Phong tỏa chống COVID-19: Giải mã 3 bài toán khó

Thứ hai - 16/03/2020 02:30
Trong khi Trung Quốc đang tiến gần hơn đến việc ngăn chặn thành công đại dịch COVID-19, châu Âu và Mỹ lại phải loay hoay giải ba bài toán khó về phong tỏa chống dịch.

Đã có cảnh báo tỉ lệ mắc bệnh và mức độ tử vong tại các nước phương Tây, đặc biệt là tại Ý, có thể cao hơn tâm dịch Hồ Bắc, Trung Quốc (TQ) nếu không có biện pháp phù hợp. Vậy nhưng châu Âu và cả Mỹ đến nay vẫn đang loay hoay trong việc phong tỏa chống dịch.

Bài toán đặt ra cho chính phủ các nước phương Tây chính là chọn thời điểm tối ưu để ra quyết định phong tỏa. Đáp số bài toán phụ thuộc vào ba yếu tố chính: (1) Thiệt hại kinh tế; (2) Áp lực từ thể chế; (3) Khả năng chịu đựng của hệ thống y tế.

Bài toán kinh tế

Phong tỏa chống COVID-19: Giải mã 3 bài toán khó - ảnh 1
Nghiên cứu sinh Nguyễn Hoàng Việt Hưng, ĐH Bremen, CHLB Đức.

Trong cuộc chiến chống COVID-19, có thể thấy phương Tây tiến hành các biện pháp khoanh vùng, phong tỏa khá chậm so với các nước châu Á, điển hình là TQ. Bắc Kinh đã sớm tiến hành phong tỏa Vũ Hán và các thành phố ở Hồ Bắc, chấp nhận khoảng 56 triệu người bị ảnh hưởng vì không được phép rời nơi ở và chịu cách ly với thế giới bên ngoài. Trong khi đó, Ý lại ban bố lệnh phong tỏa khá muộn màng. Các hoạt động kinh tế, văn hóa - xã hội cộng đồng ở Ý và châu Âu nói chung vẫn diễn ra rất bình thường, bất chấp châu Á căng mình chống dịch và WHO cảnh báo đại dịch có thể lan rộng toàn cầu.

Trước hết, châu Âu chần chừ vì bài toán kinh tế. Các nước phương Tây khó có thể xác định thiệt hại chính xác mà TQ phải gánh khi ban bố quyết định phong tỏa, để từ đó có thể rút bài học cho riêng mình. Giới lãnh đạo châu Âu có lý do để cảm thấy tiếc công sức họ đã bỏ ra để vực dậy nền kinh tế lục địa già vốn đã hơn một thập niên không đạt mức tăng trưởng GDP quá 3%.

Khảo sát xã hội châu Âu (ESS) từ năm 2012 đến nay cho thấy sự đi lên rõ rệt về mức độ hài lòng của người dân châu Âu đối với nền kinh tế nước nhà, kể cả ở một nước được xem là “con bệnh” của khối Tây Âu như Ý. Thế nên chính phủ Ý đã mất một thời gian loay hoay trước khi chính thức ra quyết định phong tỏa toàn quốc vào hôm 9-3 vừa qua. Họ ý thức được rằng một cuộc phong tỏa, cách ly trên diện rộng sẽ giáng một đòn mạnh đến nền kinh tế đang khó khăn, đặc biệt khi Ý là quốc gia dựa rất nhiều vào xuất khẩu và du lịch để phát triển.

Cùng thời điểm đó, lãnh đạo EU tổ chức họp báo để tiết lộ các biện pháp kích cầu kinh tế để hỗ trợ doanh nghiệp đang lao đao vì dịch bệnh. Đức tuyên bố đầu tư 12,4 tỉ euro để đảm bảo tính thanh khoản và tạo thêm việc làm. Pháp vận động Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nới lỏng quy định đối với các khoản nợ xấu của các ngân hàng quốc gia trong thời điểm nhạy cảm này. Khi cả châu Âu trước bờ vực vỡ trận vì dịch, ưu tiên trên bàn nghị sự dường như là khắc phục thiệt hại kinh tế hơn là các biện pháp phòng dịch.

Phong tỏa chống COVID-19: Giải mã 3 bài toán khó - ảnh 2
Hàng quán tại quảng trường San Marco, TP Venezia (Ý) trở nên vắng vẻ sau khi chính phủ công bố phong tỏa nước Ý hôm 9-3. Ảnh: REUTERS

Bài toán thể chế

Khác với cơ chế quản lý tập trung quyền lực vào đảng cộng sản ở TQ, các chính phủ phương Tây thường phải dựa vào thỏa thuận và đàm phán trước khi đưa ra được quyết định. Trong công tác ứng phó với dịch COVID-19, dễ hình dung sẽ có nhiều nhóm lợi ích (kinh tế, xã hội) can dự.

Ở một quốc gia có thể chế đại nghị Tây Âu như Đức, mặc dù các nhân vật quan trọng trong nhóm lập pháp cũng là những lãnh đạo bên nhánh hành pháp, quy trình đưa ra quyết định luôn đòi hỏi sự thỏa thuận giữa liên minh cầm quyền và các đảng khác, đặc biệt là đảng đối lập vì đảng này thường được đứng đầu ủy ban ngân sách của quốc hội. Nên nhớ rằng mô hình kinh tế chính trị theo kiểu Đức luôn đề cao yếu tố đàm phán ở cấp độ quốc gia giữa các nhóm lợi ích với nhau, hay giữa công đoàn và các hiệp hội doanh nghiệp hơn là đàm phán ở mức độ cá nhân. Vì thế, bất kỳ một quyết định lớn nào đều mất nhiều thời gian cho chuyện tranh luận cấp cao ở phía sau bức màn.

Mô hình tổng thống của Mỹ có sự tách bạch rõ ràng ở hai nhánh lập pháp và hành pháp, nhưng cũng chính điểm đó làm cho khả năng hành động của chính phủ bị hạn chế, chí ít là trong chuyện chống dịch lần này. Mặt khác, quyền lực của chính quyền liên bang Mỹ lại bị phân tán về các chính quyền bang, dẫn đến khó đồng nhất trong quan điểm và hành động. Các chính trị gia Mỹ vì thế thường chịu trách nhiệm với các cử tri địa phương đã bầu cho mình nhiều hơn là hoạt động thống nhất với đảng phái mà mình là thành viên. Hai đảng Cộng hòa và Dân chủ, vì lẽ này, thực ra là vỏ bọc cho rất nhiều nhóm lợi ích và các tập đoàn kinh tế lớn đứng phía sau.

Dư luận, hay quan điểm cộng đồng, cũng là một yếu tố khác ảnh hưởng khá nhiều đến quyết định của các chính trị gia. Nhiều quan điểm cho rằng mục tiêu tối thượng của chính trị gia và các đảng phái ở phương Tây là chiến thắng các kỳ bầu cử. Chương trình khảo sát quốc tế về các vấn đề xã hội (ISSP) năm 2016 cho thấy dân tình ở hầu hết các nước phương Tây đa số cảm thấy không hài lòng với việc chính phủ tự ý khai thác thông tin của người dân vì mục đích an ninh quốc gia. Đây là một thách thức lớn đối với các quốc gia này khi áp dụng biện pháp phong tỏa, bởi điều này sẽ ảnh hưởng đến quyền tự do của người nhiễm bệnh và các mối liên hệ (như người thân) của họ, tạo tâm lý nghi ngờ chính phủ.

Phong tỏa chống COVID-19: Giải mã 3 bài toán khó - ảnh 3

Đồ họa: HOÀNG QUYÊN

Bài toán năng lực hệ thống y tế

Bài toán cuối cùng mà các nước châu Âu nói riêng và thế giới nói chung khi chống dịch COVID-19 chính là sức chịu đựng của hệ thống y tế. Với Ý, có thể tạm thời kết luận họ đã lỡ đi “thời điểm vàng” để phong tỏa trước khi dịch bệnh ra khỏi tầm kiểm soát. Hàng ngàn ca nhiễm mới mỗi ngày cho thấy số lượng nhiễm thực tế luôn đi trước số lượng được công bố. Đã có nhiều bài báo phản ánh tại tâm dịch Lombardy (Ý), các bác sĩ phải chọn lựa người để cứu sống. Phần nhiều ưu tiên cho những người trẻ có khả năng sống sót cao hơn. Điều này phần nào giải thích vì sao độ tuổi người chết trung bình do COVID-19 tại quốc gia này là trên 80 tuổi.

Có một khái niệm mà Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) đưa ra gần đây là “làm phẳng đường cong” (flatten the curve). Nói một cách dễ hiểu, chính phủ các nước cần ước lượng khả năng chịu đựng của hệ thống y tế tại nước mình, từ đó đưa ra quyết định kịp thời để số ca nhiễm ở đỉnh dịch không vượt quá số giường bệnh, thiết bị y tế của họ.

Thế nhưng khi mà chính thủ tướng Đức cũng thừa nhận là COVID-19 có thể sẽ lây đến khoảng 60%-70% dân số Đức tại đỉnh dịch, việc tính toán thời điểm để cách ly từng phần hoặc toàn phần là bài toán cực kỳ nan giải mà chưa có một phương án nào được xem là tối ưu.

Mỹ cũng lúng túng bài toán kinh tế

Mỹ và Anh cũng gặp khó khăn trong áp dụng biện pháp phong tỏa. Trước thực trạng chứng khoán lao dốc và người dân hoảng loạn, hôm 9-3, Tổng thống Mỹ Donald Trump đăng bài lên mạng xã hội Twitter so sánh COVID-19 với loại cúm mùa thông thường vốn giết chết 27.000-70.000 người Mỹ mỗi năm, kêu gọi người dân tập trung vào hoạt động kinh tế cũng như cuộc sống thường ngày. Thế nhưng chỉ hai ngày sau đó (11-3), Mỹ ban bố lệnh hạn chế di chuyển với tất cả nước đồng minh châu Âu (trừ Anh và Ireland) và tiếp tục ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia hôm 13-3 cũng vì lý do dịch bệnh. Sự bất nhất trong hành động cho thấy Washington cũng bối rối trong việc chọn thiệt hại kinh tế hay chọn chống dịch lây lan khi tình hình đại dịch COVID-19 ngày một phức tạp và khó lường.

Chuẩn bị tinh thần, nguồn lực cho cuộc chiến dài

Với các quốc gia nhỏ hơn, việc ngăn chặn không để bùng phát ngay từ khi phát dịch dĩ nhiên là lựa chọn ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, về lâu dài, trước thực trạng vaccine cần thêm thời gian để thử nghiệm và chủng virus này có sức lây nhiễm cực mạnh, việc phong tỏa quá mức cần thiết trong thời gian dài sẽ tạo một gánh nặng rất lớn cho các nền kinh tế còn non trẻ.

TQ có thể mạnh tay cách ly một thành phố hơn 11 triệu dân là vì họ vẫn còn khoảng 1,3 tỉ dân không ngừng lao động và sản xuất để tiếp ứng. Vì vậy, sẽ là khá mộng mơ nếu cho rằng COVID-19 có thể được dập tắt hoàn toàn và nhanh chóng như SARS bằng những biện pháp mạnh tay, nhất là trong thời đại toàn cầu hóa. Chúng ta cần chuẩn bị tinh thần và nguồn lực cho một cuộc chiến dai dẳng mà ở đó tính thời điểm là yếu tố tiên quyết.

Nghiên cứu sinh NGUYỄN HOÀNG VIỆT HƯNG, ĐH Bremen, CHLB Đức 

______________________________

* Nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành kinh tế chính trị tại ĐH Bremen, CHLB Đức

Nguồn tin: plo.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Sinh nhật hội viên tháng 11

Chúc mừng sinh nhật

Chúc mừng sinh nhật

Hội viên mới

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây