Lý do Trung Quốc bỏ qua vụ đụng độ với Ấn Độ

Thứ sáu - 19/06/2020 03:49
New Delhi nói mình mất 20 binh sĩ, Bắc Kinh không nói gì về thương vong dù truyền thông Ấn Độ nói Trung Quốc cũng mất hàng chục binh sĩ trong vụ này.

Trong vụ đụng độ ở biên giới Ấn - Trung, đến thời điểm này truyền thông phần lớn đề cập đến sự giận dữ của phía Ấn Độ. Tuy nhiên, theo nguồn tin của báo South China Morning Post (SCMP) thì không chỉ Ấn Độ mà bên trong Trung Quốc (TQ) cảm xúc dân tộc cũng đang dâng cao. Nhiều trang mạng xã hội liên quan các ban, ngành chính trị, quân đội nước này đang lên tiếng yêu cầu phải “bảo vệ chủ quyền TQ bằng mọi giá”.

Song tới thời điểm này có thể nhận định TQ chủ động xuống thang trong vụ này. Trong khi phía Ấn Độ sẵn sàng quân đội thì phía TQ yên tĩnh hơn. Ngày 17-6, bộ trưởng Ngoại giao hai nước điện đàm thống nhất xuống thang căng thẳng. Sau cuộc điện đàm này, Bộ Ngoại giao TQ cho biết binh sĩ hai bên đang phối hợp với nhau để “quản lý tình hình liên quan”. Một điều nữa, trong khi phía New Delhi nói mình mất 20 binh sĩ, phía Bắc Kinh không nói gì về thương vong dù truyền thông Ấn Độ nói TQ cũng mất hàng chục binh sĩ trong vụ này.

Cuộc gặp Pompeo - Dương

Ngày 16-6, ông Zhang Shuili, người phát ngôn Chiến khu miền Tây, thừa nhận đụng độ dẫn đến thương vong cả hai phía nhưng không nói chi tiết. Một nguồn tin thân cận với quân đội TQ nói với SCMP rằng nước này “rất nhạy cảm” về chuyện thương vong của quân đội. Mọi con số thương vong phải báo cáo lên Chủ tịch Tập Cận Bình, đồng thời là chủ tịch Ủy ban Quân sự Trung ương, để ông phê duyệt trước khi công khai.

Ông Hu Xijin, Tổng biên tập Hoàn Cầu Thời Báo, viết trên Twitter tối 16-6 rằng TQ im lặng về con số thương vong là một hành động “thiện chí”, để không nảy sinh sự so sánh thương vong có thể dẫn tới sự bùng nổ cảm xúc dân tộc.

Trong khi đó, SCMP dẫn ý kiến nhiều nhà quan sát cho rằng việc TQ quyết định im lặng về số thương vong vì muốn giảm nhẹ vụ việc trước cuộc gặp của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác ngoại sự Trung ương Dương Khiết Trì với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo.

Lý do Trung Quốc bỏ qua vụ đụng độ với Ấn Độ - ảnh 1

Đoàn xe quân sự Ấn Độ trên cung đường Srinagar dẫn đến khu vực biên giới Ladakh thuộc vùng Kashmir đang tranh chấp giữa Ấn Độ, Trung Quốc và Pakistan ngày 17-6. Ảnh: ANADOLU/GETTY IMAGES

Cuộc gặp của ông Pompeo và ông Dương diễn ra tại Hawaii trong hai ngày 16 và 17-6. Đây là sự kiện rất được mong chờ của cả hai nước, đặc biệt diễn ra trong bối cảnh quan hệ hai bên đang căng thẳng nguy hiểm vì hàng loạt vấn đề, như COVID-19, chuyện TQ định áp luật an ninh quốc gia lên Hong Kong, thương chiến…

Cùng với Tổng thống Trump, ông Pompeo là quan chức Mỹ chỉ trích mạnh TQ trong vụ COVID-19. Cuộc gặp này là lần đầu tiên ông Pompeo gặp ông Dương kể từ khi hai ông điện đàm về COVID-19 giữa tháng 4.

Một nguồn tin thân cận quân đội TQ cho biết TQ rất bận tâm việc Mỹ nhìn nhận vụ đụng độ thế nào khi nó xảy ra trước thềm cuộc gặp của ông Dương với ông Pompeo. Theo nguồn tin này, “TQ chắc chắn muốn xuống thang tình hình trước cuộc gặp Dương - Pompeo”.

35-43 binh sĩ TQ thiệt mạng trong vụ đụng độ với binh sĩ Ấn Độ tại biên giới, theo thông tin từ truyền thông New Delhi. 

Chiến lược khu vực của Mỹ

Một nguồn tin thứ hai của SCMP nói Bắc Kinh đặc biệt thận trọng trong vụ đụng độ này vì nó xảy ra ở thung lũng Galwan, một trong những chiến trường chính của cuộc chiến hai bên năm 1962 với hơn 2.000 người chết. Chuyên gia Wang Dehua tại Trung tâm Nghiên cứu quốc tế (Thượng Hải) nói TQ không muốn làm lớn chuyện với Ấn Độ. Theo ông, “tranh chấp biên giới giữa Bắc Kinh với New Delhi cũng ảnh hưởng đến quan hệ giữa Ấn Độ và Pakistan, TQ với Pakistan, và đến chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Tổng thống Donald Trump”.

Cần lưu ý, trong tuyên bố ngày 17-6, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết “đang theo dõi chặt tình hình”, hy vọng hai nước xuống thang căng thẳng, thậm chí còn đề nghị được hỗ trợ hai bên tìm giải pháp hòa bình. Trong tuyên bố, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng nhắc lại rằng “trong cuộc điện đàm ngày 2-6, Tổng thống Trump và Thủ tướng Modi có bàn về tình hình ở biên giới Ấn - Trung”. Bản thân ông Trump từng đưa lên Twitter lời đề nghị được làm trung gian hòa giải giữa hai bên.

Minh bạch, chia sẻ thông tin chống COVID-19

Tân Hoa xã nói cuộc gặp giữa ông Dương với ông Pompeo được tổ chức theo yêu cầu của phía Mỹ, chứ không phải do TQ chủ động yêu cầu như hãng tin Reuters nói trước đó.

Trong tuyên bố sau cuộc gặp, Bộ Ngoại giao cả hai nước đều thống nhất cuộc gặp đầy tính “xây dựng”. Cả hai bên cùng đưa ra quan điểm về các vấn đề hai nước cùng quan tâm và đồng ý sẽ có hành động thi hành các thỏa thuận mà Chủ tịch Tập và Tổng thống Trump đã đạt được.

Phía Mỹ cho biết hai ông đã thống nhất cần thiết phải minh bạch và chia sẻ thông tin trong chống COVID-19 và để ngăn chặn các đại dịch trong tương lai. Ông Pompeo cũng nhấn mạnh cần có sự qua lại trong các mối quan hệ về thương mại, an ninh, ngoại giao. Phía TQ cho biết hai bên thống nhất sẽ tiếp tục gắn kết và giữ liên lạc để đưa quan hệ hai bên trở lại đúng đường, thực hiện các thỏa thuận mà lãnh đạo hai bên đã đạt được.

Trong cuộc gặp, ông Dương đã nêu quan điểm phía TQ về quan hệ song phương Trung - Mỹ cũng như về các vấn đề liên quan đến Đài Loan, Hong Kong, Tân Cương. Ông Dương đề nghị Mỹ thận trọng trong hành động và không can thiệp vào chuyện nội bộ TQ.

Trong khi cuộc gặp Pompeo - Dương đang diễn ra thì tại Mỹ, ông Trump ký luật kêu gọi trừng phạt những người có trách nhiệm trong việc người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở khu tự trị Tân Cương bị đối xử tệ. Các ngoại trưởng G7, trong đó có cả ông Pompeo, ra tuyên bố kêu gọi TQ không theo đuổi áp luật an ninh lên Hong Kong. 

 

Tác giả bài viết: THIÊN ÂN

Nguồn tin: plo.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Sinh nhật hội viên tháng 03

Chúc mừng sinh nhật

Chúc mừng sinh nhật

Hội viên mới

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây