Xác thực tài khoản ví điện tử: Còn e ngại gì?

Thứ hai - 25/05/2020 21:58
Dịch COVID-19 khiến lượng người dùng ví điện tử tăng, đồng thời Ngân hàng Nhà nước cũng đưa ra các quy định mới để đảm bảo bảo mật, minh bạch và an toàn trong quá trình giao dịch.

Như một quy luật “cái khó ló cái khôn”, dịch COVID-19 bùng phát và những biện pháp giãn cách xã hội tuy đặt các giao dịch tiền tệ vào thế khó nhưng cũng mở ra những cơ hội mới cho thanh toán không dùng tiền mặt nói chung và ví điện tử (VĐT) nói riêng.

Ngày càng nhiều người không dùng tiền mặt

Một trong những biện pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp (DN) vượt qua khó khăn theo nghị quyết của Chính phủ được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) áp dụng là tăng cường thanh toán trực tuyến, giảm bớt các giao dịch tiền mặt. Trong số các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, VĐT đã nhanh chóng bứt tốc.

Tại các đô thị lớn như TP.HCM, Hà Nội, VĐT đang có xu hướng phát triển tốt. Các ngân hàng và các DN kinh doanh VĐT cũng hợp tác mạnh mẽ hơn. Theo phân tích từ Cimigo, trung bình mỗi ngày người dân tại TP.HCM và Hà Nội thực hiện 1,6-2,2 giao dịch với giá trị bình quân khoảng 230.000-274.000 VND/giao dịch.

Đây có thể là cơ sở để NHNN tăng cường triển khai các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt. Bởi vẫn theo phân tích nói trên, các VĐT đi lên từ xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt cho các dịch vụ truyền thống như nạp tiền điện thoại, chuyển tiền, thanh toán hóa đơn định kỳ... tiếp tục tăng trưởng, có khả năng thay thế tiền mặt trong thời gian tới.

Mặt khác, thực tế cho thấy các dịch vụ thiết yếu như đặt taxi công nghệ, xe ôm công nghệ, đặt thức ăn, thậm chí là “đi chợ hộ” trong thời COVID-19 cũng có dấu hiệu bùng nổ. Với sự cạnh tranh khá sòng phẳng trong môi trường kinh doanh hiện nay giữa các VĐT như Moca, Momo, ZaloPay thì thị trường này sẽ biến tiềm năng phát triển thành hiện thực.

Thêm vào đó, mỗi VĐT với các khuyến mãi khác nhau và liên kết với các dịch vụ khác nhau cũng đang tạo ra lợi thế cho riêng mình, làm chủ những lĩnh vực mà mình đã xông vào trước hoặc có thế mạnh.

Chẳng hạn như Moca là một ví quen thuộc đối với những khách hàng thường xuyên sử dụng dịch vụ xe công nghệ Grab. Momo thì dường như có ưu thế hơn khi trở thành gương mặt quen thuộc với các dịch vụ công và các siêu thị. Còn ZaloPay có lợi thế đối với lĩnh vực nạp thẻ điện thoại khi liên tục sử dụng khuyến mãi hoàn tiền cho khách hàng.

Xác thực tài khoản ví điện tử: Còn e ngại gì? - ảnh 1

Ngày càng nhiều người không dùng tiền mặt. Ảnh: V.LONG

Tăng cường bảo mật

Trao đổi với báo chí, ông Đào Minh Phú, Tổng giám đốc NextTech Group, nói: “Hai tháng gần đây, khi COVID-19 diễn biến phức tạp, trong lĩnh vực thanh toán đã có sự thay đổi chóng mặt, đặc biệt là thay đổi thói quen, hành vi người tiêu dùng. Chúng ta mất tới 10 năm hô hào thanh toán không dùng tiền mặt bằng thanh toán điện tử nhưng kết quả chưa cao thì hai tháng qua đã bằng 10 năm trước đó”.

Nhiều DN kinh doanh trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến còn hy vọng sau COVID-19, thanh toán online sẽ trở thành thói quen của người dân. Từ đó, tạo tiền đề cho thanh toán không dùng tiền mặt nói chung và VĐT nói riêng phát triển.

Các DN cung cấp dịch vụ VĐT cũng đang lên kế hoạch mở rộng thị trường, đa dạng hóa dịch vụ, liên kết đối tác để cạnh tranh gia tăng thị phần và khách hàng.

Tuy vậy, sự ủng hộ của người dùng dành cho VĐT có thể sẽ gặp phải một thách thức lớn trong thời gian tới. Bởi lẽ Thông tư 23/2019 của NHNN hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán đã đặt ra một số điều kiện bổ sung về xác thực thông tin, liên kết tài khoản ngân hàng.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Vụ Thanh toán thuộc NHNN giải thích việc đưa ra thêm các ràng buộc này là để đảm bảo bảo mật, minh bạch và an toàn trong quá trình giao dịch. Đồng thời, các ràng buộc này cũng ngăn chặn các hành vi gian lận, trộm cắp danh tính và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

Cụ thể, yêu cầu trong Thông tư 23/2019 quy định chủ sở hữu VĐT cần cung cấp thông tin cá nhân và xác thực thông tin mở VĐT gồm họ và tên, ngày tháng năm sinh, quốc tịch, số căn cước công dân/chứng minh nhân dân/hộ chiếu còn thời hạn. Ngoài ra, VĐT phải được liên kết với tài khoản thanh toán hoặc thẻ ghi nợ của chủ sở hữu trước khi sử dụng.

Nhưng đó là mặt kỹ thuật, về bản chất thì theo Vụ Thanh toán, dịch vụ trung gian thanh toán là trung gian kết nối, truyền dẫn và xử lý dữ liệu điện tử các giao dịch thanh toán giữa tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán và người sử dụng dịch vụ thanh toán. Do đó, các dịch vụ trung gian thanh toán bao gồm dịch vụ VĐT phải được cung ứng cho đối tượng khách hàng là người đã có tài khoản tại ngân hàng.

“Dịch vụ VĐT cần đảm bảo tính định danh và phải được liên kết với tài khoản thanh toán của khách hàng tại ngân hàng” - đại diện Vụ Thanh toán nói.

Chặn kẻ gian đánh cắp tiền

Điều 9 Thông tư 23/2019/TT-NHNN quy định: Chủ VĐT phải cung cấp, cập nhật đầy đủ, chính xác các thông tin trong hồ sơ mở VĐT cho tổ chức cung ứng dịch vụ VĐT và chịu trách nhiệm về tính trung thực của các thông tin mà mình cung cấp.

Bên cạnh đó, hiện nay một số VĐT trên thị trường còn áp dụng các công nghệ bảo mật tiên tiến như xác thực hai lớp, xác thực vân tay, nhận diện khuôn mặt hay hệ thống bảo mật thông tin thông minh giúp nhận diện và ngăn chặn các giao dịch bất thường… Đây là những biện pháp được đưa ra nhằm bảo vệ và phòng, chống kẻ gian đánh cắp tiền trong tài khoản VĐT. 

 

 

Tác giả bài viết: THANH LONG

Nguồn tin: plo.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Sinh nhật hội viên tháng 12

Chúc mừng sinh nhật

Chúc mừng sinh nhật

Hội viên mới

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây