‘Tứ sa’: Trung Quốc bóp méo lịch sử để đòi yêu sách Biển Đông

Thứ ba - 26/05/2020 22:01
Để bảo vệ yêu sách “tứ sa” phi pháp, Trung Quốc đưa ra nhiều luận điệu sai trái bóp méo lịch sử Biển Đông và viện giải bằng những lập trường pháp lý méo mó.

Chuyên gia Hoàng Việt (ĐH Luật TP.HCM) trong bài viết kỳ trước Biển Đông: Soi “tứ sa” của Trung Quốc dưới lăng kính pháp lý” khẳng định yêu sách “tứ sa”, một cách giải thích mơ hồ của Trung Quốc (TQ) về đường lưỡi bòvi phạm luật pháp quốc tế. Bên cạnh hành vi đe dọa, bắt nạt các nước, TQ còn cố ngụy biện và tiếp tục viện dẫn, giải thích một cách méo mó những sự kiện lịch sử liên quan Biển Đông nhằm bảo vệ yêu sách “tứ sa”, vốn không hề phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.

Không có chuyện Pháp công nhận Trung Quốc ở Biển Đông

Phóng viên: Trong các tuyên bố ngoại giao và tuyên truyền của mình để bảo vệ yêu sách ở Biển Đông, trong đó có “tứ sa”, TQ thường viện dẫn các sự kiện lịch sử. Ví dụ, phía TQ cho rằng việc Pháp ký Hiệp ước Pháp - Thanh năm 1887 đồng nghĩa với việc Pháp đã từ bỏ yêu sách tại Trường Sa, Hoàng Sa và TQ là bên kế thừa chứ không phải Việt Nam (VN). Ông nghĩ sao?

+ Chuyên gia Hoàng Việt: Vấn đề “tứ sa” hay đường lưỡi bò đều thể hiện sự vi phạm của TQ đối với luật quốc tế dưới các góc độ khác nhau. Viện dẫn Hiệp ước Trung - Pháp nói trên để nói Trường Sa, Hoàng Sa thuộc về TQ là không có cơ sở. Đây là hiệp ước xác định biên giới trên bộ giữa VN và TQ chứ không nhắc gì tới vấn đề biển. Sau này, VN và TQ đã dựa trên tinh thần của hiệp ước này để phân giới cắm mốc cho toàn bộ biên giới Việt - Trung trên đất liền. Bên cạnh đó, chuyện phân định biên giới trên đất liền không liên quan đến việc công nhận hay từ bỏ chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa, vốn không nằm trong phạm vi của hiệp ước. Tôi thấy việc suy diễn Hiệp ước Pháp - Thanh để bảo vệ “tứ sa” là hết sức vụng về. Bởi lẽ nếu suy diễn theo kiểu chỉ có lợi cho bản thân thì đó không phải tinh thần của luật pháp quốc tế; và các nước khác cũng sẽ có quyền suy diễn các hiệp ước mà phía chịu thiệt sẽ là TQ.

. Phía TQ cũng tuyên truyền Pháp công nhận TQ có chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường Sa vào năm1921. Theo đó, thủ tướng Pháp năm ấy lên tiếng rằng chính phủ TQ thiết lập chủ quyền ở hai quần đảo này từ năm1909. Thực hư chuyện này thế nào?

+ Không có chuyện đó. Việc giải thích về chủ quyền không đơn giản như vậy được. Trước hết, TQ phải chứng minh là TQ đã có chủ quyền hay chưa, rồi mới bàn tới chuyện người khác công nhận hay không. Trong thời kỳ thuộc địa, Pháp đã đại diện cho các hoạt động đối ngoại của VN và không có chuyện Pháp thừa nhận chủ quyền của TQ. Giai đoạn 1932-1933, Pháp đã chính thức yêu cầu TQ ra tòa án quốc tế để giải quyết tranh chấp tại khu vực Hoàng Sa và Trường Sa nhưng phía TQ đã từ chối. Điều này cho thấy sự yếu thế của TQ trước luật quốc tế nên họ tìm cách suy diễn các tuyên bố từ Pháp.

‘Tứ sa’: Trung Quốc bóp méo lịch sử để đòi yêu sách Biển Đông - ảnh 1

Trung Quốc bóp méo lịch sử để bảo vệ yêu sách “tứ sa” phi pháp. Trong ảnh: Một hạm đội hải quân Trung Quốc, trong đó có tàu sân bay Liêu Ninh, tàu ngầm, tàu chiến và máy bay chiến đấu, tham gia tập trận ở Biển Đông năm 2018. Ảnh: GETTY

Nhật Bản không chuyển các đảo cho Trung Quốc

. Ông nhận định thế nào về quan điểm Nhật Bản sau Thế chiến thứ hai đã công nhận chủ quyền ở Hoàng Sa, Trường Sa là của TQ như nhiều học giả TQ tuyên bố?

+ Quan điểm này cũng hoàn toàn bịa đặt. Theo Tuyên bố Cairo ngày 27-11-1943, Nhật Bản phải từ bỏ tất cả đảo ở Thái Bình Dương mà nước này đã xâm lược hoặc chiếm đóng từ khi bắt đầu cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất năm 1914; tất cả lãnh thổ Nhật Bản đã chiếm của TQ như Mãn Châu Lý, Đài Loan và Bành Hồ sẽ được trả lại cho TQ. Như vậy, Tuyên bố Cairo khẳng định ý chí của các cường quốc (trong đó có Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa) buộc Nhật Bản phải trao trả cho Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa các lãnh thổ mà Nhật Bản đã chiếm của TQ gồm Mãn Châu Lý, Đài Loan và Bành Hồ, không có câu chữ nào đề cập tới hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tại Hội nghị Postdam ngày 26-7-1945, lãnh đạo ba nước Mỹ, Anh, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã ra tuyên bố khẳng định “Các điều khoản của Tuyên bố Cairo sẽ được thi hành”. Sau khi tuyên chiến với Nhật Bản ở Viễn Đông, Liên Xô cũng tham gia tuyên bố này.

Sau Thế chiến thứ hai, Hội nghị San Francisco diễn ra từ ngày 4 đến 8-9-1951, với sự tham dự của đại diện 51 nước, để trao đổi nội dung của dự thảo hòa ước sẽ được ký với Nhật Bản. Tại đây, có người đề xuất Nhật Bản công nhận chủ quyền hoàn toàn của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đối với nhiều vùng lãnh thổ, trong đó có Trường Sa và Hoàng Sa. Tuy nhiên, đại đa số các đại biểu tham dự (46/51) đã không đồng ý với đề xuất này, tức là TQ không được trao quyền gì với hai quần đảo này.

Trái lại, phía VN khi đó tuyên bố từ lâu Hoàng Sa và Trường Sa là bộ phận của lãnh thổ VN và VN tiếp tục khẳng định chủ quyền của mình đối với các quần đảo ấy. Kết quả, không có bất cứ một đại diện nào của 51 quốc gia tham dự hội nghị có ý kiến phản đối hoặc bảo lưu đối với tuyên bố trên của đại diện VN. Tinh thần và sự thật này tiếp tục được thể hiện trong nội dung của hòa ước ký với Nhật Bản đã được Hội nghị San Francisco thông qua tại phiên họp ngày 8-9-1951.

. Khi đệ trình công hàm lên Liên Hợp Quốc, Bắc Kinh viện dẫn lại công hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng năm 1958 để chứng minh yêu sách “tứ sa” của TQ là hợp pháp. Các chuyên gia trong nước và quốc tế cũng mổ xẻ sự kiện lịch sử này. Ông đánh giá chung như thế nào về lập trường này của TQ?

+ Đúng là nhiều học giả, trong đó có PGS-TS Vũ Thanh Ca, cũng vừa có vệt bài  trả lời phỏng vấn “Bẻ gãy luận điệu TQ ở Liên Hợp Quốc”. Bản thân tôi cũng đã trả lời Pháp Luật TP.HCM ở bài “Làm rõ 6 vấn đề về Công hàm Phạm Văn Đồng”.

Theo đó, tôi có thể khẳng định tuyên bố của Thủ tướng Phạm Văn Đồng chỉ là tuyên bố đơn phương, không thể hiện sự công nhận của VN đối với tuyên bố chủ quyền của TQ về cái gọi là “tứ sa”, trong đó bao gồm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Dù xét ở góc độ nội dung, câu chữ trong công hàm hay soi xét công hàm dưới ánh sáng luật pháp quốc tế thì đây vẫn là sự thật. Phía TQ và một số người cố gắng trích dẫn điều luật, án lệ… để chứng minh VN đã công nhận Hoàng Sa, Trường Sa nằm trong “tứ sa” của TQ nhưng điều đó xuất phát từ hai lý do cơ bản và phổ biến: (i) Trích dẫn cắt cúp, không đầy đủ, không đúng tinh thần của án lệ; (ii) Hiểu sai hoặc hiểu không đầy đủ về một số điều luật quốc tế, dẫn đến suy diễn có lợi cho TQ.

Chứng cứ của Trung Quốc không có giá trị

. Phía TQ trưng ra nhiều ấn phẩm, từ tạp chí đến bản đồ, atlas địa lý tại Pháp, Niên lịch sử thế giới xuất bản tại Nhật, từ điển địa danh thế giới tại Mỹ, sách giáo khoa địa lý phổ thông ở VN (1974)… để chứng minh chủ quyền tại “tứ sa”. Ông đánh giá như thế nào về giá trị pháp lý của các ấn phẩm này?

+ Các tài liệu như vậy chỉ mang tính chất tuyên truyền chứ không thể hiện tính pháp lý. Nếu muốn bám theo các tài liệu hay ấn phẩm kiểu TQ thì phải khẳng định là chính trong tất cả chính sử, các địa phương chí, các địa đồ cổ của TQ đều không mảy may hiển hiện Hoàng Sa, Trường Sa. Điều đó có nghĩa TQ không hề thể hiện chủ quyền của họ ở “tứ sa” như họ vẫn rêu rao.

Đã có vụ phanh phui cho thấy TQ cố tình làm các ấn phẩm, vật phẩm, kể cả đồ cổ giả để lừa công luận về sự hiện diện của họ ở Biển Đông. Giới quan sát rất hoài nghi về các bộ phim mà TQ thực hiện về Biển Đông mà họ tuyên truyền ở TQ. Chính vì thế, không ai tin TQ cả. Trong khi đó, có rất nhiều bản đồ của phương Tây thể hiện một cách rõ ràng và khách quan (vì họ là bên thứ ba) rằng Hoàng Sa và Trường Sa không thuộc chủ quyền của TQ, mà thuộc chủ quyền của VN.

. Xin cám ơn ông.

ASEAN nên ứng xử thế nào?

Chính phủ Philippines thời Tổng thống Aquino III đã khởi kiện và thắng kiện ngoạn mục TQ với phán quyết năm 2016. Tuy nhiên, Tổng thống đương nhiệm Duterte lại có chính sách khác khi muốn lợi dụng chiến thắng này để có thể giành những lợi ích kinh tế từ TQ.

Malaysia thì chọn chính sách “ngoại giao im lặng”. Dù Malaysia rất kiên quyết trong việc bảo vệ lợi ích biển của mình nhưng giữ im lặng, tránh việc chỉ trích công khai TQ. Indonesia với vị thế là quốc gia có tiềm lực mạnh nhất ASEAN cũng sẵn sàng đối đầu với TQ khi cần thiết nhưng cũng sẵn sàng chủ động hạ nhiệt căng thẳng trước Bắc Kinh.

Với VN, chính phủ tiếp tục kiên quyết bảo vệ chủ quyền, trước sau như một, với chủ trương giải quyết bằng biện pháp hòa bình và dựa trên tinh thần luật pháp quốc tế. Dù vẫn xảy ra va chạm với TQ nhưng nhiều quốc gia lại thấy rằng chính sách của VN vẫn tỏ ra rất hiệu quả trong việc bảo vệ lợi ích của mình mà vẫn tránh rơi vào căng thẳng, xung đột và bị cô lập không cần thiết. Nói như vậy để thấy rằng mỗi quốc gia ASEAN trong tranh chấp đều có những chiến lược riêng. Tuy nhiên, các nước phải đoàn kết lại, phối hợp với nhau và với các quốc gia bên ngoài (Mỹ, Nhật Bản, Úc…) thì việc ngăn chặn âm mưu của TQ mới có thể thành công.

Chuyên gia luật biển quốc tế HOÀNG VIỆT, ĐH Luật TP.HCM 

Tác giả bài viết: ĐỖ THIỆN

Nguồn tin: plo.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Sinh nhật hội viên tháng 11

Chúc mừng sinh nhật

Chúc mừng sinh nhật

Hội viên mới

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây