COVID-19 ở Ý: ‘Con bệnh châu âu’ trước bờ vực vỡ trận

Thứ ba - 17/03/2020 22:28
Hệ thống y tế của Ý từng được tổ chức y tế thế giới xếp hạng tốt thứ hai toàn cầu vào năm 2000. Tuy nhiên, hệ thống này hiện lâm vào một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng trước dịch COVID-19.

Tính đến hết ngày 17-3, tỉ lệ ca nhiễm và tử vong trên 1 triệu dân do dịch COVID-19 gây ra ở Ý cao nhất thế giới (mời xem bảng). Dù từng sở hữu một trong những hệ thống chăm sóc y tế hàng đầu thế giới, Ý lại cho thấy sự yếu kém trong việc đối phó với dịch COVID-19. Sự yếu kém này không phải ngẫu nhiên, mà đến từ những vấn đề mang tính hệ thống của đất nước này.

“Con bệnh” của châu Âu

Cụm từ “con bệnh của châu Âu” (sick man of Europe) đã được báo chí và cả giới học thuật dùng để nói về Ý nhiều lần, chủ yếu để nói về sự rối ren về cả kinh tế và chính trị ở quốc gia Nam Âu này. Kể từ sau cuộc khủng hoảng nợ công bắt đầu vào cuối thập niên trước (2009), nền kinh tế Ý chưa bao giờ thực sự phục hồi dù có những giai đoạn khởi sắc nhất định.

Theo số liệu của Eurostat, trong vòng 10 năm (2008-2018), nợ công của Ý đã tăng vọt từ 106,1% lên 134,8% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), vượt xa mức 60% mà Hiệp ước Maastricht (1992) đã đề ra cho khối đồng tiền chung euro. Không chỉ Ý, mức nợ công ở các nước Nam Âu như Tây Ban Nha, Hy Lạp luôn ở mức báo động. Để đối phó với tình trạng này, Ý và các nước đã tự nguyện hoặc bị các nước giải cứu ép buộc phải thực hiện một loạt chính sách thắt lưng buộc bụng, qua đó cắt giảm một phần ngân sách đáng kể chi cho các dịch vụ và phúc lợi xã hội.

Hệ quả là chi tiêu của chính phủ cho chăm sóc sức khỏe ở Ý đã giảm từ 7,4% GDP vào năm 2009 xuống còn 6,8% vào năm 2018. Đáng nói hơn, tỉ lệ chi tiền túi của người dân trong tổng số chi tiêu của xã hội cho y tế tăng đáng kể từ 20,7% lên 23,1% trong cùng giai đoạn.

Việc cắt giảm chi tiêu y tế công và người dân phải chi tiền nhiều hơn cho y tế đã ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng và khả năng đáp ứng dịch vụ y tế của Ý. Khi đại dịch COVID-19 xảy ra, Ý có số lượng giường bệnh trên 1.000 dân thuộc nhóm thấp nhất Liên minh châu Âu (EU). Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), trung bình Ý chỉ có 3,2 giường bệnh/1.000 người dân. Đó là chưa kể Ý còn thiếu hụt về thiết bị và nhân viên y tế. Khi COVID-19 tấn công mạnh mẽ vào Ý, trong bối cảnh khí hậu thuận lợi và dân số Ý lại rất già nên hệ thống y tế của nước này luôn quá tải và đứng trước bờ vực vỡ trận.

COVID-19 ở Ý: ‘Con bệnh châu âu’ trước bờ vực vỡ trận - ảnh 1
Nhân viên mai táng vận chuyển thi thể một người tử vong vì COVID-19 vào một nghĩa trang ở TP Bergamo, Ý ngày 16-3. Ảnh: REUTERS

Nhà nước phúc lợi kiểu Địa Trung Hải

Kinh tế không phải là vấn đề duy nhất của Ý. Nhiều nhà nghiên cứu về nhà nước phúc lợi và kinh tế chính trị so sánh đều đồng tình rằng Ý cùng các nước Nam Âu tạo nên một nhóm thứ tư riêng biệt với ba mô hình nhà nước phúc lợi truyền thống. Một vài đặc điểm chính của nhóm này là: Phổ cập y tế, mức độ hào phóng thấp, sự mất cân đối giữa lương hưu và các hỗ trợ xã hội khác (bao gồm thất nghiệp) và mất bình đẳng giới tính trong phân phối phúc lợi.

Để đo mức độ hào phóng của một nhà nước phúc lợi, nhà xã hội học người Đan Mạch Esping-Andersen đã dùng khái niệm “phi hàng hóa con người” (decommodification). Hiểu nôm na “phi hàng hóa con người” bao gồm việc giải phóng người dân khỏi thị trường, đảm bảo cuộc sống cho những người yếu thế như thất nghiệp, bệnh tật hoặc hết tuổi lao động. Theo cách đo này, Ý thuộc vào nhóm có mức độ cung cấp phúc lợi cho người dân thấp, đặc biệt là ở khoản trợ cấp và hỗ trợ người thất nghiệp.

Tính đến 18 giờ ngày 17-3, theo SCMP, đã có hơn 180.000 người nhiễm COVID-19. Trong đó có gần 80.000 người đã được chữa lành, khoảng 7.130 người tử vong. Tính riêng ở Ý có khoảng 27.980 người nhiễm, khoảng 2.158 người tử vong, xếp thứ hai thế giới về số ca nhiễm lẫn tử vong (sau Trung Quốc đại lục). 

Điều đáng nói là khoản chi công cho lương và trợ cấp hưu trí lại đặc biệt cao ở quốc gia này, đứng thứ hai trong khối EU (sau Hy Lạp) ở mức 16,2% GDP vào năm 2018 (theo OECD). Cùng với bất bình đẳng giới, đây là một trong hai sự phân tách xã hội lớn nhất trong lòng xã hội Ý: Giữa những người đã và đang trong thị trường lao động và những người chưa hoặc không thường xuyên tham gia vào thị trường lao động. Hệ quả là tỉ lệ thất nghiệp ở người trẻ của Ý cao hàng đầu châu Âu (trên 30%, theo OECD), trong khi gánh nặng kinh tế để duy trì phúc lợi cho nền dân số già không ngừng kìm nén sự phát triển.

Khi dịch COVID-19 diễn ra, đa số các ca mắc bệnh đều là ở người trên 50 tuổi (gần 75%), trong đó khoảng một nửa vẫn còn trong độ tuổi lao động (tuổi nghỉ hưu ở Ý là khoảng 65-67), theo báo cáo của Viện Y tế quốc gia của Ý ngày 16-3. Với một lượng lớn tiền chi cho y tế và chăm sóc cho người cao tuổi đang mắc bệnh, trong khi gần 1/3 lực lượng lao động trẻ ít bị ảnh hưởng lại thất nghiệp dài hạn, không khó để dự báo một cuộc khủng hoảng kinh tế tiếp theo đang chờ đón đất nước hình chiếc ủng.

COVID-19 ở Ý: ‘Con bệnh châu âu’ trước bờ vực vỡ trận - ảnh 2

Sự rối rắm của hệ thống chính trị

Không như những nước theo mô hình đại nghị đa đảng Tây Âu vốn chỉ có một vài đảng chủ lực ở cả hai cánh, Ý có số lượng đảng và các khối liên minh cao đến bất thường. Chỉ riêng trong cuộc bầu cử toàn quốc năm 2018, có đến 14 đảng phái lớn nhỏ ở Ý được bầu vào thượng viện, điều không thường thấy ở các quốc gia đa đảng khác.

Nhiều đảng phái có mặt trong Quốc hội Ý hầu như chỉ tồn tại được nhờ có mặt trong các liên minh lớn, trong khi mỗi kỳ bầu cử lại có nhiều đảng cũ tan rã và nhiều đảng mới ra đời. Sự ổn định về chính trị ở quốc gia này vì thế rất kém.

Một vài vấn đề khác mà Ý và các nước Nam Âu cũng hay gặp phải là chủ nghĩa bảo trợ, tham nhũng, sự trỗi dậy của các đảng cực hữu, mâu thuẫn giữa nhà nước và nhà thờ, cũng như sự chia rẽ ngay cả trong các đảng cực tả. Tất cả những khó khăn này đều tạo ra những áp lực, kìm hãm việc đưa ra quyết sách kịp thời và hiệu quả của chính quyền nước này. Điều đó phần nào giải thích cho sự chậm chạp của Ý trong việc triển khai chiến dịch chống COVID-19.

Gánh nặng với hệ thống y tế gia đình

Mặc dù là một quốc gia châu Âu, tính gắn kết gia đình tại Ý và các nước Địa Trung Hải lại khá cao. Điểm mạnh của đặc tính này là những người trẻ thất nghiệp được gia đình hỗ trợ, trong khi công việc chăm sóc con cái, phụ nữ sinh đẻ hay chăm sóc người già cũng thường được các thành viên gia đình đảm nhiệm.

Tuy vậy, một mặt trái rất lớn của hệ thống này là việc phụ nữ thường được mặc định đảm nhiệm các vị trí thứ yếu trong gia đình, ít cơ hội trong công việc và thường chỉ nhận được phúc lợi phụ thuộc theo người lao động chính (thường là nam giới). Điều này không chỉ càng làm thiếu hụt lực lượng lao động mà còn tạo ra nhiều trở ngại đối với phụ nữ trong việc tiếp cận các chế độ phúc lợi (trong đó có y tế) mà nhà nước cung cấp.

Thêm nữa, với các gia đình có nhiều thế hệ ở chung các thành viên trẻ hơn sẽ có nguy cơ cao lây nhiễm cho các thế hệ cha mẹ/ông bà của họ. Trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát mạnh, hệ thống chăm sóc sức khỏe gia đình sẽ hoàn toàn bị tê liệt, bởi lẽ người nhiễm bệnh cần cách ly tuyệt đối và được chăm sóc đặc biệt trong tình trạng bệnh trở nặng. 

_____________________________

* Nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành kinh tế chính trị tại ĐH Bremen, CHLB Đức

Nguồn tin: plo.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Sinh nhật hội viên tháng 11

Chúc mừng sinh nhật

Chúc mừng sinh nhật

Hội viên mới

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây