3 xu hướng thay đổi của quân đội Mỹ

Thứ sáu - 10/07/2020 22:13
Ba xu hướng: Dịch chuyển về mặt địa lý, chuyển từ chiến đấu trên bộ sang trên biển và trên không, bảo vệ chi phí quốc phòng.

Theo tờ Nikkei Asia Review (Nhật), những động thái điều chuyển lực lượng gần đây cho thấy đang có sự thay đổi trong hoạt động toàn cầu của quân đội Mỹ.

Quân đội Mỹ bắt tay vào việc tái tổ chức lực lượng toàn cầu nhằm đối phó với cái mà Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brien gọi là “thách thức địa chính trị quan trọng nhất kể từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc”. Đáng chú ý, nơi mà “Mỹ và các đồng minh đang phải đối mặt với thách thức địa - chính trị quan trọng nhất kể từ thời Chiến tranh lạnh” - theo ông O’Brien, là khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Điều chỉnh mục tiêu

Trong Chiến tranh lạnh, các chiến lược gia quốc phòng Mỹ cho rằng việc duy trì một lực lượng trên bộ hùng hậu ở châu Âu là điều cần thiết để kiềm chế Liên Xô. Đến những năm 2000, trọng tâm của Mỹ chủ yếu tập trung vào khu vực Trung Đông với “cuộc chiến chống khủng bố” tại Iraq và Afghanistan. Các ưu tiên của quân đội Mỹ đã thay đổi, cuộc chơi giờ đây sẽ tập trung vào Trung Quốc (TQ).

Các thách thức từ TQ có thể kể đến như việc Bắc Kinh tiếp tục chi tiền đẩy mạnh sức mạnh quân sự. Sách trắng quốc phòng của Nhật ước tính chi tiêu quốc phòng thực tế của TQ cao hơn nhiều so với ngân sách hằng năm được công bố, cao gần gấp ba lần ngân sách quốc phòng của Nga.

Điểm mấu chốt trong chiến lược quốc phòng của TQ là chiến lược chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD) với mục đích ngăn chặn các tàu chiến và máy bay chiến đấu của Mỹ tiếp cận bờ biển nước này. Để thực hiện mục tiêu này, TQ đã tăng cường các hệ thống tên lửa chính xác và radar tiên tiến.

3 xu hướng thay đổi của quân đội Mỹ - ảnh 1

Máy bay F/A-18E Super Hornet bay qua boong tàu sân bay USS Ronald Reagan ở Biển Đông ngày 4-7. Ảnh: US NAVY/CNN

Ba xu hướng chính

Tờ Nikkei Asia Review xác định ba xu hướng chính trong sự thay đổi của quân đội Mỹ: (1) Dịch chuyển về mặt địa lý từ châu Âu và Trung Đông sang châu Á-Thái Bình Dương; (2) Chuyển từ chiến đấu trên bộ sang khái niệm “trận chiến trên biển và trên không”; (3) Bảo vệ chi phí quốc phòng.

Về mặt địa lý, sự dịch chuyển của Mỹ ra khỏi Trung Đông là nhờ sự bùng nổ của cuộc cách mạng dầu đá phiến khiến nước này ít phải phụ thuộc vào nguồn dầu tự nhiên. Năm 2011, chính quyền của Tổng thống Barack Obama đã thực hiện chính sách tái cân bằng, xoay trục sang châu Á sau khi nhận ra việc quá tập trung vào Trung Đông đã tạo ra khoảng trống ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương cho phép TQ trỗi dậy.

Trong một bài viết trên tờ Wall Street Journal vào cuối tháng 6, cố vấn O’Brien cho biết “để chống lại “hai đối thủ cạnh tranh lớn” là TQ và Nga, quân đội Mỹ phải được triển khai ở nước ngoài theo hướng tiến bộ và viễn chinh hơn so với những năm trước đây”.

Từ dãy Himalaya đến vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đến quần đảo Senkaku và hơn nữa, TQ có cả một khuôn mẫu khiêu khích lãnh thổ. Thế giới không được để hành động bắt nạt xảy ra hay cho phép nó tiếp diễn.

Ngoại trưởng Mỹ MIKE POMPEO 

Sự hiện diện quân sự của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã giảm từ 184.000 binh sĩ vào năm 1987 xuống còn 131.000 vào năm 2018. Tuy nhiên, mức giảm đó ít hơn nhiều so với mức giảm ở châu Âu trong cùng giai đoạn - từ 354.000 xuống còn 66.000 quân - với xu hướng chung là hướng tới một lực lượng tinh gọn hơn.

Một trong những ví dụ để thấy Mỹ theo đuổi mục tiêu này là Mỹ sẽ giảm lực lượng đóng quân thường trực tại Đức từ 34.500 xuống còn 25.000 binh lính. Số 9.500 binh sĩ sẽ được bố trí tới những căn cứ khác ở châu Âu, khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hoặc quay lại các căn cứ ở Mỹ.

Về chiến lược, quân đội Mỹ đã chuyển trọng tâm và nguồn lực sang lực lượng hải quân và không quân, vì mối đe dọa từ một cuộc tấn công đổ bộ quy mô lớn ở châu Âu đang giảm dần. Khái niệm “trận chiến trên biển và trên không” được công bố vào năm 2010 nhằm vô hiệu hóa hệ thống phòng thủ A2/AD của TQ bằng cách sử dụng máy bay ném bom tầm xa và tàu ngầm.

Trong trường hợp đối đầu với TQ, năng lực của lực lượng lính thủy đánh bộ cũng như trên biển và trên không đóng vai trò cực kỳ quan trọng vì chiến tranh có thể sẽ diễn ra tại Biển Đông, biển Hoa Đông, Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

Về vấn đề chi phí, Tổng thống Donald Trump nhiều lần tuyên bố việc triển khai quân đội Mỹ trên khắp thế giới đã ngốn một lượng ngân sách khổng lồ và kỳ vọng các quốc gia khác phải chia sẻ gánh nặng này. Ông Trump đặc biệt chỉ trích Đức vì cho rằng nước này không giữ cam kết sẽ dành 2% GDP cho chi tiêu quốc phòng.

Chính quyền ông Trump cũng đang tiến hành đàm phán yêu cầu Hàn Quốc đóng góp tài chính và sẽ tổ chức các cuộc đàm phán tương tự với Nhật từ mùa thu này. Đối với Nhật, gần đây nước này đã quyết định dừng việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa lớp Aegis trên đất liền do lo ngại về vấn đề chi phí. Áp lực từ Mỹ yêu cầu phải đóng góp tài chính có thể khiến Nhật phải điều chỉnh chiến lược quốc phòng của mình.

Từ cuối tuần rồi, hải quân Mỹ đưa hai đội tàu sân bay tấn công USS Nimitz và USS Ronald Reagan đến tập trận ở Biển Đông. Trước đó, hải quân TQ cũng tập trận gần quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam).

Bộ Quốc phòng Mỹ cáo buộc các cuộc tập trận của TQ “làm mất ổn định tình hình Biển Đông”. Ngày 8-7, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo lên tiếng rằng thế giới không thể cho phép TQ khiêu khích trong chuyện tranh chấp lãnh thổ.

Có thể thấy Mỹ tỏ rõ thái độ chống đối TQ trên nhiều mặt trận. Trong vụ xung đột biên giới gần đây giữa Ấn Độ và TQ thì Mỹ đứng về phía Ấn Độ. Ngày 8-7, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói “phía TQ đã có hành động gây hấn đến mức khó tin” và “phía Ấn Độ đã làm hết sức để đối phó”. 

 

Tác giả bài viết: HÒA ĐẶNG - ĐĂNG KHOA

Nguồn tin: plo.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Sinh nhật hội viên tháng 01

Chúc mừng sinh nhật

Chúc mừng sinh nhật

  • NGUYỄN VĂN NAM

    Hội viên : NGUYỄN VĂN NAM

    CÔNG TY TNHH XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI ĐẦU TƯ & QC VINAEVENT

Hội viên mới

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây