TP.HCM: Tiếp tục đột phá, cùng cả nước phát triển

Thứ ba - 07/07/2020 22:25
Trong 25 năm qua, đóng góp của TP.HCM cho cả nước không ngừng tăng lên.

Sáng 7-7, dưới sự chủ trì của Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, hội nghị lần thứ 42 Ban chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa Xnhiệm kỳ 2015-2020 đã khai mạc.

TP.HCM vẫn giữ được tính đổi mới, tiên phong

Phát biểu khai mạc, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho rằng bảy chương trình đột phá được triển khai bằng nhiều biện pháp và đã đạt nhiều kết quả, góp phần vào sự phát triển của TP. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc phải làm để các chương trình đạt 100% mục tiêu đề ra. Từ đó, ông đề nghị các đại biểu cần đánh giá kết quả thực hiện đối với từng chương trình, rút kinh nghiệm để thực hiện trong thời gian tới.

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân đề cập đến kết quả, tồn tại ở từng chương trình cụ thể. Như vấn đề giảm ngập nước, qua thực tiễn ghi nhận tình hình ngập nước của TP ngày càng giảm, các điểm ngập đã được xử lý tốt hơn nhưng nguy cơ ngập của TP ngày càng gia tăng do biến đổi khí hậu, sụt lún, mưa nhiều…

Về giảm ô nhiễm môi trường, ông Nhân khẳng định việc xử lý rác thải của TP đã có nhiều tiến bộ. Về nước sạch, tỉ lệ người dân TP được dùng nước sạch đã đạt 100%, tỉ lệ thất thoát nước sạch ngày càng giảm.

Về giao thông, người đứng đầu Thành ủy khẳng định trong năm năm qua, TP đã triển khai nhiều dự án giao thông lớn. Những dự án này là tiền đề để phục vụ cho phát triển hạ tầng thời gian tới và góp phần làm giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn.

Tuy vậy, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho rằng về chủ quan cần rà soát việc ứng dụng khoa học công nghệ của TP đã hết khả năng chưa, phát huy sáng tạo của người lao động hết khả năng chưa. Nếu làm tốt hơn thì năng suất sẽ tăng nữa.

Về tính động lực của kinh tế TP với cả nước, Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thiện Nhân cho rằng TP đã có mô hình mới trong phát triển kinh tế đã và đang phát triển. Điển hình là Khu công nghệ cao TP thu hút khoảng 7 tỉ USD, xuất khẩu hằng năm hơn 8 tỉ USD với diện tích khoảng 800 ha; các khu chế xuất, khu công nghiệp từ giai đoạn trước đang phát huy tích cực. “Với các mô hình đặc thù đổi mới, TP vẫn giữ được tính đổi mới, tiên phong. Gần đây triển khai Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía đông sẽ tạo động lực lớn hơn cho TP trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0” - Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nói.

TP.HCM: Tiếp tục đột phá, cùng cả nước phát triển - ảnh 1

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân trao đổi với các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: HOÀNG GIANG

Nỗ lực giữ vị trí đầu tàu

Tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đề nghị các đại biểu thảo luận sâu, làm rõ vai trò đầu tàu kinh tế của TP.HCM so với cả nước. Bởi vai trò đó không đến tự nhiên và mỗi giai đoạn đều cần sự nỗ lực để giữ vị trí đầu tàu đó.

Theo ông Nhân, cần phân tích sâu vấn đề: Cơ sở nào để đảm bảo tăng trưởng kinh tế của TP cao hơn bình quân cả nước và đóng góp vào nền kinh tế cả nước ngày càng tăng. Trong đó, trước hết cần các giải pháp quản trị, công nghệ để đẩy năng suất lao động của TP cao hơn bình quân cả nước, có năm 2,7 lần và năm 2019 là 2,9 lần.

3 năm, giá trị gia tăng tạo ra tính trên một đơn vị diện tích của TP.HCM bằng bình quân cả nước hơn 100 năm. 

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho rằng vị trí đầu tàu kinh tế của TP nằm ở đóng góp vào ngân sách cả nước. Dẫn chứng, giai đoạn 2001-2010, bình quân TP đóng góp khoảng 26,5% cho ngân sách quốc gia, giai đoạn 2011-2019 là 27,5%. Điều này cho thấy tỉ trọng đóng góp tiếp tục tăng lên, vị trí đầu tàu của TP tiếp tục được giữ vững và ổn định.

Mặc dù vậy, ông Nhân cũng nhìn nhận tốc độ tăng trưởng kinh tế của TP bị giảm, từ 1,6 lần cả nước (2001-2010) giảm còn gấp 1,2 lần (giai đoạn 2011-2019). “Có nguyên nhân chủ quan và khách quan nhưng có một nguyên nhân quan trọng là trong 20 năm qua tỉ lệ ngân sách để lại cho TP đầu tư phát triển ngày càng giảm, trong khi đóng góp vào ngân sách cả nước ngày càng tăng” - ông Nhân nói và cho rằng TP là địa phương giảm mạnh nhất.

TP.HCM: Tiếp tục đột phá, cùng cả nước phát triển - ảnh 2

Minh chứng cho điều này, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân đưa ra con số: Trong 20 năm qua, tỉ lệ ngân sách để lại cho Hà Nội tăng từ 30% lên 35%, trong khi TP.HCM giảm từ 33% xuống còn 18%.

Một số vấn đề khác được ông Nhân lưu ý là quỹ đất dành cho phát triển. Cụ thể, những năm qua, công nghiệp và dịch vụ chiếm 90% cơ cấu kinh tế của TP nhưng diện tích đất dành cho lĩnh vực này rất thấp, khoảng 10.000 ha (không kể bất động sản) và chỉ chiếm 5% quỹ đất của TP. Cuối năm 2017, Đảng bộ TP ra nghị quyết năm 2018 phải có một khu công nghiệp mới để thu hút đầu tư nhưng đến nay vẫn chưa thể thực hiện.

Hy vọng vào lớp trẻ tài năng, khao khát cống hiến

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm cho biết về chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đến nay đã đào tạo được hơn 76.650 lượt cán bộ, công chức, viên chức. Trong đó, các chỉ tiêu về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và ngoại ngữ, tin học đạt kết quả khả quan.

Đội ngũ cán bộ, công chức thuộc các chương trình cán bộ trẻ được đào tạo tốt và có phẩm chất, năng lực, có tư duy năng động, đổi mới, sáng tạo, khao khát cống hiến cho sự phát triển của TP.

Về chương trình cải cách hành chính, ông Liêm cho biết tỉ lệ hài lòng của người dân và doanh nghiệp qua các đợt khảo sát, đánh giá bình quân trên 80%. Tỉ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn đối với tổng số thủ tục hành chính ở ba cấp của TP đạt trung bình là 99,4% (2016-2019)và ngày càng tốt hơn qua các năm. 

 

Tác giả bài viết: TÁ LÂM

Nguồn tin: plo.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Sinh nhật hội viên tháng 11

Chúc mừng sinh nhật

Chúc mừng sinh nhật

Hội viên mới

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây