Sai lầm biến Singapore từ hình mẫu thành ổ dịch COVID-19

Thứ tư - 22/04/2020 21:38
Singapore cho thấy tâm lý chủ quan có thể gây hậu quả khó lường mặc cho chiến dịch chống dịch COVID-19 của nước này từng gặt hái nhiều thành tựu đáng kể.

Chưa đầy một tháng trước, Singapore được đánh giá là một trong những quốc gia có mô hình chống dịch COVID-19 hiệu quả, trở thành hình mẫu của thế giới khi ngăn chặn thành công dịch bệnh mà không cần phong tỏa như nhiều nước khác.

Tuy nhiên, làn sóng dịch COVID-19 thứ hai ập đến và Singapore giờ đã vượt Indonesia, trở thành quốc gia có số ca nhiễm COVID-19 nhiều nhất Đông Nam Á sau khi phát hiện thêm hàng ngàn trường hợp mới trong số những công nhân nước ngoài. Đến nay, quốc đảo này ghi nhận hơn 11.000 ca nhiễm COVID-19 với 11 người tử vong.

Singapore có nhiều lợi thế mà những quốc gia lớn hơn không có. Nước này chỉ có một biên giới trên đất liền với Malaysia và có thể kiểm soát chặt chẽ những người nhập cảnh qua đường hàng không. Singapore còn có hệ thống y tế thuộc diện tốt nhất thế giới và đã đề ra nhiều quy định và chính sách nghiêm ngặt trong nỗ lực kiểm soát đại dịch. Vậy Singapore đã sai lầm ở đâu?

Nạn nhân của tâm lý chủ quan

Theo đài CNN, câu trả lời nằm ở việc bỏ qua các cụm lây nhiễm trong số những lao động nhập cư sống tại các khu nhà ở chật chội cùng thái độ có phần đánh giá thấp tốc độ lây nhiễm của dịch bệnh.

Ban đầu, vì là một quốc đảo nhỏ nên Singapore có thể ngăn chặn làn sóng các ca nhiễm từ nước ngoài bằng cách kiểm dịch và truy tìm dấu vết để đảm bảo rằng bất kỳ ai nhập cảnh qua đường hàng không, mà có nguy cơ bị lây nhiễm, đều bị cách ly và theo dõi.

Những người có ít hoặc không xuất hiện triệu chứng hay những người đã có xét nghiệm dương tính với COVID-19 đều phải nhập viện cho đến khi họ có kết quả âm tính, thay vì được khuyến khích cách ly tại nhà. Bằng cách này, Singapore có thể duy trì việc mở cửa và tiếp tục các hoạt động như bình thường.

Dù vậy, chính sự bình thường này cuối cùng lại là bất lợi của Singapore khi virus bắt đầu lây lan trong cộng đồng nhưng nhân viên y tế mất quá nhiều thời gian tìm nguồn bùng phát. Số lượng bệnh nhân tăng lên cũng áp đảo hệ thống y tế khiến chiến lược cách ly hàng loạt ở bệnh viện ban đầu bị phá sản vì giường bệnh ngày càng ít đi.

Sai lầm biến Singapore từ hình mẫu thành ổ dịch COVID-19 - ảnh 1
Khách du lịch đi bộ ở công viên Merlion, Singapore ngày 19-3. Ảnh: AFP

Bài học từ Hong Kong

Trong khi đó, nhìn qua Hong Kong - nơi có quy mô dân số tương tự Singapore nhưng lại kiểm soát dịch tốt hơn hẳn. Tại đây, các trường học công bị đóng cửa từ tháng 2 và nhân viên chính phủ được khuyến khích làm việc tại nhà. Đặc khu này cũng đưa ra các biện pháp đối phó mới sau khi gia tăng số ca nhiễm từ nước ngoài vào tháng 3 vừa qua và qua đó thành công hơn nhiều trong việc đối phó với làn sóng thứ hai.

Singapore chỉ đóng cửa các trường học và một số nơi làm việc trong tháng 4 này sau khi ghi nhận số ca nhiễm cao đỉnh điểm. Sự chậm trễ đã đưa số lượng các trường hợp mới nhiễm của Singapore theo một đồ thị leo dốc hơn nhiều. Vào ngày 16-4, nước này thông báo ghi nhận mức kỷ lục 728 ca nhiễm mới trong một ngày, còn Hong Kong chỉ thông báo thêm bốn ca mới.

Sai lầm biến Singapore từ hình mẫu thành ổ dịch COVID-19 - ảnh 2
 

Những nước khác, nhất là khu vực Đông Nam Á nên lấy Singapore làm một bài học cảnh tỉnh. Dịch vẫn chưa qua đi và có thể quay lại bất cứ lúc nào. Không điều gì có thể giúp chúng ta ngoại trừ tính tự giác và đề cao cảnh giác mọi lúc có thể.

TOMMY KOH, Đại sứ lưu động Bộ Ngoại giao Singapore 

Cảnh giác, đoàn kết là chìa khóa

Nhìn chung, cả Singapore và Hong Kong chỉ có thể duy trì hoạt động bình thường khi những nơi này kiểm soát chặt chẽ các trường hợp ngoại nhập và các ca không triệu chứng tiềm ẩn. Một khi làn sóng các ca nhiễm ngoại nhập xuất hiện, cả hai vùng lãnh thổ cần phải phản ứng nhanh chóng để ngăn chặn đợt bùng phát mới của dịch bệnh. Hong Kong trên thực tế dễ ứng phó hơn vì đặc khu này trên thực tế chưa bao giờ nới lỏng giãn cách xã hội. Trong khi đó, Singapore buộc phải đưa ra các biện pháp phong tỏa từng vùng và vẫn còn phải xem liệu cách làm này thành công tới đâu.

Bên cạnh đó, do đã quá quen với cuộc sống bình thường lâu nay, người dân Singapore đang cảm thấy rất khó khăn để thích nghi cuộc sống mới trong thời kỳ phong tỏa. Nhiều chuyên gia nước này khẳng định người dân cần quyết liệt hơn nữa trong thực hiện giãn cách xã hội. Thực nghiệm từ các nước trong khu vực cho thấy ý thức và tinh thần đoàn kết trong xã hội ảnh hưởng rất lớn tới thành bại của các chiến lược chống dịch.

“Như rất nhiều khu vực tại châu Á đang dần hiểu ra, kiểm soát được các ổ dịch trong nước không đồng nghĩa với việc sẽ hết dịch hoàn toàn mà chỉ cần một ca nhiễm từ nước ngoài về là bùng phát lại ngay. Chỉ đến khi không có thêm các ca nhiễm từ bên ngoài và toàn bộ ca nghi nhiễm được theo dõi thì mối nguy hiểm mới được coi là đã qua” - CNN nhận định.

Chiến lược ba mũi nhọn dập COVID-19

Đối phó với tình hình hiện tại, Singapore đang cho triển khai chiến lược ba mũi nhọn xung quanh các khu nhà ở của công nhân có nguy cơ bùng phát dịch: (1) Thực hiện cách ly với toàn bộ nhà ở của công nhân, kể cả nơi chưa có dịch bệnh lây nhiễm; (2) yêu cầu công nhân ở yên trong phòng, hạn chế ra ngoài, đồ ăn sẽ được cung cấp; (3) chuyển khoảng 7.000 công nhân làm việc trong các lĩnh vực thiết yếu ra khu vực khác.

Singapore đang có 43 nhà ở của công nhân với khoảng 200.000 lao động. Có khu với 20.000 người và đã phát hiện 1.500 ca nhiễm. Từ ngày 20-4, toàn bộ 180.000 lao động trong ngành xây dựng (chủ yếu ở trong các khu nhà dành cho công nhân) và người đi theo sẽ cách ly tại nhà cho tới ngày 4-5. 

 

 

Tác giả bài viết: VĨ CƯỜNG

Nguồn tin: plo.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Sinh nhật hội viên tháng 12

Chúc mừng sinh nhật

Chúc mừng sinh nhật

Hội viên mới

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây