Cả nước chuẩn bị nới lỏng cách ly xã hội

Thứ ba - 21/04/2020 21:41
TP.HCM đang gấp rút xây dựng bộ tiêu chí an toàn để áp dụng cho từng ngành, lĩnh vực sau khi có nới lỏng cách ly xã hội.

Hôm nay, ngày cuối cả nước thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng về việc cách ly xã hội để phòng, chống dịch COVID-19. Nhiều địa phương đã kiểm soát tốt dịch bệnh và các địa phương đang gấp rút chuẩn bị cho việc trở lại sinh hoạt bình thường.

TP.HCM: Hỗ trợ doanh nghiệp, mở dần một số ngành

Cùng ngày, lãnh đạo TP.HCM tiếp tục bàn về mở dần một số hoạt động sau ngày 22-4, kết thúc việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng.

TP.HCM đã kiến nghị chuyển địa phương từ nhóm nguy cơ cao xuống nhóm có nguy cơ và thực hiện theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng để phòng, chống dịch phù hợp, tái khởi động các hoạt động kinh tế.

TP.HCM sẽ mở dần một số hoạt động thiết yếu, ít nguy cơ lây nhiễm. Cụ thể, tổ chức thí điểm đối với các ngành kinh doanh ít nguy cơ, có quy mô nhỏ, sau đó sẽ tổng kết, đánh giá và nhân rộng. Đối với các ngành ít nguy cơ nhưng có quy mô lớn thì tổ chức thí điểm 30 ngày, sau đó tổng kết đánh giá, nhân rộng.

Tùy vào diễn biến của dịch bệnh, TP sẽ điều chỉnh cho phép mở rộng các cơ sở kinh doanh trên địa bàn.

Hiện các sở, ngành của TP.HCM cũng xây dựng tiêu chí an toàn phòng, chống dịch theo ngành của mình, trong đó có tiêu chí trường học an toàn, siêu thị an toàn, cửa hàng an toàn... và sẽ hoàn thành trước ngày 30-4 để triển khai trong tháng 5.

TP.HCM cũng đã ký ban hành kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp đến cuối năm với bốn nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm (hỗ trợ duy trì sản xuất, kinh doanh; xây dựng các bộ tiêu chí xếp hạng ưu tiên; hỗ trợ lưu thông hàng hóa; hỗ trợ giảm chi phí sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ vốn...).

Cả nước chuẩn bị nới lỏng cách ly xã hội - ảnh 1
Người dân TP.HCM ra đường nhiều hơn trong những ngày cuối thực hiện chỉ thị cách ly xã hội. (Ảnh chụp chiều 21-4).  Ảnh: HOÀNG GIANG 

Các địa phương sẵn sàng thực hiện theo Chỉ thị 15

Chuẩn bị cho việc mở giãn cách xã hội, một số lãnh đạo UBND quận/huyện trên địa bàn TP.HCM cho biết đã sẵn sàng và đang chờ chỉ đạo chính thức từ UBND TP.

Lãnh đạo UBND quận 1 cho biết nếu thực hiện mở giãn cách xã hội và thực hiện theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng, quận 1 sẽ tập trung tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân chấp hành, chú trọng duy trì việc đeo khẩu trang, rửa tay… phòng, chống dịch bệnh.

Còn lãnh đạo UBND quận Bình Tân cũng nhìn nhận là đang kiểm soát tốt dịch bệnh nhưng khi mọi thứ vận hành trở lại, các nguy cơ tiềm ẩn về dịch bệnh vẫn còn.

Do đó, nếu giãn cách ly, chính quyền vẫn duy trì một số biện pháp cơ bản về phòng, chống dịch như đeo khẩu trang, rửa tay khi làm hồ sơ hành chính… ít nhất là hai tuần sau đó.

Thủ Đức cũng đang thực hiện tốt Chỉ thị 16 và đang chờ quyết định của cấp trên.

Lãnh đạo UBND phường Hiệp Bình Phước cho hay vẫn đang chờ quyết định chính thức về việc có nới lỏng giãn cách xã hội sau ngày 22-4 nhưng tinh thần là khuyến khích người dân hạn chế đến trụ sở ủy ban để làm thủ tục, mà tăng cường sử dụng dịch vụ trực tuyến.

“Dù việc kiểm soát dịch tạm ổn nhưng vẫn không thể chủ quan. Phường cũng sẽ hạn chế việc hội họp, hạn chế các sự kiện tập trung trên 20 người, vẫn giữ khoảng cách tối thiểu 2 m giữa người với người, duy trì việc đeo khẩu trang, đo nhiệt độ và sát khuẩn tay cho người dân khi đến giao dịch” - vị này nói...

Một số địa phương nới lỏng cách ly

Hà Nội: Theo ghi nhận của PV vào chiều 21-4, người dân TP Hà Nội đổ ra đường đông hơn, các khu vực công viên, vườn hoa đã có nhiều người đi tập thể dục mặc dù Hà Nội chưa chính thức nới lỏng việc giãn cách xã hội.

Trong ngày 21-4, UBND TP Hà Nội, Sở NN&PTNT đã có hàng loạt cuộc họp để triển khai các biện pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp và ngành chăn nuôi khôi phục sản xuất sau dịch...

Đà Nẵng: Ngày 21-4, Đà Nẵng họp bàn phương án nới lỏng giãn cách xã hội.

Tại cuộc họp, Sở GTVT đề xuất tiếp tục dừng hoạt động xe buýt, taxi đến hết ngày 30-4, còn vận tải khách liên tỉnh tiếp tục thực hiện theo chỉ đạo chung của Bộ GTVT.

Đà Nẵng đề xuất đến ngày 4-5, học sinh khối lớp 9 và 12 đi học trở lại, đến ngày 11-5 học sinh các cấp đều có thể đến trường.

TP này tiếp tục cấm các hoạt động như karaoke, vũ trường, bar, massage, tắm biển đến ngày 30-4; đề xuất mở lại cơ sở kinh doanh bao bì, đồ gia dụng, sửa chữa máy móc thiết yếu, cơ sở dịch vụ ăn uống không phục vụ tại chỗ…

Khánh Hòa: Chiều 21-4, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cho hay: Tỉnh đang đề nghị Thủ tướng cho địa phương ra khỏi nhóm các tỉnh, TP có nguy cơ cao. Cho phép tỉnh thực hiện Chỉ thị 15 thay vì Chỉ thị 16 về nội dung giãn cách xã hội vì nguồn nguy cơ lây nhiễm dịch ở Khánh Hòa đã được ngăn chặn, khống chế tốt.

Khánh Hòa là tỉnh đầu tiên công bố dịch và hết dịch sớm nhất trong cả nước.

Bình Định: Ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết tỉnh này đề nghị Thủ tướng cho phép thêm các dịch vụ không thiết yếu được hoạt động trở lại vì nguy cơ lây nhiễm COVID-19 đã được kiểm soát tốt.

Từ ngày 22-4, tỉnh Bình Định không còn cách ly y tế bắt buộc đối với những người đến từ các tỉnh, thành có dịch mà chủ yếu khai báo y tế. Tỉnh cũng đề nghị Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục tạm dừng các hoạt động vũ trường, karaoke, massage, rạp chiếu phim… để phòng, chống dịch.

Hiện phần lớn các hoạt động tại TP Quy Nhơn gần như đã trở lại bình thường.

Bà Rịa-Vũng Tàu: Sáng 21-4, ông Trần Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, chủ trì họp với các sở, ngành, địa phương trong tỉnh về công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Tại cuộc họp, một số địa phương đề nghị tiếp tục “nới lỏng” giãn cách xã hội, cho phép mở lại các chuyến tàu cao tốc ra Côn Đảo…

Bà Rịa-Vũng Tàu đang tập trung hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tính toán cho học sinh lớp 9 và 12 đi học từ đầu tuần tới...

T.PHÚ - T.LỘC - T.KHÁNH - TẤN VIỆT 

Chuyên gia hiến kế các bước mở cửa lại nền kinh tế

Phải mở từng phần dù Việt Nam đang kiểm soát rất tốt dịch bệnh

Ở các quốc gia vẫn xuất hiện những người nhiễm bệnh nhưng cơ thể không biểu hiện bất cứ triệu chứng nào. Vì thế, nếu chúng ta cho mở cửa trở lại tất cả cơ sở, ngành nghề kinh tế thì sẽ rất nguy hiểm. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ có tiếp xúc nhiều người như quán ăn, tiệm cắt tóc, massage… và những nơi tụ tập đông người sẽ là nơi lây lan dịch bệnh rất nhanh, vì thế có thể những ngành này sẽ phải mở cửa lại muộn nhất sau khi đã khống chế được dịch. Các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo cũng từ từ mở lại.

Một vấn đề quan trọng mà thế giới đang làm và sắp tới Việt Nam cũng phải triển khai đó là xét nghiệm rộng hơn, quy mô hơn trong cộng đồng để phát hiện ra những người mang mầm bệnh. Cần xây dựng được chương trình xét nghiệm đại trà ở những vùng được đánh giá là nguy cơ cao bùng phát dịch.

Theo tôi, những biện pháp giãn cách, cách ly vẫn phải áp dụng nếu có mở cửa lại các ngành nghề kinh tế, các hoạt động khác. Ví dụ, một số nhà hàng vẫn có thể mở cửa lại nhưng bàn ghế phải bố trí cách xa nhau chẳng hạn.

Các nhà máy, công ty hoạt động trở lại phải đảm bảo các biện pháp giãn cách giữa các công nhân, thực hiện đeo khẩu trang, vệ sinh...

Các nhà khoa học trong nước cần phải đưa ra một mô hình kiểm soát sự phát triển và lây lan dịch bệnh ở Việt Nam để có biện pháp phòng, chống dịch bệnh và dễ dàng hơn trong việc áp dụng, thực hiện.

Việc kiểm soát, hạn chế xuất nhập cảnh vẫn phải tiếp tục được thực hiện dù ảnh hưởng rất lớn đến ngành du lịch...

Ông NGUYỄN TRÍ HIẾU, chuyên gia kinh tế

Cần giải pháp mở cho các ngành kinh tế

Sau thời điểm 22-4, tôi nghĩ chưa nên bỏ ngay biện pháp cách ly, giãn cách xã hội vì dịch bệnh vẫn có thể quay lại. Nên có lộ trình mở cửa lại đối với từng ngành, từng lĩnh vực cho phù hợp.

Vẫn phải siết chặt y tế nhưng không có nghĩa là siết luôn kinh tế mà phải có đường hướng mở ra, vẫn phải cho phép giao dịch.

Ngành du lịch dù là ngành nghề có nguy cơ lây lan dịch nhưng ngành này đóng góp rất lớn cho GDP của các thành phố lớn, nên không phải đóng cửa hoàn toàn mà phải có giải pháp để phục hồi theo lộ trình hợp lý, kiểm soát chặt chẽ...

Các thành phố lớn cần thành lập viện nghiên cứu tập hợp các đội ngũ chuyên gia đầu ngành để khảo sát, đánh giá khoa học xem xét mở ngành nào, mở như thế nào, lộ trình ra sao... để thực hiện.

TS LÊ BÁ CHÍ NHÂN

QUANG HUY ghi 

 

 

Tác giả bài viết: NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn tin: plo.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Sinh nhật hội viên tháng 04

Chúc mừng sinh nhật

Chúc mừng sinh nhật

Hội viên mới

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây