Thủ tướng: ‘Đã kêu khó thì đừng xin vốn, mang tiếng’

Thứ ba - 07/07/2020 22:30
Có bí thư, chủ tịch đi xin vốn, bổ sung danh mục công trình nhưng xin về không triển khai, giao khoán cho bên dưới.

“Khó khăn thì phải cố gắng, nỗ lực, không bàn lùi. Phải tạo ra chiếc bánh to hơn, nuôi dưỡng nguồn thu”. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh như trên tại Hội nghị Sơ kết nhiệm vụ tài chính - ngân sách sáu tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ sáu tháng cuối năm, diễn ra ngày 7-7.

Thủ tướng đề nghị các địa phương không nói về khó khăn, mà nói về các cách làm hayphát huy tinh thần tiến công để kinh tế phục hồi.

Nhà đầu tư có niềm tin

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày tóm tắt báo cáo và khẳng định: “Tình hình hoạt động của doanh nghiệp thực sự gặp nhiều khó khăn”. Tuy nhiên, nêu những tín hiệu tích cực từ thị trường chứng khoán, Bộ trưởng Dũng nhận định các nhà đầu tư vẫn tin vào triển vọng lâu dài của nền kinh tế Việt Nam.

Ông Nguyễn Doãn Toản, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cho hay: TP Hà Nội đã chủ động rà soát, đánh giá ảnh hưởng của dịch COVID-19 đến tăng trưởng kinh tế; xây dựng các kịch bản điều hành ngân sách và các nguồn lực bù đắp giảm thu do ảnh hưởng của dịch. Đồng thời đã cắt giảm chi thường xuyên đợt 1 là 2.900 tỉ đồng để chủ động thực hiện các chính sách an sinh xã hội và đảm bảo cân đối ngân sách.

Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết thu ngân sách sáu tháng đầu năm trên địa bàn TP.HCM đạt được là do kết quả từ việc đầu tư sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp từ năm 2019 là chủ yếu.

Cả Hà Nội và TP.HCM đều bày tỏ quyết tâm phấn đấu đạt cao nhất mục tiêu tài chính - ngân sách đề ra. Trong đó sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm khôi phục nhanh tình hình sản xuất, kinh doanh, kích cầu tiêu dùng, tập trung vào thị trường nội địa và đẩy mạnh xuất khẩu… Ngoài ra, tập trung đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công để đảm bảo thu hút đầu tư.

Các địa phương tham luận từ Sơn La cho đến Cà Mau cũng đều bày tỏ quyết tâm ấy, thậm chí có địa phương còn quyết tâm không điều chỉnh các chỉ tiêu năm 2020.

Thủ tướng: ‘Đã kêu khó thì đừng xin vốn, mang tiếng’ - ảnh 1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trò chuyện cùng các đại biểu tại hội nghị về tài chính - ngân sách ngày 7-7. Ảnh: VGP

Nuôi dưỡng nguồn thu, giải ngân nhanh vốn công

Sau khi lắng nghe tham luận của các địa phương, Thủ tướng yêu cầu ngành tài chính chủ động, tích cực hơn về vai trò chính sách tài khóa trong tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, kích thích tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng. “Tài chính không chỉ là bảo đảm thu chi ngân sách nhà nước, tài chính cần được hiểu theo nghĩa rộng là nuôi dưỡng nguồn thu, tạo động lực thúc đẩy phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn hiện nay” - Thủ tướng nói.

Về thu ngân sách, không để mất cân đối lớn, không làm dự toán ngân sách bị đổ bể sâu. Về chi ngân sách, Thủ tướng nói: “Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm, thực hiện hiệu quả chủ trương tiết kiệm các khoản chi thường xuyên, chưa thực sự cần thiết, cấp bách theo tinh thần Nghị quyết 84 của Chính phủ”.

Đây không phải là lúc kêu khổ

Các địa phương đều khó khăn cả. Khó thì ai cũng biết rồi. Khó mới phải cố gắng, nỗ lực vượt lên chứ không bàn lùi. Đây chính là lúc cần đến tinh thần tiến công, sáng tạo, cùng cố gắng tiến lên để phục hồi kinh tế. Đây không phải là lúc kêu khó, kêu khổ… Bởi các vấn đề này do tác động của COVID-19 và các tác động khác đều đã khá rõ.

Thủ tướng NGUYỄN XUÂN PHÚC 

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu ngành tài chính phải trực tiếp tham mưu đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Hiện tại vốn đầu tư công còn 700.000 tỉ đồng, tương đương 30 tỉ USD. Đây là vốn kế hoạch cần giải ngân trong năm 2020. Bộ Tài chính cùng Bộ KH&ĐT rà soát, khẩn trương báo cáo Chính phủ triển khai gấp giải ngân vốn đầu tư công.

Thủ tướng nêu một số biện pháp xử lý vấn đề giải ngân chậm vốn đầu tư công. Một là nửa tháng họp giao ban một lần về giải ngân, thúc đẩy, kiểm điểm, nguyên nhân vì sao, biện pháp thế nào. Thứ hai, thành lập các đoàn kiểm tra của trung ương do một số bộ trưởng trực tiếp chỉ đạo.

Thứ ba, kịp thời đề xuất điều chuyển vốn ngay trong tháng 8 đối với những địa phương, ngành không làm được. Thứ tư, lần này sẽ đánh giá bộ, ngành, địa phương có hoàn thành nhiệm vụ hay không dựa trên tiêu chí giải ngân vốn đầu tư công.

“Có bí thư, chủ tịch đi xin vốn, bổ sung danh mục công trình nhưng xin về không triển khai, giao khoán cho bên dưới, không động tĩnh gì, nhất là giải phóng mặt bằng. Đi đâu cũng kêu khó về giải phóng mặt bằng. Kêu khó thì đừng có xin về, mang tiếng. Chính phủ yêu cầu bí thư, chủ tịch, các giám đốc sở, chủ dự án phải xuống tận các dự án đầu tư công để tháo gỡ khó khăn. Nếu cứ nói sơ sơ, không phê bình, đấu tranh thì làm sao giải ngân được” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Tiếp tục đề xuất các gói kích thích tài khóa

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng so với các nước, không gian chính sách tài khóa và tiền tệ của Việt Nam còn dư địa khá lớn trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Nếu như các nước có tỉ lệ nợ công rất cao, mặt bằng lãi suất rất thấp thì Việt Nam có tỉ lệ nợ công liên tục giảm và đang ở mức khiêm tốn, khoảng 54%-55%. Trong khi đó, mặt bằng lãi suất còn cao, tình hình vĩ mô ổn định.

“Tôi đề nghị các đồng chí cần ủng hộ những mô hình kinh doanh mới, vật liệu mới, năng lượng mới và những động lực tăng trưởng mới của nước ta” - Thủ tướng nhấn mạnh.

IMF cũng như nhiều nước trên thế giới liên tục đưa ra những gói kích thích tài khóa khổng lồ lên đến trên 11.000 tỉ USD, đưa mức thâm hụt ngân sách toàn cầu lên đến 13,9% GDP. Về vấn đề này, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất cụ thể về các gói kích thích tài khóa, các giải pháp tiếp tục giãn, hoãn, miễn, giảm thuế. Đồng thời, huy động thêm nguồn lực cho đầu tư phát triển để kích thích tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng, báo cáo cấp thẩm quyền theo quy định. 

 

Tác giả bài viết: CHÂN LUẬN

Nguồn tin: plo.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Sinh nhật hội viên tháng 11

Chúc mừng sinh nhật

Chúc mừng sinh nhật

Hội viên mới

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây