Điều gì chờ đợi nước Mỹ sau khi rút khỏi WHO?

Thứ tư - 08/07/2020 22:11
Quyết định rút khỏi WHO của chính quyền Tổng thống Donald Trump không chỉ làm tổn hại đến vị thế siêu cường của Mỹ mà còn đe dọa đến chính sức khỏe, tính mạng của người dân Mỹ.

Hãng tin Reuters ngày 8-7 cho biết chính quyền Mỹ đã nộp đơn lên Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres để khởi động quy trình rút khỏi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Một quan chức Washington cấp cao cho biết quyết định thực chất đã có hiệu lực từ ngày 6-7. Mỹ sẽ có thời hạn một năm để hoàn thành các thủ tục rút tư cách thành viên WHO và thực hiện tất cả nghĩa vụ tài chính còn tồn đọng.

Sau khi công bố ý định muốn cắt đứt quan hệ với WHO từ tháng 5, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hứng nhiều chỉ trích. Nhiều ý kiến yêu cầu ông suy nghĩ lại vì ngừng tài trợ WHO giữa lúc đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh là một nước đi rất nguy hiểm. Nay ông Trump đã chính thức hóa quyết định trên khiến giới chuyên gia thêm lo ngại về một tương lai khó khăn cho cả hai bên.

Tính toán sai lầm của ông Trump

Ông Trump từng cáo buộc WHO chỉ đang phung phí tiền tài trợ của Mỹ cho các dự án vô ích. Tuy nhiên, trong bài viết trên tạp chí Foreign Policy ngày 8-7, TS Mara Pillinger thuộc ĐH Georgetown (Mỹ) khẳng định thực tế không như những gì ông Trump nghĩ, lâu nay các cơ quan y tế Mỹ vẫn hợp tác chặt với WHO giải quyết rất nhiều vấn đề. Bà Pillinger nêu rõ mỗi ngày chuyên gia hai bên đều trao đổi với nhau các dữ liệu hay thông tin về chuyên môn hoặc về các mối nguy có khả năng đe dọa sức khỏe con người.

Một ví dụ khác, TS Pillinger cho hay Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) từ năm 2007 đã đầu tư rất nhiều công sức cho ra đời một hệ thống giám sát các loại dịch bệnh trên toàn cầu để giảm thiểu nguy cơ bùng phát đại dịch. Tuy nhiên, hệ thống này đến nay vẫn gặp nhiều khó khăn vì thiếu nguồn dữ liệu chính xác ở từng địa phương (do chính các quốc gia sở tại thống kê). Các quốc gia này nếu có hiềm khích hoặc không thiết lập quan hệ đồng minh, đối tác hay ngoại giao với Mỹ (như Iran) thì có thể sẽ từ chối cho Mỹ tiếp cận nguồn dữ liệu này để bổ sung vào hệ thống giám sát.

Trong trường hợp này, Mỹ bắt buộc phải nhờ WHO đứng ra làm trung gian thay mặt mình tiếp nhận dữ liệu. Có thể thấy quyết định rút khỏi WHO sẽ chặn đường tiếp cận của chuyên gia Mỹ với những thông tin có thể cứu sống hàng trăm, hàng chục ngàn người.

WHO và Mỹ còn hợp tác để giải quyết các vấn đề trên chính lãnh thổ nước này, cụ thể là bệnh cúm mùa. CDC ước lượng mỗi năm 10.000-60.000 người Mỹ tử vong vì căn bệnh này. Hiện WHO đã lập 83 trung tâm liên kết ở Mỹ để nghiên cứu vaccine cúm mùa cùng nhiều loại bệnh nguy hiểm khác như ung thư, đậu mùa. Nếu Mỹ rút tư cách thành viên, WHO sẽ buộc phải di dời các trung tâm này và để đội ngũ y tế Mỹ tự xoay xở.

Bên cạnh đó, quyết định rút khỏi WHO của ông Trump có thể sẽ khiến hình ảnh toàn cầu của Mỹ ngày càng giảm sút. Vị thế của Mỹ trên trường quốc tế sẽ lung lay và gây bất lợi cho Washington trong cạnh tranh giữa các cường quốc thế giới, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung ngày càng quyết liệt.

“Những người nào cho rằng Mỹ nên hoạt động một mình hoặc thay thế WHO bằng một tổ chức khác là đang không hiểu cách thế giới vận hành như thế nào và các quốc gia hợp tác trên lĩnh vực y tế ra sao. Nói thẳng ra là Mỹ rất cần WHO dù rằng tổ chức này vẫn còn nhiều thứ phải cải tổ. Cần nhớ là nếu không nhờ WHO đứng ra tổ chức chuyến khảo sát đến TP Vũ Hán thì chuyên gia sẽ không bao giờ tiếp cận được nơi này vì mâu thuẫn với TQ” - TS Pillinger nói.

Điều gì chờ đợi nước Mỹ sau khi rút khỏi WHO? - ảnh 1

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus. Ảnh: CNN

WHO bị ảnh hưởng ra sao?

Hiện Mỹ là nước có đóng góp ngân sách tổng thể lớn nhất cho WHO (mỗi năm 400-500 triệu USD), theo đài CNN. Mức tài trợ này gấp 10 lần TQ, vốn chỉ hỗ trợ khoảng 40 triệu USD mỗi năm. Trong năm 2019, khoản đóng góp này là hơn 400 triệu USD, chiếm khoảng 15% ngân sách của WHO. Trong hai năm 2018 và 2019, Mỹ góp cho WHO gần 900 triệu USD trong tổng cộng 5,6 tỉ USD ngân sách của tổ chức này. Dù vậy, những con số này sẽ về không một khi Mỹ không còn là thành viên.

Vào ngày đầu tiên ở vai trò tổng thống, tôi sẽ tái gia nhập WHO và khôi phục sự lãnh đạo của chúng ta trên toàn cầu.

Ứng viên tổng thống Mỹ  thuộc đảng Dân chủ JOE BIDEN 
viết trên Twitter ngày 7-7  

Trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Sciencemag vào tháng 12 năm ngoái, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus chia sẻ hầu hết ngân sách của tổ chức được dùng cho công việc chuyên môn. Chẳng hạn giúp tăng tốc nghiên cứu và phát triển vaccine, thuốc điều trị các loại bệnh nguy hiểm, giúp các nước có giải pháp ứng phó và phản ứng dịch bệnh hợp lý, điều phối công tác chống dịch toàn cầu cũng như hỗ trợ người bệnh tiếp cận dịch vụ y tế cần thiết ở chi phí thấp nhất.

Hiện WHO đã đề xuất khoản ngân sách gần 4,9 tỉ USD cho giai đoạn 2020-2021, tức tăng 11% so với giai đoạn 2018-2019. Ngoài ra, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tiếp tục lan rộng, WHO đang nỗ lực tìm kiếm thêm khoản ngân sách bổ sung ít nhất 1 tỉ USD nhằm giúp các nước chậm và đang phát triển ứng phó với dịch bệnh, theo đài NPR.

Nếu dịch bệnh lan rộng tại các nước này sẽ gây tổn thất lớn hơn về kinh tế và sinh mạng, tạo gánh nặng cho cộng đồng quốc tế, trong đó có các nước phát triển như Mỹ.

WHO công nhận bằng chứng COVID-19 lây qua không khí

Hãng tin Reuters ngày 7-7 dẫn lời bà Maria Van Kerkhove, trưởng phụ trách về kỹ thuật trong công tác xử lý đại dịch COVID-19 của WHO, cho biết tổ chức này ghi nhận có “chứng cứ rõ nét” cho thấy SARS-CoV-2 lây qua không khí, cụ thể là lây qua đường khí dung.

“Chúng tôi đang bàn về khả năng lan truyền qua không khí và lan truyền qua khí dung như một trong những cách thức lan truyền của COVID-19” - bà Van Kerkhove nói, đồng thời cho biết trong vài ngày tới, WHO sẽ công bố một báo cáo khoa học tổng hợp lại các hình thức lây truyền của virus.

Phát ngôn trên được đưa ra sau khi 232 nhà khoa học từ nhiều quốc gia hôm 6-7 cùng ký vào một đơn kiến nghị kêu gọi WHO cập nhật lại quy trình hướng dẫn phòng, chống lây nhiễm COVID-19 trước phát hiện về đường lây nhiễm mới. 

Tác giả bài viết: VĨ CƯỜNG

Nguồn tin: plo.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Sinh nhật hội viên tháng 12

Chúc mừng sinh nhật

Chúc mừng sinh nhật

Hội viên mới

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây