Xăng khan hiếm: Do găm hàng, điều hành bất cập?
Những ngày gần đây, một số đại lý, công ty bán lẻ xăng dầu cho biết không lấy được xăng từ các đầu mối nên đành phải đóng cửa cây xăng. Bên cạnh đó, mức chiết khấu quá thấp, thậm chí có thời điểm 0 đồng/lít khiến họ lỗ nặng.
Thiếu nguồn cung xăng
Những ngày qua, một số cửa hàng xăng dầu tại Đắk Lắk, Hải Dương, Bắc Giang... đóng cửa. Đơn cử tại tỉnh Bắc Giang, từ cách đây năm ngày, một số cửa hàng xăng dầu thông báo đã hết hàng ở một số thời điểm nhất định nhưng sau đó cũng nhập được hàng về bán.
Đại diện Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang thừa nhận có tình trạng một số cửa hàng, đại lý xăng dầu hết hàng thật. “Để đảm bảo cung ứng xăng dầu, sở đã có văn bản chỉ đạo các doanh nghiệp (DN), đại lý, cửa hàng xăng dầu không được dừng bán hàng nếu như không có lý do chính đáng. Chúng tôi vừa chỉ đạo, vừa động viên, khuyến khích các đơn vị phân phối tìm mọi cách để có đủ nguồn hàng duy trì ít nhất phải đủ thời gian bán hàng tối thiểu của cửa hàng. Chúng ta cũng phải thông cảm vì bản thân họ cũng không có hàng” - đại diện Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang cho biết.
Tại Hà Nội, một số người làm trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu cũng cho hay bắt đầu có tình trạng khan hiếm xăng nhưng chưa đến mức các đại lý, cửa hàng xăng dầu phải đóng cửa như một số địa phương khác. Anh Phong, nhân viên một cửa hàng xăng dầu tại quận Đống Đa, thông tin: “Hiện nay lượng xăng nhập về không được dồi dào như trước nữa. Cũng may là nguồn hàng dự trữ của công ty vẫn còn nên chưa đến mức phải đóng cửa hàng. Tình trạng khan hiếm xăng bắt đầu xuất hiện từ đầu tháng 5 tới nay”.
Công ty TNHH Một thành viên Dầu khí TP.HCM (Saigon Petro) đánh giá nguồn hàng đầu vào của các đầu mối xăng dầu từ nhập khẩu, mua trong nước trong tình trạng khan hiếm. Đơn cử vào cuối tháng 4 vừa qua, công ty nhận thấy nhu cầu tăng nên chủ động mời thầu nhập khẩu các lô hàng cuối tháng 5, đầu tháng 6 nhưng không mua được.
Bên cạnh đó, Nhà máy lọc dầu Bình Sơn vừa thông báo giảm 10% lượng cung cấp từ tháng 6, tháng 7 theo hợp đồng dài hạn đã ký từ đầu năm với Saigon Petro. “Chúng tôi đang nỗ lực mời thầu mua bổ sung hàng cho tháng 6, tháng 7. Giá mua sẽ rất cao, kinh doanh nhiều khả năng sẽ tiếp tục lỗ” - đại diện Saigon Petro cho hay.
Một số cửa hàng xăng dầu than thở chiết khấu (hoa hồng) quá thấp nên lỗ. Trong ảnh: Khách hàng đang đổ xăng tại cửa hàng xăng dầu Petrolimex. (Ảnh chụp ngày 26-5) Ảnh: TÚ UYÊN
“Có hiện tượng bán xăng cầm chừng, chờ giá tăng”
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước thuộc Bộ Công Thương cho biết đã nhận được thông tin phản ánh về tình trạng thiếu nguồn cung xăng dầu tại một số địa phương. Theo đó, bộ đã xử lý bổ sung nguồn, điều tiết hàng cho Đắk Lắk và một số địa phương có hiện tượng thiếu ảo như Hải Dương, Bắc Giang...
“Tôi khẳng định tổng nguồn cung không thiếu. Nhưng do vừa rồi diễn biến dịch COVID-19 có dấu hiệu giảm, đặc biệt sau khi Chính phủ dỡ bỏ lệnh giãn cách xã hội khiến nhu cầu sử dụng xăng dầu cho hoạt động kinh doanh, sản xuất, tiêu dùng tại thị trường nội địa tăng mạnh. Đồng thời, các nhà máy lọc dầu trong nước và quốc tế hiện đang cắt giảm công suất, tận dụng thời gian xảy ra dịch bệnh để thực hiện việc bảo dưỡng khiến nguồn cung xăng dầu sản phẩm bị sụt giảm” - lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước nói.
Về việc có hay không tình trạng găm hàng để chờ tăng giá, đại diện Vụ Thị trường trong nước cho biết: “Giá xăng thế giới kỳ này đang có diễn biến tăng nên cũng có hiện tượng các DN bán xăng ra với lượng cầm chừng để chờ đợi sắp tới giá điều hành xăng dầu sẽ lên. Vừa qua, các DN lỗ nhiều quá”.
Để bảo đảm nguồn cung xăng dầu trên thị trường không bị gián đoạn, thiếu hụt, chỉ riêng trong ngày 22-5 vừa qua, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) đã có ít nhất năm văn bản hỏa tốc gửi các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, các công ty lọc hóa dầu; Sở Công Thương các tỉnh, TP; Tổng cục Quản lý thị trường.
Đối với các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương đề nghị chủ động tìm kiếm nguồn hàng, cung cấp đầy đủ cho thị trường nội địa các loại xăng dầu DN đang sản xuất và kinh doanh. Đồng thời, yêu cầu các thương nhân có phương án về nguồn hàng để đảm bảo nguồn cung cho thị trường trong thời gian sắp tới.
“Chúng tôi có báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án điều hành giá sắp tới và dài hơi để hài hòa lợi ích, giúp các DN đầu mối giảm bớt khó khăn” - đại diện Bộ Công Thương cho biết.
Điều hành xăng dầu còn bất cập
Công ty Saigon Petro nhận định từ đầu tháng 5 đến nay, một số nước đã từng bước nới lỏng giãn cách xã hội, khôi phục hoạt động kinh tế bên cạnh các biện pháp tiếp tục phòng, chống dịch bệnh, trong đó có Việt Nam. Trước diễn biến này, giá xăng dầu thế giới cũng bắt đầu tăng trở lại từ đầu tháng và tăng sốc lại trong vài ngày gần đây.
Tuy nhiên, theo Nghị định 83/2014, chu kỳ điều hành giá xăng dầu trong nước tối thiểu 15 ngày (đối với trường hợp giá tăng) nên ngay tại thời điểm điều hành giá xăng dầu ngày 13-5, giá cơ sở xăng RON95 công ty vẫn còn lỗ hơn 1.000 đồng/lít, dầu DO lỗ hơn 400 đồng/lít. Còn hiện nay, với xăng RON95, công ty lỗ đến hơn 2.100 đồng/lít và dầu DO lỗ lên đến hơn 1.400 đồng/lít.
“Trong khi phải chờ đến ngày 28-5 thì mới đến chu kỳ điều hành giá xăng dầu tiếp theo từ liên bộ Tài chính - Công Thương. Đây là một bất cập trong công tác điều hành xăng dầu mà công ty đã nhiều lần có ý kiến đề xuất sửa đổi, rút ngắn thời gian điều hành giá nhưng vẫn chưa được xem xét” - đại diện Saigon Petro nêu rõ.
Đồng quan điểm, một số chuyên gia cho rằng giá xăng dầu thế giới sẽ còn biến động thất thường, khó lường theo diễn biến dịch bệnh và cung cầu thị trường. Vì vậy, chu kỳ điều hành giá xăng dầu của Nhà nước 15 ngày đã bộc lộ nhiều bất cập, không phản ảnh kịp và đúng, đủ, tiệm cận với giá xăng dầu thế giới. Do vậy, cần thay đổi nhằm ổn định thị trường xăng dầu.
Nguồn cung khan hiếm, nguy cơ gây bất ổn thị trường Trả lời báo chí, đại diện Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cam kết cung ứng đủ hàng cho các đại lý, tổng đại lý thuộc hệ thống phân phối của tập đoàn và các đại lý đã ký hợp đồng kinh doanh. Công ty Saigon Petro cũng khẳng định cung cấp cho toàn bộ nhu cầu bình thường, hợp lý cho khách hàng trong hệ thống, không để xảy ra tình trạng ngừng kinh doanh. Tuy vậy, ông lớn xăng dầu Saigon Petro cảnh báo việc giá cơ sở xăng dầu tăng mạnh trong khi chưa đến chu kỳ điều hành giá, cùng với nguồn cung bị khan hiếm đã làm cho thị trường xăng dầu trong nước diễn biến hết sức phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Điều này ảnh hưởng đến việc cung cấp xăng dầu phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng thiết yếu. “Với nguồn hàng xăng dầu khan hiếm, nhất là các đơn vị đầu mối nhỏ trước đây mua hàng không ổn định, không gắn bó với đơn vị cung cấp nào. Cùng với thù lao thấp không đủ bù chi phí hoạt động, một số điểm bán xăng dầu sẽ có tâm lý sẵn sàng đóng cửa hoặc tìm cách hạn chế bán để giảm lỗ” - Saigon Petro cảnh báo. Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Ảnh: TẤN VIỆT Nhà máy lọc dầu Dung Quất tăng công suất Ngày 26-5, đại diện Nhà máy lọc dầu Dung Quất (Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn - BSR, Quảng Ngãi) cho hay đơn vị đang tăng công suất lên tối ưu, dần khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại mức bình thường. Nhu cầu tiêu thụ xăng dầu đang tăng cao. “Thời gian qua, chúng tôi đã tối ưu và linh hoạt điều chỉnh công suất nhà máy để đẩy mạnh xuất bán các sản phẩm, hạn chế ảnh hưởng của biến động giá. Công ty cũng tìm cơ hội mua dầu thô với phụ phí thấp, triển khai và chủ động các giải pháp sản xuất và giao hàng để cân đối tồn kho hợp lý nhằm chớp cơ hội tăng giá của thị trường” - vị này nói. TẤN VIỆT |
Đại lý than hoa hồng quá thấp Ông Ngô Thành Nhân, một tổng đại lý có cửa hàng xăng dầu ở khu dân cư Trung Sơn (xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP.HCM), cho biết: Hiện tại các đầu mối lớn vẫn cung ứng nguồn hàng khá đầy đủ. Tuy nhiên, chiết khấu cho tổng đại lý hiện rất thấp. Ví dụ, vào tháng 4 được chiết khấu 800 đồng/lít, nay giảm chỉ còn 100 đồng/lít. “Cửa hàng xăng thật sự rất khó khăn. Chúng tôi đang làm gia công, đảm bảo không gián đoạn. Nhưng doanh thu giảm, chiết khấu quá thấp nên chỉ đủ cho chi phí vận chuyển” - ông Nhân thở dài. |
Tác giả bài viết: TÚ UYÊN - AN HIỀN
Nguồn tin: plo.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Sinh nhật hội viên tháng 01
Chúc mừng sinh nhật
-
Hội viên : NGUYỄN VĂN NAM
CÔNG TY TNHH XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI ĐẦU TƯ & QC VINAEVENT
Hội viên mới
Hội viên : Đặng Thị Như Ý
Công ty TNHH Thương Mại và Dịch Vụ AB&W
Hội viên : Ừng A Cóng
Công ty TNHH Thực Phẫm Sức Khỏe Quang Long
Hội viên : THÁI THỊ NGỌC HƯƠNG
ROYAL APEC (HỘI AN)
Hội viên : LÊ THỊ GIÀU
Công Ty CP Thực Phẩm Bình Tây
Hội viên : NGUYỄN ANH HOÀNG XUÂN VIỆT
ROYAL APEC (SG)
Hội viên : DIỆP NGỌC KIỆT
CTY TNHH Dịch Vụ BSK
Hội viên : NGUYỄN MINH CHÁNH
Công Ty TNHH MTV Nhà Đất Cần Thơ 9999
Hội viên : TRƯƠNG CÔNG VŨ
Công Ty Cổ Phần Công Nghệ Năng Lượng Toàn Cầu
Video hoạt động
Bài viết xem nhiều
- Tập đoàn Bcons Group: Khai trương nhà mẫu Bcons City
- Dàn 'đại bàng' quản lý khối tài sản từ 1- 500 tỷ USD kéo đến tìm...
- Gia Lai: Kết nối Đầu tư, XT-TM Huyện Chư Puh cùng Hiệp hội Trang...
- Xe Khách Petro Bình Phước - Limousine Bình Phước
- CLB Golf Doanh Nhân Bình Dương với Giải Golf hứa hẹn nhiều dấu ấn