Bình Thuận: Bình tĩnh cùng nhau chống dịch COVID-19

Thứ năm - 12/03/2020 22:29
Chỉ trong ba ngày, Bình Thuận đã có tới chín ca nhiễm COVID-19 trong khi trước đó tỉnh này được đánh giá là phòng, chống dịch bệnh tốt và không có ca bệnh nào.

Chiều muộn 12-3, ngay sau khi Bộ Y tế có công bố chính thức về năm ca nhiễm COVID-19 là dân Bình Thuận và đều xuất phát từ nguồn lây của bệnh nhân 34 (BN 34) cả tỉnh Bình Thuận gần như sững sờ bởi không ai ngờ kết quả như thế.

Điều bất ngờ ở vùng đất đầy nắng gió

17 giờ 30 chiều, bình thường là giờ cao điểm nhưng TP Phan Thiết vắng ngắt, hàng quán mở cửa cầm chừng, nhiều quán xá đóng cửa. Đại lộ Hùng Vương vốn nhộn nhịp trước đây giờ vắng lặng đến kinh ngạc. Nhiều người lấp ló đằng sau cửa, vẻ mặt cảnh giác, lo sợ. Thỉnh thoảng tiếng còi xe cứu thương xé toạc sự vắng lặng đưa những đội phản ứng nhanh của ngành y tế đi phun thuốc khử khuẩn.

Hồng, một cô gái gần 30 tuổi, treo trên xe mấy ổ bánh mì mới chạy đi mua về cho gia đình. Khẩu trang kín mít, mắt đỏ hoe, Hồng thút thít cho biết từ lúc xảy ra dịch Corona virus ở Vũ Hán (Trung Quốc) ngày nào cô cũng lên mạng theo dõi, cập nhật. “Em và cả gia đình luôn hy vọng Bình Thuận là vùng đất nắng gió quanh năm không thể nào có người nhiễm nhưng không thể ngờ Bình Thuận nay đã trở thành tâm dịch của cả nước” - Hồng tâm sự.

Gặp chúng tôi tại một điểm bán cà phê nhanh trên đường Tuyên Quang, Phan Thiết, anh Lê Minh Tú (Giám đốc Công ty Quảng cáo Trí Việt) than thở mấy ngày nay không có đơn hàng nào, thậm chí các đơn hàng khác cũng đều bị hủy. “Công ty của những người bạn của tôi còn thê thảm hơn, nhiều người không thanh toán nổi tiền thuê mặt bằng, phải tuyên bố phá sản. Mới sáng nay nghe tin BV Chợ Rẫy cử đội bác sĩ hỗ trợ cho Bình Thuận chưa kịp mừng thì chiều nay đã nghe tin dữ. Tuy nhiên, tôi vẫn ráng gồng chờ mùa khô đến, nhiệt độ sẽ tăng cao và tin tưởng vào sự quyết liệt của các ngành, các cấp trong việc chống dịch” - anh Tú chia sẻ.

Bình Thuận: Bình tĩnh cùng nhau chống dịch COVID-19 - ảnh 1
Bình Thuận vắng lặng bất thường với tin dữ liên tiếp về dịch bệnh COVID-19. Ảnh: PHƯƠNG NAM

Vào cuộc “chống dịch như chống giặc”

Từ lúc có ca nhiễm bệnh COVID-19 đầu tiên ở Việt Nam, Phan Thiết vẫn không hề ảnh hưởng gì, hằng ngày đón hàng chục du khách trong và ngoài nước đến. TP biển này vốn vô cùng sôi động, nhộn nhịp, nhất là lúc đêm xuống. Thế nhưng bắt đầu từ đêm 10-3 sau khi Bộ Y tế công bố bệnh nhân ĐTLT, một doanh nhân, bị nhiễm bệnh trở thành BN 34 của Việt Nam thì gần như cả TP biển này bàng hoàng, đường phố vắng lặng đến kinh ngạc.

Sau sững sờ, bàng hoàng, lập tức nhiều người dân bật dậy đổ xô đi mua hàng hóa, thực phẩm tích trữ phòng dịch. Nhiều siêu thị, trung tâm thương mại lớn chật ních người và UBND tỉnh Bình Thuận phải có thông báo khẩn việc này, động viên người dân yên tâm.

Tuy nhiên, đến đêm 11-3, sau khi Bộ Y tế tiếp tục thông báo ba trường hợp 36, 37 và 38 nhiễm COVID-19 ở Bình Thuận thì đường phố Phan Thiết sầm uất về đêm đầy hàng quán ẩm thực đặc sản ngày nào bỗng vắng ngắt. Hàng loạt cửa hàng, quán xá thông báo đóng cửa, mọi người gần như ở trong nhà.

Tối qua (12-3), sau khi Bộ Y tế công bố có thêm năm bệnh nhân nữa nhiễm bệnh cũng từ nguồn lây từ BN 34, cả TP gần như vắng lặng thêm, cuộc sống giống như trôi chậm lại.

Ông Nguyễn Thanh Tâm, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, cho biết rất bàng hoàng khi các ca nhiễm bệnh tăng quá nhanh và tăng theo từng ngày. “Tuy nhiên, theo tôi, mọi người nên bình tĩnh vì tôi tin các tình huống xấu đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh cùng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch dự báo trước và đã có các phương án, kịch bản phòng, chống và đối mặt. Việc quan trọng lúc này là bà con không nên hoang mang, lo lắng và hãy siết chặt tay nhau, hợp tác để vượt qua dịch bệnh này” - ông Tâm nói.

Ông Nguyễn Đức Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, đã ký văn bản hỏa tốc về phòng, chống dịch. Theo đó, tỉnh yêu cầu Sở Y tế quán triệt trong toàn thể cán bộ, công chức, đội ngũ y bác sĩ nêu cao tinh thần “chống dịch như chống giặc”, không quá lo lắng nhưng tuyệt đối không lơ là, chủ quan, bảo vệ tốt nhất sức khỏe, tính mạng cho nhân dân. Sở phải có kế hoạch quyết liệt trong việc ngăn chặn, phát hiện nhanh và kiểm soát chặt chẽ nguồn lây bệnh; chỉ đạo cách ly, giám sát người đã tiếp xúc với người bệnh trên tinh thần bốn tại chỗ, không để bị động. Đồng thời, sở phải rà soát đảm bảo nhân lực, phương tiện, vật tư y tế sẵn sàng ứng phó và chủ động phương án trong trường hợp dịch lây lan trên diện rộng.

Theo ông Nguyễn Thanh Tâm, với những phương án quyết liệt, niềm tin và hợp tác của người dân, ông hy vọng mọi người sẽ nắm chặt tay nhau đối mặt và vượt qua dịch bệnh.

Ba sở dàn trận bảo vệ người dân

Lãnh đạo tỉnh Bình Thuận chỉ đạo khẩn Sở VH-TT&DL quản lý chặt chẽ hoạt động du lịch; có phương án huy động khách sạn, cơ sở lưu trú làm nơi cách ly tập trung. Sở Công Thương đảm bảo nguồn cung hàng hóa, nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Sở GD&ĐT tăng cường hướng dẫn, tuyên truyền cụ thể việc áp dụng các biện pháp đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng, sử dụng chất sát khuẩn, khử trùng tại các trường, lớp học. Đồng thời Sở GD&ĐT nắm chắc tình hình dịch bệnh, đề xuất phương án cho học sinh đi học khi đã kiểm soát được tình hình dịch bệnh tại địa phương.

Có thể phong tỏa một số khu phố

Tối 12-3, UBND tỉnh Bình Thuận đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp Ban chỉ đạo phòng, chống bệnh viêm phổi cấp COVID-19.  Theo nguồn tin của Pháp Luật TP.HCM, khả năng sẽ phong tỏa một số khu phố có liên quan.

Đêm 12 rạng 13-3, tỉnh đã phong tỏa đường Ngô Sỹ Liên, đường Hoàng Văn Thụ, phường Đức Thắng, TP Phan Thiết. 

Nguồn tin: plo.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Sinh nhật hội viên tháng 01

Chúc mừng sinh nhật

Chúc mừng sinh nhật

  • NGUYỄN VĂN NAM

    Hội viên : NGUYỄN VĂN NAM

    CÔNG TY TNHH XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI ĐẦU TƯ & QC VINAEVENT

Hội viên mới

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây