Nghịch lý giá gà
Từ tháng 2 đến nay, người nuôi gà vùng Đông Nam bộ - thủ phủ chăn nuôi lớn nhất cả nước lại khóc ròng vì giá gà rớt thê thảm, thua lỗ nặng. Hiện nay, cứ mỗi ký gà công nghiệp (còn gọi là gà lông trắng, loại gà đang được nuôi phổ biến) bán ra, người nuôi lỗ 10.000-12.000 đồng/kg.
Nghịch lý là dù giá gà bán tại trang trại, hộ nông dân rẻ bèo nhưng giá thịt gà bán lẻ tại các chợ, cửa hàng, siêu thị vẫn cao ngất ngưởng.
Người nuôi lỗ nặng
Hiện loại gà công nghiệp trọng lượng trung bình trên 3 kg/con có giá bán 12.000-13.000 đồng/kg, còn loại gà trọng lượng 2,7-2,8 kg/con giá dao động 14.000-15.000 đồng/kg. Ông Tam, chủ trại gà ở Đồng Nai, cho biết với giá gà công nghiệp bán tại trại như hiện nay, người nuôi lỗ nặng vì giá thành nuôi đã 24.000-25.000 đồng/kg.
“Tính ra người nuôi gà đang lỗ 10.000-12.000 đồng/kg tùy trọng lượng. Như vậy, cứ nuôi mỗi con gà, người dân lỗ 27.000-36.000 đồng tùy loại, tùy trọng lượng” - ông Tam nói.
Chủ một trại gà ở huyện Long Thành, Đồng Nai than thở dù giá gà loại trọng lượng đạt chuẩn được thương lái, các công ty mua với giá trên 15.000 đồng/kg nhưng thực tế các trại lại ít bán được giá đó mà chỉ bán được giá 12.000-13.000 đồng. Lý do là các thương lái, công ty giảm lượng gà thu mua, ép nhiều trại rơi vào tình thế buộc phải bán tháo gà với giá rẻ dù gà có trọng lượng đạt chuẩn.
Ông Lê Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT hợp tác xã chăn nuôi nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát, cho biết: Theo hợp đồng ký kết, các công ty chế biến giết mổ sẽ thu mua với giá trên 25.000 đồng/kg. Song hiện nay họ lấy lý do thiên tai, dịch họa nên họ giảm lượng mua. Chính vì thế, cứ mỗi lứa bán ra với khoảng 20.000 con gà, các xã viên thuộc hợp tác xã lỗ trung bình hơn 250 triệu đồng.
Nhiều người nuôi gà lông màu (gà thả vườn) cũng chịu chung số phận. Hiện giá gà lông màu bán tại trại chỉ 30.000 đồng/kg, người nuôi lỗ 5.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, giá trứng gà cũng giảm và khó tiêu thụ.
Giá gà bán tại trang trại rẻ nhưng giá bán lẻ thịt gà trên thị trường vẫn cao. Ảnh: QUANG HUY
Gà đến tay người tiêu dùng đắt
Điều đáng nói là dù giá gà tại trang trại rẻ nhưng giá thịt gà tới người tiêu dùng vẫn cao. Khảo sát tại một số siêu thị, cửa hàng thực phẩm cho thấy giá thịt gà công nghiệp, gà thả vườn gần như không thay đổi từ sau tết cho đến nay.
Chẳng hạn, tại một số siêu thị, giá đùi gà công nghiệp góc tư 59.000 đồng/kg, đùi tỏi gà có giá lên tới 77.000 đồng/kg. Cánh gà giá 79.000-85.000 đồng/kg, chân gà 50.000-53.000 đồng/kg.
Đại diện Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ ước tính mỗi ngày lượng gà công nghiệp các tỉnh Đông Nam bộ bán ra thị trường khoảng 500.000 con, trong đó chỉ có 50.000 con được bán theo giá hợp đồng ký kết không lỗ. Còn 450.000 con xuất bán với giá rẻ, mỗi con gà lỗ 27.000-36.000 đồng, tính ra mỗi ngày người bán gà Đông Nam bộ lỗ 12-16 tỉ đồng.
Theo đại diện hiệp hội này, đáng lẽ giá gà lông trắng tại trang trại rẻ thì thịt gà bán lẻ cũng phải giảm mới hợp lý. “Người nuôi bán 12.000-15.000 đồng/kg, sau khi trừ các loại chi phí như giết mổ, vận chuyển thì đến siêu thị chỉ khoảng hơn 25.000 đồng/kg. Thế nhưng hiện nay, họ bán thịt gà với giá gấp 2-3 lần tại trang trại, rất bất hợp lý” - đại diện hiệp hội phân tích.
Nhà bán lẻ cam kết sẽ giảm giá gà Ông Trương Chí Thiện, Giám đốc Công ty Vĩnh Thành Đạt, cho hay nguồn cung gà dư nên dù sức mua ở kênh bán lẻ trực tiếp cho người tiêu dùng như chợ, siêu thị có tăng nhẹ nhưng cũng không đủ bù đắp nổi. Trước tình hình trên, công ty đã giảm giá 20% qua các hình thức như mua 10 quả trứng được tặng thêm hai quả. Đại diện Liên hiệp hợp tác xã thương mại Saigon Co.op cũng thông tin tại hệ thống các siêu thị Co.opmart, Co.opxtra... bắt đầu giảm giá một số sản phẩm thịt gà quanh mức 10%-15%. Ngoài ra, hệ thống siêu thị này cũng đang phối hợp với các nhà cung cấp tiếp tục giảm giá mạnh cho mặt hàng này theo diễn biến thị trường. TÚ UYÊN |
Người sản xuất chỉ được hưởng lợi 5%
Ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT, cho biết: Một trong những nguyên nhân chính khiến thịt gà, trứng gà bị giảm như hiện nay là do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các nhà hàng, quán ăn, trường học, bếp ăn tập thể… phải tạm đóng cửa nên thị trường tiêu thụ bị giảm đột ngột.
Lý giải về việc giá trứng, thịt gà đang rẻ nhưng khi đến tay người tiêu dùng vẫn ở mức cao, ông Chinh cho rằng: “Do thịt gà, trứng phải trải qua nhiều khâu trung gian mới đến được tay người tiêu dùng”.
Còn ông Vũ Vinh Phú, chuyên gia thương mại, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội, cho rằng nguyên nhân chính khiến giá gà cao do khâu trung gian và hệ thống phân phối có nhiều bất cập. “Như phân tích của Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam thì lợi nhuận thu được từ sản xuất thịt gà công nghiệp, người sản xuất chỉ được hưởng lợi có 5%, trong khi đó thương lái hưởng lợi 21%, bán lẻ và bán buôn 32%-33%, lò giết mổ 10%. Đây chính là nguyên nhân khiến giá gà bán lẻ cao lên” - ông Phú nói.
Ông Phú cho biết tình trạng này tồn tại ở Việt Nam đã lâu. Từ khâu sản xuất đến tiêu dùng có khoảng cách rất xa. “Người tiêu dùng thiệt, người sản xuất không có lãi, chỉ có khâu trung gian là có lãi lớn” - ông Phú nói.
Tuy nhiên, bà Phạm Thị Ngọc Hà, Giám đốc Công ty TNHH San Hà - chuyên mua bán và phân phối các loại thực phẩm, khẳng định hiện công ty vẫn mua gà theo hợp đồng bao tiêu của các trại liên kết với giá trên 25.000 đồng/kg. Với mức giá này, người nuôi lãi khoảng 2.000 đồng/kg. Sau khi mua từ trang trại, công ty cung cấp cho các siêu thị cũng theo hợp đồng, số lượng đã ký nên giá không thay đổi.
“Khi mua gà về, công ty bỏ lông, bỏ huyết, bỏ nội tạng, chặt nhỏ ra. Ví dụ, con gà tại trại trọng lượng 2,5 kg/con, sau khi giết mổ, làm sạch chỉ còn khoảng 2 kg/con. Đó là chưa kể phải trả lương công nhân, chi phí sản xuất, chiết khấu lại cho các siêu thị, chi phí xe lạnh chuyên dùng, tủ mát để bảo quản… Vì vậy, lợi nhuận của công ty thu về chỉ 0,3% trên mỗi ký thịt gà thôi” - bà Hà giải thích.
Bà Hà cho biết thêm có thời điểm công ty mua gà tại trang trại bên ngoài (không liên kết nuôi với công ty) giá chỉ 8.000 đồng/kg. Lý do là trước đó, thời điểm giá gà công nghiệp giá cao 30.000-35.000 đồng/kg, các trại này không chịu ký hợp đồng bao tiêu với doanh nghiệp. “Như vậy, để tránh tình trạng gà rớt giá, người chăn nuôi phải ngồi lại với các doanh nghiệp đầu ra ký kết bao tiêu, tiêu thụ thì mới bền vững lâu dài được” - bà Hà khuyến nghị.
Tác giả bài viết: QUANG HUY - AN HIỀN
Nguồn tin: plo.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Sinh nhật hội viên tháng 11
Chúc mừng sinh nhật
-
Hội viên : VŨ THỊ HẢI YẾN
Công ty TNHH GFS Việt Nam
-
Hội viên : DƯƠNG QUỐC KHÁNH
Công ty CP CN Thiết Bị Dịch Vụ Môi Trường Ánh Thủy
-
Hội viên : NGUYỄN THỊ VÂN ANH
Công ty TNHH thương mại sản xuất nệm Kim Cương
-
Hội viên : ĐÀO MINH SÁNG
Công ty Cổ phần Giao dịch hàng hóa F.C.I
-
Hội viên : DƯƠNG QUANG NHẬT
Công Ty TNHH Thực Phẩm IZEN
-
Hội viên : NGUYỄN HOÀNG ANH
Công ty TNHH Giải Pháp Công Nghệ BCB
Hội viên mới
Hội viên : Đặng Thị Như Ý
Công ty TNHH Thương Mại và Dịch Vụ AB&W
Hội viên : Ừng A Cóng
Công ty TNHH Thực Phẫm Sức Khỏe Quang Long
Hội viên : THÁI THỊ NGỌC HƯƠNG
ROYAL APEC (HỘI AN)
Hội viên : LÊ THỊ GIÀU
Công Ty CP Thực Phẩm Bình Tây
Hội viên : NGUYỄN ANH HOÀNG XUÂN VIỆT
ROYAL APEC (SG)
Hội viên : DIỆP NGỌC KIỆT
CTY TNHH Dịch Vụ BSK
Hội viên : NGUYỄN MINH CHÁNH
Công Ty TNHH MTV Nhà Đất Cần Thơ 9999
Hội viên : TRƯƠNG CÔNG VŨ
Công Ty Cổ Phần Công Nghệ Năng Lượng Toàn Cầu
Video hoạt động
Bài viết xem nhiều
- Loạt tỷ phú Việt hao hụt tài sản, một người rời khỏi danh sách tỷ...
- Tập đoàn Bcons Group: Khai trương nhà mẫu Bcons City
- Tổng giám đốc WTO: Việt Nam là câu chuyện thành công về phát triển...
- Dàn 'đại bàng' quản lý khối tài sản từ 1- 500 tỷ USD kéo đến tìm...
- Beta Solution: Nhà phân phối chính thức của Donaldson và INGERSOLL...