 tháng tiếp theo do nhu cầu và giá nguyên liệu thô giảm. Giá thép giảm ảnh hưởng đến tỷ suất lợi nhuận của các công ty sản xuất thép hiện tại, nhiều công ty đã giảm sâu tỷ suất lợi nhuận hoặc thua lỗ và phải cắt giảm sản lượng sản xuất, dẫn đến mất thị phần. Do đó, các công ty lớn có lợi thế hơn về chi phí sản xuất như HPG đã tận dụng được tình huống này đề giành thị phần nhiều hơn.

Trong năm 2020, doanh nghiệp trong ngành này vẫn chịu áp lực lớn. Dự báo ngành thép tiếp tục tăng trưởng thấp dù ít áp lực giảm giá hơn và mức độ cạnh tranh chiếm thị phần sẽ còn gia tăng.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), 16/1 chỉ số VN-Index tăng nhẹ. Giao dịch ảm đạm do các nhà đầu tư hạn chế mua bán trước kỳ nghỉ tết dài. Nhiều cổ phiếu ngân hàng tiếp tục tăng điểm phiên thứ 2 liên tiếp. Cổ phiếu dầu khí cũng diễn biến tích cực.

Một số công ty chứng khoán (CTCK) có những cái nhìn thận trọng.

Theo YSVN, thị trường có thể vẫn có thể gặp áp lực điều chỉnh trong đầu phiên giao dịch do VN-Index đang gặp cản tại đường trung bình 50 ngày, nhưng đà tăng có thể duy trì trong phiên kế tiếp. Đồng thời, độ rộng thị trường tiếp tục cải thiện và dòng tiền lan tỏa đều giữa các nhóm cổ phiếu cho thấy xu hướng tăng ngắn hạn đã bền vững hơn và khả năng vượt đường trung bình 50 ngày của chỉ số VN-Index được đánh giá cao.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 16/1, VN-Index tăng 6,75 điểm lên 974,31 điểm; HNX-Index tăng 1,13 điểm lên 104,32 điểm. Upcom-Index tăng 0,1 điểm xuống 55,46 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt 5,1 ngàn tỷ đồng.

V. Hà

Nguồn tin: VNN

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Sinh nhật hội viên tháng 12

Chúc mừng sinh nhật

Chúc mừng sinh nhật

Hội viên mới

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây