Nữ doanh nhân đưa đông trùng hạ thảo Việt ra thế giới

Chủ nhật - 08/03/2020 22:25
“Tôi muốn biến dược liệu bạc tỉ thành quà tặng cho người ít tiền” - Phạm Thị Hồng Vân, Chủ tịch HĐQT Công ty Hoàng Linh Biotech.

Đến với ngành dược liệu từ mục đích ban đầu là có sản phẩm chăm sóc sức khỏe cho bản thân, bà Phạm Thị Hồng Vân, Chủ tịch HĐQT Công ty Hoàng Linh Biotech, đã nuôi trồng thành công đông trùng hạ thảo trong phòng thí nghiệm, phát triển lên quy mô lớn và đã vươn ra thị trường quốc tế.

Biến cố sức khỏe và cơ duyên với đông trùng hạ thảo

Phóng viên: Bà thành công trong nhiều lĩnh vực kinh doanh, vậy ý tưởng nào đưa bà đến với ngành mới mẻ hoàn toàn này?

+ Bà Phạm Thị Hồng Vân: Không phải ý tưởng mà chính là cơ duyên, nhưng phải nói chính xác xuất phát từ việc tôi gặp biến cố sức khỏe, phải mổ. Sau phẫu thuật thì thường mọi người tìm kiếm các dược phẩm để tăng cường sức khỏe trở lại, tôi chọn đông trùng hạ thảo là một biệt dược lúc đó.

Khi sử dụng, tôi thấy rằng sức khỏe hồi phục khá tốt. Sử dụng tốt nên tôi quyết định đi tìm hiểu thêm về nó. Tuy nhiên, tại Việt Nam, có rất ít cơ sở nuôi trồng đông trùng hạ thảo, trong khi ở nước ngoài có cả một ngành công nghiệp nuôi trồng sản phẩm này.

Vậy là lúc đó tôi nhen nhóm chuyện mình phải nuôi trồng đông trùng hạ thảo, chủ yếu là cho mình và bạn bè, người thân sử dụng.

. Bước tiếp cận ban đầu chắc là không dễ?

+ Đúng vậy, tôi phải đi mua công nghệ, số tiền bỏ ra tầm 10 tỉ đồng. Đây là công nghệ nuôi trồng đông trùng hạ thảo hoàn toàn trong phòng thí nghiệm. Có nghĩa là tạo ra một môi trường như tự nhiên từ độ ẩm, ánh sáng, độ lạnh cho đến giá thể nuôi trồng,…

Tuy nhiên, không phải cứ có công nghệ là mọi việc sẽ chạy suôn sẻ. Những gì được nhận chuyển giao chỉ là lý thuyết, đến khi đi vào thực tế mới đủ thứ chuyện xảy ra. Thất bại nhiều lắm, buổi đầu nuôi 10.000 hũ thì chết hết 9.000 hũ. Có những buổi sáng lên phòng thí nghiệm thấy cây đổ gục mà không hiểu vì sao. Vừa làm vừa phải điều chỉnh dần từ thực tế diễn ra, tự mày mò nghiên cứu để cho mọi thứ chạy ổn định thì đông trùng hạ thảo mới sinh trưởng tốt. Đặc biệt, để hoàn thiện được công nghệ nuôi trồng và có sản phẩm, tôi đã “làm bay” mất toàn bộ số tiền đầu tư ban đầu.

Tuy nhiên, để thành công hoàn toàn thì không thể tự tôi làm hết một mình mà còn nhờ vào sự hỗ trợ rất nhiều từ các chuyên gia trong ngành nông nghiệp TP.HCM.

. Có bao giờ bà nghĩ đến chuyện bỏ cuộc?

+ Thật ra trước đó có những khó khăn gấp bội lần tôi còn chưa bao giờ bỏ cuộc, thậm chí khi bước chân xuống tàu vào TP.HCM, chỉ còn đủ tiền mua ổ bánh mì. Vậy mà tôi làm đủ nghề để nuôi con.

Tôi luôn có niềm tin rằng sau nhiều thất bại chắc chắn có đích đến. Công sức nào bỏ ra cũng sẽ có kết quả nhất định.

Các sản phẩm tôi hiện được khá nhiều công ty nước ngoài tìm mua, chưa kể chúng tôi đang làm OEM (nhà sản xuất theo đơn đặt hàng của đối tác) khá nhiều sản phẩm cho các công ty đó. Mới đây, tôi tháp tùng các cơ quan quản lý sang Úc xúc tiến thương mại. Sau đó, có đến ba công ty Úc ký hợp đồng.

Nhìn về kết quả này, tôi có thể nói mình đã khởi nghiệp thành công lúc ở độ tuổi 50.

Nữ doanh nhân đưa đông trùng hạ thảo Việt ra thế giới - ảnh 1
Bà Phạm Thị Hồng Vân, Chủ tịch HĐQT Công ty Hoàng Linh Biotech, nằm trong top 50 nữ lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam tiêu biểu năm 2019. Ảnh: PM

Cứ làm thật sẽ được mọi người tin tưởng

. Có người đánh giá ngành dược liệu này một khi thành công là kiếm tiền rất dễ?

+ Đúng là ngành này có giá trị cao về kinh tế, do đó trên thị trường có sự lẫn lộn thật và giả. Nhiều người muốn giàu nhanh đã lấy nấm ăn để làm đông trùng hạ thảo và bán ra thị trường. Người tiêu dùng khó mà phân biệt vì ăn cũng tương tự nhưng thật ra đang trả tiền quá cao cho sản phẩm có tính dược liệu rất thấp.

Với tôi, cứ xác định phải làm thật và đúng thì sẽ được người khác đặt niềm tin. Vì một sản phẩm không đúng chất lượng chỉ qua mắt người tiêu dùng thiếu hiểu biết nhưng với các công ty nước ngoài, họ buộc phải qua kiểm tra thì thật giả lộ ra hết.

Tôi đưa đông trùng hạ thảo vào các món ăn thông thường với giá phải chăng để mọi người dễ tiếp cận như trà, cà phê đông trùng hạ thảo; hay lương khô, gạo lứt được tạo ra từ đông trùng hạ thảo…

Bà Phạm Thị Hồng Vân, Chủ tịch HĐQT Công ty Hoàng Linh Biotech, nằm trong top 50 nữ lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam tiêu biểu năm 2019. Công ty của bà được công nhận là doanh nghiệp khoa học và công nghệ, trong đó hoạt động sản xuất, kinh doanh dựa trên việc thương mại hóa nghiên cứu khoa học cũng như chuyển giao công nghệ. 

. Thành công trên thị trường, bà có nghĩ đến lúc nào đó cần xây dựng thương hiệu cho dược liệu Việt Nam?

+ Khi ra nước ngoài, tôi thấy ngành dược liệu của họ không hơn mình nhiều nhưng họ hơn ở chỗ biết hợp tác xây dựng thương hiệu. Tôi cho rằng có những thứ mà chỉ Việt Nam có như sâm Ngọc Linh hay là rễ tóc sâm Ngọc Linh nếu phát triển thành thương hiệu quốc gia thì giá trị, mức độ lan tỏa rất cao.

Tôi cũng đã nghĩ đến chuyện xây dựng một thương hiệu dược liệu của Việt Nam nhưng tôi đã ở độ tuổi nghỉ hưu nên mong muốn có thêm bạn trẻ đam mê nhiệt huyết với ngành này cùng tham gia. Qua đó cùng với các nhà nghiên cứu tạo ra sản phẩm đông trùng hạ thảo cũng như các chế phẩm thật tốt để làm điều gì đó có ý nghĩa cho cộng đồng.

Xin cám ơn bà.

Tôi chỉ sợ không đủ thời gian đi hết đam mê

. Để có được kết quả như ngày hôm nay hẳn là không dễ dàng?

+ Ban đầu các con tôi nhiều lần nói: Tiền đầu tư mất, kết quả chưa rõ, vậy mà mẹ ở độ tuổi này vẫn lao vào làm lĩnh vực khó như vậy thì rất cực. Nhưng tôi cũng nói rằng mẹ từng là bệnh nhân và là người trực tiếp sử dụng sản phẩm này, thấy được tính hiệu quả ra sao nên vấn đề không phải là tiền. Mẹ làm là vì tâm huyết phải nuôi trồng thành công sản phẩm hỗ trợ người bệnh.

Đến nay các con đã bắt đầu ủng hộ tôi trong công việc vì thấy những sản phẩm của công ty mang lại giá trị tốt cho sức khỏe mọi người.

Nữ doanh nhân đưa đông trùng hạ thảo Việt ra thế giới - ảnh 2
Công ty Hoàng Linh Biotech muốn nhiều nhà khoa học cùng tham gia để tạo ra nhiều sản phẩm, giúp ích cho bản thân và cộng đồng. Ảnh: QH 

. Nhìn về tương lai xa hơn, bà kỳ vọng điều gì?

+ Tôi chỉ sợ là không đủ thời gian để đi hết đam mê và sự nghiên cứu của mình. Nhưng lúc này tôi đang nỗ lực nghiên cứu thêm các sản phẩm phù hợp để thương mại hóa, nhằm góp phần công sức thúc đẩy phát triển ngành dược liệu.

Chẳng hạn, tôi đang cùng với các cơ quan ban ngành của Quảng Ngãi hỗ trợ đồng bào vùng dân tộc làm dự án trồng gừng gió. Tôi cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm gừng mà bà con trồng. Năm vừa rồi bà con sản xuất năm tấn được công ty thu mua hết và được đưa vào làm chế phẩm cốm gừng tây trà, sản xuất không kịp bán.

Tôi cũng đã lập dự án xây dựng khu nông nghiệp công nghệ cao. Từ đó một mặt mở rộng quy mô nuôi trồng, chế biến đông trùng hạ thảo. Mặt khác, nuôi trồng thêm nhiều dược liệu quý của Việt Nam, như các loại nấm linh chi, vân chi,…

Nguồn tin: plo.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Sinh nhật hội viên tháng 11

Chúc mừng sinh nhật

Chúc mừng sinh nhật

Hội viên mới

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây